Câu hỏi trắc nghiệm Văn hóa học đường – Trường Tiểu học Thủ Lệ
Câu hỏi trắc nghiệm Văn hóa học đường. Văn hóa ứng xử học đường là một môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, vấn đề xây dựng văn hoá ứng xử trong học đường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng trường học. Văn hoá ứng xử giữa học trò với nhau ngày nay mang nhiều màu sắc biến tướng – nhiều hệ lụy của nó đang là vấn đề nhức nhối làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và làm cho xã hội quan tâm lo lắng.
Bạn đang xem: Câu hỏi trắc nghiệm Văn hóa học đường
Trường Tiểu học Thủ Lệ gửi đến bạn đọc Câu hỏi trắc nghiệm Văn hóa học đường.
1. Câu hỏi trắc nghiệm Văn hóa học đường
Câu 1: Theo em Văn hóa ứng xử học đường thể hiện ở những nội dung nào sau đây?
a. Ăn mặc sành điệu, thể hiện mình bằng lời nói thô tục, đánh nhau, gây sự với bạn.
b. Ngôn ngữ trong sáng, cử chỉ thân thiện, đúng mực
c. Thái độ ôn hòa, nhã nhặn, lễ phép, tôn trọng thầy cô, bạn bè
d. Trang phục phù hợp
e. Cả 4 đáp án trên
Câu 2: “Những người biết ứng xử thường thành công và hạnh phúc hơn những người khác. Đôi khi ứng xử đẹp chẳng có gì to tát, chỉ là một lời cảm ơn khi bạn giúp mình, một lời xin lỗi khi mình nói sai”! Bạn nghĩ sao về câu nói này?
a. Đúng. Biết cách ứng xử, tôn trọng mọi người là một trong những thước đo giá trị của một con người. Người nào biết tôn trọng người khác cũng sẽ nhận được sự tôn trọng và sống trong tâm trạng vui vẻ thoải mái, hạnh phúc.
b. Sai. Thành công và hạnh phúc không phụ thuộc vào ứng xử.
c. Cả hai ý kiến trên.
(Giải thích: Trên đây là hình ảnh Lênin trong tiệm cắt tóc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu cũng xếp hàng như bao người dân nước Nga khi vào tiệm cắt tóc và hình ảnh minh họa xếp hàng của những người Mỹ. Tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được họ sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt… Mọi người luôn nhường nhịn nhau trong giao tiếp, nhất là xếp hàng theo thứ tự không bao giờ chen lấn giành chỗ cho dù bạn là ai.
Trong thực tế cuộc sống của chúng ta những người biết cách cư xử với mọi người đều giành được sự quý trọng của bạn bè, sự yêu mến của thầy cô, bố mẹ ông bà và những người thân. Và để bắt đầu học cách ứng xử đẹp không có gì là quá khó! Bạn có thể bắt đầu từ 4 chữ rất giản đơn: “Xin lỗi và Cảm ơn” đúng lúc! Tuy nhiên, tất nhiên không phải mọi thành công và hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào ứng xử mà nó còn có nhiều yếu tố khác như: Quá trình học tập, lao động, cống hiến của bạn .v.v. Không bao giờ muộn hay ý thức hơn nữa để góp phần làm xã hội Việt Nam chúng ta mỗi ngày càng tốt đẹp hơn trong con mắt cộng đồng và trong con mắt bạn bè quốc tế. Chúc các bạn là những người thành công trong cuộc sống”!)
Câu 3: Theo bạn thế nào là người có Văn hóa mạng, biết sử dụng Internet và điện thoại di động?
a. Là người sử dụng mạng (internet) vào những mục đích lành mạnh như tìm hiểu thông tin, tri thức .v.v., không lợi dụng internet vào mục đích xấu. Sử dụng điện thoại di động đúng mục đích liên lạc, không quay và ghi hình những hình ảnh trái thuần phong mỹ tục.
b. Giao tiếp với người khác trên mạng (internet) thân thiện, lịch sự. Không để chuông điện thoại gây tiếng ồn những nơi tập thể như trong trường, lớp học.
c. Ngôn ngữ giao tiếp trong sáng, lành mạnh.
d. Cả 3 ý kiến trên
(Giải thích: Với kho tàng khổng lồ về thông tin trên Web, Internet chính là kho tàng văn hoá, nơi chứa đựng một nguồn thông tin văn hoá, tri thức khổng lồ của nhân loại. Thế nhưng nhiều bạn trẻ lại chưa biết cách sử dụng khai thác triệt để những lợi ích của mạng Internet, biết cách sử dụng điện thoại di động đúng mục đích và lịch sự ngược lại các bạn lại dùng điện thoại quay clip với những hình ảnh phản cảm, clip cảnh đánh hội đồng của những nữ sinh…, đưa lên mạng những lời nói tục, đặc biệt là hiện tượng nghiện game! Mong rằng qua mạng Internet các bạn sẽ làm phong phú tri thức, hiểu biết của bản thân và biết cách sử dụng mạng, sử dụng điện thoại di động đúng mục đích!”.
Câu 4: Theo em để gây dựng và duy trì tốt mối quan hệ tốt đẹp với các bạn học cần phải ứng xử như nào?
a. Tôn trọng nhau.
b. Quan tâm, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống.
c. Giao tiếp với nhau cởi mở, chân tình: từ cách xưng hô đến ánh mắt, nụ cười. Khiêm tốn khi đánh giá về mình. Thật thà, trung thực khi đối xử với bạn.
d. Đoàn kết, giúp đỡ bạn nhưng không bao che khuyết điểm cho bạn khi bạn mắc sai lầm cần tế nhị khuyên bảo.
e. Tất cả ý trên
Câu 5: Đâu là cách Ứng xử đúng giữa học sinh với với thầy cô giáo và người lớn tuổi?
a. Lễ phép, tôn trọng và vâng lời thầy cô giáo, kính trọng người lớn tuổi
b. Thân thiện nhưng giữ khoảng cách thầy trò.
c. Biết kính trên nhường dưới. Giúp đỡ người lớn tuổi khi gặp khó khăn.
d. Nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo. Không giúp đỡ người lớn tuổi.
Câu 6: Theo bạn vấn đề bạo lực học đường xảy ra là do những nguyên nhân nào?
a. Bản thân học sinh ở lứa tuổi 12 đến 18 thường có nhiều chuyển biến tâm lý, muốn tự khẳng định mình thể hiện cho mọi người biết, bạo lực thường xảy ra vì những lí do trực tiếp rất không đâu như: Nhìn đểu, nói móc, tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp…
b. Sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống.
c. Đối với gia đình, do bố mẹ bận kiếm kế sinh nhai hay đời sống gia đình bất hòa dẫn đến ít quan tâm và chưa có biện pháp quản lý, giáo dục con em.
d. Tiếp cận trò giải trí như game online, phim ảnh bạo lực và các diễn đàn trên mạng khiến các em dễ dàng tiếp cận và học tập những hình ảnh, thói quen xấu.
e. Cả bốn nguyên nhân trên.
Câu 7: Theo các bạn để ngăn chặn bạo lực học đường cần?
a. Nhận thức bản thân các em. Có quan điểm nhận thức, hành động đúng đắn, hình thành những quan niệm sống tốt đẹp.
b. Sự phối hợp từ: gia đình, nhà trường và xã hội.
c. Tất cả các ý trên.
Câu 8: Bạo lực học đường xảy ra và đáng báo động nhiều ở đối tượng là các bạn?
a. Nữ
b. Nam
c. Cả 2 đối tượng trên tỷ lệ là bằng nhau.
(Giải thích: Các kết quả khảo sát cho con số đáng lo khi có tới 64% các em nữ được hỏi thừa nhận là đã từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác và đều biết bạo lực gây nên tổn thương về tinh thần và thể xác. Và đây là một điều hết sức đáng buồn và đáng báo động về vẻ đẹp truyền thống của người con gái Á Đông, làm mất đi thiện cảm, niềm tự hào về vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.)
Câu 9: Những hành vi đánh bạn của một hay một nhóm học sinh bị xử lý theo pháp luật không?
a. Không bị xử lý, chỉ cảnh cáo và giáo giáo dục ở nhà trường.
b. Chỉ người đánh trực tiếp bị xử lý, người xem không giúp đỡ bạn, thỉnh thoảng đánh a dua không bị xử lý.
c. Bị xử lý nghiêm minh. Tùy theo mức độ hành hung bạn mà người gây ra thương tích, những người tham gia sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245, nếu vụ hành hung cấu thành đủ yếu tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác xử theo điều 104 và tội làm nhục người khác điều 121 của Bộ luật hình sự Việt Nam.
(Giải thích: Hình ảnh các em đang xem là hình ảnh của một nhóm bạn chỉ vì không kiềm chế được cảm xúc mà các bạn đã phải trả giá bằng cả tuổi trẻ của mình. Sự việc xuất phát từ việc trêu đùa nhau. Sau cuộc hành hung thì người bạn bị đánh đã tử vong do thương tích quá nặng. Và tất cả nhóm bạn đã phải ra đứng trước vành móng ngựa. Mặc dù khi phạm tội còn ở độ tuổi vị thành niên, nhưng tội lỗi đã gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Cuối cùng tất cả đã phải nhận các bản án tù từ 7 cho đến 11 năm tù. Phiên toà kết thúc trong nỗi đau đớn, nước mắt của những người làm cha, làm mẹ, người thân của các bạn học sinh)
Câu 10: Để xây dựng lối sống đẹp, sống có ích cho tuổi trẻ cần?
a. Trang bị kỹ năng sống, các kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp.
b. Sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội; sống có lý tưởng cao đẹp, tự tin trong hội nhập quốc tế, sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng, cống hiến vì Tổ quốc… thực hiện tốt cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp – sống có ích”.
c. Từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống.
(Giải thích: Hơn 30 năm trước đây, người con gái Hà Nội – Đặng Thuỳ Trâm xung phong vào chiến trường Quảng Trị gian khổ bản thân chịu những thiệt thòi nhưng chị vẫn luôn cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước)
2. Câu hỏi tình huống về Văn hóa ứng xử học đường
Tình huống: Nếu giả sử bạn M được nghe các bạn trong lớp kể lại có một bạn nữ trong lớp đã nói xấu bạn, không những dùng những lời lẽ thô lỗ mà bạn nữ đó còn nói bạn M đã “cướp” người yêu của bạn nữ đó và bạn bị hăm dọa sẽ bị đánh? Nếu bạn là bạn M trong tình huống này bạn sẽ khuyên bạn M xử lý thế nào? Và đặt tình huống ngược lại nếu bạn là bạn nữ kia khi nghĩ rằng người khác yêu người yêu của bạn, bạn có xử sự như bạn nữ đó không?
Gợi ý trả lời:
Nếu bạn M được nghe các bạn kể lại như vậy, điều đầu tiên em sẽ khuyên M sẽ giữ bình tĩnh, bởi có thể bạn của M đang có sự hiểu nhầm, hoặc giả chăng trong chuyện tình cảm là việc tự nguyện giữa hai người bạn quý mến nhau, không thể có chuyện tranh cướp! Hiện giờ M đang là một học sinh dưới mái trường THPT nhiệm vụ hàng đầu là học tập, nếu em là M em sẽ bình tĩnh, giải thích cho bạn hiểu, giữ tình cảm đẹp của tuổi học trò. Nếu được gặp bạn em sẽ nói cho bạn hiểu. Còn nếu bạn tiếp tục hăm dọa em sẽ tâm sự với cha mẹ, thầy cô giáo để có được những lời khuyên và sự giúp đỡ kịp thời không để xảy ra sự hiểu lầm xô xát mà mất đi tình cảm bạn bè.
Nếu giả sử đặt vào trường hợp ngược lại em là bạn nữ kia, biết bạn trai mình hay người con gái khác có tình cảm với bạn trai mình em cũng sẽ cố gắng kìm chế cảm xúc bản thân mình, không nói năng thô lỗ và cũng không gây sự hăm dọa người khác bởi những điều đó chỉ làm cho bản thân mình trở nên xấu xa hơn và bị mọi người coi thường. Khi có những cảm xúc tiêu cực, nóng nảy và muốn trút giận lên người khác nên “tâm sự với ai đó” hoặc “nên nhìn sự việc ở một góc độ khác”… Em nghĩ một người con gái bản lĩnh, hiểu biết, biết cách xử sự sẽ thực sự khẳng định được mình, được mọi người tôn trọng. Em sẽ tìm hiểu nguyên nhân nếu bạn trai em có tình cảm với người con gái khác em sẽ thắng thắn nói chuyện chia tay, chấm dứt chuyện tình cảm không để ảnh hưởng tới việc học tập, còn nếu là bạn gái khác có tình cảm với bạn trai em mà bạn trai em vẫn dành tình cảm cho em thì em sẽ cho bạn thời gian khẳng định tình cảm của mình và chúng em sẽ cùng nhau động viên nhau học tập thật tốt, để sau này có một tương lai tươi sáng. Mọi chuyện kết thúc bằng chuyện đánh nhau không những làm mất đi giá trị của người con gái, không những thế điều đó sẽ làm đau lòng bậc cha mẹ chúng ta, những người đã yêu thương chăm bẵm con từ khi còn thơ dại mong đến ngày con trưởng thành mà nghe những điều như thế về con cái mình em tin chắc rằng cha mẹ nào cũng đau lòng! Em tin nếu em làm được điều đó em vẫn sẽ được bạn trai của em tôn trọng!
– Đưa ra thông điệp phòng tránh bạo lực học đường.
3. Câu hỏi tình huống Văn hóa học đường về sử dụng điện thoại di động
Tình huống: Trong giờ học môn Ngữ văn, cô giáo đang giảng bài văn nghị luận về vấn đề Văn minh học đường, bỗng nhiên cả lớp nghe tiếng chuông điện thoại rất to từ phía cuối lớp, ngay sau đó là một bạn nữ vội vàng vừa nghe điện thoại vừa chạy ra khỏi lớp trước sự ngạc nhiên của cả lớp, sau đó khoảng 5 phút bạn lại thản nhiên đi vào chỗ ngồi như chưa có chuyện gì xảy ra? Sau đó bạn giơ máy lên quay cô giáo đang giảng bài, bạn bên cạnh nhắc bạn thì bạn nói: Để “tui” quay lại bài cô giảng còn biết đường mà học, còn đưa lên mạng chém gió với chúng nó chứ? Theo em trong tình huống đó bạn nữ làm thế có đúng không?
Gợi ý trả lời:
Dùng điện thoại di động không có gì là xấu, nhưng vấn đề đặt ra ở đây đối với học sinh là các bạn đang sử dụng điện thoại di động không đúng mục đích. Đặc biệt trong thời gian gần đây, có nhiều vấn đề trong đời sống học sinh được chính chiếc điện thoại hàng ngày của các bạn “tố cáo” nhiều việc làm thiếu văn minh, lịch sự trái thuần phong mỹ tục của các bạn!
Bạn nữ trong tình huống vừa rồi đã vi phạm nội quy, quy tắc của lớp học. Trong lớp bạn đã để chuông điện thoại làm ảnh hưởng đến giờ học của cả lớp. Bạn lại cư xử thiếu lễ độ với cô giáo. Bạn ra khỏi lớp để nghe điện thoại đã là việc không nên nếu như không có việc gì cần thiết vì nếu ai cũng ra ngoài nghe điện thoại thì lớp học sẽ giống như cái chợ. Bạn lại không xin phép cô giáo về mặt đạo đức bạn sẽ bị đánh giá và theo quy định của nhà trường sẽ có các biện pháp giáo dục đối với bạn như: Ghi sổ đầu bài, bị đứng dưới cờ… Tùy theo mức độ vi phạm, thái độ hành vi của bạn sẽ có những biện pháp xử lý. Nhưng điều đáng buồn là không phải chỉ có một vài bạn có hành vi như thế mà rất nhiều bạn sử dụng điện thoại thiếu văn hóa và sử dụng không đúng lúc. Bạn lại còn quay khi cô giáo giảng bài và đưa lên mạng để bàn tán về một vấn đề, điều đó cho thấy bạn đang sử dụng điện thoại không đúng mục đích. Một điều đáng buồn là nhiều bạn học sinh đưa hình ảnh lên mạng nhưng chính bản thân các em cũng không nhận thức được hết những vấn đề mà clip đó gây ra. Không những chỉ quay và bàn về những vấn đề trái thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thiếu tôn trọng cá nhân mỗi người mà các bạn nhiều lúc còn quay hay truyền tay nhau những clip sex, đánh nhau… Nhiều khi việc quay clip đánh nhau hoặc ghi âm, chụp ảnh trong lớp học… đều xuất phát từ bản năng muốn dùng tính năng của điện thoại ghi lại những “khoảnh khắc” đó chứ không phải sự cố ý thế nhưng khi đưa lên mạng thì những hình ảnh đó lại lan truyền đi khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả thế giới đều có thể truy cập mạng. Một câu hỏi đặt ra: Bạn bè năm châu sẽ nghĩ sao về tuổi trẻ của đất nước chúng ta? Liệu chúng ta đã làm tốt lời Bác dạy chưa? Có thể sánh vai với cường quốc năm châu hay chưa? Hay bằng chính những hành động đó chúng ta làm cho mất hình ảnh đẹp về người Việt Nam mà biết bao thế hệ ông cha ta đã phải đổ máu hi sinh. Những trường hợp tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo Bộ luật hình sự của nước CHXH CN Việt Nam. Mong rằng tất cả các bạn sẽ biết sử dụng điện thoại đúng mục đích và luôn là một học sinh gương mẫu, lễ phép với thầy cô giáo.
– Đưa ra thông điệp về sử dụng điện thoại di động và văn hóa mạng.
4. Câu hỏi tình huống Văn hóa học đường về bạo lực học đường
Tình huống: Do va chạm xích mích, một số thanh niên ngoài trường đến chờ lúc tan học sẽ đến đánh một học sinh lớp bạn. Vô tình biết được thông tin này, bạn sẽ ứng xử thế nào?
Gợi ý trả lời:
Đây không phải là một tình huống hiếm gặp nhất là đối với những học sinh ở bậc phổ thông trung học. Ở độ tuổi này tuy các bạn đã có sự trưởng thành nhưng tính cách vẫn còn khá xốc nổi, dễ bị kích động. Nên đôi khi chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt: một câu nói trêu chọc, một cái huých vô tình, hay thậm chí là một cái nhìn “đểu” cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau. Tình huống này liên quan đến vấn đề sức khỏe và tính mạng của bạn. Dù biết đây là chuyện xích mích ở ngoài trường nhưng nó liên quan trực tiếp đến các bạn cùng lớp cùng trường. Dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng một hành động can ngăn không để xảy ra đánh nhau vào lúc này là hết sức cần thiết. Nếu bạn vô tình bỏ qua vì một suy nghĩ thiếu trách nhiệm, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi chẳng may hậu quả đáng tiếc xảy ra?
Trong tình huống này em sẽ báo cho thầy cô giáo chủ nhiệm biết để yêu cầu các bạn học sinh lưu lại trường, để thầy cô giáo cử lớp trưởng hoặc một bạn trong lớp về báo ngay cho gia đình đến đón bạn học sinh đó về. Báo cáo với bảo vệ trường giải tỏa đám thanh niên đó. Nếu thấy có dấu hiệu còn có khả năng số người đó tìm cách đón đánh học sinh của lớp bạn thì bạn nên nhờ người lớn hoặc báo cho công an địa phương nhờ can thiệp khi cần thiết. Làm như vậy có thể tạm thời tránh cho các bạn của mình phải trực tiếp đối đầu với nguy hiểm. Sau đó chắc chắn thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ tìm hiểu lý do tại sao xảy ra mâu thuẫn đó và tìm cách giải quyết dứt điểm.
– Đưa ra thông điệp.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Trường Tiểu học Thủ Lệ.
Các bài viết liên quan:
- Thầy/cô thường sử dụng phương pháp đánh giá bằng quan sát trong dạy học như thế nào?
- Hai hình thức đánh giá chính trong phương pháp kiểm tra viết là gì?
- Quan điểm của thầy cô về thuật ngữ kiểm tra và đánh giá là gì?
- Năng lực học sinh được thể hiện như thế nào?
- Thế nào là đánh giá định kỳ?
- Câu hỏi tự luận có những dạng nào? Đặc điểm của mỗi dạng đó?
- Tại sao có thể nói quy trình 7 bước kiểm tra đánh giá năng lực học sinh tạo nên vòng tròn khép kín?
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ
Chuyên mục: Giáo dục