Chỉ số PCI Bạc Liêu nằm cuối bảng xếp hạng: “Điểm nghẽn” ở đâu?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Theo đó, Bạc Liêu nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng với 63/63 tỉnh, thành cả nước. Đây là điều rất bất ngờ khi trước đó Bạc Liêu được ví như “điểm sáng” trong thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL năm 2020.
Các nhà đầu tư tham khảo các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.D
Đâu là nguyên nhân?
Với vị trí nằm cuối bảng xếp hạng và xếp vào nhóm thấp nhất cả nước về chỉ số PCI, Bạc Liêu còn có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Bởi chỉ số PCI được đánh giá qua các phiếu điều tra từ cộng đồng các doanh nghiệp. Do vậy, sự mất điểm này đồng nghĩa với niềm tin của doanh nghiệp bị sụt giảm và các doanh nghiệp đã thể hiện thái độ của mình bằng việc chấm điểm qua 10 chỉ số thành phần.
Nhìn lại 10 chỉ số thành phần của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2020 cho thấy chỉ có 3 chỉ số tăng điểm là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và chi phí thời gian. Riêng 7 chỉ số thành phần khác giảm điểm khá sâu như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Từ những chỉ số thành phần bị giảm điểm trong năm 2020 cho thấy, đã xuất hiện hàng loạt các bất cập cần được tháo gỡ và sự mất điểm này là khách quan. Như chỉ số tính minh bạch trong năm 2019 được 6,36 điểm, tăng 0,27 điểm so với năm 2018, nhưng đến năm 2020 chỉ số này chỉ còn 4,81 điểm. Cách tính điểm chỉ số này, phần lớn liên quan đến việc công khai, minh bạch các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, quy hoạch, kế hoạch, tiếp cận văn bản, thông tin mời thầu… Sự giảm điểm của chỉ số này cho thấy, việc minh bạch hóa thông tin của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu cần được thông tin của doanh nghiệp, nhất là các thông tin về dự án, quy hoạch, kế hoạch chiến lược để doanh nghiệp nắm bắt và dựa vào đó xây dựng kế hoạch cho phát triển, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và tham gia vào các dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà doanh nghiệp quan tâm.
Một chỉ số khá quan trọng khác đã tăng điểm trong nhiều năm liền nhưng năm 2020 này lại bị giảm điểm – đó là tính năng động. Nếu năm 2019 chỉ số này được 6,25 điểm, tăng 0,89 điểm so năm 2018, thì đến năm 2020 chỉ còn 5,83 điểm. Chỉ số này chủ yếu liên quan đến sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách và việc giám sát, thực thi chính sách theo hướng “đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp”. Đó là các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời thông qua đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp; sự năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh và có ngay các giải pháp xử lý các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp…
Thực tế, thời gian qua UBND tỉnh đã xây dựng mô hình “Cà phê doanh nhân” và Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo phải nhân rộng mô hình này đến các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ ít nhất 2 lần/năm để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cả năm 2020 UBND tỉnh không tổ chức được một lần đối thoại nào với doanh nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các kiến nghị, đề xuất và cả bức xúc của doanh nghiệp chưa kịp thời đến được với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tham gia đối thoại cùng doanh nghiệp nên sự giảm điểm của chỉ số này trong năm 2020 là tất yếu.
Một chỉ số khác bị giảm điểm trong năm 2020 đáng chú ý là chỉ số chi phí không chính thức khi chỉ đạt 5,98 điểm so với năm 2019 là 6,03 điểm. Sự giảm điểm của chỉ số này đã phản ánh doanh nghiệp còn phải tốn những khoản chi phí phát sinh khá nhiều, thậm chí phải gánh thêm chi phí “bôi trơn” trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, chỉ số thành phần này có điểm số và thứ hạng tăng – giảm không ổn định qua các năm. Như năm 2018 tuy có tăng điểm nhưng vẫn bị tụt hạng so với năm 2017, trong năm 2019 lại tiếp tục giảm cả điểm số và thứ hạng so với năm 2018 (giảm 0,51 điểm, giảm 23 bậc) và đến năm 2020 tiếp tục thụt lùi?! Trong khi đó, các ngành, địa phương luôn nêu cao khẩu hiệu cải cách hành chính nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp thì “hành” là chính?!
Ngoài các chỉ số trên, nhiều chỉ số khác cũng giảm điểm so với năm 2019 mà nguyên nhân chính là các ngành, địa phương còn chưa thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp luôn than khó nhưng việc giải quyết các khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp đôi khi chỉ là lời hứa. Cụ thể năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Ngân hàng nên tổ chức Chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng mỗi quý một lần, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có điều kiện tái đầu tư cho phát triển sản xuất. Thế nhưng cả năm 2020, ngành Ngân hàng chỉ tổ chức duy nhất một đợt kết nối. Ngoài ra, trong hầu hết các cuộc họp bàn giải pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vốn luôn là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu, nhưng yêu cầu và đề xuất này lại chưa được quan tâm xử lý?!
Bảng xếp hạng PCI năm 2020.
Khơi thông những điểm nghẽn
Để cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nâng cao chỉ số PCI gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư những gì thuận lợi nhất. Đồng thời, gắn với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các đơn vị trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng gây sách nhiễu, khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với đó là phát huy vai trò, sự tham gia giám sát của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong việc cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và phản ánh kịp thời thông qua đường dây nóng đối với các trường hợp cán bộ cố tình gây khó nhằm mưu lợi bất chính.
Không chỉ thế, UBND tỉnh còn chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết các thủ tục dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Như trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thời gian qua đã được rút ngắn xuống còn 4 giờ làm việc, thay vì như trước đây phải mất hơn 2 ngày làm việc. Hay trong cấp phép xây dựng từ 15 ngày làm việc đã giảm xuống còn 3 – 10 ngày làm việc; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 20 ngày xuống còn dưới 15 ngày…
Đào tạo lao động – một trong những chỉ số thành phần bị giảm điểm của năm 2020. Trong ảnh: Đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản ở Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu.
Cùng với đó là chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương xây dựng công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính bằng tờ rơi để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, đầy đủ, kịp thời. Công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị…
Đơn cử trong lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải công khai minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; hay ngành Thuế phải công khai các chính sách hỗ trợ và ưu đãi vế thuế; cũng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức cao nhất… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt là quán triệt và nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp gắn với khẩu hiệu “4 xin và 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Vấn đề đặt ra ở đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành rất nhiều văn bản, giải pháp để nâng cao chỉ số PCI thì tại sao chỉ số PCI của Bạc Liêu lại đứng ở vị trí thấp nhất cả nước? Các chính sách và chỉ đạo ấy đã được đưa vào thực tiễn hay chưa, hay vẫn chỉ “nằm trên giấy” nên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của ngành quản lý, các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Kế hoạch số 28 ngày 26/2/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung nâng cao chỉ số PCI và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các sở, ban ngành, các địa phương rất cụ thể và rõ ràng. Đặc biệt là phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Bạc Liêu phải nằm trong tốp 20 địa phương có thứ hạng tốt nhất và quyết tâm duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo. Vậy mà năm 2020, chỉ số PCI của Bạc Liêu lại nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng! Do vậy, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức một hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá, phân tích lại các kế hoạch, giải pháp và công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nâng cao chỉ số PCI hiệu quả đến đâu, “điểm nghẽn” nằm ở chỗ nào và ai phải chịu trách nhiệm cho những ách tắc ấy?! Đồng thời, nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân khách quan, chủ quan của các “điểm nghẽn” và có ngay giải pháp khai thông. Từ đó chủ động giải quyết và dự báo việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI cho giai đoạn tiếp theo.
LƯ DŨNG
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là năm thứ 16 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác thực hiện và công bố chỉ số PCI tại Việt Nam. Với quy mô điều tra toàn diện và phương pháp luận cập nhật định kỳ nhằm bám sát thực tế chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam, báo cáo PCI 2020 tiếp tục chuyển tải tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố, qua những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp.
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ĐỂ NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI (2021 – 2025)
Để nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI trên tinh thần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng chỉ tiêu, phân công rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị. Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp linh hoạt và kiến nghị tỉnh các giải pháp điều hành hiệu quả.
Cùng với đó, tổ chức đối thoại hiệu quả với doanh nghiệp, nhà đầu tư để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố. Định kỳ hàng năm có tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình “Cà phê doanh nhân”.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), thúc đẩy cải cách TTHC toàn diện như: Xây dựng “Phần mềm đăng ký chung tích hợp” tất cả các sở, ban, ngành sử dụng chung dữ liệu đăng ký kinh doanh; Rà soát TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, văn bản hướng dẫn bộ hồ sơ đơn giản, dễ hiểu, “Hướng dẫn đầy đủ một lần”. Đặc biệt, rà soát, cắt giảm TTHC liên quan đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; số lượng các dịch vụ công cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4…