Chi tiết bài viết
Mục lục bài viết
Hội chứng liệt hai chi dưới
Liệt hai chi dưới là giảm hoặc mất vận động tự chủ hai chân do tổn thương nơron vận động trung ương hay nơron vận động ngoại biên một bên hoặc cả hai.
1. Khái niệm:
Liệt hai chi dưới là hội chứng biểu hiện giảm hay mất vận động hữu ý ở 2 chân do tổn thương tế bào thần kinh trung ương hay ngoại biên.
2. Nguyên nhân:
a. Nguyên nhân liệt 2 chân do tổn thương ngoại biên (liệt mềm):
– Viêm sừng trước tủy cấp tính: Bại liệt.
– Viêm đa rễ thần kinh.
– Viêm đa dây thần kinh.
– Hội chứng đuôi ngựa: Do u hay viêm ở chóp cùng đuôi ngựa.
b. Nguyên nhân liệt 2 chân do tổn thương trung ương:
Gây liệt mềm:
– Chấn thương
– Bệnh lý mạch máu tủy: Chảy máu tủy, nhũn tủy.
– Viêm tủy ngang cấp tính: Thường do virus.
– Áp xe ngoài màng cứng.
– Do tiêm phòng vắc xin dại.
Gây liệt cứng:
– Viêm tủy mãn tính.
– U tủy.
– Lao cột sống.
– Ung thư cột sống.
– U vùng hồi nhỏ cạnh giữa.
– Viêm màng nhện tủy dày dính.
– Xơ cứng tủy.
3. Triệu chứng:
a. Liệt mềm:
Trong hội chứng liệt mềm hai chân, bên cạnh rối loạn vận động nặng nề, giảm trương lực cơ, còn có rối loạn phản xạ, rối loạn cảm giác và rối loạn cơ vòng.
Rối loạn vận động:
Liệt hai chân mức độ khác nhau, nếu do viêm tủy ngang hoặc do choáng tủy thường có liệt nặng nề đồng đều ở ngọn chi và gốc chi, nếu liệt do viêm đa dây thần kinh thường liệt ngọn chi nặng hơn gốc chi.
Rối loạn trương lực cơ:
Trương lực cơ giảm rõ rệt, các chi mềm nhũn, không duy trì được tư thế.
Rối loạn phản xạ:
Phản xạ gân xương chi dưới, phản xạ da bụng, da đùi – bìu giảm hay mất, không có phản xạ bệnh lý bó tháp.
Rối loạn cảm giác:
Cảm giác có thể giảm, mất hoặc rối loạn kiểu phân ly.
Rối loạn cơ vòng – sinh dục:
Bí đại tiểu tiện, nếu tổn thương chóp tủy sẽ rối loạn cơ vòng kiểu ngoại vi.
Rối loạn thực vật-dinh dưỡng:
Da tím tái, lạnh, mất căng, loét điểm tỳ, teo cơ…
b. Liệt cứng hai chân:
Đặc điểm:
– Hai chân liệt cứng có thể nguyên phát nhưng cũng có thứ phát (đi sau liệt mềm).
– Từ liệt mềm chuyển sang liệt cứng là tiên lượng tốt, tủy có hồi phục.
– Từ liệt cứng chuyển sang liệt mềm là tiên lượng xấu, tủy bị hủy hoại.
Lâm sàng:
– Vận động: Sức cơ giảm, ngọn chi nặng hơn gốc chi.
– Trương lực cơ tăng kiểu co cứng tháp.
– Phản xạ gân xương tăng, lan toả, có thể có rung giật bàn chân và rung giật bánh chè.
– Có thể có phản xạ tự động tủy.
– Có phản xạ bệnh lý bó tháp 1 bên hay cả 2 bên.
– Rối loạn cảm giác nông và sâu theo kiểu đường dẫn truyền.
– Rối loạn cơ vòng: Bí đại tiểu tiện.
– Teo cơ muộn do không vận động.
– Không có phản ứng thoái hoá điện.
4. Xét nghiệm:
– Chụp X quang: Tìm các bất thường vẹo cột sống, thoái hoá, các thay đổi đường kính ống sống, lỗ liên hợp, các tổn thương do lao, chấn thương, ung thư…
– Chọc dò dịch não tuỷ: Tìm nguyên nhân do chèn ép hay do viêm.
– Ðiện cơ đồ: Các bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên (viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ dây thần kinh).
– Chụp tuỷ sống có cản quang với các tổn thương ép tuỷ, thoát vị đĩa đệm cột sống, viêm màng nhện tuỷ.
– Bơm thuốc cản quang vào dịch não tuỷ kết hợp với chụp cắt lớp vi tính khu trú ngang mức tổn thương để xác định nguyên nhân.
– Chụp cộng hưởng từ tuỷsống là xét nghiệm quan trọng và có giá trị nhất để chẩn đoán xác định đồng thời tìm nguyên nhân liệt hai chân.
5. Diến biến lâm sàng:
a. Liệt mềm chuyển sang liệt cứng:
Khi bị tổn thương đột ngột, cấp tính (sang chấn, viêm tuỷ cấp …) do hiện tượng “choáng tuỷ”, liệt mềm hai chân kèm rối loạn vận động, phản xạ, cảm giác dưới nơi tổn thương, rối loạn cơ tròn …
Giai đoạn tiếp theo gọi là tuỷ tự động (thường sau 21 ngày), tuỷ ra khỏi hiện tượng “choáng”, dần hồi phục và trở lại chức năng ban đầu; vận động, phản xạ gân xương thấy trở lại, nhưng do bó tháp bị tổn thương, liên lạc giữa tuỷ và vỏ não vẫn bị gián đoạn, sừng trước tuỷ mất kiểm soát nên tăng cường quá mức làm xuất hiện phản xạ tự động tuỷ.
b. Liệt cứng chuyển sang liệt mềm:
Bệnh nhân đang liệt cứng hai chân dần dần thấy chuyển sang mềm là tiên lượng xấu do tuỷ bị hoại tử mất chức năng.
6. Điều trị.
Điều trị nguyên nhân, điều trị bệnh gốc là liệu pháp cơ bản. Tuy nhiên các bệnh thoái hoá di truyền không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà điều trị triệu chứng là chính.
Điều trị triệu chứng: Liệt mềm có thể cho các thuốc làm tăng trương lực cơ, châm cứu, thủy châm, tập vận động…Liệt cứng cần được xoa bóp, bấm huyệt, và tập vận động thích hợp.