Cho nhận con nuôi tại Việt Nam
Mục lục bài viết
Thông tin về tình hình cho nhận con nuôi quốc tế của Việt Nam
Công ước La Haye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực cho nhận con nuôi quốc tế có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 1 tháng 2 năm 2012. Công ước được thiết lập nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em thông qua nguyên tắc bổ trợ (ưu tiên việc chăm sóc nuôi dưỡng thay phiên trong nước), cấm các hình thức cho nhận con nuôi theo con đường cá nhân, cấm thu lợi từ việc cho nhận con nuôi và cho phép thiết lập một cơ quan trung ương về cho nhận con nuôi. Tại Việt Nam, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp đảm nhận vai trò cơ quan trung ương trong lĩnh vực này. Và tại Pháp, Phái đoàn Con nuôi Quốc tế là cơ quan trung ương trong lĩnh vực này.
Bộ luật quốc gia về con nuôi – có hiệu lực từ tháng 1 năm 2011, và nghị định thi hành 19/2011 (hiện đang trong quá trình chính sửa), đã thiết lập và quy định những thủ tục, tổ chức hoàn toàn mới về vấn đề con nuôi : tập trung quản lý về con nuôi, nghiêm cấm thiết lập quan hệ trực tiếp giữa cá nhân xin con nuôi và trẻ được nhận nuôi, cơ chế phân bổ tài chính mới…
Điều kiện xin con nuôi tại Việt Nam
1/. Ai có thể xin con nuôi ?
Các đối tượng sau có thể xin con nuôi :
• Vợ chồng có con hoặc không có con (đã kết hôn ít nhất 2 năm), hoặc hai vợ chồng đều trên 28 tuổi.
• Người độc thân.
• Cha mẹ xin con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi.
2/. Những trẻ em nào có thể được nhận làm con nuôi ?
Trẻ được nhận làm con nuôi phải dưới 16 tuổi. Trẻ từ 16 đến 18 tuổi có thể được nhận làm con nuôi khi người xin con nuôi là vợ hoặc chồng của cha/mẹ đẻ của trẻ được nhận nuôi, hoặc là cô/dì/chú/bác của trẻ.
Chỉ các trẻ em sống tại các trung tâm nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam mới có thể được nhận làm con nuôi.
3/. Các cơ quan có thể hỗ trợ bạn trong tiến trình xin con nuôi ?
Việc chuyển hồ sơ của người xin con nuôi được thực hiện qua Cơ quan Con nuôi của Pháp (AFA) hoặc một tổ chức được phép hoạt động về con nuôi (OAA) :
• COFA (Cognac – Marseille)
• Destinées
• Enfance et Avenir
Việc xin con nuôi theo qui trình cá nhân không được cho phép tại Việt Nam
Qui trình cho nhận con nuôi quốc tế tại Việt Nam
1/. Lập hồ sơ tại Pháp
Đầu tiên, người xin con nuôi cần tới Hội đồng của tỉnh nơi họ sinh sống để làm thủ tục và nhận được sự chấp thuận của Hội đồng để tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo.
Sau khi đã nhận được sự đồng ý của Hội đồng, người xin con nuôi cần tiếp tục tiến hành thủ tục tại một tổ chức họat động về con nuôi OOA. Danh sách giấy tờ cần cung cấp hoặc cần đề nghị với các tổ chức hoạt động về con nuôi hỗ trợ người xin con nuôi có thể được tham khảo trên trang web internet của Cơ quan Con nuôi của Pháp (L’Agence Française de l’Adoption).
2/. Trình tự trong nước
Theo quy định của luật mới về con nuôi về tập trung quản lý về con nuôi, hồ sơ được gửi tới Cục Con nuôi, sau đó Cục sẽ chuyển tới các tỉnh.
Trừ phi đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt, hồ sơ hoàn toàn được xử lý ở cấp Cục Con nuôi, việc giới thiệu trẻ do các Sở Tư pháp tại các tỉnh thực hiện, sau đó được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên sau đó Cục Con nuôi có quyền từ chối đề xuất giới thiệu con nuôi. Gia đình xin con nuôi phải trả lời đối với đề xuất giới thiệu con nuôi trong thời hạn một tháng và chỉ có thể từ chối khi trẻ được giới thiệu không phù hợp với những tiêu chí nêu trong đơn đồng ý xin con nuôi. Trong trường hợp từ chối không có lý do chính đáng, hồ sơ xin con nuôi sẽ bị loại vĩnh viễn.
Vì các điều kiện cho trẻ làm con nuôi đã được kiểm tra trước khi giới thiệu trẻ nên trình tự xin con nuôi có thể được hoàn tất rất nhanh chóng (trong vòng khoảng một tháng) sau khi nhận được trả lời đồng ý của gia đình xin con nuôi. Về tổng thể, tiến trình xin con nuôi kéo dài khoảng sáu tháng.
Lưu ý rằng trong trường hợp gia đình xin con nuôi sinh con đẻ, Cục Con nuôi đề nghị hồ sơ phải được cập nhật để duy trì dự định xin con nuôi và vì vậy tạm dừng tiến trình xin con nuôi trong thời gian chờ cập nhật hồ sơ.
Liên quan tới việc cho tặng mà các gia đình có thể thực hiện đối với trung tâm bảo trợ xã hội sau khi giao nhận con nuôi, Cục Con nuôi cho biết luật pháp không bắt buộc, cũng không cấm việc này. Việc cho tặng quà hoàn toàn độc lập với quy trình xin con nuôi. Cục Con nuôi và Phái đoàn Con nuôi Quốc tế mong muốn được thông báo về việc này và muốn biết giá trị cho tặng, theo đánh giá của tổ chức hoạt động về con nuôi và gia đình. Cá nhân hoặc gia đình cho tặng cần chuẩn bị hóa đơn ghi rõ giá trị của số tiền hoặc món quà trao tặng.
Trình tự xin con nuôi có nhu cầu chăm sóc đặc biệt
Luật mới của Việt Nam qui định áp dụng một trình tự đơn giản hóa và nhanh chóng hơn đối với trẻ có nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Cần lưu ý rằng trẻ em từ năm tuổi trở lên không thuộc diện trẻ có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, theo qui định tại điều 3 nghị định thi hành tháng 3 năm 2011. Có danh sách liệt kê điển hình các bệnh cần chăm sóc đặc biệt.
Xem Sơ đồ trình tự trong nước
3/. Loại quyết định :
Các cơ quan của Việt Nam cho rằng khi áp dụng luật mới, việc cho nhận con nuôi kéo theo việc chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn quan hệ với gia đình gốc. Do vậy, từ nay, việc cho nhận con nuôi sẽ có nghĩa là cho nhận con nuôi trọn vẹn.
Trước khi Bộ luật về Con nuôi năm 2011 được ban hành, việc cho nhận con nuôi cho phép duy trì quan hệ giữa trẻ được nhận nuôi và gia đình gốc.
4/. Công nhận quyết định cho nhận con nuôi tại tại Pháp :
Một điều cần khuyến cáo tới các gia đình xin con nuôi đang hoàn tất tiến trình tại Việt Nam là nên xin thay đổi tên họ của trẻ ngay khi nhận được quyết định cho nhận con nuôi.
Các gia đình đã xin thay đổi tên họ của trẻ ngay khi nhận được quyết định cho nhận con nuôi cần chuyển hồ sơ xin con nuôi tới Thẩm phán Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng tại Nantes để được đăng ký vào sổ. Trẻ được nhận làm con nuôi sẽ tự động có quốc tịch Pháp ngay khi quyết định cho con nuôi được ghi vào sổ đăng ký. Việc đăng ký này nêu thông tin ngày tháng, giờ, nơi sinh và giới tính của trẻ, và tên trẻ nếu đã có sau khi nhận quyết định về con nuôi. Việc đăng ký cũng nêu họ tên, ngày tháng và nơi sinh, nghề nghiệp và địa chỉ cư trú của người xin con nuôi, nhưng không nêu thông tin nào liên quan tới mối quan hệ gốc của trẻ, trừ trường hợp đặc biệt nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi trọn vẹn. Việc đăng ký này có giá trị tương đương như giấy khai sinh của trẻ. Giấy khai sinh gốc, theo đề nghị của Thẩm phán Tòa án, sẽ được ghi nội dung cho làm con nuôi và được coi như không còn giá trị.
Liên quan tới các gia đình xin con nuôi đã không thể thực hiện các thủ tục thay đổi tên họ của trẻ ngay khi nhận được quyết định cho con nuôi : chúng tôi khuyên nên gửi đề nghị xin con nuôi trọn vẹn tới Tòa án chuyên trách về con nuôi quốc tế có thẩm quyền trên lãnh thổ (kèm theo giấy chấp thuận cho con nuôi của người đại diện hợp pháp của trẻ và đồng ý với việc chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mối quan hệ với gia đình gốc). Việc cho nhận con nuôi trọn vẹn chỉ có thể được Tòa án tuyên sáu tháng sau khi trẻ tới ở gia đình cha mẹ nuôi. Mặt khác, việc cho nhận con nuôi trọn vẹn chỉ có thể được thực hiện khi gia đình gốc đã có sự chấp thuận rõ ràng và cụ thể với việc chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mối quan hệ với gia đình gốc (điều 370-5 Bộ luật dân sự). Việc cho nhận con nuôi trọn vẹn đồng nghĩa với việc trẻ được nhận nuôi sẽ có quốc tịch Pháp, nếu ít nhất một trong hai cha mẹ nuôi là người Pháp.
Theo qui định của hiệp định Pháp-Việt, gia đình xin con nuôi cần gửi tới Phái đoàn Con nuôi Quốc tế (MAI), ngay khi quyết định con nuôi được tuyên, một bản quyết định về con nuôi do cơ quan pháp luật của Pháp cấp, cùng với bản dịch tiếng Việt. Những giấy tờ này sẽ được chuyển tới Bộ Tư pháp tại Hà Nội.
Xin thị thực cho trẻ được nhận làm con nuôi
Danh sách những giấy tờ cần thiết cho việc xin thị thực đã được phê duyệt và chuyển tới tất cả văn phòng đại diện của các cơ quan hoạt động về con nuôi OAA.
Gia đình xin con nuôi nên cung cấp các giấy tờ này và bản dịch tới Đại sứ quán nhanh nhất để có thể tiến hành xin thị thực với Phái đoàn Con nuôi quốc tế.
Khi hộ chiếu của trẻ được cơ quan Việt Nam cấp, gia đình xin con nuôi cần cung cấp các giấy tờ sau đây :
• đơn xin thị thực dài hạn (kèm theo 2 ảnh của trẻ, cỡ ảnh hộ chiếu/chứng minh thư)
• hộ chiếu Việt Nam của trẻ
• lệ phí thị thực (15 €, có thể trả bằng VND theo tỉ giá hiện hành)
Thời hạn cấp thị thực : 5 ngày làm việc (với điều kiện nộp hồ sơ hoàn chỉnh và theo đúng quy định).
Hồ sơ xin thị thực có thể được nộp trước khi được cấp hộ chiếu, điều này cho phép người xin con nuôi có thể cho dịch các giấy tờ của Việt Nam và nộp hồ sơ xin thị thực trong thời gian 8 ngày cần thiết cho việc cấp hộ chiếu.
Theo dõi quá trình phát triển của trẻ
Theo luật pháp Việt Nam, báo cáo theo dõi trẻ được nhận làm con nuôi cần phải được gửi 6 tháng một lần tới Cục Con nuôi và sao gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Paris trong suốt ba năm đầu tiên sau khi trẻ đến Pháp.
Các cơ quan Việt Nam mong muốn rằng những thông tin này (được lập một cách không chính thức) đề cập tới sức khỏe, tình hình giáo dục, sự thích nghi của trẻ với môi trường mới, kèm theo bản dịch tiếng Việt và có thể cả ảnh chụp). Các cơ quan Việt Nam rất coi trọng việc tuân thủ cam kết cá nhân mà người xin con nuôi đã ký.
Công dân Pháp cư trú tại Việt Nam xin con nuôi
Điều 28 Bộ Luật về Con nuôi năm 2010 của Việt Nam cho phép người nước ngoài cư trú hơn 1 năm tại Việt Nam nộp hồ sơ xin con nuôi trực tiếp tại Cục Con nuôi Việt Nam và miễn việc làm thủ tục tại các cơ quan hoạt động về con nuôi OAA.
Tiến trình này được công nhận như nhận nuôi quốc tế bời Cục Con nuôi Việt Nam.
1/. Thời gian lưu trú
Theo Bộ Luật Việt Nam, người nước ngoài mong muốn nộp hồ sơ con nuôi cần lưu trú tại Việt Nam tối thiểu 1 năm trước ngày nộp hồ sơ. Tuy nhiên, Cục Con nuôi hoàn toàn có quyền đánh giá liệu thời gian lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam có đủ để được phép nộp hồ sơ con nuôi hay không. Thời gian lưu trú được tính từ ngày nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam, và không được tính theo ngày cấp thẻ cư trú.
Theo Phái đoàn Con nuôi quốc tế, người Pháp lưu trú tại nước ngoài được định nghĩa dựa trên 2 tiêu chí :
Đến ở và làm việc tại một quốc gia nước ngoài trong một thời gian dài (tối thiểu 3 năm)
Ngay sau khi kết thúc thủ tục xin con nuôi, người xin con nuôi có trách nhiệm tiếp đón và nuôi trẻ tại quốc gia họ cư trú (cần lưu ý rằng người xin con nuôi nên ở lại quốc gia nơi trẻ được nhận nuôi sinh sống cho tới khi hoàn thành mọi thủ tục nhận nuôi)
Thủ tục xin con nuôi có thể kéo dài nhiều năm, người xin con nuôi nên xem xét việc ở lại Việt Nam ít nhất 2 năm kể từ ngày nộp hồ sơ tới Cục Con nuôi.
2/. Văn bản cho phép được nhận con nuôi
Cục Con nuôi Việt Nam sẽ yêu cầu người xin con nuôi xuất trình văn bản chấp thuận con nuôi cấp bởi Hội đồng tỉnh, ngay cả khi người xin con nuôi đang cư trú tại Việt Nam.
Do đó, thủ tục đầu tiên mà người xin con nuôi cần làm là gửi đơn xin chấp thuận con nuôi tới Hội đồng tỉnh của tỉnh nơi họ có gia đình hoặc người thân sinh sống.
Mặc dù không cư trú ở Pháp, những người xin con nuôi cư trú ở nước ngoài sẽ trải qua một bài đánh giá về tâm lý và xã hội – thực hiện bởi những chuyên gia của cơ quan Hội đồng tỉnh – nếu tiện dịp, ví dụ như khi người xin con nuôi trú trở về Pháp trong những kì nghỉ. Tuy nhiên, nếu người xin con nuôi không thể trở về Pháp để thực hiện những bài kiểm tra trên tại Pháp, họ hoàn toàn có thể làm điều này tại nước sở tại nơi họ sinh sống, việc đánh giá sẽ được thực hiện bởi những chuyên gia hành nghề tự do tại đây.
Việc đánh giá chất lượng nơi ở – nhằm đảm bảo những điều kiện đón tiếp cho trẻ được nhận nuôi – sẽ được thực hiện bởi các bộ phận lãnh sự Pháp theo yêu cầu của cơ quan Hội đồng Tỉnh.
3/. Hồ sơ xin con nuôi
Người xin con nuôi nộp hồ sơ của chính họ và đồng thời của trẻ được nhận nuôi tại Cục Con nuôi. Dưới đây là danh sách những giấy tờ cần chuẩn bị (chuẩn bị 2 bản sao cho mỗi văn bản, và dịch sang tiếng Việt có công chứng):
Vì người xin con nuôi không làm thủ tục thông qua một cơ quan được cấp phép hoạt động về con nuôi, nên họ sẽ đích thân lựa chọn trẻ được nhận nuôi tại một trung tâm bảo trợ xã hội. Trẻ được nhận nuôi cần được đánh giá là đủ điều kiện được nhận nuôi bằng các văn bản pháp lý. Đây là một công đoạn vô cùng phức tạp và chúng tôi khuyên người nhận nuôi đặc biệt lưu ý trong công đoạn này.
Hồ sơ của người xin con nuôi bao gồm:
Mẫu tờ khai xin con nuôi
Bản sao giấy tờ tùy thân
Trích lục lý lịch tư pháp còn hạn ít nhất 6 tháng
Văn bản chứng minh tình trạng hôn nhân
Văn bản xác nhận sức khỏe còn hiệu lực ít nhất 6 tháng
Văn bản chấp thuận con nuôi cấp bởi Hội đồng tỉnh, văn bản xác nhận tình trạng tâm lý và xã hội còn hiệu lực, văn bản xác nhận tình trạng nơi ở
Văn bản chứng minh lưu trú tại Việt Nam kể từ ít nhất 1 năm
Văn bản cấp bởi Phái đoàn Con nuôi quốc tế, trong đó nêu rõ Phái đoàn không có bất kỳ phản đối gì với việc người xin con nuôi làm thủ tục con nuôi tại Việt Nam.
Hồ sơ của trẻ được nhận nuôi bao gồm:
Giấy khai sinh
Văn bản xác nhận sức khỏe
2 ảnh chụp (chụp từ ít nhất 6 tháng trở lại)
Văn bản xác minh việc trẻ bị bỏ rơi hoặc giấy chứng từ của cha/mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha/mẹ mất tích hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha/mẹ mất năng lực hành vi dân sự
Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở tại cơ sở lưu dưỡng
Nhận nuôi trẻ của vợ/chồng của người Pháp cư trú tại Việt Nam
Người Pháp cư trú tại Việt Nam mong muốn nhận nuôi trẻ em là con của vợ/chồng là người Việt Nam được miễn cung cấp văn bản cho phép nhận con nuôi cấp bởi Hội đồng tỉnh. Thay vào đó, họ cần cung cấp một văn bản chứng nhận sự miễn trừ này từ Phái đoàn Con nuôi quốc tế và văn bản xác nhận tình trạng nơi ở – việc đánh giá và xác nhận sẽ được thực hiện bởi các cơ quan lãnh sự Pháp.
Cuối cùng, Cục Con nuôi sẽ yêu cầu Phái đoàn Con nuôi quốc tế gửi một văn bản xác nhận cho phép tiến hành thủ tục con nuôi và yêu cầu người xin con nuôi gửi một văn bản cam kết nhận nuôi trẻ.
4/. Thị thực cho trẻ được nhận nuôi :
Trong trường hợp người xin con nuôi mong muốn trở về Pháp trước khi hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch Pháp cho trẻ được nhận nuôi, người xin con nuôi hoàn toàn có thể xin thị thực ngắn hạn (tối đa 90 ngày) cho trẻ được nhận nuôi tại Bộ phận Lãnh sự của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các địa chỉ hữu ích
L’Agence Française de l’Adoption (AFA)
COFA Cognac
COFA Marseille
DESTINEES
ENFANCE AVENIR
Các cơ quan của Pháp
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
57 Trần Hưng Đạo,
Hà nội – Việt nam
Tổng Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh (CGF)
27 Nguyễn Thị Minh Khai
BP 307 – Q. 1 – Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam
Phái đoàn con nuôi quốc tế (MAI)
57, Boulevard des Invalides
75007 Paris
Cơ quan của Việt Nam
Bộ Tư pháp
Cục Con nuôi quốc tế
60 Trần Phú
Hà nội – Việt nam