Chào hỏi trong văn hóa của người dân Hàn Quốc Trung tâm ngoại ngữ Korea Link – T Vinh, Nghệ An
“Lời chào cao hơn mâm cỗ” là câu tục ngữ mà người dân Việt Nam ta luôn đề cao và tôn trọng. Không chỉ riêng Việt Nam mà mỗi một quốc gia đều có một cách thể hiện lời chào riêng biệt. Nếu người phương tây chào hỏi bằng những cái bắt tay, thơm má; người Nhật thể hiện sự cúi chào theo phong cách văn hóa của người Nhật… thì người Hàn Quốc lại có một phong cách chào hỏi hoàn toàn khác. Người Hàn Quốc rất quan trọng lễ nghĩa vì thế mà văn hóa chào hỏi của người Hàn cũng rất được coi trọng.
Chúng ta cùng Hàn ngữ Korea Link tìm hiểu để biết được sự khác biệt đó nhé !!!
Lời chào trong văn hóa Hàn Quốc
Lời chào chắn chắn sẽ là điều mà mọi người thắc mắc đầu tiên. Lời chào bằng tiếng Hàn “안녕하세요” ngày nay đã được cả thế giới biết đến. Nhưng hiếm có ai biết, lời chào này lại chứa đựng trong nó lịch sử đau thương của cả một dân tộc. Trải qua chiến tranh loạn lạc và sự thiếu thốn triền miên, con người ta trong một đêm có thể ra đi bất cứ lúc nào bởi gươm giáo loạn lạc hay đơn giản chết vì cái đói. Vì thế, cứ buổi sáng tỉnh dậy, người Hàn Quốc lại dùng câu hỏi thay cho câu chào “밤새 안녕하셨습니까?”, “안녕히 주무셨습니까?” (Đêm qua ông, bác, anh… ngủ có được bình an không ạ?). Từ “안녕” tiếng Hán (安寧) mang nghĩa là “an ninh” tức là trạng thái an toàn, không lo lắng, sợ hãi. Như vậy, đối với người Hàn Quốc, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là trạng thái an toàn, bình an vô sự.
Cúi đầu trong văn hóa chào hỏi Hàn Quốc
Nếu lời chào mang nhiều ý nghĩa đến như vậy thì việc cúi đầu khi chào hỏi cũng ẩn sâu trong đó nhiều hàm ý.Cúi đầu trong văn hóa Hàn Quốc để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với người khác (một người lớn tuổi hơn hoặc người có địa vị cao hơn mình trong giao tiếp hàng ngày).
Nguyên tắc cúi đầu có gốc rễ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc, từ thời kỳ Tam Quốc (57 TCN – 668). Dù sau này Phật giáo và Thiên chúa giáo ảnh hưởng tới lối hành xử của người Hàn Quốc, Nho giáo vẫn tác động sâu sắc đến phép tắc lịch sự.
Nho giáo là hệ thống đạo đức và hành vi nhấn mạnh đến đối nhân xử thế giữa người với người, đề cao nghĩa vụ, lòng trung thành, chính trực, lòng hiếu thảo, tôn trọng người lớn tuổi và tiền bối.
Tôn trọng theo tuổi tác và thâm niên tới nay vẫn là một giá trị quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc. Hành động cúi đầu thấp đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ lịch sự, địa vị xã hội, và thâm niên hoặc tuổi tác.
Cúi đầu chào cũng được người Hàn Quốc thực hiện khi trao đổi danh thiếp trong đời sống thường ngày hay trong công việc. Bạn sẽ thấy rằng họ vừa trao đổi danh thiếp vừa cúi đầu cùng lúc. Khi đưa danh thiếp của bạn cho người khác hãy nhớ đưa bằng hai tay và cũng nhận lại bằng hai tay danh thiếp từ người khác. Đây là một điểm quan trọng trong văn hóa của người Hàn Quốc.
Việc cúi đầu chào nhau cũng sẽ hiếm thấy giữa những người bạn thân với nhau trừ khi khoảng cách tuổi tác của họ cách xa hoặc họ đang ở những nơi công cộng, trang nghiêm. Ngày nay việc vẫy tay chào bạn bè, đồng nghiệp đang dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong văn hóa chào hỏi của người Hàn Quốc.
Việc cúi đầu cũng áp dụng khi cảm ơn. Đôi khi một người có thể quỳ gập gối và cúi đầu chạm trán xuống sàn. Khung cảnh này thường xuất hiện trong đám cưới, khi chú rể quỳ và cúi đầu cảm ơn cha mẹ vợ. Vào dịp Tết Âm lịch Seollal và Tết Trung thu Chseok, con cái và cháu chắt trong nhà cũng quỳ lạy bậc cao niên và tổ tiên.
Bắt tay trong văn hóa Hàn Quốc
Xã hội phát triển, nền văn hóa các nước khác cũng đang xâm nhập tại “xứ sở Kim Chi”. Ngày nay, ngoài việc cúi đầu chào hỏi, người dân Hàn còn mang trong mình thêm một văn hóa chào hỏi nữa đó là: “văn hóa bắt tay”. Việc bắt tay nhau đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống, đặc biệt là giao tiếp công việc ở các nước trên thế giới. Tuy vậy, cách bắt tay của người Hàn có sự tương đối khác, bởi họ vừa bắt tay vừa cúi chào. Nhờ đó họ cảm thấy sự tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp. Khi bắt tay thì nắm giữ tay hoặc chỉ cần bắt tay nhẹ một người khác tùy vào từng trường hợp và tình huống giao tiếp. Và một điều khác biệt nữa là phụ nữ không bao giờ là người chủ động bắt tay trước, bởi có đôi khi họ nghĩ rằng người đàn ông bắt tay là hành động quấy rối, xâm hại người khác.
Tư thế chào hỏi trong văn hóa Hàn Quốc
Tư thế là một yếu tố rất quan trọng trong việc cúi chào của người Hàn Quốc. Khi cúi đầu thì quan trọng nhất là cúi thấp người từ phần eo – thắt lưng trở lên và phải đứng thẳng với phần đầu gối khép lại với nhau.
Để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng nhất, người Hàn Quốc cúi đầu một góc 90 độ. Thông thường, phần lớn người dân xứ sở kim chi sẽ nghiêng mình theo góc 45 hoặc 15 độ. Người Hàn Quốc cũng có nhiều kiểu cúi đầu trong trong những trường hợp khác nhau, cả khi tỏ lòng cảm ơn hay xin lỗi. Người xin lỗi thường nghiêng mình 45 độ với đầu cúi thấp, đứng yên trong 3 giây. Trong trường hợp tệ hơn và cần thể hiện lòng chân thành, người xin lỗi cần cúi đầu thấp nhất có thể.
Bạn phải nhớ rằng luôn phải cúi đầu lại khi một người khác cúi đầu chào bạn, đó là phép lịch sự trừ khi vị trí của bạn thật sự cao hoặc bạn là bậc trưởng bối. Bình thường thì bạn không cần phải cúi đầu với một đứa trẻ, nhưng nếu như bạn có một cử chỉ, điệu bộ nào đó như gật nhẹ đầu với đứa trẻ thì chắc rằng sẽ làm đứa trẻ vui và vảm thấy được tôn trọng.
Ngày nay, khi đất nước Hàn Quốc ngày càng phát triển, nền văn hóa cũng hiện đại dần lên, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây quên mất đi văn hóa chào hỏi truyền thống của đất nước mình. Đây là nét văn hóa vô cùng đặc sắc và quan trọng của người dân Hàn Quốc. Và du khách nước ngoài không cần quá lo lắng về những phép tắc lịch sự của xứ sở kim chi: “Người Hàn Quốc sẽ bỏ qua nếu du khách vô tình phá vỡ nguyên tắc. Hàn Quốc đã hội nhập trong hơn hai thập kỷ qua, người dân nhìn chung quen thuộc với văn hóa phương Tây và không kỳ vọng khách nước ngoài hiểu hết phép tắc giao tiếp truyền thống”