Câu chuyện văn hóa: Dấu ấn văn hóa 2021 – Nhìn lại và bước tiếp
Việt Nam đã trải qua một năm nhiều khó khăn, từ dịch bệnh, bão lũ, hết đợt giãn cách này đến đợt giãn cách khác, và nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội. Trong gian khó, tinh thần Việt Nam, trái tim và con người Việt Nam lại sáng lên. Đó là vẻ đẹp của tình đoàn kết, trên dưới một lòng, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia… của người dân cả nước. Đó còn là sự dấn thân, cống hiến, hy sinh của những người ở tuyến đầu. Ý chí vượt khó, không khuất phục và niềm tin, tất cả làm nên sức mạnh đất nước – Dấu ấn văn hóa lớn nhất của năm.
NÉT ĐẸP VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT TRONG GIAN KHÓ
Làm việc liên tục dưới cái nắng nóng trong bộ đồ bảo hộ, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc từ các y bác sĩ đã nghỉ hưu đến các sinh viên trường Y, những người lính trẻ sẵn sàng tham gia chống dịch ở những điểm nóng. Nhiều đêm thức trắng trong cuộc chiến sinh tử, những chiến sĩ áo trắng, anh bộ đội cụ Hồ hay công an nhân dân… đã giành giật sự sống cho nhân dân. Có những người nằm mãi lại khi cứu dân trong cơn bão lũ, dịch bệnh…
“Người Việt yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc vô cùng bởi đó chính là trọn nghĩa tình đạo lý, đó chính là chủ nghĩa nhân đạo. Chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo cũng chính là dòng chảy lấp lánh trong tâm hồn người Việt”, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát trển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tại hậu phương, cả nước nối vòng tay lớn hướng về miền Nam, hàng chục tấn nhu yếu phẩm ngày ngày được vận chuyển về nơi khó khăn. Ai có gì góp nấy. Trong gian khó, những phẩm chất đẹp của người Việt lại sáng lên. Từ cụ già, em nhỏ giành tặng tiền tiết kiệm, những bữa cơm thiện nguyện mỗi ngày, máy ATM gạo miễn phí, siêu thị không đồng… những hình ảnh này lay động hàng triệu trái tim người Việt hướng về sự tử tế, lòng sẻ chia, nghĩa tình đồng bào ruột thịt, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Đó là sức mạnh đoàn kết nhân ái được dân tộc nuôi dưỡng từ ngàn đời.
HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC – QUYẾT TÂM CHẤN HƯNG VĂN HÓA NƯỚC NHÀ
Làm sao để biến văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triền vững với khát vọng hùng cường. Làm thế nào để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội- ý thức về văn hóa được thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, từ cấp ủy đảng đến người dân. Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Đây cũng là sự kiện văn hóa được mong đợt nhất kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên vào năm 1946. Nhiều kỳ vọng và quyết tâm đến văn hóa được đầu tư xứng tầm, để chấn hưng và phát triển.
Khát vọng giải phóng dân tộc đã từng là sức mạnh vô biên, rời non lấp bể để dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thủ xâm lược. Tới nay, sức mạnh tinh thần ấy cần được đánh thức trở lại trong công cuộc phát triển đất nước.
Tư tưởng duy kinh tế, ít quan tâm đến văn hóa được xác định là căn bệnh khó chữa nhiều năm, cần phải thay đổi. Văn hóa cần phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy, đầu tư cho văn hóa vẫn còn thấp trong nhiều thập kỷ qua. Mục tiêu năm 2010, ít nhất đạt được 1,8% trong tổng chi ngân sách cho đầu tư văn hóa. Nhưng thực tế, sau hơn 10 năm trôi qua, con số đạt được chỉ từ 50-60% định mức tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.
“Tôi nhớ câu nói của nhà thơ Hữu Thỉnh rằng nếu bớt 1 đồng chi tiêu cho văn hóa thì anh thêm một 100 đồng để xây nhà tù. Điều đó cho thấy sứ mệnh cần thiết của văn hóa. Đảng và Chính phủ đã quan tâm, nhưng việc đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung vẫn còn hạn chế”, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.
Việc xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị Việt Nam cũng đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia, Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa sau hàng chục năm nghiên cứu và chưa có tổng kết cuối cùng. Đó là hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam, cùng với đó là chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa để văn hóa thực sự là sức mạnh mềm trong kỷ nguyên hội nhập.
CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG CỦA NGHỆ SĨ
Một điều phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh đóng góp cho văn hóa nghệ thuật nước nhà, một bộ phận người nổi tiếng, hay tự xưng là nghệ sĩ đã bộc lộ những hành xử lệch chuẩn như thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện, quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi, ăn mặc phản cảm…, ảnh hưởng đén danh xưng nghệ sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Năm qua ghi nhận quyết tâm chấn chỉnh hành xử của nghệ sĩ từ phía các cơ quan chức năng.
Trong năm 2021, hàng loạt nghệ sĩ phải đối diện với sự truy vấn của công luận về tính kịp thời,minh bạch và công khai của hoạt động quyên góp từ thiện. Đến nay, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Chưa có kết luận cuối cùng nhưng những mất mát về lòng tin, sự trân trọng với nghệ sĩ là điều khó tránh khỏi.
Tháng 6/2021, Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng được ban hành. Tiếp đó, hàng loạt rapper sáng tác những ca khúc dung tục bị xử phạt. Lần đầu tiên, một cựu người mẫu cũng bị phạt 7,5 triệu đồng vì nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Những động thái cho thấy quyết tâm chấn chỉnh môi trường nghệ thuật từ phía cơ quan quản lý.
Vào những ngày cuối năm, Quy tắc ứng xử cho người hoạt động nghệ thuật chính thức ban hành, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, các quy tắc cần được cụ thể hóa, phù hợp với nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật có đặc thù khác nhau. Như vậy, bộ quy tắc mới có sức lan tỏa và hiệu ứng sâu rộng.
DỌN RÁC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Trong bức tranh văn hóa năm qua, môi trường mạng bị ô nhiễm nghiêm trọng, bị nhuốm màu đen tối bởi đủ thứ rác như tin tức bôi nhọ xuyên tạc về dất nước, tin giả về COVID-19, livestream phản cảm. Để chống lại thứ virus độc hại, tạo vaccine cho người dùng mạng, liên ngành công an, văn hóa, thông tin truyền thông và các địa phương đã chung tay, tạo nên bộ giải pháp kiềng 3 chân, đó là pháp lý, truyền thông giáo dục và kỹ thuật để dọn dẹp rác trên không gian mạng.
Năm qua, thành phố Hồ Chí Minh – địa bàn nóng về virus tin giả – cũng là địa phương xử lý mạnh tay vấn nạn này, với 28 hồ sơ phục vụ điều tra, khởi tố và xử lý hình sự, ngăn chặn gỡ bỏ hơn 1..300 bài viết vi phạm.
Khi cả nước bước sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, có tới 200.000 tin bài giả mạo, xuyên tạc Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, theo dõi và giám sát hơn 3.000 trang mạng, yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ khoảng 11.000 bài viết, video, đường dẫn có nội dung xấu độ, xử phạt hành chính hàng trăm đối tượng. Pháp luật Việt Nam có đủ chế tài hành chính và hình sự thể hiện trong Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Luật hình sự 2015, các Nghị định…
Tôn trọng pháp luật, xây dựng môi trường mạng văn minh, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Bộ cũng đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề mới trong Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các mạng xã hội xuyên biên giới phải có bộ phận tiếp nhận khiếu nại ở Việt Nam, buộc gỡ thông tin sai phạm nghiêm trọng, 100% tài khoản giả mạo, thông tin xuyên tạc được Google, Youtube, Facebook gỡ bỏ khi có yêu cầu.
NHỮNG SHOW DIỄN TRỰC TUYẾN – NGHỆ THUẬT THÍCH ỨNG VỚI NHỊP SỐNG BÌNH THƯỜNG MỚI
Dịch bệnh, giãn cách khiến cả xã hội phải thích ứng, thay đổi trong đó có các ngành nghệ thuật. Thời gian dài rạp phim, nhà hát, câu lạc bộ văn hóa đóng cửa, các nghệ sĩ vẫn đem tài năng của mình đến với công chúng… qua những show diễn trực tuyến. Đến sân chơi lớn nhất của giới điện ảnh 2 năm 1 lần, Liên hoan phim Việt Nam, cũng được tổ chức gọn nhẹ, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Nhưng không vì thế, chất lượng của Liên hoan phim Việt Nam bị ảnh hưởng.
San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch là chuỗi chương trình quy mô, quy tụ nhiều nghệ sĩ ở 12 nhà hát trung ương, được Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức đều đặn trong suốt gần 4 tháng cuối năm. Đây là nỗ lực lớn của các đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Nhiều chương trình đã được tổ chức bài bản, công phu, thể hiện rõ định hướng số hóa nghệ thuật, bước đầu được khán giả ghi nhận.
Các buổi hòa nhạc trực tuyến, show ca nhạc không khán giả dưới hàng ghế đã trở thành một phần của đời sống nghệ thuật trong nhịp sống bình thường mới. Khó khăn trăm bề, nghệ sĩ phải xoay sở mưu sinh nhưng trên sàn tập, mồ hôi vẫn rơi chờ ngày sân khấu sáng đèn trở lại. Các đơn vị nghệ thuật đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt khó, thích ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn kéo dài.
NHỮNG NIỀM MẤT MÁT CỦA VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ
Một năm, nền văn hóa nghệ thuật nước nhà mất đi nhiều tên tuổi lớn ghi dấu ấn trong lòng công chúng, trong đó có những nghệ sĩ qua đời vì đại dịch COVID-19. Danh ca Lệ Thu mất ở tuổi 78 ngày 16/1 tại California, Mỹ sau gần hai tháng chữa COVID-19. Nghệ sĩ Quốc Trụ qua đời ở tuổi 80 vào ngày 14/8. Tin ca sĩ Phi Nhung qua đời hôm 28/9 gây sốc với đông đảo giới nghệ sĩ và khán giả. Mảng kịch nói – cải lương chứng kiến sự ra đi của nhiều gương mặt gạo cội như đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nghệ sĩ Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, diễn viên Thanh Linh, nhạc sĩ Thanh Dũng…
Bên cạnh đó, nhiều gương mặt gạo cội của làng nghệ thuật qua đời sau thời gian chống chọi bệnh tật như nghệ sĩ Trung Kiên, nhạc sĩ Phú Quang, nghệ sĩ Trần Hạnh. Làng phim ảnh – sân khấu trải qua mất mát khi nghệ sĩ Hoàng Dũng, đạo diễn Lê Cung Bắc, nghệ sĩ Giang Còi, đạo diễn Trần Cảnh Đôn ra đi. Vào những ngày cuối năm, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ – bất ngờ từ biệt khán giả sau thời gian trị ung thư.
Giới nghệ sĩ cũng bàng hoàng khi nhiều đồng nghiệp đột ngột ra đi ở độ tuổi sung sức với nghề. Hoa hậu Thu Thủy mất hồi tháng 6 ở tuổi 45 vì đột quỵ. Giữa tháng 8, ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44 sau thời gian điều trị viêm phổi.
UNESCO VINH DANH VĂN HÓA VIỆT
Ngày 15/12, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái; cũng thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris từ ngày 9 – 24/11/2021, các đại biểu thành viên của tổ chức này đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử mà UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất trong niên khóa 2022 – 2023. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương, cũng như hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác của các nước.
HỒI PHỤC DU LỊCH – NẮNG ẤM PHÁ BĂNG CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI
Tháng 11, sau 2 năm đóng cửa, khách quốc tế đã trở lại Việt Nam, trải nghiệm vẻ đẹp của Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang… Nắng ấm đang dần phá băng du lịch quốc tế, đó cũng là nỗ lực phục hồi của ngành công nghiệp không khói.
Năm 2021 tiếp tục là năm chạm đáy khủng hoảng của ngành du lịch. Lượng khách nội địa đạt hơn 34 triệu lượt, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa không lưu trú khiến những người làm dịch vụ du lịch lâm vào cảnh lao đao khi thu không đủ bù chi.
Cùng với chính sách hỗ trợ, Nghị quyết 128 của Chính phủ mang tới tia hy vọng cho ngành, thích ứng an toàn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh đã đưa đến những tín hiệu vui. Lượng khách nội địa tăng gấp 3 lần, đạt 2,5 triệu lượt trong tháng 11 khi các địa phương nới lỏng. Sau 20 tháng đóng băng không đón khách quốc tế, những đoàn khách đầu tiên đã trở lại, chỉ trong 2 tháng thí điểm, có 3.500 khách quốc tế đến Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN thiết lập hành lang du lịch an toàn, tiến tới trao đổi khách du lịch giữa các quốc gia. Việc này có ý nghĩa quan trọng bởi chỉ khi phục hồi được cả ba thị trường khách nội địa, khách inbound và outbound, khi ấy du lịch mới thực sự phục hồi.
Bên cạnh những dấu ấn văn hóa Việt Nam, Câu chuyện văn hóa tuần này còn đề cập tới những điểm nhấn văn hóa quốc tế trong năm 2021 như Triển lãm EXPO Dubai 2020, sự trở lại của nhiều ngôi sao, giải Oscar đầy bất ngờ, hiện tượng phim Squid Games, làn sóng thanh trừng mạnh mẽ ở Trung Quốc, vẻ đẹp châu Á lên ngôi tại các đấu trường nhan sắc…
Theo VTV.vn