Cây nêu ngày Tết

Là con út nên hồi nhỏ, tôi hay được bố cho đi theo những việc của người lớn. Bởi thế mà việc chọn tre làm cây nêu dựng ở đình làng là việc lớn tôi cũng được “tham dự”. Nói “tham dự” vì mọi điều các cụ trao đổi với nhau tôi đều được nghe. Cụ có chòm râu dài thì bảo: Cây này xét về chiều cao thì được, nhưng về tuổi lại mới qua thì bánh tẻ chưa đủ độ, gió to có thể vặn gục đấy! Thế là các cụ lại đi tìm tiếp…

Lúc bấy giờ quanh làng đâu cũng có tre. Nhưng đi đến mấy búi vẫn chưa chọn được cây nào ưng ý. Cây thì chiều cao hơi hẻo, cây được mọi bề thì búi lại chưa ấm. Chưa ấm búi nghĩa là búi tre chưa đủ lớn, chưa có nhiều cây của nhiều thế hệ, có già, có non, có cả măng đang mọc thì càng tốt. Đi một hồi, đến một búi tre to có đến hàng mấy trăm gốc, lại có cả mấy cây măng hiếm gặp dịp cuối năm, bố tôi bảo: “Chọn một cây trong búi này chắc cụ Nhất ưng ý đây!”.

Cụ râu dài vừa nãy vui vẻ: “Được ý các cụ thì cũng được ý tôi thôi!”. Thế là mấy thanh niên đi theo được lệnh hạ cây tre cao nhất búi làm cây nêu ngày Tết cho cả làng. Các cụ hể hả tin rằng, năm nay mọi điều sẽ tốt đẹp. Niềm tin của dân làng vào cây nêu cứ thế truyền đời chứ ngọn nguồn không phải ai cũng hiểu. Có điều, cây nêu càng cao, lại lấy được từ búi tre lớn, đông con, nhiều cháu thì không chỉ đuổi được ma quỷ mà còn mang nhiều phúc ấm cho dân làng thì ai cũng tin. Cây nêu canh giữ bình yên cho dân làng suốt từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng năm sau…

Ngày ấy đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Bây giờ, ở nhiều vùng nông thôn vẫn giữ phong tục dựng cây nêu trong dịp Tết cổ truyền hoặc một số lễ hội truyền thống văn hóa của người Việt. Các vùng ven đô không sẵn tre như ngày xưa thì không dùng tre nữa mà thay thế bằng vật liệu khác. Cũng có nơi lại làm cây nêu bằng cách trang trí hệ thống đèn nhấp nháy chiếu sáng lung linh vào ban đêm trong những ngày Tết… Nhưng với tôi, cây nêu làm bằng cây tre vẫn đẹp nhất. Nó đẹp vì vóc dáng và sức sống tự nhiên của nó. Và nó đẹp cũng vì đã ăn sâu trong tâm niệm người Việt về sự vững vàng, uyển chuyển, dẻo dai, ngay thẳng để có thể bảo vệ cho con người khỏi các thế lực ma quỷ hắc ám. Nó đẹp vì “tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp”, “tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”! (theo “Cây tre Việt Nam”-Thép Mới).

Tre không chỉ có ở Việt Nam, nhưng cây tre Việt Nam là thế. Tre “còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình” (Thép Mới). Tre là bạn, là biểu tượng, là niềm tin gắn bó với người Việt Nam qua thăng trầm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm. Tre không chỉ làm nhà dựng cửa, làm các đồ dùng trong sản xuất, làm vật trang trí trong nhà, ngoài ngõ… tre còn che chở, bao bọc cho cuộc sống cộng đồng ấm êm, yên bình, hạnh phúc. Trong gian khổ hy sinh, tre làm “gậy Trường Sơn” đồng hành với chiến sĩ ra chiến trường. Tre làm chông, làm tên nỏ, làm đủ thứ vũ khí giết giặc cứu nước. “Tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thủy”! Tre như thế đấy! Có thấu hiểu mới biết vì sao người Việt chọn tre làm cây nêu ngày Tết.

leftcenterrightdel

Quê hương. Tranh sơn mài của LÊ VĂN THƯỚC

 

Hôm nay, nói về ngoại giao cây tre cũng phải hiểu cây tre Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm ấy. Nếu không thế thì nói về nó chỉ là sự hời hợt về một giá trị văn hóa truyền thống độc đáo giúp cho dân tộc ta trường tồn trước bão táp lịch sử. Chính vì thế, phân tích về bản chất của “ngoại giao cây tre Việt Nam” là sự cần thiết nhân sự kiện có tính lịch sử trong ngoại giao thời hiện đại. Chẳng hạn như chuyến thăm chính thức Trung Quốc của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Sự kiện ngoại giao đặc biệt này thu hút sự quan tâm của cả thế giới, của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, bởi nó không chỉ có ý nghĩa to lớn với nhân dân hai nước Việt-Trung mà còn có ý nghĩa to lớn trong khu vực cũng như trên thế giới trong hoàn cảnh xung đột và đe dọa xung đột đang hiện hữu. Ý nghĩa to lớn như thế nào, lợi ích cho hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước Việt-Trung cũng như cộng đồng quốc tế ra sao, có lẽ không cần nhắc lại bởi báo chí Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã thông tin, bình luận, đánh giá khá đầy đủ và sâu sắc thời gian qua.

Nếu nói ngoại giao ấy là “ngoại giao cây tre” thì phải hiểu là cây tre Việt Nam, “tre chí khí như người” chứ không phải là cây tre nào khác. Tre bền bỉ, dẻo dai. “Tre thẳng thắn, bất khuất” chống chịu va đập, bão tố mà tồn tại, mà vươn cao, mà phát triển. Được như vậy không chỉ nhờ cái thân chắc khỏe, cái ngọn tươi xanh, vươn cao ý chí kiên cường mà còn bởi cái gốc rễ bền chắc… Và còn bởi tre không sống đơn độc mà kết lại thành búi thách thức khô cằn, dông tố để trường tồn và phát triển. Và điều quan trọng, sâu sắc, tinh tế không phải ai cũng hiểu về cây tre Việt Nam đó là “cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung”.

Xanh là sự sống, sự phát triển và tinh thần hòa bình! Ngay thẳng, dẻo dai có lẽ ai cũng hiểu khi biết về tre. Nhưng nhũn nhặn, khiêm nhường, thủy chung thì người Việt Nam mới hiểu sâu sắc qua trải nghiệm cuộc sống để có văn hóa ứng xử không phải ở đâu cũng có! Chính nhờ sự “nhũn nhặn, khiêm nhường, thủy chung” mà Việt Nam ngày càng được yêu mến, tin cậy. Ngay ở phương Tây cũng truyền tụng triết lý đặc sắc rằng: “Lan tử la để lại mùi hương trên đôi chân giẫm vào nó, đây là sự khoan dung” (Mark Twain).

Nhân nói về cây nêu ngày Tết, suy ngẫm về cây tre Việt Nam để thấu hiểu thêm lẽ nhân sinh và sự trường tồn của dân tộc ta. Là người Việt Nam yêu nước, dù ở đâu, dù với chính kiến nào, hãy vì cái gốc là hòa bình, thịnh vượng của nhân dân để có cái nhìn trung thực, bao dung của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC