Chào hỏi mùa Covid: Văn hóa cúi chào không cần tiếp xúc của người Nhật

Tại sao con người lại có thói quen bắt tay khi chào hỏi?

Có lẽ với người Việt chúng ta thói quen bắt tay khi chào hỏi không phải là một điều gì quá xa lạ và có thể bạn nghĩ ở nhiều nơi trên thế giới mọi người cũng làm như vậy. Thực tế thì điều bạn nghĩ không hề sai. Mặc dù mỗi quốc gia trên thế giới có một cách chào hỏi khác nhau ví dụ như người Malaysia thường đặt tay lên trước ngực để chào đối phương, người Thái thường úp hai lòng bàn tay vào nhau và cúi đầu, hay người Pháp thường hôn nhẹ lên cổ hoặc má thì cách chào phổ biến nhất thế giới hiện nay vẫn là bắt tay. Từ những cái bắt tay khiêm tốn cho đến mạnh mẽ, đó có thể là một lời chào xã giao giữa những người xa lạ, nhưng có khi lại trở thành cái gật đầu ngầm cho một bản hợp đồng triệu đô giữa các nhà kinh doanh. 

Tương truyền hành động bắt tay xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ V TCN ở Hy Lạp cổ đại, mặc dù vậy thì những ghi chép chính xác về điều này vẫn chưa được tìm thấy. Thói quen bắt tay khi chào hỏi bắt nguồn từ thiện chí hòa bình, nhằm thể hiện sự tin tưởng với đối phương. Do trong thời chiến, những binh lính thường cầm vũ khí trong tay, và để chứng minh cho người khác biết là mình không hề có vũ khí và không có ý định gây thương tích, họ chọn cách giơ bàn tay phải ra nắm lấy tay đối phương để thể hiện thái độ thân thiện trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện.

Bắt tay trong văn hóa Nhật Bản?

Văn hóa bắt tay cũng đã từng xuất hiện tại Nhật Bản trong giai đoạn cuối thời Edo đến thời kỳ Meiji do sự du nhập của những làn sóng văn hóa phương Tây trong cuộc cải cách Minh Trị. Cho đến thời điểm trước đó Nhật Bản chỉ có cách chào duy nhất là cúi đầu, đối với họ những hành động động chạm trong lần gặp đầu tiên là điều không thể chấp nhận được.

Trước giai đoạn Meiji, hành động bắt tay với người Nhật là cử chỉ để thể hiện sự vui mừng, phấn khởi. Điều này đã được ghi chép trong cuốn “Cổ ký sự” và trong các tác phẩm quân sự về đề tài chiến tranh. Đối với người Nhật bắt tay không phải là một cách chào hỏi mà là cách để họ thể hiện tình cảm và niềm vui khi gặp gỡ đối phương và thường chỉ có trong những mối quan hệ cực kỳ thân thiết. Ngoài ra, đây cũng là cách để các cặp đôi thể hiện tình cảm của mình.

Hành động bắt tay khi chào hỏi có lẽ không phù hợp với bản tính thận trọng và e ngại của người Nhật. Tương truyền, các võ sĩ đạo thời xưa khi ngồi thường đặt thanh kiếm ở bên phải và hướng đầu kiếm về phía mình. Do độ cong của thanh kiếm nên cho dù bạn có đặt nó ở cạnh phía tay thuận là tay phải thì cũng khó có thể sử dụng để tấn công đối phương. Ngoài ra, do luôn mang kiếm ở sườn bên trái, nên người Nhật cho rằng hành động tiến lại gần và bắt tay là vô cùng nguy hiểm bởi vì khi đó hai thanh kiếm sẽ va chạm vào nhau, và có thể xảy ra thương tích. 

Những khác biệt trong văn hóa và cách suy nghĩ chính là lý do tại sao mặc dù đã từng xuất hiện ở Nhật Bản trong giai đoạn cải cách đất nước, nhưng hành động bắt tay vẫn không thể thay thế cho cách cúi đầu khi chào hỏi của người Nhật.

Văn hóa cúi chào của người Nhật và ý nghĩa

Nếu như các nước chọn cách bắt tay để thể hiện thiện chí hòa bình, thì người Nhật với bản tính e dè và ngại ngùng chọn cách cúi đầu để vừa có thể giữ khoảng cách với đối phương vừa thể hiện thái độ tôn kính khi chào hỏi. 

Văn hóa cúi chào của người Nhật được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, cùng với Phật giáo đã du nhập vào Nhật Bản từ khoảng năm 500-800. Lúc bấy giờ hành động cúi chào là cách để thể hiện vị trí thứ bậc của bản thân. Mọi người thường cúi đầu trước những người có vị thế cao hơn để cho họ thấy bản thân mình không phải là mối đe dọa với họ. Điều này có lẽ cũng liên quan chặt chẽ với hành động quỳ gối trước các bậc vua chúa thời phong kiến ở Trung Quốc. 

Hành động cúi đầu trước đây là cách thể hiện sự khiêm nhường, và việc rời mắt khỏi đối phương để thể hiện bạn không hề có thái độ thù địch muốn tấn công họ. Dần dần cúi đầu trở thành một nghi thức chào hỏi trong cuộc sống của người Nhật, và không chỉ có vậy, hành động này còn là cách để người Nhật bày tỏ thái độ cảm ơn, xin lỗi,… Nếu bạn đang có ý định đến Nhật để du lịch hay học tập, làm việc thì cúi chào chính là nghi thức đầu tiên bạn phải học hỏi để có thể hòa nhập vào nền văn hóa của đất nước này.

Các cách cúi chào của người Nhật

Tại Nhật Bản có 3 cách cúi chào phổ biến, và mỗi cách đều mang một sắc thái biểu cảm khác nhau.

Eshaku (会釈) là cách đứng cúi chào phổ biến ở Nhật, khi đó người cúi chào sẽ nghiêng người về phía trước khoảng 15 độ. Thông thường mọi người thường sẽ vừa nghiêng người vừa kết hợp với các từ ngữ chào hỏi. Đây là cách chào hỏi giữa những người trong gia đình, hoặc giữa bạn bè đồng nghiệp.

Keirei (敬礼) là cách cúi chào nghiêng khoảng 30 độ. So với Eshaku thì cách chào này trang trọng và lịch sự hơn, thường được sử dụng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Keirei thường xuất hiện trong những cuộc gặp mặt đầu tiên hoặc cuộc gặp gỡ với khách hàng để thể hiện sự nhiệt tình và lòng hiếu khách. Trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật, khi gặp gỡ các đối tác khách hàng, khi ra về bạn sẽ phải cúi chào và giữ nguyên tư thế cho đến khi đối phương quay đi hoặc đến khi cửa đóng. Đây là một hành động thể hiện sự tôn trọng với đối phương.

Saikeirei (最敬礼) là cách chào nghiêng 45 độ, đầu cúi thấp. Đây là cách chào trang trọng nhất thường được sử dụng khi đối phương là khách hàng quan trọng hoặc những người mà bạn tôn trọng. Thông thường, mọi người thường sẽ cúi đầu trong khoảng 3 hơi thở. Ngoài ra, Saikeirei cũng được sử dụng khi bạn muốn bày tỏ sự cảm ơn hoặc xin lỗi, trong trường hợp này mọi người sẽ cúi đầu từ 3-4 giây để thể hiện sự thành tâm của mình.

[Thông tin thêm] Thế giới đã thay đổi thói quen chào hỏi như thế nào trong mùa dịch Covid-19?

Bên cạnh văn hóa cúi chào hay bắt tay, nhiều quốc gia có những cách chào thân mật hơn như hôn má, cọ mũi hay ôm,… Tuy nhiên, những cách chào tiếp xúc thân mật này không phù hợp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm virus corona trong thời buổi dịch bệnh vẫn đang hoành hành như hiện nay. Chính vì thế mà nhiều quốc gia đã tìm ra những cách chào hỏi tránh tiếp xúc vô cùng độc đáo như bắt chân, chạm khuỷu tay,…

Tại một số quốc gia có truyền thống chạm mũi khi chào hỏi như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, New Zealand người dân đã từ bỏ cách chào này và chỉ vẫy tay khi gặp nhau. Hay tại Pháp, Thụy Sĩ – nơi mọi người thường hôn lên má khi chào hỏi, người dân cũng đang phải thay đổi để tránh sự lây lan của dịch Covid-19. Tại Indonesia, chính quyền cũng đang khuyến nghị người dân nên dùng cách chắp tay chào nhau theo kiểu namaste của người Ấn Độ thay cho cách chào bắt tay và hôn má truyền thống. Còn tại Trung Quốc – nơi khởi phát của dịch bệnh cũng đang lan truyền những clip về cách chào “bắt chân” (hai người đá nhẹ lòng bàn chân vào nhau). Nhiều quan chức cấp cao của các nước cũng tiến hành cách chào hỏi độc đáo này và nhiều người còn đồn đoán rằng đây có thể sẽ trở thành cách chào hỏi mới của thế giới.

Văn hóa cúi chào đã tồn tại ở Nhật Bản hơn 1,600 năm, có thể nói nó đã ăn sâu vào trong thói quen và ý thức của người dân trở thành một đặc trưng trong văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Mặc cho ý thức giao lưu, hội nhập với thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ thì vẫn có những thứ thuộc về đặc tính dân tộc, thuộc về văn hóa cội nguồn sẽ mãi không bao giờ đổi thay. Trong thời buổi dịch bệnh như ngày nay, trong khi nhiều nước đang dần phải thay đổi thói quen chào hỏi thì người Nhật vẫn trung thành với phong thái lịch sự, khiêm nhường và giữ khoảng cách này. Đó phải chăng là một cách chào hỏi “an toàn” để nhiều quốc gia có thể áp dụng khi chấp nhận sống chung với Covid-19?

Ảnh tiêu đề: PR Image Factory / Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!