Chạy xe ôm công nghệ hạn chế hay giúp sinh viên học tốt hơn?
Cụ thể, trong đoạn video trên TikTok, tài khoản H.D lý giải rằng nghề tài xế xe ôm công nghệ không giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm hay kỹ năng cần thiết nào cho công việc tương lai. “Sau 4 năm chạy Grab, bạn sẽ tốt nghiệp mà không có kinh nghiệm đặc biệt nào để xin việc. Thế là bạn sẽ kẹt với công việc này suốt đời”, H.D nhận định.
Mục lục bài viết
Nên hay không nên chạy xe ôm công nghệ?
Một số người đồng tình với ý kiến trên và cho rằng sinh viên không nên làm tài xế xe ôm công nghệ mà hãy tập trung vào việc học. “Nếu đi làm thêm thì nên chọn công việc liên quan đến chuyên ngành mà bạn đang học ở trường”, tài khoản Đinh Hoàng Gia bình luận.
Một người dùng khác tên Hoàng Danh cũng nhận xét rằng công việc chạy xe ôm công nghệ “rất cám dỗ” vì có thu nhập cao so với nhiều việc làm thêm đúng chuyên ngành khác. Điều đó dễ khiến sinh viên chỉ chăm chăm kiếm tiền mà sao nhãng học tập.
Thu Trang
Trong khi đó, nhiều người lại cảm thấy quan điểm trong đoạn video trên có phần “cứng nhắc” bởi công việc này cũng mang lại nhiều giá trị cho sinh viên, thậm chí phần nào bổ sung kiến thức cho việc học ở trường.
Tài khoản Lê Đắc Thiện chia sẻ: “Đầu tiên, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua việc trò chuyện với khách, giúp ích cho việc kinh doanh. Thứ hai, công việc tài xế xe ôm công nghệ sẽ giúp sinh viên có một khoản thu nhập khá tốt để trang trải cuộc sống. Ví dụ, trung bình các công việc làm thêm có mức lương 20.000 đồng/giờ. Còn làm xe ôm kiếm được 40.000-50.000 đồng/giờ”.
Đã trải nghiệm chạy xe ôm công nghệ trong 1 năm, Nguyễn Hữu Hòa (20 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, TP.HCM) hiểu được phần nào lợi ích và khó khăn của nghề này đối với việc phát triển bản thân.
Hữu Hòa cho hay: “Tôi học được nhiều điều qua những chuyến đi. Có lần, tôi chở một chú kinh doanh bột ngọt, dầu ăn nhập khẩu từ Thái Lan nên tranh thủ hỏi về cách tiêu thụ sản phẩm và nhiều kiến thức khác”.
Dù có thu nhập khá tốt nhưng đôi khi, công việc này ảnh hưởng xấu đến việc học của nam sinh viên. “Vì bận học cả ngày nên tôi chỉ có thể đi làm từ 19 giờ đến quá nửa đêm. Vì thế, tôi thường đi học muộn, nghỉ học hay hoàn thành trễ bài tập. Sau này, tôi giảm giờ làm để tập trung hơn vào việc học và chuẩn bị hành trang cho tương lai”, anh kể lại.
Khác với Hòa, Đ.H (20 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM) chú trọng việc cân bằng giữa học tập và làm thêm ngay từ đầu nên thấy nghề tài xế xe ôm công nghệ rất phù hợp.
Nam sinh bày tỏ: “Công việc khá tự do, tôi chỉ làm khi rảnh, thường là khoảng 2-4 giờ buổi chiều, nên tối đến, tôi vẫn có thời gian tự học, nâng cao chuyên môn. Ngoài tiền, nghề này cũng mang lại nhiều niềm vui và giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp”.
Cần cân bằng giữa học và làm
Từng chạy xe ôm công nghệ thời sinh viên nhưng tuân theo nguyên tắc ưu tiên việc học, T.H (22 tuổi, cựu sinh viên ngành cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải) vừa mua được xe máy, laptop, có một khoản tiết kiệm, vừa tốt nghiệp loại khá và có việc làm đúng chuyên ngành ngay khi ra trường.
Dù đi làm chủ yếu để trang trải cuộc sống nhưng T.H chia sẻ anh không “tham việc” chạy xe ôm công nghệ mà luôn dành đủ thời gian cho việc học. Anh chia sẻ: “Tôi chọn học ca sáng và thường đi làm từ 13-20 giờ. Sau đó, tôi sẽ về nghỉ ngơi, học bài, giải trí rồi đi ngủ sớm để có sức ngày mai tới trường”.
T.H cho hay, để có thời gian làm thêm, nghỉ ngơi, anh đã cố gắng học thật nhanh và hiệu quả. Anh luôn xem trước tài liệu, đến tiết học thì tập trung nghe giảng, ghi chép đầy đủ để hiểu bài ngay trên lớp và lập tức áp dụng vào thực tế.
“Mỗi tuần một lần, tôi còn thực hành tại xưởng của người anh để củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, tôi đã tìm được công việc yêu thích với mức lương ổn định”, T.H giải thích.
Thu Trang
Cách để đừng “chạy Grab sẽ chạy Grab suốt đời”
Theo thạc sĩ Nguyễn Võ Nguyên Anh (chuyên viên phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung công việc bán thời gian, chạy xe công nghệ giúp sinh viên dễ dàng trang trải cuộc sống, đóng học phí, mua tài liệu hỗ trợ việc học, giúp các bạn biết quý trọng đồng tiền để chi tiêu khoa học hơn.
“Nhưng nếu chỉ ‘mải mê’ làm thêm kiếm tiền mà không tập trung học, sinh viên sẽ bị ‘hổng’ kiến thức, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, dẫn đến khó tìm được việc đúng chuyên ngành sau này. Khi không có công việc phù hợp, các bạn có thể quay lại chạy xe ôm công nghệ và nguy cơ ‘chạy suốt đời’ là hiện hữu. Đó tất nhiên không phải mục tiêu các bạn đặt ra khi học đại học”, thạc sĩ Nguyên Anh cảnh báo.
Do đó, sinh viên cần sắp xếp thời gian làm thêm hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học và luôn giữ tâm thế học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Thạc sĩ Nguyên Anh đề xuất: “Chạy xe ôm công nghệ hay không là quyền lựa chọn của sinh viên. Điều quan trọng là các bạn tận dụng công việc làm thêm này để phát triển bản thân như thế nào. Theo tôi, sinh viên cần đặt việc học lên hàng đầu, chạy xe trong thời gian rảnh chỉ nhằm tích lũy tài chính, phục vụ việc học, nghiên cứu, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, để sau đó, các bạn có thể thoải mái thử sức với công việc khác hợp chuyên môn hơn”.