Cho chữ – Nét đẹp văn hóa Việt trong ngày đầu năm

“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”… Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những câu thơ lại gợi nhắc hình ảnh ông đồ già ngồi bên cạnh hàng mực tàu giấy đỏ nắn nót từng nét chữ cho những người yêu chữ, cầu mong một năm mới Bình An – Hạnh Phúc và Thịnh Vượng. Tục lệ này vẫn được lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay như một nét đẹp văn hóa, một biểu tượng trong ngày Tết của dân tộc Việt Nam.

Cho chữ - Nét đẹp văn hóa Việt trong ngày đầu năm Cho chữ – Nét đẹp văn hóa Việt trong ngày đầu năm.

Tại chùa Phủ Liễn, TP Thái Nguyên, trong ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão, bên cạnh dòng người đi lễ chùa đầu năm, rất nhiều người dân, du khách cũng tìm đến những điểm xin chữ – cho chữ, một nét văn hóa của người Việt trong ngày đầu năm. Mỗi người một mong muốn, một ước vọng nhưng tựu chung lại đều cầu mong cho một năm mới tốt đẹp nhất.

Chị Trần Thị Bích Hường, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Hôm nay, cháu cũng muốn xin chữ “Đỗ đạt”, để mong muốn là cháu sang năm đỗ đạt tốt hơn trong học tập”.

Còn anh Hà Văn Tưởng, Lai Châu cho rằng, xin chữ sẽ giúp tâm trạng được thư thái trong ngày đầu năm: “Tôi muốn tâm mình thanh tịnh và cũng cầu an lành cho toàn thể gia đình, có một năm mới may mắn, mọi việc đều hanh thông”.

Ngày xuân năm mới, đối với người Việt, là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý. Vì thế, tục xin chữ – cho chữ đầu năm mới cũng được người Việt lưu giữ với mong muốn như xin phúc lộc, may mắn, cầu tài và bình an.

Cho chữ - Nét đẹp văn hóa Việt trong ngày đầu năm Hình ảnh cho chữ tạo nên một ấn tượng đẹp của những ngày Tết.

Nghệ nhân Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Chữ thì do nguyện vọng của từng người đến đây để xin, có thể có những người xin chữ hanh thông, tức là làm ăn thuận tiện và may mắn; còn chữ phúc là mong cho gia đình của hạnh phúc, bình an, mong có gia đình có sức khỏe, mọi người đều an lành, hạnh phúc, an khang… Và những chữ mà đã được đem về nhà, mong mọi ước nguyện sẽ đạt được như ý”.

Xin chữ – cho chữ đầu năm không chỉ là không chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp của ông đồ mà còn thể hiện tấm lòng, tâm hồn và sự sáng tạo của mỗi cá nhân người cho chữ, đồng thời để mỗi người xin chữ được cầu mong may mắn, bình an và phúc lộc thọ cho bản thân và gia đình. Sau gần 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, năm nay, số lượng người dân đi lễ, du xuân và xin chữ nhiều hơn, tấp nập hơn. Những hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của ngày Tết, của sự may mắn trong ngày đầu năm mới./.