Chi bộ I – Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên”.

Tin hoạt động

Chi bộ I – Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên”.

Vừa qua, Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề dưới hình thức trực tuyến. Đồng chí Huỳnh Kim Khuê – Bí thư Chi bộ đã chủ trì tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên”. Buổi sinh hoạt diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp đã tập trung vào làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đánh giá, bố trí cán bộ, các ý kiến liên hệ thực tế tại cơ quan đơn vị, đề ra các giải pháp khắc phục. Ban Biên tập trang tin điện tử Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp đăng nội dung chuyên đề, một số tồn tại và giải pháp được các đảng viên đóng góp tại buổi sinh hoạt của Chi bộ 1

Trong công tác cán bộ, nhận xét đánh giá cán bộ là khâu rất hệ trọng, nhạy cảm, tế nhị, phức tạp đòi hỏi tính khoa học, nhân văn, sự công tâm, chính xác, vì lợi ích chung của đất nước. Bản chất của công tác nhận xét  đánh giá cán bộ là công tác đánh giá về con người, liên quan đến sinh mệnh chính trị của con người. Để đánh giá, bố trí đúng cán bộ phải dựa vào các tiêu chuẩn quan trọng: phẩm chất đạo đức cán bộ, năng lực, trình độ.

Đ/c Huỳnh Kim Khuê – Bí thư Chi bộ 1 chủ trì sinh hoạt chuyên đề
(ảnh chụp qua màn hình)

Về  phẩm chất đạo đức cán bộ: Hồ Chí Minh luôn coi phẩm chất đạo đức là tiêu chí hàng đầu, là “gốc” của người cán bộ, nâng cao đạo đức là cơ sở cho sự phát triển tài năng của người cán bộ, vì lợi ích chung của Đảng, của giai cấp và của dân tộc. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nâng cao càng tăng thêm động lực tinh thần thôi thúc người cán bộ vượt lên mọi khó khăn thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình. Đạo đức là sự thể hiện quan hệ ứng xử và hành vi của con người, đem lại lợi ích cho người khác và cho xã hội. Đạo đức của người cán bộ cách mạng còn là nền tảng và là cơ sở để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ và các phẩm chất khác, hướng năng lực của họ vào hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Đạo đức luôn luôn là động lực của tình cảm và hành vi của người cán bộ, tài là cơ sở để làm cho đức của người cán bộ cách mạng càng cao, càng lớn hơn.  Người cán bộ có trình độ, có năng lực nhưng nếu không có phẩm chất đạo đức tốt cũng không được dân tin. Khi không được tin sẽ không được ủng hộ, dẫn đến khó hoàn thành nhiệm vụ. Một người có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được mọi người nể phục, ủng hộ.

Thực tế hiện nay không ít cán bộ nói một đường làm một nẻo; nói nhiều nhưng làm ít, thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm kỷ luật… nhưng vẫn được bố trí làm lãnh đạo quản lý, gây mất lòng tin trong quần chúng đối với Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người nói: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức phẩm chất sẽ tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên để thuyết phục và lãnh đạo quần chúng noi theo. 

Về năng lực: Năng lực là cái vốn có, bẩm sinh, cái ‘trời cho” của mỗi con người. Năng lực được kế thừa từ gia đình, di truyền cộng với khả năng tư duy, nắm tình hình, biết vận dụng sáng tạo vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để phát huy thắng lợi. Người có năng lực nếu được đào tạo tốt sẽ phát huy được khả năng. Bởi năng lực như là cái vốn có, còn trình độ là cái được bổ sung. Trong thực tế không ít cán bộ tuy không được học hành đầy đủ nhưng trong quá trình công tác họ tự rút ra nhiều kinh nghiệm hay, chịu khó tổng kết nên có được những phương pháp, cách làm hiệu quả.

Người có năng lực thường dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay tìm tòi, khám phá và không bao giờ chịu khuất phục người cơ hội. Tính tình cương trực, thẳng thắn, nên thường hay làm mất lòng, thậm chí dễ bị cô lập. Nếu trong cơ quan, tập thể không công tâm, không biết quý trọng, sử dụng người có năng lực, họ sẽ rời bỏ cơ quan, đơn vị, tìm môi trường làm việc khác. Để người có năng lực phát huy tốt năng lực, công tác cán bộ cần khách quan, công tâm trong đánh giá, bố trí  cán bộ và phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy năng lực của mình cống hiến cho đơn vị. Cấp uỷ cần nhìn nhận đúng đắn, động viên và ủng hộ người có năng lực. Tránh tình trạng định kiến, thiếu khách quan, thiếu công tâm làm thui chột người có năng lực, cản trở đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.

Về trình độ: Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi đầu tiên của người cán bộ là phải có trình độ. Muốn có trình độ tất yếu người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp và tự đào tạo, rèn luyện qua thực tế công tác, cả về chuyên môn và trình độ chính trị. Người cán bộ lãnh đạo có trình độ chuyên môn giỏi sẽ thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành, không bị cấp dưới, anh em coi thường. Nếu ngược lại, người đó sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có trình độ lý luận chính trị, nắm chắc các quy luật vận động của cuộc sống, biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị. Một cán bộ có chuyên môn giỏi, có trình độ lý luận vững vàng sẽ có lợi thế lớn trong công tác lãnh đạo quản lý.

Trong thực tế hiện nay, trình độ của cán bộ cả về chuyên môn và chính trị đang là vấn đề làm trăn trở dư luận. Không ít cán bộ có bằng cấp chuyên môn, chính trị đầy đủ nhưng lại không có đủ năng lực công tác, không phát huy được khả năng. Nguyên nhân một phần là trong đào tạo còn chạy theo thành tích, phong trào, không ít lãnh đạo quản lý là “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ” bằng giỏi, bằng khá nhưng chuyên môn, lý luận không bằng cấp dưới, làm cho cấp dưới không “tâm phục khẩu phục”.

Nhận xét đánh giá chất lượng cán bộ là việc làm thường xuyên của lãnh đạo, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Cán bộ là những nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng, gắn liền vận mệnh của Đảng và của từng tổ chức, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng. Vì vậy khi đánh giá, bố trí cán bộ phải dựa trên quan điểm của Đảng về công tác cán bộ.

Đánh giá cán bộ không đơn thuần chỉ căn cứ vào bảng thành tích của quá trình công tác, trình độ học lực, thành phần lý lịch mà cần chú trọng hơn về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, năng lực, kiến thức hay hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, trong điều kiện công tác cụ thể làm thước đo chủ yếu. Công tác đánh giá cán bộ được chặt chẽ hơn phải thực hiện theo Quy chế dân chủ, qua nhiều qui trình sàn lọc. Nói như vậy nhưng khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì đánh giá cán bộ là đánh giá tư tưởng, đạo đức (đang nằm ẩn bên trong của mỗi con người) chỉ khi nào bộc lộ mới thấy.

Có những nơi Cấp ủy Chi bộ có cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt thậm chí là người lãnh đạo, quản lí trực tiếp còn một số biểu hiện như: Chưa sâu sát; Chưa nắm chặt; Chưa quản lý chặt chẽ; Thiếu thông tin; Thiếu khách quan như: nể nang, ngại va chạm, thiếu toàn diện…Nhiều nơi, nhiều lúc công tác đánh giá, bố trí cán bộ vẫn nặng về ý chí chủ quan, cảm tình qua loa, đại khái. Bố trí cán bộ không đúng năng lực sở trường, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý theo kiểu “ Vì người mà bố trí việc”, chứ không phải” Vì việc mà bố trí người”.

Từ thực trạng trên dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, ở những nơi mất đoàn kết nội bộ thì mọi việc đúng sai, trắng đen lẫn lộn, chân lý bị chà đạp, nhân tố mới, nhân tố tích cực bị vùi dập. Từ đó uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền bị giảm sút, không huy động được sức mạnh tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán thói xấu của một số cán bộ lãnh đạo khi nhận xét, đánh giá cán bộ:

Ai hợp với mình người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở rồi tìm cách dèm pha người đó.”

Để làm tốt việc nhận xét đánh giá cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ chúng ta cần trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện thực hóa chủ trương của Đảng vào thực tế cuộc sống và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, Cán bộ, đảng viên phải nêu gương, nhất là cán bộ  lãnh đạo chủ chốt. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu đi đầu trong chấp hành đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của ngành, của cơ quan, tránh căn bệnh: “ làm ít nói nhiều”; “ nói một đường làm một nẻo”. Phải tránh những căn bệnh tự cao tự đại của mình. Phải biết yêu thương cán bộ, phải vô tư trong sáng. Bác Hồ nói nếu mắc các bệnh trên không khác gì người cán bộ mang kính màu. Không bao giờ thấy rõ việc mình.

Trong thời kỳ mới phải đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên để họ thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức. Đánh giá về phẩm chất đạo đức phải xem xét ở các khía cạnh, về lối sống sinh hoạt đối nhân xử thế, ý thức kỷ luật… Hồ Chí Minh đã nói:“Chẳng những xem công tác của họ mà xem xét sinh hoạt của họ, chẳng những xem xét cách viết, cách nói mà xem xét cả việc làm của họ có đúng như họ nói viết không. Phải biết ưu điểm và khuyết điểm của họ. Vậy phải thận trọng khi nhận xét”. 

Hai là, Khi nhận xét đánh giá cán bộ đảng viên không thể chỉ xem xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn hoặc chỉ thấy hiện tại mà không cần có thời gian dài, có một quy trình. Bởi vậy mọi việc đều có thể biến chuyển, con người cũng có thể thay đổi về nhiều mặt nên không thể nhận xét cán bộ cố định bất biến mà phải trong quy trình vận động, biến đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói

“Trong thế giới cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng con người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhặt vì nó cũng biến hóa. Một cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi mãi. Cũng có cán bộ chưa sai lầm nhưng chắc gì sau này không sai lầm, quá khứ hiện tại tương lai của mọi người không giống nhau.”

Mỗi con người có nhiều mối quan hệ ngang dọc, trên dưới trong ngoài. Cán bộ là một thành viên của tập thể, một cộng đồng cùng làm việc, cùng sinh hoạt với nhau nên cũng có rất nhiều mối quan hệ. Nên khi đánh giá cán bộ bên cạnh ý kiến của người phụ trách, lãnh đạo của cơ quan tham mưu về tổ chức, còn phải coi trọng ý kiến tập thể, ý kiến lãnh đạo của các tổ chức quần chúng. Nói như vậy, đánh giá cán bộ là phải công khai, dân chủ, minh bạch, nhất là quy trình bổ nhiệm, quy hoạch các chức danh pháp lý, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Ba là, Phải sáng suốt phân định cán bộ tốt và cán bộ kém. Không phải người nào cũng đều tốt đều hay. Không ít trường hợp trắng đen vàng thau lẫn lộn, người xấu lại quá khéo léo, tinh vi che đậy những suy nghĩ, hành vi chưa đúng của mình. Người chính trực lại thật thà, bộc trực dễ làm mất lòng người khác. Thực tế muôn vàn phức tạp đó làm cho người lãnh đạo dễ bị nhầm lẫn, khó có thể xác định người xấu – tốt, đó là chưa kể người lãnh đạo thiếu công tâm, thiếu khách quan, thích xu nịch… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta nhận diện những tính cách, hành vi từng loại cán bộ của người tốt – xấu:“ Ai hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm. Trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh; Hay công kích người khác, hay tự nâng bốc mình. Những người như thế tuy họ làm được việc nhưng không phải là cán bộ tốt”;“ Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che dấu khuyết điểm của mình, không làm việc dễ, tránh làm việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi. Những người như thế dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”

Đảng ta chủ trương học tập chuyên đề “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấp” là một chuyên đề hay ý nghĩa và thiết thực. Học về tính quần chúng, tính dân chủ và tính nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho mỗi cán bộ đảng viên,  nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải mình tự nhìn lại chính mình…Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự học và làm những việc thật sự có ích cho xã hội, cho tập thể và cho bản thân mình; sống gần gũi chan hòa yêu thương mọi người làm cho đất nước, quê hương phát triển mới chính là học và làm theo Bác Hồ về  phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương.

Các đảng viên trong Chi bộ 1 tham gia đóng góp nội dung chuyện đề
(ảnh chụp qua màn hình)

Tại buổi sinh hoạt, sau khi liên hệ đến thực tế tồn tại của cơ quan, đơn vị, các đảng viên Chi bộ 1 đã nêu ra một số giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, Phải đánh giá, bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường và có phẩm chất, nhất là cán bộ chủ chốt các đơn vị, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tránh trường hợp “ Vì người mà bố trí việc”;

Thứ hai, Đánh giá thi đua khen thưởng phải khách quan, công tâm, tránh trường hợp đơn vị còn nhiều sai sót mà có cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Thứ ba, Đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải nêu gương, nói phải đi đôi với làm, tránh nói” một đường làm một nẻo”, nói nhiều làm ít. Phải thực sự là tấm gương cho quần chúng, nhất là thế hệ trẻ noi theo, học tập.

Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, tránh các trường hợp để sai sót kéo dài tạo dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, nhất là công tác kiểm tra công vụ để đánh giá phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên và xét thi đua khen thưởng.

Thứ năm, Công tác đánh giá, bố trí cán bộ liên quan đến các đảng viên, các chi bộ trong Đảng bộ. Đề nghị Đảng uỷ nhân rộng Chuyên đề này để cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tham gia sinh hoạt, thảo luận và hiến kế cho Đảng uỷ, Thủ trưởng cơ quan để công tác này ngày càng tốt hơn trong thời gian tới./.