Chia sẻ chuyên đề: VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC – Khoa Khoa học xã hội – Luật
Mục lục bài viết
Chia sẻ chuyên đề: VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC
Ngày 09 tháng 01 năm 2023, ThS. Doãn Thị Ngọc-Giảng viên Trường ĐH Hoa Sen đã trình bày chủ đề: “Văn Hóa Ứng Xử Trong Trường Học”, với sự tham gia của khoảng 700 học sinh Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai,
Nội dung được tập trung trao đổi sôi nổi với các em học sinh về văn hóa, về giao tiếp ứng xử và một số cách ứng xử với những hành vi tiêu cực trong giao tiếp ứng xử trong trường học.
*** Thứ nhất, văn hóa là cách sống của một nhóm người bao gồm những hành vi, niềm tin, giá trị và biểu tượng mà họ chấp nhận một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩvề chúng và được truyền qua giao tiếp và bắt chước từ thế hệ này sang thế hệ khác (Samovar and Porter, 1994).
– Về hành vi, một số ví dụ như hành vi chào hỏi trong văn hóa người Việt Nam hàng ngày như: chúng ta chào thầy cô, chào cha mẹ, chào người lớn, chào bạn bè, chào khách hang có thể có những khác biệt nhất định. Có sự khác biệt trong văn hóa chào hỏi của người Nhật Bản và người Việt Nam. Hành vi văn hóa chào hỏi của Người Việt Nam thường chào nhau, có thể đi kèm với gật đầu nhẹ và cười và có thể sau lời chào là hỏi thăm sức khoẻ, công ăn việc làm, đang đi đâu, đang làm gì… Đó là một cách quan tâm tới người được chào, biểu lộ tình cảm và sự thân thiện. Trong văn hóa chào hỏi của Nhật Bản, họ cúi chào nhau. Người Nhật tùy theo đối tượng mà phân thành các kiểu chào hỏi khác nhau như:cúi chào 15 độ, 30 độ hay 45 độ và nam giới và nữ giới sẽ để tay khác nhau.
– Về niềm tin trong văn hóa Việt Nam, hiến pháp và người Việt Nam đều tin mọi người đều bình đẳng; vì vậy, ai cũng mong muốn đối xử công bằng và bình đẳng, tử tế, đàng hoàng với nhau và chúng ta tin rằng con người ta có thể thay đổi tốt hơn sau khi mắc sai lầm.
– Về giá trị, gần đây chúng ta bàn nhiều về các giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi của dân tộc mà chúng phản ánh khát vọng, khát khao của cả dân tộc đều muốn vươn tới như các giá trị nền tảng về hòa bình, thống nhất, độc lâp, tự do, hạnh phúc, dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh, nhân văn.
– Về biểu tượng, đây chính là lớp vỏ ngoài tiêu biểu của một nền văn hóa của một quốc gia mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy như: thức ăn, kiến trúc, ngôn ngữ hoặc trang phục truyền thống, lá cờ, hoa sen, ẩm thực – Phở, Bánh mì đã được đưa vào từ điển của thế giới.
*** Thứ hai, giao tiếp là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, cảm nhận, cảm xúc và ý kiến bằng lời hoặc không lời giữa hai hay nhiều người (W.H. Newman & C.F. Summer).
Chúng ta thường hiểu nhau trong giao tiếp, nhưng cũng có lúc chúng ta không hiểu nhau. Chính vì vậy mà giao tiếp thực tế là khó vì chúng ta có thể suy diễn hay dễ tự cho rằng mình hiểu ý của người nói và tưởng hiểu ý của người nói, mà không làm rõ ý của người nói nên thường hiểu sai ý của người gửi trong qúa trình giao tiếp. Khi chúng ta phản hồi lại thì thấy không đúng ý và chúng ta mới nói câu “tôi cứ tưởng” như vậy chứ và dễ dẫn đến buồn khó chịu, tức tối, giận, la hét và ứng xử rất tồi tệ. Vì vậy, để giao tiếp hiệu quả và thành công, đòi hỏi chúng ta không chỉ có kiến thức nền vững chắc, nhiều kỹ năng như kỹ năng lắng nghe hiệu quả, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng làm rõ vấn đề, kỹ năng tóm tát, kỹ năng ghi chú, kỹ năng đọc, viết, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng khoan dung và nhiều kỹ năng khác nữa. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần có thái độ tích cực, cởi mở, học hỏi, nhìn lại mình, và sửa sai.
*** Điểm thứ ba là tìm hiểu về ứng xử.
Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói trong quan hệ giao tiếp giữa người với người. Ứng xử là từ ghép của hai từ ứng và xử. Trong đó, “ứng” mang nghĩa là ứng phó, ứng biến. Còn “xử” mang nghĩa là xử lý, xử thế, xử sự. Ứng xử là cách thức con người lựa chọn để đối xử với nhau trong giao tiếp hàng ngày. Vì vậy, mỗi cá nhân khi giao tiếp cần ứng xử phù hợp và hiệu quả, tùy theo vai trò, hoàn cảnh và mục đích giao tiếp. Học sinh-sinh viên cần hiểu rõ các quy tắc ứng xử giao tiếp cơ bản với thầy cô, cha mẹ, ông bà, hàng xóm, bạn bè để giao tiếp phù hợp như:
- Với thầy cô giáo: Đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, lời nói lịch sự, ngắn gọn, và rõ ràngrõ ràng. Lời chào cao hơn mâm cỗ nên các em cần kính thưa khi chào hỏi và không được có những hành vi, cử chỉ, lời nói thiếu chuẩn mực đạo đức và vô lễ. Biết xin lỗi, nhận sai và sửa sai.
- Với ông bà/cha mẹ: Chào hỏi lễ phép, kính trọng, hỏi han, chia sẻ, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình. Khi được hỏi phải trả lời lễ phép, nhẹ nhàng, rõ ràng. Không vô lễ, chủi tục, khích bác, công kích, lên án ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi.
- Với bạn bè: cần đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng, không cầu kì, không kiểu cách, và giúp đỡ lẫn nhau. Gọi nhau bằng tên hoặc bạn, cậu, tớ, không nhại giọng, chọc ghẹo, chê bai những khiếm khuyết về ngoại hình hoặc đặc điểm về tính nết của người khác.
- Với xã hội: Ứng xử trong giao tiếp đảm bảo lịch sự, nhẹ nhàng, ân cần, giúp đỡ, hỏi thăm, chia sẻ chân tình, không cãi cọ, không xích mích, không trả thù.
- Ứng xử trong sinh hoạt đảm bảo đi nhẹ nói khẽ, không xả rác, không quát tháo, không gây mất trật tự an ninh, không gây ồn ào, mất vệ sinh chung.
*** Điểm thứ tư là giao tiếp ứng xử. Giao tiếp ứng xử được hiểu là sự phản ứng của cá nhân, tổ chức, nhóm. Mỗi cá nhân cần giao tiếp ứng xử tinh tế, khôn ngoan vì đây chính là cầu nối để gắn kết và phát triển trong đời sống hàng ngày. Đồng thời, kỹ năng này còn mang lại rất nhiều lợi ích khác khi giao tiếp như tạo ấn tượng ban đầu tốt, được yêu mến trong một tình huống cụ thể và nhất định. Khi giao tiếp các em nên hòa mình vào câu chuyện của người đối diện, tìm những chủ đề trung lập, an toàn và không quá riêng tư để bắt chuyện, đặc biệt tránh định kiến, phân biệt đối xử, cần tôn trọng sự đa dạng vùng miền, giới tính, tôn giáo, màu da, sắc tộc.
*** Cuối cùng, một số cách đơn giản vượt qua các biểu hiện văn hóa ứng xử tiêu cực trong trường học thông qua việc áp dụng sáu giác quan.
- Đôi tai rất quan trọng. Chúng ta cần luyện kỹ năng lắng nghe bằng cả con tim và khối óc. Nghe có chú tâm. Để nghe hiệu quả và đạt mục tiêu giao tiếp, chúng ta cần giữ cho tâm thật an và tĩnh, không giả định hay tưởng tượng vô căn cứ và cần tập trung vào thông điệp được truyền tải. Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, chúng ta rất dễ hiểu nhầm nhau và dễ tự suy diễn, tự tưởng theo ý của mình nên đôi khi không hiểu đúng ý của người nói.
- Mắt đóng vai trò quan trọng vì trăm nghe không bằng một thấy. Đôi mắt cũng là cửa sổ của tâm hồn và chúng ta cần nhìn thẳng, nhưng không nhìn chằm chằm khi giao tiếp. Nhìn sao cho phù hợp văn hóa, nhìn sao cho yêu thương, lịch sự, tôn trọng, thân thiện, đàng hoàng để không bị gọi là “có đôi mắt hư”.
- Tay là xúc giác và cũng rất quan trọng trong văn hóa ứng xử. Ngày nay, chúng ta dùng mạng xã hội nhiều và đôi khi tay của chúng ta nhanh hơn cái đầu hay được gọi là anh hung bàn phím. Vì vậy, chúng ta cũng cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa một thông tin gì đó lên mạng xã hội. Ngoài ra, khi bắt tay thì cũng tìm hiểu văn hóa bắt tay để bắt tay sao cho phù hợp. Bàn tay ta không nên đụng chạm lung tung trong giao tiếp và cần xin phép khi đụng vào ai đó để tránh những vấn đề nhạy cảm về văn hóa hay quấy rối tình dục.
- Miệng –Ông bà ta có câu “Bệnh từ miệng vô, họa từ miệng ra”. Trong giao tiếp nếu chúng ta không nói được điều gì tử tế, có lẽ chúng ta nên chọn im lặng và nên chọn người tin tưởng để nói những điều riêng tư. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nếu lỡ miệng phải biết sửa sai.
- Mũi là khứu giác. Ngày nay chúng ta cần lưu tâm về mùi vị vì có nhiều người bị dị ứng mùi. Chúng ta nên giữ gìn cơ thể vệ sinh sạch sẽ, giữ mùi tự nhiên là tốt nhất.
- Cuối cùng, cảm nhận của chúng ta khi giao tiếp. Giao tiếp là khó. Mỗi người là độc đáo và riêng biệt. Vì vậy, chúng ta cần linh hoạt ứng xử và luu ý tránh làm phiền người khác và tránh làm mất thời gian không cần thiết của người khác.
ThS. Doãn Thị Ngọc – GV Khoa KHXH-Luật-Trường Đại Học Hoa Sen