Chặng đường 30 năm đứng trên sân khấu của MC Nguyễn Ngọc Ngạn
Trong tập “Một thập niên nhìn lại”, nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể rằng khi được ông Tô Văn Lai của trung tâm Thúy Nga Paris mời làm MC cho chương trình đại nhạc hội, sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, một trong những lý do ông nhận việc này, theo đề nghị của người em ruột là nhạc sĩ Ngọc Trọng, khuyên ông nên xuất hiện trên Paris By Night ít nhất một lần để cho thân phụ, đã 82 tuổi, còn ở Việt Nam thấy mặt và giọng nói của ông sau bao năm xa cách.
Đó là một quyết định mang tính bước ngoặt, vì sau đó Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở thành MC thành công nhất trong lịch sử đại nhạc hội Việt Nam, thậm chí là thành công hơn những bậc đàn anh nổi tiếng trước đó như Trần Văn Trạch hoặc La Thoại Tân.
Dù rất được yêu thích, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cũng nhận được rất nhiều sự chỉ trích, nhưng dù thế nào thì cũng không ai có thể phủ nhận được những đóng góp của nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong lĩnh vực dẫn chương trình. Trong một bài báo, nhạc sĩ Nam Lộc, là người đã làm MC trước Nguyễn Ngọc Ngạn khá lâu, đã nói đại ý rằng chúng ta nên cảm ơn Nguyễn Ngọc Ngạn, vì nhờ có ông mà khán giả mới nhận thấy được rằng nghề MC cũng thật trang trọng trong các chương trình ca nhạc, tạp kỹ.
MC Nguyễn Ngọc Ngạn đứng trên sân khấu đại nhạc hội tròn 30, kể từ số Paris By Night 17 năm 1992 cho đến Paris By Night 133 mang chủ đề Nguyễn Ngọc Ngạn Farewell năm 2022, ông đã tạo nên một chặng đường lịch sử, khởi nguồn từ thời điểm vàng son nhất của nhạc hải ngoại cho đến tận lúc nó thoái trào.
Để giải thích cho việc đạt được những thành công vang dội trong một công việc mà ông luôn xem là nghề tay trái, có thể nói rằng Nguyễn Ngọc Ngạn là người tiên phong cho một lối dẫn chuyện có bài bản, không phải là nói ngẫu hứng như những chương trình ca nhạc Việt Nam trước đó. Cách nói chuyện có duyên, có kiến thức, am hiểu về lịch sử văn hóa, lại nói theo bài bản đã được soạn ra trước, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã cuốn hút được người nghe, người xem.
Ngoài ra, có thể nói ông có năng khiếu đặc biệt trong cách nói chuyện và kể chuyện, có khả năng nói giống như là viết, nói được một cách lưu loát, rành mạch, rõ ràng, dễ dàng truyền tải được nội dung đến người nghe.
Trước đây, có một thời gian có nhiều người đã ý kiến rằng không thích ông Ngạn trên Paris By Night vì ông nói dông dài quá. Tuy nhiên nếu xem xét thấu đáo, sẽ nhận thấy đối tượng khán giả chính của Paris By Night là cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đối tượng này, cả nam phụ lão ấu, đều ít có dịp giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ mà phải làm ăn sinh sống bằng ngôn ngữ xứ người, nên khi mở băng/đĩa Paris By Night, họ thèm nghe được nói chuyện, nghe kể chuyện phiếm bằng tiếng Việt. Là một nhà văn, lại chuyên về lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, Nguyễn Ngọc Ngạn có thể nói về bất kể chủ đề nào một cách duyên dáng. Thỉnh thoảng cũng có lúc Nguyễn Ngọc Ngạn và Kỳ Duyên nói dông dài không liên quan gì tới bài hát, nhưng có hề gì, quan trọng là khán giả của Paris By Night có nhu cầu được nghe.
Sau này, ông Nguyễn Ngọc Ngạn đã giải thích lý do ông phải nói nhiều như vậy:
“…tôi làm cái nghề đứng nói chuyện mà không có kịch bản. Tôi cũng xin mở ngoặc một đạo diễn rất nổi tiếng của Mỹ lần đầu tiên làm việc cho Paris By Night mà ông thấy tôi đứng suốt 5 tiếng đồng hồ nói, mà không hề có kịch bản (script) ở trước mặt, không có thiết bị nhắc đọc (teleprompter) gì cả, mà cứ nói không, vì nói trên Paris By Night phức tạp ở chỗ phải nói cho đến lúc nào đạo diễn trên xe đạo diễn ra dấu là sân khấu đã xong rồi mới được ngưng.
Thì tôi cứ phải nói liên tục như vậy, khán giả không biết vì sao ông này ông cứ nói, thế nhưng sự thực ra ở trên sân khấu họ chưa có đèn bấm là sân khấu đã xong, thì tôi với cô Kỳ Duyên cứ phải nói, sau show đó, lần đầu tiên ông đạo diễn làm việc ở đó, ông chạy xuống bắt tay tôi và nói: ‘Tôi chưa từng thấy một người nào nói 5 tiếng đồng hồ mà không có teleprompter đặt trước mặt, mà ông vẫn nói và khán giả vẫn cười là làm sao…”
Có một thời gian Nguyễn Ngọc Ngạn gặp vấn đề về sức khỏe, phải tạm thời nghỉ ở 1 vài số Paris By Night. Ngay lập tức chương trình đại nhạc hội này đã kém thu hút hơn, nên MC Nguyễn Ngọc Ngạn phải trở lại vai trò của mình cho đến ngày nay.
Khi nói về những công việc đã gắn bó với mình suốt hơn 40 năm qua, MC Nguyễn Ngọc Ngạn chia sẻ rằng tất cả đều sự tình cờ, và ông chưa bao giờ chủ định là sẽ làm công việc dẫn chương trình, cũng như công việc viết sách bắt đầu vào năm 1979 cũng là do hoàn cảnh đẩy đưa, khi ông đặt chân đến xứ người. Trước đó ông là một quân nhân, đồng thời là thầy giáo từ trước 1975.
Cuộc sống ngoài đời của Nguyễn Ngọc Ngạn cùng những sinh hoạt đời thường ít được nhiều người biết tới, và nhiều người cảm thấy bất ngờ khi nghe ông tiết lộ: “Tôi không có e-mail, không có computer và là người nghệ sĩ duy nhất trên thế gian này không có Cell phone. Tôi không biết computer là gì. Người ta cứ bảo tôi là e-mail, tôi không hiểu e-mail là gì. Người ta hỏi ông có vào internet không? Tôi bảo không biết internet là cái gì mà vào”.
Việc không sử dụng những phương tiện hiện đại trong một xã hội văn minh, tân tiến của Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã làm cho ban giám đốc trung tâm Thúy Nga gặp khó khăn khi có việc cần liên lạc gấp. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Ngạn có lý do riêng cho việc không dùng điện thoại di động như sau: “Thủy với ông Lai bảo tôi là làm việc hàng ngày mà sao không có e-mail, không có Cell phone. Tôi trả lời là thứ nhất tôi không ra khỏi nhà, tôi xài cell phone làm chi?”
Như vậy, khán giả của Nguyễn Ngọc Ngạn biết thêm một sự thật về ông – người được coi là rất bận rộn với nhiều mối quan hệ. Nhưng thật ra ông sống một cách gần như biệt lập cùng vợ con tại tư gia ở thành phố Toronto, là nơi chỉ tiếp đón những bạn bè thân thiết.
Ngoài những chuyến lưu diễn cho các “live shows” hoặc thu hình cho trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ dành thì giờ cho việc đọc sách, viết sách hoặc coi phim: “Nhất là phim thì tôi phải coi thường xuyên, gần như ngày nào cũng phải coi những shows Mỹ để có thể học hỏi ở đó rất nhiều“.
Chính nhờ sự học hỏi và tìm tòi đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đã có thêm được nhiều kinh nghiệm để bổ sung cho hai nghề nghiệp chính của ông từ nhiều năm qua là viết văn và điều khiển chương trình. Trong đó nghề MC của ông ngày càng tỏ ra lấn lướt nghề viết văn đã có từ năm 1979.
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 9 tháng 3 năm 1946 tại Sơn Tây, là người con thứ ba trong một gia đình có 6 người con, 5 trai và một gái. Ông có một người em trai là nhạc sĩ Ngọc Trọng, tác giả bài Buồn Vương Màu Áo.
Năm lên 8, Nguyễn Ngọc Ngạn theo gia đình xuống Hà Nội, sau đó ra Hải Phòng để di cư vào Nam năm 1954. Những năm đầu tiên, gia đình ông cư ngụ trong một xóm Công Giáo gần Củ Chi.
Nhờ có một trí nhớ tốt cùng với một đầu óc quan sát tinh tế từ khi còn nhỏ, những sinh hoạt diễn ra trong cái giáo xứ nhỏ bé và nghèo nàn thời đó đã in sâu trong đầu một cậu thiếu niên chưa quá 10 tuổi. Bối cảnh đó sau này đã được Nguyễn Ngọc Ngạn khai thác để viết thành tiểu thuyết “Xóm Đạo”: “Trời sinh cho tôi được một trí nhớ rất là đặc biệt tức là có những chuyện gì tôi đọc qua hoặc tôi nghe người ta kể qua một lần thì có thể mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ“.
Mặc dù trước đó chưa bao giờ nghĩ rằng đến một ngày sẽ thành nhà văn, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết nhờ mê đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp ông rất nhiều trong nghề viết văn, công việc chỉ đến một cách tình cờ sau khi ông rời Việt Nam:
“Đặc biệt là tôi mê đọc tiểu thuyết từ nhỏ. Bố mẹ cấm, tôi cũng trùm mền đọc. Thí dụ những cuốn đầu tiên là của Tự Lực Văn Đoàn trong khi tôi học năm đệ Thất, đệ Lục. Dù bố mẹ có cấm cũng đi ra lề đường Lê Văn Duyệt để mua sách đọc. Nhiều khi gia đình ngủ rồi,tôi vẫn ra ngoài hè đọc sách một mình dưới trời sáng trăng hay thắp ngọn đèn dầu ngồi đọc lén. Thời bấy giờ bố mẹ khó khăn, cấm đọc tiểu thuyết mà! Phải công nhận là tôi đã có năng khiếu về văn chương từ nhỏ “.
Với cách sử dụng ngôn ngữ dí dỏm và lối hành văn gọn gàng và xúc tích, Nguyễn Ngọc Ngạn đã gây được nhiều chú ý ngay từ tập sách được phát hành đầu tiên của ông tại hải ngoại là “Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn”.
Năm 1957, gia đình Nguyễn Ngọc Ngạn di chuyển vào Sài Gòn và cư ngụ trên đường Thoại Ngọc Hầu, vùng ngã ba Ông Tạ. Những năm trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ nhị. Nhờ đậu cao kỳ thi Tú Tài 1, ông được nhận vào trường Chu Văn An và lấy bằng Tú Tài 2 tại đây.
Một điểm đặc biệt là trong những năm theo học trường Nguyễn Bá Tòng, ông luôn được giữ vai trò trưởng ban kịch của lớp. Ít người ngờ rằng một nhà văn, một MC nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Ngạn khi còn trẻ lại nuôi một giấc mơ là bước vào lãnh vực kịch nghệ, mặc dù tự nhận có năng khiếu về văn chương: “Lúc trẻ tôi có 2 giấc mộng. Thứ nhất là kịch, tôi mong trở thành một người viết kịch hay một người diễn kịch, chứ giấc mộng nhà văn nó mờ nhạt lắm.”
Khi lên đệ Tam, Nguyễn Ngọc Ngạn chuyển qua ban Văn Chương để được giáo sư Pháp Văn là nhạc sĩ Lê Thương chú ý đến khả năng đóng kịch nên đã khuyến khích theo học bộ môn này tại trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Tuy nhiên sau hai tháng theo học, Nguyễn Ngọc Ngạn nhận ra mình bị hạn chế rất nhiều trong lĩnh vực này vì bị cận thị nặng, và thời đó thì cũng chưa có “contact lens” như hiện nay để hỗ trợ. Sau khi quan sát những vai diễn trên sân khấu, ông cho rằng nếu có đóng kịch thì chỉ có vai trò… thầy giáo là thích hợp nhất đối với mình do cặp kính cận dầy cộm. Ngoài ra, cha mẹ của ông đã khuyên con nên chú tâm học hành để lấy được bằng Tú Tài toàn phần hơn là khuyến khích đi theo con đường văn nghệ.
Trước khi giã từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, Nguyễn Ngọc Ngạn còn chuyển qua lớp chèo cổ một thời gian ngắn: “Là vì có mấy cô gái học chèo cổ rủ tôi sang, tôi cũng sang, cũng học vài câu chèo cổ như “ông Giăng khuyết chứ ông Giăng lại tròn này kia! Tôi học chèo cổ thêm được mấy tháng nữa. Rồi bố tôi bảo sắp thi thì đi về, tôi mới đành về đấy chứ!”
Cũng vì yêu thích văn nghệ, Nguyễn Ngọc Ngạn đã tự học nhạc lấy qua sách vở, để có một thời gian được mời dạy nhạc cho các trường Lê Bảo Tịnh và Saint Thomas.
Hết trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học đại học Văn Khoa và sau đó trở thành giáo sư ngoại ngạch cho một số trường công.
Ngoài giấc mơ trở thành một diễn viên hay một nhà viết kịch lúc còn trẻ, Nguyễn Ngọc Ngạn còn mong muốn thực hiện được những công tác xã hội: “Thí dụ như thích xây một ngôi trường hoặc xây một cái cô nhi viện. Ngay từ nhỏ tôi đã thích làm được những việc như vậy…”
Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ngạn bước vào đời sống quân ngũ, sau khi lập gia đình với một nữ sinh trường Saint Thomas tên Lê Thị Tuyết Lan. Đầu tiên ông ở Sư Đoàn 9 Bộ Binh, sau đó được đổi về Tiểu Khu Định Tường, nhưng không về tiểu khu mà về tiểu đoàn tác chiến ở quận Cái Bè.
Nhớ lại cuộc đời quân ngũ, Nguyễn Ngọc Ngạn có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ông nhớ nhất là những kỷ niệm trong thời gian phục vụ tại Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Tác Chiến: ”Gần như cả một tiểu đoàn không có một người nào là người Bắc cả. Cho nên ông tiểu đoàn trưởng không cần nhớ tên tôi. Ông ấy cứ kêu tôi là thiếu úy Bắc Kỳ”.
Tại đây, “thiếu úy Bắc Kỳ” giữ chức vụ trung đội trưởng vũ khí nặng vào khoảng năm 1972, sau đó Nguyễn Ngọc Ngạn được làm đại đội phó và một thời gian sau được chuyển về bộ chỉ huy và cuối cùng được làm sĩ quan quản trị nhân viên, coi quân số của tiểu đoàn.
Đến năm 1974, khi Nguyễn Ngọc Ngạn mới có con được nửa năm thì được bộ giáo dục biệt phái về dạy học tiếp với cấp bậc trung úy. Sau khi dạy được đúng một niên khoá thì xảy ra biến cố 1975.
Sau thời gian đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đi tù và được trở về vào năm 1978, rồi tìm đường ra nước ngoài với người vợ đầu tiên cùng con trai lúc đó được hơn 4 tuổi.
Chuyến hải hành kinh hoàng đó đã đưa ông sang được bên kia bờ đại dương, nhưng lại bị mất đi 2 người thân yêu nhất là vợ và con.
Sự kiện đó đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng với Nguyễn Ngọc Ngạn, để từ đó ông mang nhiều suy tư khi hồi tưởng về thân phận những người phụ nữ.
Sau khi đặt chân đến Canada năm 1979, ông bắt đầu bước vào nghề viết văn với tiểu thuyết đầu tay “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại”.
Ba năm sau, ông gia đình lần thứ hai vào ngày 19 tháng 6 năm 1982 với một thiếu nữ tên Diệp, khi đó 28 tuổi.
Nguyễn Ngọc Ngạn trên video…
Nguyễn Ngọc Ngạn đến với trung tâm Thúy Nga trong một trường hợp rất bất ngờ: ”Tôi không hiểu tại sao một hôm 10 tháng 5 năm 1992, khi đi làm về thì thấy ở trong máy nhắn có một người nói là trung tâm Thúy Nga mời tôi sang Paris giới thiệu chương trình. Về sau tôi mới biết đó là ông Tô Văn Lai…“
Thật ra, Nguyễn Ngọc Ngạn được ban giám đốc của trung tâm Thúy Nga để ý và muốn mời cộng tác, vì lúc đó ông đã là một người viết văn nổi tiếng, có được một số độc giả đông đảo. Trong thời điểm đó thì Thúy Nga cũng muốn tìm một đường hướng mới cho vai trò MC mà trước đó chưa phải là một người quan trọng của show.
Thời gian sau này, Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết thêm lý do của sự hợp tác mang tính lịch sử đó. Vào thời điểm thập niên 1990, băng dĩa nhạc thường được bán trong nhà sách. Khi ông Tô Văn Lai đi phát hành băng thì ghé hỏi chủ tiệm sách là hiện thời sách của tác giả nào bán chạy nhất, hầu hết các tiệm đều trả lời là sách của Nguyễn Ngọc Ngạn, từ đó trung tâm Thúy Nga mời nhà văn này đến thử nghiệm dẫn chương trình.
Thời gian đó Nguyễn Ngọc Ngạn đang đi làm cho một công ty bảo hiểm. Ngoài ra ông còn làm thêm về thông dịch và cùng với người vợ sau tại một thư viện ở Toronto. Trước lời mời bất ngờ trong một lãnh vực quá mới lạ, Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời cần có thời gian suy nghĩ. Trước đó từ năm 1987, ngoài việc sáng tác, Nguyễn Ngọc Ngạn còn hợp tác với một người Đài Loan tên Chiêu, làm tại thư viện trung ương Toronto, để viết truyện song ngữ thiếu nhi Anh Việt như Hoa Mộc Lan, Tôn Ngộ Không,
Ông Chiêu nhận thấy sách của Nguyễn Ngọc Ngạn được hỏi mượn rất nhiều ở thư viện nên nẩy ra ý định mời ông cộng tác. Tổng cộng ông đã viết được khoảng 50 quyển sách loại này, hiện vẫn được lưu giữ trong các thư viện… Trước khi đến với Thuý Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn đã chính thức bước vào nghề viết văn khi còn ở đảo Prince Rupert, tại Vancouver, Canada.
Trong lĩnh vực văn chương, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở thành “nổi đình nổi đám“ với những Nước Đục, Cõi Đêm,… và được rất nhiều báo chí và nhà xuất bản mời viết.
Nhưng số mệnh đã đưa đẩy Nguyễn Ngọc Ngạn đến một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, không bao giờ nghĩ tới: “tôi nằm ở đây mà có người bưng tôi lên sân khấu chứ tôi không có tìm, thành thử về sau, tôi mới tin người ta phải có số”.
“Thật sự ra trước khi tôi làm Paris By Night và nhất là trước khi xảy ra vụ cuốn video Mẹ thì tôi không tin lắm… Nhưng sau, tôi nhờ những ông thầy giỏi coi tử vi cho thì tôi thấy y chang”.
Nói về số mệnh, Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại rằng có lần ông đã tình cờ hỏi nhạc phụ – vốn là một người giỏi về tử vi – về tương lai của mình, và được cho biết là “tên tuổi như vậy có ăn thua gì đâu, vài năm nữa sẽ lừng lẫy”. Lúc đó ông đã là một nhà văn có tiếng, và nghĩ rằng như vậy là đã quá nhiều rồi. Nhưng sau khi cộng tác với trung tâm Thúy Nga, ông mới nghiệm thấy rất đúng, vì dù sao viết văn cũng chỉ có một số độc giả cũng hạn chế, không sao so được với khán thính giả đông đảo của những chương trình Paris By Night.
Sau khi nhận được lời mời từ trung tâm Thúy Nga, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn bay sang Paris gặp vợ chồng ông Tô Văn Lai – Thúy Nga để thảo luận về công việc, tuy nhiên sau đó ông vẫn còn lưỡng lự trước lời mời làm người điều khiển chương trình, với lý do là: “vì trong văn giới đã có tiếng, bây giờ làm MC mà không được thì kỳ”.
Vì vậy Nguyễn Ngọc Ngạn đã xin có thêm một thời gian để suy nghĩ, đồng thời dò hỏi ý kiến những người trong gia đình cùng một số học trò cũ gặp tại Paris, thì tất cả đều phản đối. Ngay cả những người em vợ và chính vợ ông cũng không ủng hộ nhận lời làm MC.
Chỉ có một người duy nhất ủng hộ ông, đó là nhạc sĩ Ngọc Trọng, người em út trong gia đình, với lý do muốn bố còn ở Việt Nam thấy mặt ông, dù là qua hình ảnh và chỉ cần xuất hiện trên một chương trình video, rồi sau đó ngưng luôn cũng được. Vợ ông, trước lý do hợp lý đó cũng đã đổi ý và khuyên ông nên nhận lời.
Từ những khuyến khích với lý do thiên về về tình cảm gia đình đó, Nguyễn Ngọc Ngạn gọi điện thoại cho ông Tô Văn Lai, đồng ý xuất hiện trong chương trình Paris By Night 17, thu hình tại Paris, ”Nhưng không biết có làm lâu dài hay không, nên tôi dứt khoát không may quần áo mới, tôi mặc bộ đồ tôi vẫn đi làm ở thư viện thường ngày. Tôi vẫn mang cái kính cũ, tôi đi đôi giầy cũ, tôi không có thay một cái gì cả. Và tóc tai là tôi cũng tự chải chứ không để ai chải đầu, làm tóc hết. Vì không biết người ta có mướn mình làm nữa hay không và mình cũng không có ý định làm lâu, thành ra tôi không có gì thay đổi”.
Chỉ sau khi nói vài lời mở đầu và sau đó giới thiệu nhạc phẩm “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương do Ái Vân và Hương Lan trình bày trên Paris By Night 17, ban giám đốc trung tâm Thúy Nga đã đề nghị Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác độc quyền.
Với một giọng nói “ăn micro” cùng một đường hướng khác biệt với những người đi trước, Nguyễn Ngọc Ngạn đã ít nhiều gây được một ấn tượng tốt. Ông kể: ”Tôi chỉ biết là khi lên sân khấu, tôi chỉ mới nói mấy câu mở đầu thôi, nhờ cái giọng tôi ăn micro lắm nên gây được ấn tượng cho người ta. Thứ hai là lối nói của tôi có vẻ thầy giáo. Tôi nghĩ trong đầu là những người MC trước họ cười nhiều quá. Bây giờ mình phải làm ngược là không cười. Họ nói những chuyện bình thường trong đời sống, bây giờ tôi phải đưa một chút văn chương và một chút triết học vào”.
Ngay trong chương trình video đầu tiên, Nguyễn Ngọc Ngạn đã đưa vào phần giới thiệu chương trình một số câu thơ của Thanh Tâm Tuyền vì muốn làm một điều gì khác biệt với trước đó, nhất là muốn khai thác kiến thức về văn chương của mình. Theo ông, đó là một cách thử, nhưng không ngờ lại gây được chú ý.
Sau khi video Paris By Night 17 phát hành, đã có một số trung tâm gọi đến mời Nguyễn Ngọc Ngạn đảm nhiệm vai trò MC, nhưng ông đều từ chối vì đã nhận lời cộng tác độc quyền với Thúy Nga, vì nhận thấy trung tâm này thích hợp với đường lối của mình. “Ông giáo làng Nguyễn Ngọc Ngạn“ đã chứng tỏ được điều “hữu chiêu thắng vô chiêu”, như nhạc sĩ Song Ngọc đã nhận xét về ông sau khi cuốn video trên phát hành trong một bài báo ngắn.
Trước khi gặp Nguyễn Ngọc Ngạn, trung tâm Thúy Nga đã mời Đỗ Văn làm MC cho video 18 với chủ đề Phạm Duy. Ngoài ra cũng đã mời Kim Anh – Trần Quốc Bảo cho chương trình đặc biệt Giáng Sinh; Lê Văn cho chương trình Phạm Duy 2 và La Thoại Tân cho một chương trình khác. Vì vậy dù đã nhận lời cộng tác độc quyền nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn muốn Thúy Nga giữ lời hứa với những người đã mời nên ông chỉ xuất hiện sau đó, từ chương trình Paris By Night 20 trở về sau.
Nhiều năm đứng trên sân khấu Paris By Night, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ông không hài lòng một chương trình nào một cách trọn vẹn, do đầu óc luôn căng thẳng vì những chương trình thu hình thường kéo quá dài. Nhiều khi có những chương trình được thu hình 2 xuất trong một ngày, chỉ cách nhau chừng hai tiếng với sự thay đổi về thành phần ca sĩ.
Ông luôn cố gắng làm thế nào để những khán giả tham dự xuất thứ hai có cảm tưởng mới lạ đối với những diễn biến trên sân khấu mặc dù trước đó không lâu, trong cùng một ngày, cũng chương trình đó đã được diễn ra với MC là Nguyễn Ngọc Ngạn – Kỳ Duyên.
Đặc biệt mỗi lần thay đổi cảnh trí đối với những chương trình thu hình live, Nguyễn Ngọc Ngạn luôn phải tìm cách “câu giờ”, tùy theo thời gian chuyển cảnh giữa những tiết mục, nhưng “khó ở chỗ là nói làm sao để khán giả không biết là đang câu giờ“, theo như ông nói.
Thời gian ngắn nhất để chuyển cảnh khoảng 3 phút và dài nhất có khi lên đến 10 phút hoặc hơn. Không ít khán thính giả thắc mắc về việc bằng cách nào người MC biết được cảnh trí đã được dàn dựng xong, sẵn sàng cho tiết mục kế tiếp, để ngưng câu chuyện đang kể trên sân khấu.
Điều này được Nguyễn Ngọc Ngạn giải thích: ”Ở giữa hoặc ở cuối rạp có một người cầm đèn pin mà khán giả không nhìn thấy. Người ta cho mình biết anh đó sẽ ngồi ở đâu. Thí dụ ngồi ở chân camera nào hay là ở hàng ghế thứ mấy. Anh ta đeo một headphone và trên sân khấu có stage manager cũng đeo một headphones. Khi nào trên stage manager dọn xong sân khấu ở sau bức màn, sẽ báo cho đạo diễn biết để ở trên sẽ nói xuống cho anh cầm đèn pin. Anh cầm đèn pin sẽ bấm hai cái thì tôi với cô Kỳ Duyên nhìn thấy. Nếu đang kể chuyện dở dang thì mình gấp rút kết luận để chuyển mục. Cho nên có nhiều chuyện định kể hoặc chưa kịp nói thì bỗng dưng thấy chớp đèn rồi thì mình mừng quá, mình vào luôn”.
Qua lời kể của Nguyễn Ngọc Ngạn, khán giả đã nhận biết được tầm mức quan trọng của một người được gọi là MC trong một chương trình video hoặc một “liveshow”. Ngoài tài ứng biến nhanh lẹ, thích ứng tức khắc với những thay đổi chương trình vào giờ chót cùng những lời đối đáp duyên dáng,…; người MC cần có một số vốn kiến thức về nhiều lãnh vực liên quan đến thời sự, xã hội, văn chương,… qua sự để tâm tìm tòi và nghiên cứu nhằm tạo thành “bài bản” để tạo cho người theo dõi những giây phút thích thú hay những nụ cười thoải mái.
Nhiều năm qua, người đứng bên cạnh Nguyễn Ngọc Ngạn nhiều nhất trên sân khấu là MC Kỳ Duyên. Trước mỗi chương trình thì họ thường bỏ ra tròn một ngày để cùng soạn “script” (kịch bản nói) cho một chương trình thu hình: “Tụi này có thói quen là cứ thứ 7 trình diễn thì bắt buộc phải dành trọn ngày thứ Tư làm việc. Qua đến thứ Năm, thứ Sáu ai rảnh thì ngồi coi. Coi để thêm đuợc cái gì thì thêm. Nhưng dĩ nhiên gọi là làm mất một ngày đó thì trong cái đầu mình phải tìm tòi, gom góp những chất liệu… Kiến thức đâu có phải là cái một sớm một chiều mà xong, nó là cái chuyện tích tụ từ lâu rồi. Rồi đến lúc gặp một tình huống hay một cái gì vui vui thì trong đầu mình nẩy ngay ra ý tưởng thích hợp”.
Tuy nhiên có những trường hợp tuy đã soạn “script” sẵn, nhưng khi lên sân khấu lại phải thay đổi để thích nghi với diễn biến trên sân khấu vì “có khi đổi cảnh nhanh quá, mình chưa kịp nói thì đã đổi xong. Khi đèn pin nó chớp tức là đổi cảnh xong thì phải giới thiệu ngay vào tiết mục kế tiếp”.
Đối với Nguyễn Ngọc Ngạn, mỗi khi hoàn tất vai trò MC cho một chương trình, ông đều cảm thấy “nhẹ bụng như đẻ xong đứa con”, vì đã phải trải qua những giây phút quá nặng nề khiến đầu óc luôn bị căng thẳng, nhất là những chương trình lớn, thu hình “live” chương trình có nội dung tổng hợp với những thị hiếu về âm nhạc khác biệt nhau:
”Theo tôi, khán giả tham dự những buổi trình diễn văn nghệ là một sự tổng hợp. Thí dụ có những người chỉ thích loại nhạc do Khánh Hà, Khánh Ly, Ý Lan,… trình bày, thì khi nghe những ca sĩ khác thì coi như họ đành ngồi nghe thôi. Ngược lại, có những người chỉ thích loại nhạc trình bày bởi Trường Vũ, Như Quỳnh, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh mà không thích loại nhạc tiền chiến. Nên khi những ca sĩ hát loại nhạc tiền chiến ra thì họ cũng phải chịu đựng, ngồi đó thôi. Cho nên chen vào giữa các bài hát mà mình không làm được cái gì để cho không khí vui lên thì sẽ làm khổ khán giả”.
Những gì Nguyễn Ngọc Ngạn phải thực hiện khi làm MC không chỉ dừng lại ở đó mà ông còn được giao phó một số vai trò khác: “như tôi phải làm ảo thuật, phải làm xiệc thì phải tập dượt trước. Rồi những màn như trước đây tôi đu trực thăng hay là nhảy xuống Niagara Falls,… Bên cạnh đó, tôi và cô Kỳ Duyên cũng có khi đóng những tiểu phẩm nhỏ. Thí dụ như Phi Nhung – Mạnh Quỳnh hát cải lương xong kêu tôi bằng ba, tôi phải đi ra. Có nhiều thứ lắm, không phải MC của Thúy Nga chỉ đứng giới thiệu không mà thôi. Thành ra chiếm rất nhiều thì giờ và đầu óc của mình”.
Đối với người MC nhiều năm kinh nghiệm này, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề tìm kiếm để có được những mẩu chuyện vui để kể trên sân khấu, vì những câu chuyện thích hợp với khán thính giả Việt Nam càng ngày càng cạn. Tuy ông có cả một tủ sách truyện vui cười của Mỹ, nhưng khi dịch sang tiếng Việt đã không áp dụng được với khán giả người Việt do cách chơi chữ khác biệt hoặc mang tính cách thời sự, không thích hợp với các khán thính giả Việt Nam. Cũng đã từng có rất nhiều người đóng góp những chuyện cười với ông qua trung tâm Thúy Nga, nhưng tuyển chọn để dùng được cũng mất nhiều thời gian.
Vai trò MC nổi bật của Nguyễn Ngọc Ngạn hầu như đã khiến vai trò một người cầm bút của ông bị mờ nhạt. Mặc dù ông vẫn viết đều, nhưng không phát hành sách in nữa mà được thu audiobooks, rồi những năm gần đây được phát hành online trên YouTube.
Nhắc về Nguyễn Ngọc Ngạn, ngoài vai trò MC đã quá nổi tiếng trên Paris By Night, ngày nay người ta ít khi nhớ đến ông như là một nhà văn một thời chuyên viết về đề tài xã hội, mà nhớ đến những câu chuyện “ma” được thu thành audiobooks.
Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại rằng việc này cũng là một cơ duyên rất tình cờ, giống như các sự tình cờ khác của các mốc thời gian quan trọng trong đời ông. Mùa Noel năm 1999, Nguyễn Ngọc Ngạn cùng với các ca sĩ hải ngoại khác đi tour trình diễn ở Châu Âu qua nhiều nước. Thông thường show sẽ được diễn từ 19h tối đến 2h sáng rồi lên xe sang nước khác “chạy show”. Trong quá trình di chuyển trong đêm đó, tính mạng của toàn bộ các nghệ sĩ được giao trọn vẹn cho người tài xế lái xe. Vì vậy mỗi người phải thay nhau kể chuyện để tài xế có thể tỉnh ngủ. Cuối cùng ca sĩ Hương Lan kể một câu chuyện ma có thật mà cô chứng kiến khi đi diễn ở Bình Dương. Câu chuyện rùng rợn được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Nguyễn Ngọc Ngạn nghe xong, có suy nghĩ là ai cũng thích nghe truyện ma như vậy nên ông cũng muốn thử nghiệm, và rồi audiobook truyện ma đầu tiên: Đêm Trong Căn Nhà Hoang ra đời với thành công vang dội.
Cho dù làm bất kỳ nghề nào, Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng ông vẫn muốn rằng đến cuối cùng được là một người cầm viết kể chuyện, như trong một lần ông trả lời bài phỏng vấn: “Một mai khi giã từ sân khấu Paris By Night, nếu sức khỏe cho phép, tôi vẫn có thể tiếp tục viết văn hay viết kịch và thực hiện audiobook. Dù sao thì cái gốc căn bản của tôi vẫn là nhà văn”.
Vào tháng 8 năm 2021, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết sẽ nghỉ hưu vào năm 2022, sau 30 năm đứng trên sân khấu dẫn chương trình ca nhạc. Ông có lần xuất hiện lần cuối cùng với vai trò là MC là số Paris By Night 133 chủ đề Nguyễn Ngọc Ngạn Farewell.
Tổng hợp