Chọn thẻ tín dụng của ngân hàng nào lợi nhất?
Thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến nhờ sự tiện dụng và những ưu đãi hấp dẫn của các ngân hàng. Tuy nhiên, lựa chọn thẻ như thế nào cho có lợi nhất và để giảm thiểu chi phí vẫn là băn khoăn của nhiều người.
Để đẩy mạnh dịch vụ thẻ, các ngân hàng thời gian gần đây đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như miễn phí phát hành thẻ hay cả phí thường niên năm đầu, ưu đãi giảm giá ở nhiều sản phẩm, dịch vụ, tặng quà khi mở thẻ…
Tuy nhiên, đó là những ưu đãi thường chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Ngoài những ưu đãi này, người sử dụng thẻ cần cân nhắc việc lựa chọn ngân hàng có các mức phí, lãi suất hấp dẫn nhất để giảm thiểu chi phí khi sử dụng thẻ.
Ngân hàng lớn vẫn chiếm lợi thế
Thông thường, các chi phí phổ biến nhất khi sử dụng thẻ là phí phát hành thẻ, phí thường niên, lãi suất, phí rút tiền mặt, phí giao dịch ngoại tệ và phí phạt trả chậm trong trường hợp chưa thanh toán đúng hẹn.
Khảo sát 12 ngân hàng tiêu biểu trên thị trường trong các nhóm: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần lớn và vừa, ngân hàng nước ngoài, có thể thấy nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có lợi thế đáng kể với phí thường niên (phí người dùng phải trả hàng năm cho việc sử dụng thẻ), lãi suất (phải trả ngoài thời gian miễn lãi) và phí giao dịch ngoại tệ có thể coi là thấp nhất (đối với hai loại thẻ phổ biến hiện nay là Visa và MasterCard).
Phí thường niên thấp nhất hiện nay là của Vietinbank, 90.000 đồng/năm với hạng thẻ chuẩn. Lãi suất cho các khoản vay của các ngân hàng thương mại nhà nước cũng thuộc nhóm thấp nhất, từ 1,3 – 1,6%/tháng, phí giao dịch ngoại tệ 2 – 2,1%/tổng giao dịch. Đối với những người thường xuyên đi nước ngoài hoặc chi tiêu bằng ngoại tệ, mức phí giao dịch ngoại tệ thấp là ưu điểm đáng quan tâm. Trong 3 ngân hàng này, Vietcombank được đánh giá cao về sự thuận tiện khi xử lý giao dịch qua Internet và điện thoại di động.
Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân là Sacombank, ACB, Eximbank, Techcombank, mức phí thường niên cao hơn một chút, bắt đầu từ 300.000 đồng/năm với hạng thẻ chuẩn. Lãi suất cũng cao hơn ở khoảng 1,5 – 2%/tháng. Eximbank là ngân hàng có lãi suất thấp nhất 1,5%/tháng, đồng thời phí phạt trả chậm cũng thấp nhất ở mức 3% khoản thanh toán tối thiểu (khoản thanh toán tối thiểu bằng 5% dư nợ). Trong nhóm này, Techcombank có mức lãi suất cao nhất 2,58%, phí phạt trả chậm cũng cao nhất 6% (tối thiểu là 150.000 đồng). ACB có phí giao dịch ngoại tệ cao nhất ở mức 3,7% tổng giao dịch.
Ngoại chưa hẳn đã cạnh tranh
Ở nhóm các ngân hàng nhỏ hơn như VIB, VP Bank, TP Bank, các mức phí cũng khá cạnh tranh. VIB có phí thường niên thấp nhất, từ 200.000 – 400.000 đồng/năm. TP Bank có lãi suất và phí giao dịch ngoại tệ cạnh tranh ngang ngửa với các ngân hàng lớn. Lãi suất của TP Bank từ 1,25 – 1,66%/tháng, phí giao dịch ngoại tệ từ 1,2% – 2,7%, tùy theo mức chi tiêu (thấp nhất trong các ngân hàng khảo sát).
Đối với nhóm các ngân hàng nước ngoài, đây là nhóm thường có các mức phí khá cao. Phí thường niên từ 350.000 đồng/tháng với thẻ chuẩn và lên đến 1.650.000 với hạng thẻ cao nhất. Phí giao dịch ngoại tệ dao động từ 2,5 – 4%.
Trong nhóm này, Citibank có mức phí thường niên cao nhất, từ 880.000 1.650.000 đồng/năm, phí giao dịch ngoại tệ cũng ở mức cao là 4%/tổng giao dịch. Tuy nhiên, Citibank có lợi thế là thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày (thời gian từ lúc phát sinh giao dịch đến lúc thanh toán), trong khi các ngân hàng còn lại là 45 ngày.
Đối với phí rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, tất cả các ngân hàng được khảo sát đều ở mức 4% và đa số ngân hàng áp dụng phí tối thiểu từ 50.000 đồng/giao dịch, thời gian tính lãi bắt đầu ngay khi rút tiền. Trong dịch vụ này, Citibank có ưu điểm là thời gian tính lãi cho giao dịch rút tiền mặt bắt đầu vào ngày chốt sao kê. Đối với những người thường có nhu cầu rút tiền mặt thì đây là lựa chọn khá tốt.
Đồng thời cũng cần xét đến yếu tố hỗ trợ dịch vụ của ngân hàng có kịp thời, thuận tiện hay không. ANZ là ngân hàng có dịch vụ thẻ phát triển khá tốt tuy nhiên các giao dịch khi thực hiện chưa được thông báo ngay cho người sử dụng bằng tin nhắn hoặc email, để hạn chế những sai sót hoặc sự cố gây thất thoát. Đây là một điểm trừ khi mà dịch vụ này đã được nhiều ngân hàng nội địa và nước ngoài triển khai hiệu quả.
Ngoài yếu tố chi phí, những người nhận lương qua tài khoản mở thẻ tại chính ngân hàng có tài khoản cũng thuận tiện hơn, bởi bạn sẽ không phải nộp giấy tờ chứng minh thu nhập, tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ tự động trích lương để thanh toán thẻ hàng tháng…
Bảng so sánh lãi suất, chi phí cơ bản thẻ tín dụng của 12 ngân hàng:
Ngân hàng
Phí thường niên
(nghìn đồng/năm)
Lãi suất
(%/tháng)
Phí trả chậm (%/trên số tiền thanh toán tối thiểu)
Phí rút tiền mặt
(%/tổng giao dịch)
Phí GD ngoại tệ (%/tổng giao dịch)
Vietcombank
100 – 800
1,33 – 1,66
3%
4% (>=50)
2%
BIDV
200 – 400
1,37 – 1,5
3% (>=50)
4% (>=50)
2,1%
Vietinbank
90-1.000
1,5
3 – 6% (>=99)
4% (>=50)
2%
VIB
200 – 400
2
3% (>=50)
4% (>=60)
2,5%
Sacombank
300 – 1.000
2,15
6% (>=80)
4% (>=60)
2,6 – 2,9%
ACB
300-500
2,15
3,95%(>=50)
4% (>=60)
3,7%
Techcombank
300-500
2,58
6% (>=150)
4% (>=100)
3,49%
Eximbank
300-400
1,5
3% (>=50)
4% (>=60)
2,7%
VP Bank
275 – 880
6% (>=100)
4,4% (>=55)
3,3%
TP Bank
275 – 770
1,25 – 1,66
4% (>=100)
4%
1,2 – 2,7%
HSBC
350 – 1.200
2,16 – 2,6
4% (80 – 630)
4% (>=50)
2,5% – 4%
ANZ
350 – 1.150
2,65
4% (>=200)
4% (>=60)
3 – 3,5%
Citibank
880 – 1.650
2,15
3% ( 300 – 2.000)
3%
4%
Hoàng Yến