Choáng ngợp xe xích lô gắn động cơ điện “bay” trong khu du lịch
Trong quá trình sử dụng xe xích lô để chở du khách, hàng hóa, nhiều chủ phương tiện ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã lắp đặt thêm động cơ điện vào xe xích lô. Việc lắp đặt động cơ điện vào xe xích lô không những trái quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) khi xích lô chạy với tốc độ cao.
TP Huế đang bước vào mùa cao điểm du lịch khi mỗi ngày đầu tháng 4/2023, các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan. Ngoài sử dụng các phương tiện công cộng, dịch vụ taxi, nhiều du khách khi đến Huế có sở thích ngồi xe xích lô để ngắm cảnh phố phường.
Nhiều tài xế lắp thêm động cơ điện vào xe xích lô gây mất an toàn giao thông.
Qua tìm hiểu được biết, trong những năm trở lại đây, nhiều chủ phương tiện xích lô tại TP Huế đã tự ý lắp thêm động cơ điện trợ lực. Sau khi gắn động cơ điện, các tài xế xích lô chở khách du lịch, vận chuyển hàng hóa lên tuyến đường dốc dễ dàng hơn do có động cơ hỗ trợ, giải phóng sức đạp xe. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều du khách, khi xe xích lô điện chạy với vận tốc cao, từ 40 đến 50km/h sẽ rất nguy hiểm, dễ xảy ra TNGT.
Ông Nguyễn Văn Hưng, tài xế xe xích lô ở phường Đông Ba, TP Huế cho biết ôôi có hơn 30 năm trong nghề đạp xích lô chở khách du lịch ở chợ Đông Ba đi tham quan các điểm di tích tại Cố đô Huế. “Những năm trước, việc đạp xích lô chở du khách dễ dàng vì bản thân còn sức khỏe. Tuy nhiên nay do sức khỏe yếu hơn trước nên tôi chọn giải pháp gắn thêm động cơ điện để hỗ trợ chạy xích lô dù biết việc này là trái quy định pháp luật”, ông Hưng cho biết. Qua trò chuyện, nhiều tài xế xích lô ở Huế còn cho biết, việc lắp thêm bình ắc quy điện để xích lô chạy bằng động cơ điện thì chủ phương tiện phải tốn chi phí từ 4 đến khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên nhiều chủ phương tiện đã lạm dụng động cơ điện, điều khiển xích lô chạy với vận tốc cao, khi di chuyển qua khúc cua dễ gây tai nạn, lật xe, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các Thông tư liên quan, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại điều 4 của quyết định này có nội dung: “Nghiêm cấm các phương tiện thay đổi hệ thống truyền lực, truyền động của xe thô sơ hai, ba bánh”. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế, xích lô là phương tiện được xếp vào danh sách loại xe thô sơ nên gắn động cơ điện để thay đổi hệ thống truyền lực là vi phạm quy định.
Theo thống kê của Công an TP Huế, hiện trên địa bàn thành phố có 162 xe xích lô điện hoạt động dịch vụ chở khách du lịch, vận chuyển hàng hóa và các hoạt động liên quan. Tốc độ của xe xích lô điện có thể đạt 50 km/h và hiện chưa được một cơ quan chức năng nào kiểm định về kỹ thuật hoặc cấp phép về tính năng an toàn. Do đó, để đảm bảo trật tự ATGT và đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người điều khiển, Đội CSGT – Trật tự Công an TP Huế cùng Công an các phường, xã trên địa bàn đã yêu cầu chủ phương tiện xích lô tháo gỡ bình điện để đưa phương tiện trở lại hiện trạng xe xích lô truyền thống.
Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT – Trật tự Công an TP Huế cho biết, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, đơn vị và lực lượng Công an các phường ở TP Huế đã buộc 134 chủ phương tiện xích lô điện tự tháo gỡ bình điện và ký cam đoan, cam kết không gắn động cơ điện vào xe xích lô. “Lực lượng đơn vị đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Huế cùng Nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế tổ chức tuyên truyền cho hàng trăm tài xế xích lô về Luật Giao thông đường bộ.
Đồng thời tuyên truyền đến tài xế xích lô không lắp đặt thêm động cơ điện vào xe xích lô nhằm đảm bảo ATGT và an toàn cho du khách khi sử dụng dịch vụ xe xích lô. Đối với các chủ phương tiện xích lô sau khi ký cam kết nhưng vẫn vi phạm thì đơn vị sẽ xử lý đúng theo quy định pháp luật”, Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ khẳng định.