Chợ hoa – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Không ai biết tự bao giờ chợ hoa đã trở thành một trong những nét đặc trưng văn hóa truyền thống, mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt trong những ngày Tết cổ truyền. Từ những nhóm chợ quê ở vùng nông thôn với được bày bán hoa đơn sơ, cho đến khu vực thành thị đông đúc được bố trí hoa, kiểng ở hàng chục tuyến đường đã tạo nên hình ảnh một vùng quê xanh mát, tươi đẹp, yên bình giữa chốn thị thành.

Góc chợ Hoa, Kiểng TP. Vĩnh Long tại đường Tô Thị Huỳnh

Chắc hẳn, đến với chợ hoa, trong mỗi chúng ta không chỉ lựa chọn mua cho mình một chậu hoa, kiểng đem về trang trí trong gia đình với niềm hy vọng cầu mong một năm mới, tết đến xuân về gặp nhiều mai mắn, gia đình an khang, thịnh vượng mà còn là dịp để tham quan, thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm, tìm những phút giây thư giãn trong tâm hồn sau một năm làm việc mệt mỏi.

Du khách tham quan tại chợ hoa.

Có lẽ mỗi vùng miền, địa phương sẽ có cách thức tổ chức chợ hoa khác nhau, tùy thuộc vào bản sắc văn hóa truyền thống, ví như hoa đào thể hiện sắc xuân của người dân miền Bắc thì hoa mai biểu tượng cho mùa xuân vùng đất miền Nam. Còn đối với TP. Vĩnh Long, dù thời gian có thay đổi “phồn hoa, đô hội” đến mấy thì người dân trong và ngoài tỉnh vẫn duy trì chợ hoa, tấp nập người buôn, kẻ bán, với đa dạng, phong phú chủng loại các loài hoa, kiểng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người dân sông nước miệt Đồng bằng sông Cửu Long như: mai vàng, kiểng bonsai, cây tắc trái (quất cảnh), cúc vàng, cúc mâm xôi, ớt kiểng, vạn thọ, lan hồ điệp, dạ yến thảo,…

Thời gian như đã tự nhắc nhở nhau, cứ mỗi độ xuân về vào khoảng Rằm tháng Chạp âm lịch, những chiếc xe, ghe vàng rực chở đầy ắp hoa kiểng, hòa với tiếng cười nói rộn rã của các tiểu thương từ khắp nơi đổ về cập bến TP. Vĩnh Long đã làm khuấy động, đánh thức giấc ngủ sai của con sông Tiền vốn đã yên bình, lẵng lẽ quanh năm,…! Có thể nói, vào những lúc này đây, các tuyến đường trong nội ô TP. Vĩnh Long như: Phan Bội Châu, Tô Thị Huỳnh, Lê Lai, Nguyễn Thị Út, Hưng Đạo Vương, Trưng Nữ Vương,… đã thật sự trở thành ngày hội để các loài hoa, kiểng cùng thi nhau khoe sắc, đua nở, tỏa ngát hương thơm cả một khu vực đất trời để gọi mời du khách, đã trở thành điểm du xuân, thưởng ngoạn, vui chơi giải trí, mua sắm hoa, kiểng trang trí ngày tết của người dân trong và ngoài tỉnh.

Thời điểm chuẩn bị mua sắm đồ dùng sinh hoạt, thức ăn, trang trí cho gia đình,… chắc hẳn là cảm giác thích thú nhất trong mỗi chúng ta, là lúc mọi người sẽ cảm nhận được sự trọn vẹn, nhộn nhịp, nôn nao, rạo rực của mùa xuân về. Đây cũng là lúc rất thuận lợi cho việc tham quan, thưởng ngoạn chợ hoa để mua sắm hoa, kiểng trang trí cho ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Vào những chiều cuối năm, dưới cái nắng nhẹ, khi gió xuân hây hẩy, se lạnh, dạo quanh những tuyến đường bán hoa, kiểng của TP. Vĩnh Long cùng với những giai điệu, ca khúc ngọt ngào về mùa xuân của các hàng quán ven bên đường, du khách sẽ được đắm chìm, cảm nhận không khí rạo rực, nôn nao, ấm áp về một mùa xuân sang với biết bao niềm vui, hy vọng, ngập tràng đầy hạnh phúc.  

Chiêm ngưỡng, ghi lại hình ảnh, khoảnh khắc xinh đẹp tại chợ hoa.

Chị Phạm Thị Kim Thoa – xã Thanh Đức, huyện Long Hồ cho biết: Năm nào cũng vậy, tôi và gia đình đi chợ hoa, kiểng TP. Vĩnh Long khoảng 4 – 5 lần, đến đây tôi rất thích thú, cảm giác được thư giãn, rất thoải mái, chiêm ngưỡng các loài hoa, cây kiểng đủ màu sắc, hình dáng từ khắp nơi hội tụ về. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Nhung- huyện Mang Thít cho biết: Và những dịp chợ hoa TP. Vĩnh Long được tổ chức, tôi cùng nhóm bạn và gia đình chuẩn bị quần áo mới truyền thống như: áo dài, bà ba để đi chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc, kỷ niệm được xem là đẹp nhất trong năm với các bông hoa, kiểng rất đẹp và check in khoe với bạn bè.      

Còn đối với các tiểu thương, chợ hoa không chỉ là nơi để buôn bán, kinh doanh với mong muốn có thêm nguồn thu nhập cho gia đình trong những ngày cuối năm, mà còn là dịp để học tập, trao đổi kinh nghiệm, chăm sóc các loài hoa, kiểng với nhau.  

Theo quan niệm của người dân Việt Nam, ngày tết Nguyên đán thì trong mỗi gia đình phải có trang trí chậu hoa, kiểng ở nhà, với mong muốn để đem lộc vào nhà, gia đình khỏe mạnh, làm ăn, công việc, cuộc sống, học tập sẽ gặp được nhiều mai mắn, an khang thịnh vượng cho năm sau. Vì những lẽ đó, chợ hoa được duy trì và ngày càng phát triển qua từng năm, dần đã tạo nên một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

          Bài, ảnh: Hữu Thoại