Chàng trai xứ Nghệ và ứng dụng Bluezone
Tôi cứ ngỡ rằng, dân IT (Information Technology) thường kiệm lời, lặng lẽ. Nhưng không, ấn tượng về Khánh trong lần gặp gỡ đầu tiên là vẻ hoạt bát, thân thiện với mái tóc xù lãng tử và cặp kính dày cộp cùng giọng Nghệ đặc sệt.
Thật bất ngờ khi chàng trai trẻ 30 tuổi (sinh năm 1991) quê xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn ấy lại là chuyên gia công nghệ cừ khôi, “cha đẻ” của ứng dụng “quốc dân” Bluezone. Khánh còn khiến tôi lác mắt khi thú nhận, từng là Trưởng phòng cấp cao, Phòng An ninh di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc thuộc Tập đoàn Công nghệ Bkav.
Kể về Bluezone, Khánh cho biết, sau thời điểm Bệnh viện Bạch Mai (2020) bị phong tỏa vì dịch Covid – 19, Bkav nhận được lời đề nghị của lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông viết ứng dụng dựa trên ý tưởng truy vết những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh để kịp thời phát hiện, cách ly.
“Khi đang ngồi ăn trưa thì sếp Quảng (Nguyễn Tử Quảng – CEO Bkav) gọi vào giao việc. Nhóm bọn em thực hiện dựa trên nghiên cứu và sử dụng công nghệ Bluetooth. Đây không phải là công nghệ mới, cái khó là phải tìm ra giải pháp tối ưu thuật toán, hoạt động dễ dàng, hoàn hảo, bảo mật cao nhưng lại chính xác và tiết kiệm năng lượng”, Khánh nhớ lại.
Từ ý tưởng đến khi ra bản demo trình lãnh đạo, nhóm làm việc liên tục 2 ngày đêm dưới sự dẫn dắt của Khánh và đã tìm ra thuật toán để tối ưu vấn đề đặt ra. Khánh kể: Bản demo của ứng dụng Bluezone được lãnh đạo duyệt, lúc đó em mới cảm thấy mình mệt rã rời và ngã khuỵu xuống.
Nhưng rồi, sự cấp thiết trong việc đối phó với dịch bệnh đã buộc Khánh và đồng nghiệp tiếp tục phát triển phần “lõi” công nghệ của ứng dụng để làm sao đáp ứng được yêu cầu tương thích giữa điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và IOS khi cài đặt ứng dụng. Và hơn hết, quá trình sử dụng phải tiết kiệm pin.
Một khó khăn đối với Khánh và đồng nghiệp là tính bảo mật thông tin của ứng dụng khiến người dùng nghi ngại. Rõ ràng, giải quyết được bài toán công nghệ đã rất khó nhưng để trấn an được tâm lý người dùng còn khó hơn bội phần. Để minh bạch cũng là lời khẳng định thông tin người dùng không bị thu thập, nhóm quyết định sử dụng mã nguồn mở.
“Mọi người có thể vào để thấy trong code viết gì, có lấy dữ liệu hay không; đồng thời đóng góp thêm để ứng dụng ngày càng phát triển”, Khánh nói.
Ứng dụng Bluzon – công cụ đắc lực trong phòng chống dịch covid 19
Nay thì Bluezone đã trở thành ứng dụng “quốc dân”, thực sự hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 tại Việt Nam. Ứng dụng này đã có hàng chục triệu lượt tải về.
Khánh hào hứng: “Có những thời điểm sướng rêm. Một phút cả ngàn người tải ứng dụng, chứng tỏ người dân tin tưởng; công việc mình làm thực sự hữu ích. Tất cả đã mang lại giá trị tinh thần rất lớn”.
Tôi hỏi về công việc hiện tại của một Trưởng phòng cấp cao, Phòng An ninh di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc thuộc Tập đoàn Công nghệ Bkav, Khánh cười rõ tươi: “Em đang thất nghiệp vì vừa xin nghỉ gần tháng. Cũng tròn 10 năm em gắn bó với nơi ấy. Em không thích gò bó mà trái lại rất đam mê khám phá, tìm hiểu vùng đất mới, vì thế mới xin nghỉ ở Bkav”.
Lại nói về quá khứ của Khánh, khi đang học năm 2 trường Đại học Bách khoa, cậu đã vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” để thi đỗ vào Tập đoàn Công nghệ Bkav. Với đam mê, khả năng vượt trội, Khánh được ghi nhận và dần thăng tiến, dù tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài ứng dụng Bluezone, Khánh còn cùng các cộng sự thực hiện các sản phẩm chuyên về an ninh, bảo mật thuộc mảng di động.
“Mỗi lần trên các diễn đàn, người dùng bị mất điện thoại và tìm lại được nhờ tính năng chống trộm của nhóm thực hiện, em thấy ý nghĩa vô cùng. Như em nói lúc đầu, mỗi sáng tạo của mình mà giúp đỡ thiết thực được mọi người trong thực tiễn đều làm em cảm thấy hạnh phúc”, Khánh vui vẻ.
Dù đã là một chuyên gia công nghệ, nhưng ít ai ngờ cậu chỉ được tiếp cận với Tin học từ năm lớp 10 và hoàn toàn “học chay” do trường không có máy để thực hành. Chuyên gia ấy đã từ bỏ vị trí công việc khiến nhiều người “thèm thuồng” để theo đuổi đam mê “khoác ba lô lên và đi”.