Câu phủ định là gì? Chức năng và các dạng của câu phủ định – THPT Lê Hồng Phong
Câu phủ định là gì? Chức năng và các dạng của câu phủ định
Cùng THPT Lê Hồng Phong tìm hiểu câu phủ định là gì? Câu phủ định có chức năng gì trong văn viết và văn nói? Các dạng phổ biến của câu phủ định,…
Câu phủ định là gì?
Định nghĩa Sách giáo khoa lớp 8 đã nêu rõ: câu phủ định là trong câu đó có các từ ngữ phủ định ví dụ như không phải, chẳng phải, không, chẳng, chả…đây là đặc điểm nhận dạng trong các câu rất dễ nhận thấy.
Câu phủ định còn phủ nhận các hành động, trạng thái, tính chất đối tượng trong câu.
Ví dụ: “Thứ 7 này Hà không về quê” – từ phủ định “không”
“Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. – Từ phủ định “không”
Chức năng của câu phủ định là gì?
Dùng để thông báo, xác định
Thông báo, xác định không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó mà bạn chắc chắn nó sẽ sai hoặc không hợp lý. Nó còn gọi là câu phủ định miêu tả. Loại này được sử dụng nhiều nhất và dễ nhận biết nhất.
Ví dụ: Chiều nay trời không mưa.
Dùng để phản bác
Phản bác một ý kiến, một nhận định từ cá nhân hay tổ chức được gọi là câu phủ định bác bỏ. Ví dụ như trong một cuộc họp, thảo luận nhóm, một nhóm người đề xuất ý kiến thì sẽ có nhiều người phản bác, đưa ra các ý kiến ngược lại.
Ví dụ:
A: Tối nay Lan đi xem phim với Trung không?
B: Tối nay Lan không đi được vì có hẹn rồi.
=> Câu phủ định bác bỏ, phản bác bao giờ cũng xuất hiện sau một ý kiến, một nhận xét đã được đưa ra từ trước. Do đó, câu phủ định bác bỏ không bao giờ đứng ở vị trí mở đầu đoạn văn.
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa câu phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ nhiều khi không được thể hiện một cách rõ ràng qua hình thức. Trong trường hợp như vậy, bạn cần dựa vào hoàn cảnh để xác định đâu là câu phủ định miêu tả hay là câu phủ định bác bỏ cho chính xác nhất.
Các loại câu phủ định
Câu phủ định được chia thành 2 loại gồm: câu phủ định miêu tả và câu phủ định bác bỏ.
Câu phủ định miêu tả
Ví dụ 1: Đức Phúc không phải là bạn tôi.
= > Xác nhận không có quan hệ bằng từ phủ định “Không” và mối quan hệ là “bạn tôi”
Ví dụ 2: Hồng không mang vở bài tập toán.
= > Xác nhận không có sự vật bằng từ phủ định là “Không” và sự vật là “vở bài tập”
Ví dụ 3: Minh Phương làm việc đó không sai
= > Xác nhận không có tính chất bằng từ phủ định “Không” và từ mô tả tính chất “Sai”
Câu phủ định bác bỏ
Ví dụ 1: Không phải, bài tập này phải làm theo cách thứ hai.
= > Phủ định bác bỏ ý kiến của người nói và đưa ra đề xuất riêng.
Ví dụ 2: Đâu có đâu, con vẫn đang học bài mà
Từ “ Đâu có” phủ định lại ý kiến của mẹ rằng mình vẫn đang học bài.
Phân biệt câu phủ định bác bỏ và phủ định miêu tả
– Dựa vào vị trí để phân biệt: câu phủ định bác bỏ bao giờ cũng đứng sau một ý kiến, một nhận định nào đó được đưa ra từ trước. Vì vậy câu phủ định bác bỏ thường không đứng ở đầu câu.
Ví dụ:
” Thầy sờ vòi bảo:
-Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa
Thầy sờ ngà bảo:
-Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn
Thầy sờ tai bảo:
-Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc”
(Trích “Thầy bói xem voi”)
=> Các câu phủ định bác bỏ: “Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn” – “Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc”. Trước khi đưa ra ý kiến bác bỏ này thì đã có ý kiến của một thầy bói khác là “…nó sun sun như con đỉa”.
– Dựa vào hoàn cảnh để phân biệt. Nhiều khi không thể dựa vào dấu hiệu hình thức để phân biệt thì trong một số trường hợp cần dựa vào hoàn cảnh cụ thể để biết được đâu là phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ.
Ví dụ: “Không, chúng con không đói nữa đâu. Hai đứa ăn hết ngần kia của khoai thì no mỏng bụng ra rồi còn đói gì nữa”
=> Dựa vào ý nghĩ của chị Dậu cho là các con đang đói, cái Tí bác bỏ ý kiến của mẹ nó rằng “Không, chúng con không đói nữa đâu”.
– Phủ định của phủ định: trong câu xuất hiện hai từ phủ định thì câu đó lại là câu khẳng định
Ví dụ:
“Tôi không thể nào không nhớ được buổi đầu tiên đặt chân vào cánh cửa học đường”
=> Hai từ “không” mang nghĩa khẳng định là “rất nhớ”
– Lưu ý: Một số câu có hàm ý dùng để phủ định nhưng lại không phải là câu phủ định.
Ví dụ:
“Đẹp gì mà đẹp”
“Cuốn sách này có gì mà hay?”
“Làm gì có chuyện đó được”
Ví dụ câu phủ định
Đây là loại câu rất dễ và sử dụng phổ biến hàng ngày vì vậy các em sẽ tìm thấy nhiều ví dụ minh họa. Một số ví dụ dễ hiểu như:
– Vân đi chơi (1)
– Vân chưa đi chơi (2)
Mục đích câu (1) khẳng định sự việc Vân đi chơi nhưng trong câu (2) phủ định sự việc Vân không đi chơi. Câu (2) mang ý nghĩa ngược với câu (1).
– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu ! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác. (Nam Cao, Lão Hạc).
Câu phủ định bác bỏ được sử dụng trong câu “Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu”.
– Chú chim bị thương không đứng dậy được nữa, nằm thở dốc.
“Không” từ ngữ phủ định, khẳng định cho việc chú chim bị thương nằm hoàn toàn dưới đất.
Những lưu ý khi sử dụng câu phủ định
Để nhận biết và sử dụng câu phủ định hợp lý, chính xác nhất, các em ghi nhớ một vài lưu ý sau:
- Nếu trong câu tồn tại 2 từ ngữ phủ định trở lên thì câu sẽ có nghĩa khẳng định.
Ví dụ: Trẫm rất đau xót về điều đó, không thể không dời đổi.
Trong câu, 2 từ phủ định “ không” có nghĩa nhấn mạnh lời nói đó nhất định cần thực hiện ngay.
Hoặc chúng ta có thể chuyển câu phủ định thành câu khẳng định “ Trẫm rất đau xót về việc đó nên quyết định dời đô”
- Một câu bất kỳ có thể không phải câu phủ định nhưng có thể được dùng để biểu thị ý nghĩa phủ định.
Ví dụ: Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?
Câu này là câu nghi vấn, nhưng có nghĩa là câu phủ định.
Bài tập về câu phủ định
Đề bài tập 1: Tìm từ ngữ phủ định và cho biết chức năng của các câu phủ định sau:
a – Tôi đâu có biết anh ấy làm nghề gì.
b – Nó chưa được học tiếng Pháp.
c – Ngày mai chúng ta không phải đến đó nữa.
d – Em đã làm vỡ lọ hoa của lớp phải không? Không, em không hề làm vỡ.
Đáp án bài tập 1
Câu a: Từ phủ định là “đâu có”, chức năng là bác bỏ ý kiến được đưa ra.
Câu b: Từ phủ định là “chưa”. chức năng là xác nhận sự việc chưa diễn ra.
Câu c: Từ ngữ phủ định là “ Không phải”, chức năng là thông báo không có sự việc.
Câu d: Từ phủ định “ không”, chức năng là phản bác ý kiến.
Đề bài tập 2: Viết một đoạn văn khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của em về thông điệp “ Hãy đứng lên khi tổ quốc cần” trong đoạn văn có sử dụng 1 câu phủ định, một câu phủ định để khẳng định
Đáp án bài tập 2:
Hiện nay, dịch covid – 19 có diễn biến ngày một phức tạp và nguy cơ lây lan trong cộng động rất cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức chống dịch tốt. Ví dụ như nhiều bạn trẻ vẫn thường xuyên tụ tập để ăn chơi và không quan tâm đến cảnh báo của cơ quan nhà nước.
Hoàn cảnh của đất nước đang khó khăn, nhiều người thất nghiệp, nhiều công ty, xí nghiệp phải đóng cửa, thậm chí phá sản vì thua lỗ. Chúng ta, những người trẻ tuổi, tuy không đủ khả năng để giúp cho quốc gia lúc này, nhưng chúng ta hãy tuân thủ đúng những quy định về phòng chống dịch, tuyên truyền cho những người xung quanh những cách phòng bệnh Covid – 19 tốt nhất.
Qua bài viết ở trên, THPT Lê Hồng Phong đã giúp các em học sinh hiểu rõ hơn câu phủ định là gì? Chức năng của câu phủ định? Các loại câu phủ định phổ biến, Ôn luyện bài tập câu phủ định,… Các em học sinh có thể truy cập website THPT Lê Hồng Phong để tìm hiểu những bài viết hữu ích, phục vụ cho quá trình học tập và thi cử.
Đăng bởi: THPT Lê Hồng Phong
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc THPT Lê Hồng Phong. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://c3lehongphonghp.edu.vn