‘Chị chị em em 2’ hạ thấp hình tượng phụ nữ trong phim Việt?
Mục lục bài viết
Phụ nữ sang lên để chọn đàn ông?
Chị chị em em 2 là tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng
ĐPCC
Chị chị em em 2 ra mắt mùa tết 2023, gây chú ý khi khai thác câu chuyện lấy cảm hứng từ giai thoại về hai mỹ nhân đình đám Sài thành một thời: Ba Trà và Tư Nhị. Phim chiêu mộ được hai mỹ nhân đúng nghĩa về mặt ngoại hình, với một Ba Trà (Minh Hằng) kiêu sa, quý phái và một Tư Nhị (Ngọc Trinh) mong manh mà bốc lửa.
Cùng váy vóc lụa là sành điệu, những góc quay được canh chỉnh tỉ mẩn và đánh sáng điệu nghệ nhằm tôn lên những góc mặt và đường cong xuất sắc nhất nơi diễn viên, Chị chị em em 2 đã thành công khiến cho phụ nữ trong phim trông có vẻ đẹp. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là vẻ đẹp bên ngoài sáo rỗng, đầy phù phiếm. Xem Chị chị em em 2, đôi lúc khán giả thấy mình bị rơi ra khỏi không gian điện ảnh. Bởi những gì được “trình diễn” trên màn ảnh rộng gần với một sàn diễn thời trang, chương trình giải trí tạp kỹ hoặc một MV ca nhạc nào đó.
Thế giới của các mỹ nhân được tô điểm bằng bối cảnh xa hoa, phục trang lộng lẫy và lối trang điểm tân thời
ĐPCC
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chăm chút miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của các mỹ nhân mà quên mất việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật
ĐPCC
Những người đẹp cứ đi lướt qua khung hình, lườm nguýt, đấu đá và so đo vẻ ngoài với nhau. Trong phim, nhân vật Ba Trà có nhắc đến khái niệm “người đẹp có nội dung”. Nhưng xem đến hơn một nửa Chị chị em em 2, khán giả ngắm người đẹp đến chán chê vẫn chưa nhìn ra phần “nội dung” mà biên kịch và đạo diễn muốn gửi gắm. Bởi kịch bản và cách xây dựng nhân vật của Chị chị em em 2 còn hời hợt.
Có thể nói, dù có bộ đôi nữ chính nhưng Chị chị em em 2 ưu ái “đất” kể chuyện cho Tư Nhị nhiều hơn hẳn. Từ một cô gái điếm mạt hạng, Tư Nhị rắp tâm lên kế hoạch thao túng để được Ba Trà thương cảm mà cưu mang. Ả thèm khát cuộc sống giàu sang và địa vị đệ nhất mỹ nhân. Nếu được khai thác đủ sâu và khéo, Tư Nhị hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu “người đàn bà nguy hiểm” ấn tượng bậc nhất màn ảnh Việt. Tiếc thay, với những mưu hèn kế bẩn ngô nghê, cũ kỹ cùng bản tính trơ trẽn, vô cảm không suy chuyển từ đầu chí cuối, Tư Nhị của Chị chị em em 2 hiện lên như một người đàn bà sáo rỗng. Và dẫu phim có hàng loạt những màn “cởi”, khoe thân bạo dạn của Ngọc Trinh trước ống kính thì một cơ thể đẹp cũng chẳng thể cứu nổi sự nhàm chán của một nhân vật điện ảnh nhạt nhẽo.
Màn khoe thân “khoe cá tính” của nhân vật Tư Nhị liệu có cần thiết?
ĐPCC
Bên cạnh đó, nhân vật Ba Trà của Minh Hằng cũng chỉ có bề nổi. Ngoài câu chuyện về người mẹ “báo đời” nghiện cờ bạc được đưa vào như một cái cớ tạo kịch tính về sau, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng không cho khán giả biết thêm bất cứ điều gì về người đàn bà này. Quá khứ của cô có gì uẩn ức, cách cô vươn lên ngôi vị đệ nhất mỹ nhân ra sao, nàng có những nỗi thống khổ, cô đơn thế nào khi sống trên đống tiền, kim cương và nhung lụa do người tình cung phụng? Và khi không trả lời được những câu hỏi đó, việc Ba Trà thương cảm và chấp thuận nhận cô điếm Nhi làm em nuôi, giúp cô ta “tẩy trắng”, đưa lên làm đệ nhị mỹ nhân thực quá sức phi lý. Minh Hằng, với diễn xuất chín muồi đã “cứu cánh” rất nhiều cho Ba Trà. Nhưng một khi nhân vật đã “nông” từ trên kịch bản, thì người diễn viên dẫu có cố hết sức cũng khó lòng làm lay động khán giả.
Hoang mang thông điệp phim
Chị chị em em 2 tồn tại những mâu thuẫn khiến người xem hết sức hoang mang. Dù đặt nữ giới làm nhân vật trung tâm, ra rả hàng loạt câu thoại về nữ quyền nhưng phim vẫn bông đùa về phận làm điếm, lấy những màn khoe da thịt của diễn viên làm mồi “câu dẫn” rồi cho các nhân vật nữ cấu xé, hạ bệ nhau cốt chỉ để khẳng định vị thế mình trong mắt đàn ông rồi sống bằng tiền của họ. Nếu nói làm vậy để châm biếm thì cũng chưa đủ cay, mà nếu để tôn vinh nữ quyền thì lại càng phản cảm. Cuối cùng, ý đồ của nhà làm phim là gì?
Chị chị em em 2 khiến khán giả bối rối trong cách xây dựng hình tượng nữ giới
ĐPCC
Nhiều năm qua, điện ảnh Việt đã có những nỗ lực đáng khen trong việc thay đổi cách xây dựng hình tượng phụ nữ trên màn bạc, với những nhân vật nữ độc lập, tự do trong khát vọng sống và yêu thương, điển hình như trong: Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng, Gái già lắm chiêu, Chàng vợ của em, Tháng năm rực rỡ, Bẫy ngọt ngào, Chị chị em em. Dẫu chỉ mới chạm đến bề mặt của phong trào nữ quyền nhưng nó cũng đã bớt đi được cái gọi là “nhãn quan nam giới” trong cách xây dựng nhân vật.
Chị chị em em 2 luôn phản ánh nhân vật nữ từ đầu tới chân, nhấn mạnh miêu tả các bộ phận cơ thể phụ nữ như ngực và vòng ba. Trong Chị chị em em 2, nhân vật Nhi (hay Tư Nhị) của Ngọc Trinh tâm sự với cô bạn điếm già: “Em muốn làm mỹ nhân quá chị ơi. Chứ làm đĩ như tụi mình, biết bao giờ mới được làm người”. Vậy mà khi thoát khỏi phận gái điếm, nàng ta lại tỏ vẻ vui say khi được diện những trang phục lồ lộ da thịt, nhảy những điệu sexy và tuyên bố rằng với bằng này “vũ khí”, đàn ông khắp Nam kỳ lục tỉnh sẽ mê mình.
Mục đích và khát vọng tối thượng của hai nữ chính trong phim là kiếm tiền từ đàn ông. Nhưng phim cũng chẳng tạo ra một mối liên hệ nào cho Ba Trà và Tư Nhị với những người đàn ông xung quanh họ
ĐPCC
So với Chị chị em em của đạo diễn Kathy Uyên, Chị chị em em 2 là một bước lùi lớn trong việc xây dựng hình tượng nữ giới trên phim Việt
ĐPCC
Bộ phim mới nhất của Vũ Ngọc Đãng lấy bối cảnh những năm 1930, nhân vật trung tâm lại là gái điếm, gái làng chơi hạng sang, tất nhiên, ta không thể đòi hỏi những biểu hiện nữ quyền ở giai đoạn và ngữ cảnh này. Tuy nhiên, ít nhất, người xem cần được nhìn thấy sự tôn trọng và yêu thương của biên kịch, đạo diễn dành cho các nhân vật của họ. Nơi động đĩ xóm Bồ Rệp, những cô gái điếm mồm miệng bỗ bã có thể tự nhiên cười đùa, hả hê trước chuyện ngã giá đi khách, chơi trai… Sự tỉnh rụi kéo dài của tất cả bọn họ và những mảng miếng đùa nhây trên phận làm đĩ của Chị chị em em 2 thực sự khiến khán giả không khỏi hoang mang.
Kết phim Chị chị em em 2 càng khiến khán giả chưng hửng khi nhận ra sự tầm thường đến kệch cỡm của hai nhân vật chính. Sau cùng, dường như Ba Trà và Tư Nhị chỉ nhìn thấy giá trị bản thân mình thông qua nhan sắc và khả năng dụ dỗ đàn ông. Mưu cầu hạnh phúc của họ thật kỳ lạ. Thế nên, khi nhớ đến những câu thoại phim như: “Hãy cho mọi người biết bây giờ đờn bà cũng biết lên tiếng rồi” hay “Đàn bà tầm thường sẽ bị đàn ông chọn. Đàn bà tầm cỡ thì được chọn đàn ông”, người xem chỉ thêm bối rối và buồn… cười.