Cha đẻ PUBG kiện “game nhái Free Fire”, nhưng thực sự thì chúng giống nhau đến đâu?
Krafton bất ngờ kiện Garena, Apple, Google vì tạo điều kiện cho Free Fire xâm phạm lợi ích của họ, nhưng đơn kiện này được đưa ra trên những cơ sở nào? Thật ra thì PUBG và Free Fire giống nhau đến đâu?
Vụ kiện gây bất ngờ cho game thủ
Krafton, công ty Hàn Quốc sở hữu thương hiệu PUBG vừa bất ngờ đâm đơn kiện Apple và Google lên tòa án Mỹ bởi hai gã khổng lồ công nghệ này đã cho phép một tựa game nhái PUBG được phát hành trên cửa hàng của họ. Đặc biệt đáng quan tâm hơn nữa là họ cũng kiện luôn Garena – tác giả của tựa game bị gọi là “hàng nhái” – và cả YouTube (thuộc sở hữu của Google) vì dám đăng tải video của game mobile này. Và tựa game đó chính là Free Fire.
Theo đơn kiện của Krafton, công ty này đã từng cảnh báo Garena tại Singapore về việc phát hành Free Fire: Battlegrounds vào năm 2017. Tựa game này sau đó đã được đổi tên thành Free Fire mà chúng ta biết đến ngày nay, và đang là mục tiêu mà Krafton hướng tới. Krafton nói rằng dù vụ việc năm 2017 đã được giải quyết bên ngoài tòa án, họ không hề cho phép Garena sử dụng bất kỳ tính năng tương tự PUBG nào trong Free Fire. Thế nhưng Garena vẫn bắt đầu tung Free Fire lên Google Play và App Store vào năm 2017, và đến tháng 9/2021 vừa qua, Free Fire Max ra đời – Krafton nói rằng tựa game này cũng tiếp tục xâm phạm bản quyền của PUBG.
Ngoài việc đòi 150,000 USD cho mỗi vi phạm bản quyền trong hai tựa game Free Fire, Krafton còn nã pháo vào Google và Apple vì đã tiếp tay cho Garena gây thiệt hại cho họ. “Garena đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ doanh số của các ứng dụng xâm phạm bản quyền trên toàn cầu,” Krafton viết trong đơn kiện của mình. Họ tố Free Fire và Free Fire Max sao chép rất nhiều khía cạnh của PUBG, cả riêng lẻ lẫn tổng hợp, bao gồm cấu trúc game và lối chơi, các loại vũ khí được sử dụng, các địa điểm xuất hiện trên bản đồ, tông màu, chất liệu, vân bề mặt,…
Vậy thì thực sự Free Fire và PUBG giống nhau đến đâu?
Để chứng minh những luận điểm của mình về Free Fire, công ty này cũng đưa ra rất nhiều screenshot thể hiện sự tương đồng giữa hai trò chơi, chẳng hạn khu tập trung đầu game, tính năng nhảy dù từ máy bay, chiến trường bị thu hẹp dần bởi vòng bo, các thùng “thính” được thả xuống từ máy bay,… Cách nhân vật hồi máu, nhặt trang bị, chỉnh sửa vũ khí, các loại đạn dược cũng được nhắc tới.
Đặc biệt, ngay cả cái nón sắt kiểu Spetsnaz của nhân vật chính và cái chảo quen thuộc của PUBG cũng xuất hiện trong Free Fire. Nếu bạn không lưu ý thì hình tượng nhân vật nam mặc áo sơ mi, đội chiếc mũ Spetsnaz che khuất khuôn mặt được nhà phát triển PUBG gọi là “everyman”, đại diện cho tất cả người chơi. Hình ảnh này được sử dụng nhiều lần trong các poster của Free Fire, như bạn có thể thấy ngay sau đây:
Bản thân PUBG cũng không phải là hoàn toàn trong sạch, bởi trước đây họ từng dính vụ “mượn tạm” hình ảnh của Ghost Recon Wildlands làm đồ của mình, chỉ thay đổi một chút về ánh sáng và đắp cái nón lên che khuất mặt của nhân vật. Vụ việc này xảy ra cách đây chưa lâu và sau đó Krafton đã nhanh tay xóa sổ các hình ảnh này, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy nó đâu đó trên internet.
Thật ra thì Free Fire không phải là tựa game duy nhất xào lại các tính năng trên của PUBG. Nhiều tính năng trong số này có mặt (hoặc được chỉnh sửa nhẹ nhàng) trong các tựa game khác như Fortnite, Call of Duty Warzone,… Nếu Krafton thành công với vụ kiện này, rất có thể nó sẽ mở đường cho họ tiếp tục kiện những đối thủ khác. Riêng trường hợp của Fortnite, tiền thân của Krafton là Bluehole đã kiện Epic Games vào năm 2018 vì lý do tương tự, nhưng bị rút lại một tháng sau đó mà không rõ lý do tại sao.
Dĩ nhiên là Garena cũng đã tạo ra nhiều thay đổi trong lối chơi của Free Fire khi phát hành trò chơi này trên nền tảng di động. Free Fire có nhịp độ nhanh hơn rất nhiều, vũ khí chỉ được chia thành 5 thay vì 9 loại, và có các nhân vật với kỹ năng khác nhau tương tự như Overwatch. Đồng thời, thời lượng của trận đấu cũng bị cắt giảm mạnh mẽ khi lượng người tham chiến là 50 thay vì 100. Mỗi trận đấu trong Free Fire thường chỉ kéo dài từ 12 đến 15 phút và chấm dứt một cách rất chóng vánh so với PUBG.
Tạm kết
Một điều đáng chú ý khác là vụ kiện này được Krafton khởi động ngay khi PUBG Battlegrounds trên PC chuyển thành free to play. Trò chơi này đã qua khỏi thời hoàng kim của nó từ lâu bởi sự cạnh tranh khốc liệt của những trò chơi tương tự trên nhiều mặt trận từ PC, console đến mobile như Fortnite, Warzone, Free Fire, chưa kể vô vàn tựa game khác đã thất bại hoặc “nửa chìm nửa nổi”. Nhưng cũng phải công nhận rằng gần như mọi game Battle Royale sau này đều xào lại hoặc tham khảo lối chơi của PUBG, chỉ trừ số ít game thực sự sáng tạo như Hunt Showdown của Crytek.
Còn quá sớm để nói rằng ai thắng ai thua trong vụ kiện này, nhưng Sforum tin rằng nó sẽ khuấy động cộng đồng game thủ Battle Royale khắp thế giới và tạo ra nhiều tranh cãi. Sforum sẽ đem tới cho bạn những thông tin mới nhất về vụ việc này trong tương lai.