‘Câu lạc bộ’ ngân hàng có lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng
10 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận năm 2019 là Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, MB, ACB, HDBank, VIB, TPBank. Khảo sát của Người Đồng Hành với 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính 2019 cho thấy 6 trong số 10 nhà băng đứng đầu này có lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng.
3 trong số 4 ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank có tên trong “câu lạc bộ”. Trong đó, Vietcombank giữ ngôi quán quân toàn ngành với 23.122 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019, tăng 27% so với 2018 và đạt 115% kế hoạch năm. Ngân hàng lãi lớn nhờ hầu hết mảng kinh doanh tăng trưởng tích cực, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 49%, đạt 3.378 tỷ đồng, bên cạnh trích lập dự phòng rủi ro giảm 8% còn 6.790 tỷ đồng.
VietinBank đứng vị trí thứ 3, vượt BIDV trong bảng xếp hạng. Thứ tự này có sự thay đổi so với năm 2018 nhờ lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng mạnh 75% đạt 11.780 tỷ đồng, trong khi BIDV tăng khoảng 15% lên 10.876 tỷ đồng. Lợi nhuận VietinBank đến nhờ thu thuần dịch vụ tăng 46% lên 4.056 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối cũng tăng cao 120%, đạt gần 1.565 tỷ đồng. Tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động.
Trong khi đó, BIDV tụt hạng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2019 là 20.009 tỷ đồng, gấp 1,5 lần VietinBank. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ này tại BIDV dao động 62-67%. Tổng chi phí trích lập trong 3 năm gần nhất khoảng gần 53.700 tỷ đồng, tương đương 65% lãi thuần kinh doanh.
Về phía ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank có lãi trước thuế 2019 đạt 12.838 tỷ đồng, tăng 20% so với 2018 và vượt 9% kế hoạch đề ra. Xét trên toàn hệ thống, ngân hàng này xếp thứ hai, thấp hơn đơn vị đứng đầu khoảng gần 10.300 tỷ đồng. Lãi Techcombank tăng, một phần nhờ trích lập dự phòng giảm 50% so với 2018, ở 917 tỷ đồng.
Những ngân hàng có lợi nhuận 2019 vượt 10.000 tỷ đồng. Nguồn: FiinPro/BCTC các ngân hàng.
Vị trí thứ 5 và 6 thuộc về VPBank và MB. Năm 2019, VPBank có lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 12% so với 2018 và vượt 9% kế hoạch. Qua đó, ngân hàng ghi tên vào danh sách số ít các nhà băng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Động lực chính giúp VPBank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục từ sự đột phá ở các phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó lý giải vì sao lợi nhuận từ ngân hàng mẹ ngày càng đóng góp tỷ trọng nhiều hơn vào lợi nhuận hợp nhất. Cụ thể, lãi trước thuế của riêng ngân hàng mẹ năm 2019 là 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% lãi hợp nhất.
MB lãi trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29%, tương đương 101% kế hoạch năm. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 7.823 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận ngân hàng tăng một phần là do lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn tăng đáng kể 113%, đạt 640 tỷ đồng.
Ngoài các ngân hàng trong “câu lạc bộ” lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, tốp 10 lợi nhuận 2019 ngành ngân hàng có sự góp mặt của ACB, HDBank, VIB và TPBank.
Trong đó, ACB có lãi trước thuế tăng 18% đạt 7.515 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh 71% còn gần 274 tỷ đồng. HDBank lãi trước thuế 5.018 tỷ, tăng 25% so với năm 2018 và là mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Kết quả trên có được nhờ thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.747 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2018. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 36%, đạt 596 tỷ đồng.
VIB có thu nhập lãi thuần tăng 28% lên 6.210 tỷ đồng. Thu dịch vụ đạt 1.797 tỷ đồng, gấp 2,4 lần, chiếm 22% cơ cấu (từ mức 12% cuối năm trước). Chi phí dự phòng 605 tỷ đồng, giảm 7% nhờ tỷ lệ nợ xấu giảm và không còn nợ VAMC, theo đó ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.082 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018. Bên cạnh đó, theo VIB, ngân hàng dẫn đầu các sản phẩm cho vay mua nhà, ôtô, thẻ tín dụng và bảo hiểm nhân thọ. Cho vay ô tô tại Việt Nam của VIB chiếm 24% thị trường.
Đứng cuối cùng trong top 10 là TPBank có lãi trước thuế 3.868 tỷ đồng, tăng 71% so với năm trước, đạt 122% kế hoạch. Với định hướng tập trung vào ngân hàng bán lẻ, tín dụng trong năm 2019 tăng trưởng ổn định trên 20% với dư nợ đạt gần 102.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.