Chiêm ngưỡng nét độc đáo trong trang phục truyền thống 22 dân tộc | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)

Đồng bào 22 dân tộc ở 17 tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp trình diễn trang phục hàng ngày, trang phục lễ hội và áo cưới của dân tộc mình tại Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất-năm 2022, diễn ra từ ngày 18-20/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày 11/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình đặc sắc này.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết đây là hoạt động có ý nghĩa triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đồng thời cũng là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch.

[Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2]

“Liên hoan nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực phía Bắc trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em,” bà Nguyễn Thị Hải Nhung nói.

Chiem nguong net doc dao trong trang phuc truyen thong 22 dan toc hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt (giữa) chủ trì họp báo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Với chủ đề “Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển,” liên hoan bao gồm nhiều hoạt động phong phú như: Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc; hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Trình diễn và triển lãm trang phục truyền thống; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống; Tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc.

Đây là hoạt động song hành cùng Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chào mừng Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Tại cuộc họp báo, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly cho hay lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc có chủ đề “Khát vọng Việt Nam.”

Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sân khấu được thiết kế theo hình chiếc quạt, đây là một hình ảnh không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam, tất cả các nan quạt chụm về một phía tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Những lớp quạt cũng gợi liên tưởng đến hình ảnh những cánh buồm đưa đất nước ra biển lớn.

“Sẽ có 4 sân khấu nhỏ trên tổng thể sân khấu lớn để các diễn viên, nghệ sỹ, nghệ nhân cùng đồng diễn. Đó là sân khấu đảo, sân khấu mặt nước, sân khấu đường dẫn và sân khấu cầu nối giữa các sân khấu trên. Như vậy, công chúng sẽ được thưởng thức nghệ thuật trên một không gian rất rộng. Sẽ có 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia biểu diễn,” bà Trần Ly Ly cho hay.

Trong 2 ngày 19-20/11, công chúng sẽ được tham gia ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc. Một số lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc sẽ được giới thiệu, như: Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk (sáng 19/11), nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm tỉnh An Giang (chiều 19/11), lễ hội cầu ngư Phú Yên (sáng 20/11), nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai (chiều ngày 20/11)…

Nhân dịp này, Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 cũng sẽ được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.”./. 

Minh Thu (Vietnam+)