Chi tiết bài viết – Tỉnh ủy Quảng Bình – Liferay

Di tích lịch sử, văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm, hiện vật, di vật, đồ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội một dân tộc, một đất nước. Đó là tài sản vô giá cũng là tài nguyên du lịch quan trọng có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội đối với mỗi quốc gia, dân tộc.

Quảng Bình – vùng đất có bề dày lịch sử; nơi giao thoa, hội tụ và lưu giữ những dấu tích của lịch sử, văn hóa của các dân tộc. Đây cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều danh nhân, danh tướng tài ba của dân tộc. Vì vậy, cùng với quá trình hình thành và phát triển, Quảng Bình là địa phương có số lượng di tích đáng kể, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Theo thống kê của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 136 di tích được xếp hạng. Trong đó, về phân cấp xếp hạng di tích: có 55 di tích Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp tỉnh; về loại hình di tích: có 131 di tích lịch sử, 02 di tích kiến trúc nghệ thuật; 01 di tích khảo cổ; 02 danh lam thắng cảnh.

Trong những năm qua, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt, cùng với quá trình hoạch định chủ trương chiến lược đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành kinh tế phát triển, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử từng bước được nhìn nhận đúng đắn, khách quan, toàn diện, được xem một trong những “sản phẩm” du lịch cơ bản phục vụ thiết thực trong công cuộc phát triển du lịch của tỉnh.

Có thể nhận thấy, bắt đầu từ Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, cùng với sự hình thành quan điểm: “Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiệm vụ “nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái – hang động, du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử… ” (1). Đại hội cũng nêu ra các giải pháp cụ thể để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đó là: “Chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin đến người dân” (2). Từ đây, các giá trị văn hóa, lịch sử nói chung, trong đó có các di tích lịch sử, văn hóa nói riêng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch.

Tuy vậy, phải từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, quan điểm “đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới được hình thành, việc lãnh đạo, chỉ đạo khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn thực sự được Đảng bộ tỉnh tập trung đẩy mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13/7/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 12/5/2017 về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 – 2020 (bổ sung, sửa đổi), nêu rõ du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh là một trong 6 sản phẩm du lịch của tỉnh để quan tâm đầu tư, phát triển (cùng với du lịch khám phá, trải nghiệm; du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; các sản phẩm du lịch mới).

Cùng với việc xác định tầm quan trọng của du lịch văn hóa, lịch sử, các cấp ủy đảng đã luôn chú trọng đến việc giáo dục, gìn giữ các giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa. Ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ: “Cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ, xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài. Thông qua các việc làm thiết thực để góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” (3).

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là một trong bốn khâu đột phá lớn của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, ngày 09/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU về phát triển du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 – 2025. Đây là văn bản quan trọng nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng bộ tỉnh thành các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, các sản phẩm du lịch được nhận thức, đánh giá lại bao gồm 5 sản phẩm chính, bao gồm: du lịch sông, biển, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; các sản phẩm du lịch mới. Như vậy, du lịch văn hóa, lịch sử là một trong những sản phẩm quan trọng và là nguồn lực không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Về nhiệm vụ cụ thể trong phát triển loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, chương trình hành động nêu rõ: “Nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian” (4).

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Các cấp ủy đảng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, cơ quan, đơn vị được chú trọng, gắn với việc tìm hiểu lịch sử, tôn tạo, xây dựng di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thống nhất quản lý nhà nước về di tích, giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện quản lý nhà nước đối với di tích trên địa bàn được phân cấp. Từ đó đã khắc phục được những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ di tích, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, phê duyệt các kế hoạch, danh mục, hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo di tích, đặc biệt là ưu tiên đầu tư các di tích có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Đến nay, các di tích đã được đầu tư phát triển khá đồng bộ, cơ bản hoàn chỉnh, trở thành những điểm tham quan du lịch có ý nghĩa cho du khách trong và ngoài tỉnh, như: Quảng Bình Quan, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bến phà Long Đại, trận địa C gái Ngư Thủy… Đáng chú ý trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã khánh thành Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng – ATP;  cùng với các điểm di tích như Hang Tám Thanh niên xung phong, ngầm Trạ Ang, tổng kho NH, hang Thông tin, hang Y tá… đưa đường 20 Quyết Thắng – con đường của tuổi trẻ với ý chí quyết tâm “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” trở thành “địa chỉ đỏ” trong hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn – đường 20 Quyết Thắng
 (ảnh Tư liệu)

 Mặt trận, các đoàn thể tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các hoạt động về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ; tổ chức dâng hương, dâng hoa, báo công tại các di tích lịch sử; tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiều về lịch sử của các di tích… Tiêu biểu như chương trình Thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ vào tối ngày 26/7 hằng năm do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; chương trình“Hành trình vang mãi tiếng trống Ninh Châu” do Tỉnh Đoàn tổ chức trong năm 2021; các cuộc thi “Hát quốc ca tại địa chỉ đỏ”, “Tìm hiểu tiểu sử các anh hùng, liệt sĩ ở địa phương”; “Chúng em hướng về cội nguồn”; “Tự hào truyền thống Đội ta” của Hội đồng đội tỉnh tổ chức, thu hút 100% Liên đội trong toàn tỉnh tham gia hưởng ứng… Nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần giữ gìn di tích, giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh được triển khai, như: Trường THCS Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) nhận chăm sóc Hội trường Bộ Tư lệnh 559 thuộc di tích Đường Hồ Chí Minh; Trường THCS Võ Ninh nhận chăm sóc Di tích Nhà nhóm Thôn Trung; Trường THCS Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) nhận chăm sóc Chùa An Xá…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đến nay, vẫn còn nhiều di tích ở nhiều địa phương chưa được quan tâm giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Trải qua thời gian và chiến tranh, chịu sự tác động từ thiên tai, địch họa cũng như từ phía con người, có nhiều di tích hiện nay đã  xuống cấp, chưa được trùng tu, tôn tạo. Nguồn kinh phí phục vụ cho triển khai tôn tạo các di tích còn hạn hẹp; việc trùng tu, tôn tạo chủ yếu hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng di tích chứ chưa kết hợp với việc phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, chưa trở thành sản phẩm du lịch. Hoạt động giới thiệu, tuyên truyền các điểm di tích chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên. Việc xây dựng dữ liệu thông tin về các điểm di tích và cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, chưa cung cấp cho du khách cẩm nang về các di tích trong quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị lịch sử, văn hóa. Công tác phối hợp trong việc khai thác, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch có mặt chưa đồng bộ, kết quả đạt được chưa cao…

Có thể khẳng định rằng, trong chiến lược phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, di tích lịch sử, văn hóa đóng vai trò quan trọng, góp phần khẳng định truyền thống, bản sắc của quê hương đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo giúp xây dựng, định vị thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ đắc lực trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, trong giai đoạn hiện nay cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trong thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy hoạch,  chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng xây dựng các điểm di tích đặc trưng, tạo được điểm nhấn và thương hiệu của lịch sử, vùng đất, con người Quảng Bình.

Tập trung xây dựng dữ liệu thông tin của các di tích lịch sử, văn hóa dựa trên các ứng dụng của công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân và du khách trong và ngoài nước dễ nắm bắt, tìm hiểu, khám phá. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích đảm bảo theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, gìn giữ các giá trị lịch sử, khoa học và thẩm mỹ của di tích. Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa nói riêng và và đội ngũ làm công tác du lịch nói chung trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, làm cho “mỗi người dân là một chiến sỹ” trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, “đưa di tích về với cộng đồng” để khai thác các giá trị của di tích phục vụ phát triển du lịch, đó chính là động lực tạo sự phát triển bền vững góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:

(1). Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015, tr. 60.

(2). Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015, tr. 71.

(3). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 18/4/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ trên địa bàn, tr.1.

(4). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025; tr. 6.

GT

Xổ số miền Bắc