Chiến thắng của một kẻ thua cuộc

Lâu lắm mới xem một bộ phim Trung Quốc một mạch, sảng khoái từ đầu đến cuối. Mà lại là một bộ phim dựa theo câu chuyện có thật, đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là người nghèo. Chứ không phải là cái kiểu phim thoát ly hiện thực như đề cao chủ nghĩa dân tộc sô vanh hiếu chiến, ngôn tình thanh xuân, rom-com (tình cảm hài) sến sẩm, fantasy (kỳ ảo) theo kiểu Hollywood nửa mùa hay nhai đi nhai lại “Tây Du Ký” hết chính truyện rồi đến ngoại truyện đang nhan nhản ở Trung Quốc hiện nay.

“Dying to Survive” (Tôi không phải là dược thần) là một bộ phim có thể nói là cơn mưa mùa hạ giải nhiệt cho một nền điện ảnh đang phát triển như vũ bão nhưng quá thiếu phim hay. Nó không phải là một bộ phim xuất chúng, nhưng nó là một bộ phim cần thiết của một nền điện ảnh trưởng thành, khán giả trưởng thành chứ không thể chạy theo để “vuốt đuôi” cho bọn trẻ ranh vào rạp để xem phim “mua vui cũng được một vài trống canh” không cần nghĩ ngợi gì.

“Dying to Survive” không phải là một bộ phim xuất chúng, nhưng nó là một bộ phim cần thiết của một nền điện ảnh trưởng thành, khán giả trưởng thành…

Nói như nhà sản xuất Ning Hao, cũng là một đạo diễn thuộc dạng hiếm hoi có tầm của điện ảnh Trung Quốc đương đại, thì “khi khán giả trưởng thành, điện ảnh cần phải có những bộ phim thật sự có linh hồn, những bộ phim khiến khán giả trăn trở, suy nghĩ khi ra khỏi rạp chiếu”.

 “Dying to Survive” kể về một kẻ thua cuộc đúng nghĩa. Trình Dũng (Từ Tranh đóng) là một gã trung niên bị vợ bỏ, bán thực phẩm chức năng để kiếm sống qua ngày, nợ tiền thuê nhà không có trả, chăm bố già bị bệnh ở bệnh viện và đang tranh cãi với vợ cũ tại tòa án vì không đồng ý cho cô ta đưa đứa con trai chung ra nước ngoài sinh sống. Áp lực và bế tắc cuộc sống khiến anh ta trở thành một kẻ sống không mục đích và đôi lúc còn vũ phu. “Trong mắt tôi, anh không phải là một thằng đàn ông” – chị vợ cũ vỗ mặt anh ta vậy.

Giữa lúc cuộc sống đang bế tắc không lối thoát như vậy thì anh ta được một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nhờ sang Ấn Độ buôn thuốc lậu về Trung Quốc. Một lọ thuốc Glinic nhập khẩu chính hãng từ Thụy Sĩ về Trung Quốc bán giá 40.000 tệ; trở thành nỗi ám ảnh của người dân nghèo. Họ bán cả nhà cửa cũng không đủ tiền chữa bệnh và chỉ còn chờ chết. Trong khi một lọ thuốc lậu do Ấn Độ sản xuất giá chỉ… 500 tệ – tức thấp hơn 80 lần mà có công dụng chữa bệnh tương tự, chữa được bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo.

Nhờ có kinh nghiệm bán thực phẩm chức năng và tài lươn lẹo, sau vài lần buôn lậu hàng xách tay, Trình Dũng trở thành đại lý phân phối chính thức của thuốc lậu Ấn Độ tại Trung Quốc vì nhu cầu của bệnh nhân nghèo quá lớn.

Ban đầu, Trình Dũng cũng chỉ ôm mục đích bán thuốc lậu kiếm lời, nhưng rồi càng tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là bộ sậu hỗ trợ cho đại lý của anh ta, bao gồm một phụ nữ phải múa cột trong các vũ trường để kiếm tiền chữa bệnh cho con nhỏ mắc bệnh bạch cầu làm admin quảng cáo trên các diễn đàn bệnh nhân; một cha xứ trong nhà thờ giỏi tiếng Anh làm nhiệm vụ phiên dịch; một anh chàng thanh niên lêu lổng, trộm vặt có biệt danh là “Chó vàng” dạt từ nông thôn ra Thượng Hải phụ giúp anh ta tiếp cận bệnh nhân nghèo không có tiền chữa chạy…, anh ta dần dần thay đổi.

Từ một kẻ thất bại sống không mục đích đi buôn thuốc lậu để kiếm lời, nhưng càng tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh, Trình Dũng dần dần trở thành một kẻ trượng nghĩa. Từ một kẻ coi “mạng sống chính là tiền”, anh ta trở thành người “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp” hay “vì cứu người mà phạm pháp thì có gì là sai?”.

Bộ phim đã đặt ra một “phản đề” thú vị về người hùng giữa đời thường, đồng thời cũng không ngần ngại đưa ra những phản biện sắc sảo về xã hội, đặc biệt là các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân nghèo khắp thế giới.

Nhà sản xuất Ning Hao và đạo diễn trẻ Muye Wen (Điền Mục Dã) đã kết hợp giữa tính hiện thực và tính giải trí qua những tiếng cười trào lộng xen lẫn với những chi tiết cảm động đến rơi nước mắt trong bộ phim “Dying to Survive”. Một bộ phim kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị nghệ thuật và yếu tố thương mại. “Dying to Survive” có kinh phí chỉ 10,9 triệu USD nhưng trở thành phim ăn khách nhất của mùa hè 2018 tại Trung Quốc, thu về tổng cộng 453 triêu USD tiền vé – lãi gấp hơn 40 lần. Ai dám bảo một bộ phim đặt ra những vấn đề hiện thực và thời cuộc tưởng chừng như khô khan lại không ăn khách?

Nhưng hơn cả doanh thu, nó là một bộ phim khiến điện ảnh Trung Quốc có chút “nở mặt, nở mày” khi làm được một bộ phim phản ảnh được cái xã hội họ đang sống, đặc biệt là thân phận của những người nghèo khổ trong một đất nước đang rùng rùng tiến về phía trước để làm giàu.

Quan trọng hơn nữa là tác động của bộ phim đến xã hội. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên tiếng ca ngợi bộ phim, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý lập tức giảm giá thuốc điều trị ung thư và “giảm gánh nặng cho các gia đình nghèo mắc bệnh”. Đây là điều hiếm hoi mà một bộ phim Trung Quốc có thể làm được trong một nền điện ảnh vẫn chịu kiểm duyệt.

“Dying to Survive” phần nào khiến người xem liên tưởng đến “Dallas Buyers Club” của Mỹ mấy năm trước, nhưng tôi lại nghĩ đến những bộ phim đầy cảm hứng của Aamir Khan. Có lẽ nhờ hai bộ phim của anh chàng diễn viên huyền thoại Ấn Độ này gây sốt ở thị trường Trung Quốc là Dangal và Secret Superstar mà điện ảnh Trung Quốc phải tỉnh ngộ. Đó là các bộ phim về những con người rất bình thường, thậm chí tầm thường, nhưng làm được những điều kỳ diệu cho bản thân họ và có tác động đến xã hội.
Và “Dying to Survive” là một cú tỉnh ngộ muộn màng của điện ảnh Trung Quốc trong năm 2018.

Xổ số miền Bắc