Chia sẻ từ các “đại sứ văn hóa đọc”

Học sinh Nguyễn Tấn Phát

Học sinh Nguyễn Tấn Phát

Nguyễn Tấn Phát: Cảm nhận sách từ tranh vẽ

Nguyễn Tấn Phát hiện là học sinh lớp 9/3, Trường THCS Đại Điền, huyện Thạnh Phú. Em đã đạt giải nhất khối THCS cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022 (vòng sơ khảo tại Bến Tre), trong phần thi thông qua một tác phẩm hội họa để cảm nhận, giới thiệu về cuốn sách yêu thích.

Đối với Tấn Phát, đọc sách là một thói quen đơn giản, hiệu quả, cung cấp kiến thức cho em trong quá trình học tập. Tấn Phát có năng khiếu vẽ nên em càng yêu thích và thường xuyên tìm đọc những quyển sách về kỹ thuật vẽ, sách có minh họa tranh để nghiên cứu, tìm hiểu về mỹ thuật. Từ câu chuyện trong sách, Phát cũng có thể dùng làm nội dung cho tranh vẽ của mình, trau dồi thêm niềm đam mê với mỹ thuật.

“Khi cảm nhận cuốn sách “Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực”, cuốn sách như đang nói lên một phần của bản thân em trong đó. Em mong muốn trở thành một người thiết kế nội thất. Em tâm đắc nhất nội dung quyển sách là khi mình ước mơ thì phải đặt mục tiêu rõ ràng cho mình, có thể những ước mơ đó to lớn nhưng mình cần đặt ra mục tiêu thực hiện và cố gắng hết sức mình. Em có chia sẻ ước mơ của mình với gia đình, thầy cô thì mọi người đều khuyên em nên đọc sách nhiều hơn để tìm công việc nào đó, định hướng nào phù hợp với mình”, Tấn Phát chia sẻ.

Phương pháp đọc sách của Phát là đọc từ 2 – 3 trang mỗi ngày nhưng khi đọc xong quyển sách thì phải nhớ được nội dung quyển sách nói về điều gì. Em còn sử dụng sơ đồ tư duy để vẽ lại, tóm tắt những thông tin mà em đọc được từ sách. Em có thể dùng sơ đồ tư duy đó để giới thiệu cho các bạn khác cùng đọc sách. Tấn Phát cho biết: “Khi đọc sách, em cần thời gian để cảm nhận và tư duy để hiểu về những gì mình đọc. Đối với em thì sách cho em kiến thức, những bài học về cuộc sống, định hướng về ước mơ tương lai. Em thấy được lợi ích từ việc đọc sách mang lại từ chính bản thân em và từ người chị của em nên em nghĩ là mỗi người nên dành thời gian đọc sách và giới thiệu cho mọi người cùng đọc”.

Phạm Nguyễn Bảo Trân: Duy trì thói quen đọc sách

Bảo Trân hiện là sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng 2020, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh. Em đã đạt giải nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022 (vòng sơ khảo tại Bến Tre) và giải khuyến khích cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sinh viên Phạm Nguyễn Bảo Trân

Sinh viên Phạm Nguyễn Bảo Trân

Chia sẻ về tác phẩm “Khát vọng Bến Tre” mà em đã cảm nhận khi tham dự cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh cũng như cấp bộ năm vừa qua, Bảo Trân vẫn còn nhớ những cảm xúc và thông điệp mà cuốn sách mang lại. Trân cho biết: “Dấu mốc 2045 trong sách là sự thể hiện niềm tin và khát vọng, không chỉ của các vị lãnh đạo khi đặt ra mục tiêu phát triển của tỉnh mà còn là khát vọng chung của người dân, trong đó có thế hệ trẻ chúng em về một tỉnh Bến Tre trong tương lai. Đó còn là mục tiêu để chúng em cùng cố gắng, nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng đó. Khi đọc quyển sách, điều mà em tâm đắc nhất chính là 5 từ khóa về một Bến Tre trong tương lai đó là: Đáng sống, Thu nhập tốt, Xanh – sạch, Hiện đại. Cuốn sách không chỉ là tầm nhìn, mà còn đặt để nhiều tâm huyết, tình cảm cho quê hương. Qua sách em cảm nhận được nỗ lực từ nhóm tác giả cũng như tỉnh nhà để có thể tiến bộ hơn trong tương lai, bằng sự quyết tâm thì chúng ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng đó”.

Từ khi bắt đầu vào đại học, với cách học tập mới và được tham gia nhiều hoạt động liên quan đến khuyến đọc, Bảo Trân đã thay đổi cách đọc sách để mang lại hiệu quả cho bản thân. “Em thường đọc sách về văn học, lịch sử và các thể loại về khoa học. Gần đây, em còn tìm hiểu các thể loại sách về văn hóa địa phương. Thường sau giờ học, em tranh thủ thời gian trống từ 15 – 30 phút để đọc, cập nhật thông tin. Khi đọc thì em hay dùng viết nhiều màu để đánh dấu lại chỗ mà em thích hoặc chỗ mà em chưa hiểu để tìm hiểu sau để biến những kiến thức trong sách trở thành kiến thức của mình”, Trân cho biết.

Với Bảo Trân, không cần đặt nặng việc mình đọc nhiều hay ít sách mà quan trọng là qua quá trình đọc thì người đọc học được điều gì mới có ích cho bản thân.

“Phát triển văn hóa đọc là việc làm lâu dài. Văn hóa đọc chỉ được hình thành khi mọi người có được sở thích đọc, thói quen đọc và kỹ năng đọc đúng, được duy trì. Với chuỗi sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc, em hy vọng năm nay sẽ có nhiều đầu sách hay được giới thiệu, nhất là sách về Bến Tre để mọi người hiểu hơn về quê hương”, Bảo Trân bày tỏ.

Chuỗi sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 19-4-2023, với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn” tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh gồm: trưng bày và phục vụ tài liệu (đa thể loại) tại không gian sách; trưng bày, giới thiệu quyển sách Thư pháp khổ lớn Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển; phục vụ sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, STEM, bán sách gây quỹ…

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại tỉnh dự kiến diễn ra vào 9 giờ ngày 16-4-2023, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh. Sự kiện này được tổ chức gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm 2023 nhằm tạo sự hưởng ứng, sâu rộng, phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Xổ số miền Bắc