Chen lấn lễ bái, xoa tiền lên thân chùa Đồng ở Yên Tử

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đón khách hành hương lễ Phật đầu xuân từ mùng 10 tháng Giêng và sẽ kéo dài liên tục trong 3 tháng với nhiều hoạt động như lễ mở cửa rừng, lễ khai ấn… Đây là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh không khai hội Yên Tử, chỉ tổ chức các nghi thức tâm linh để phòng, chống dịch Covid-19.

Để lên các chùa nằm trong di tích Yên Tử, người dân có thể hành hương bằng đường bộ hoặc đi cáp treo. Người dân tới đây chủ yếu từ các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội… Hiện Yên Tử và một số điểm tham quan, du lịch của Quảng Ninh áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan theo chính sách kích cầu phục hồi du lịch.

Chị Hương (34 tuổi) trú Hải Phòng, cho biết đã có kế hoạch đi Yên Tử từ 2 năm trước nhưng do dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. “Nhà tôi giáp Quảng Ninh nhưng mỗi lần qua tỉnh này đều phải làm xét nghiệm hay khai báo y tế rất phức tạp”, chị Hương chia sẻ.

Trong quá trình leo núi, nhiều du khách phải bỏ dở cuộc hành trình do bị co cơ. Ngoài ra, những người bị bệnh liên quan đến hô hấp hoặc tim được khuyến nghị không nên đến núi cao do không khí loãng.

Anh Quân (44 tuổi), trú dưới chân núi Yên Tử, cho biết mỗi ngày anh vận chuyển 2 chuyến hàng từ chùa Giải Oan lên đỉnh chùa Đồng, mỗi chuyến khoảng 50 kg. “Tôi tính công mỗi lần giá 300.000-500.000 đồng. Chủ yếu là các hàng, quán ăn thuê vận chuyển đồ lên để bán. Thi thoảng có vài nhóm khách thuê gánh đồ lễ cho họ lên đến đỉnh chùa Đồng”, anh Quân tâm sự.

Bà Hoa (73 tuổi, Hà Nội) cho biết đây là lần đầu đi Yên Tử. “Ước mơ cả đời tôi là được leo lên đến đỉnh chùa Đồng để bái Phật. Tôi cầu mong bản thân và con cháu trong gia đình có thật nhiều sức khỏe”, bà Hoa nói.

Chùa Đồng, ngôi chùa cao nhất trong hệ thống Yên Tử (1.068 m so với mực nước biển). Chiều 13/2, sương mù phủ trắng xóa, nhiệt độ ở đây dưới 8 độ C.

Do chùa nằm trên đỉnh núi và xung quanh là vực thẳm nên nhà chức trách đã lắp hàng rào xung quanh và đặt biển báo nguy hiểm ở dọc tuyến đường.

Tại khu vực bàn đặt lễ trước chùa, người dân chen chúc nhau hành lễ và xin lộc may mắn đầu năm.

“Phía bên trong đông quá và lo ngại dịch nên tôi cùng cả nhà chỉ đứng vái vọng từ xa và chụp ảnh ghi lại kỷ niệm rồi xuống núi. Hai con trai tôi cầu mong đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới còn tôi chỉ cầu cho cả gia đình khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn”, anh Phúc trú Hà Nội cho biết.

Hiện tượng người dân dùng tiền chà xát lên chuông, khánh và thân chùa Đồng vẫn diễn ra. “Không biết có may mắn hay không nhưng thấy ai cũng làm nên tôi làm theo”, người phụ nữ trong ảnh nói.

Một số người khác vừa dùng tiền chà xát lên chuông chùa vừa dùng điện thoại để quay, chụp ảnh khoe.

Ngoài ra, tình trạng một số người dùng vật sắc nhọn khắc tên và ký tự vào thân chùa.

Trao đổi với Zing, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết khách đến Yên Tử thường đông vào dịp cuối tuần, khoảng hơn 6.000 khách. Trong đó, có hơn 1.000 khách đi từ phía tây Yên Tử (Bắc Giang).

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Yên Tử đón gần 91.000 lượt khách. “Để đảm bảo du khách du xuân an toàn, chúng tôi tuyên truyền qua hệ thống phát thanh bản tin phòng, chống dịch Covid-19 và bố trí các điểm khai báo y tế tại tất cả các chùa nằm trong hệ thống di tích Yên Tử”, ông Dũng nói.