Chùa Phật Tích nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ

Chùa Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa nơi – du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

CLIP: Chùa Phật Tích -cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ.

Đại danh lam thắng cảnh chùa Phật Tích và những huyền tích ly kỳ

Qua các sử liệu và các chứng tích văn hóa vật thể còn tồn tại đến tận ngày nay đã cho phép chúng ta khẳng định, chùa Phật Tích xưa kia từng là một đại danh lam thắng cảnh đẹp đẽ, hài hòa, lại vừa thơ mộng linh thiêng. Phật Tích tên núi lại là tên làng trong đất Tiên Du. Núi Phật Tích như một hạt châu ngời sáng với bao huyền tích kỳ thú cùng với những dấu vết vật chất rất đỗi tự hào.

Núi Phật Tích là đoạn cuối của dãy Nguyệt Hằng có tên nôm là núi Chè, núi Phật Tích là núi đất, nhưng ở đó mọc lên muôn ngàn mỏm đá, đứng với thông reo. Vịn cỏ vượt đá trèo lên, đứng bên gốc thông già, nghe điệu nhạc của cây và gió lúc rìu rặt như tiếng đàn, tiếng sáo, lúc ào ào như tiếng mưa tuôn, nước chảy.

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 2.

Lối lên Tam Bảo – Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc tự, toạ lạc trên sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha hay Non Tiên) ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Khương Lực.

Lên đến đỉnh núi cảnh sắc bốn bề như tranh vẽ: đằng sau dải Nguyệt Hằng nhấp nhô như con rắn xanh khổng lồ uốn khúc trườn mình trong đồng ruộng ra sông Đuống uống nước; đằng trước sông Đuống ngầu đỏ phù sa tựa dải lụa hồng phơi giữa đồng xanh. Dưới chân núi xóm làng ẩn hiện trong màu biếc của cây lá.

Từ vị trí địa lí đẹp đẽ, thơ mộng và thuận lợi, chùa Phật Tích đã dần trở thành một nơi thu hút các dòng văn hóa tụ hội về đây. Chùa Phật Tích thu nhận vào mình các truyện cổ dân gian mang những luồng tư tưởng khác nhau của Phật giáo, Đạo giáo. Các truyện cổ dân gian lấy ngôi chùa, ngọn núi Phật Tích làm cơ sở nền tảng ra đời, nhưng sau khi đi vào lòng dân chúng, bản thân các câu chuyện cổ tích và huyền thoại đã góp phần làm cho chùa Phật Tích trở nên gần gũi và chứa đầy những nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Bắt đầu từ truyền kỳ về đất, trên đỉnh núi Phật Tích hiện còn một khối đá vuông, mặt phẳng nhẵn. Người già bảo đấy là bàn cờ tiên. Tương truyền, một hôm chàng tiều phu Vương Chất lên núi này đốn củi. Đến đỉnh núi chàng thấy hai cô gái đang mê mải đánh cờ dưới gốc thông già, bèn ngả rìu đứng xem.

Hai cô gái vừa đánh cờ vừa ăn đào vứt hột sang bên. Vương Chất nhặt đào ngậm vào, say xưa theo dõi. Đến nỗi sau khi cuộc cờ tan, hai cô gái bảo chàng “Kìa, rìu mục mất rồi”. Vương Chất ngoảnh lại nhìn thấy chiếc rìu đã mục thật, vừa hay hai cô gái đã bay về trời. Vương Chất gánh củi về nhà thi đã qua bẩy đời rồi, chẳng còn ai quen nữa.

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 3.

Toàn cảnh dấu tích nền móng tháp Chùa Phật Tích xuất lộ với quy mô chân tháp xây dựng bằng gạch hết sức to lớn. Ảnh: Sở VHTTDL Bắc Ninh.

Khi khảo sát điền dã tại làng Phật Tích, đã được nghe các cụ cao tuổi kể rằng: Vương Chất chính là người ở dưới thôn Phù Lập Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du. Đó là một chàng tiều phu, thường đi lên trên núi Phật Tích kiếm củi. Một lần chàng đã gặp hai nàng tiên đánh cờ ở đó. Chứng tích hiện vẫn còn bàn cờ tiên trên núi ấy. Xưa kia, cũng ở trên núi Lạn kha này có cả một ngôi nhà đá, tương truyền đó là nhà của ông Vương Chất vẫn thường ở khi lên núi kiếm củi.

Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, cách huyện Tiên Du bốn dặm về phía nam, trên núi có muông thú đá, ao rồng và nhà đá, đỉnh núi có bàn cờ bằng đá…”. Như vậy, truyện Vương Chất gặp tiên đã được gắn với địa danh cụ thể đó là bàn cờ tiên, ngôi nhà đá trên ngọn núi Lạn Kha.

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 4.

Gạch “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”-1057, được sử dụng xây dựng móng tháp. Ảnh: Sở VHTTDL Bắc Ninh.

Đạo Lão có mặt ở nơi đây bằng chuyện Từ Thức gặp tiên. Vốn xưa miền chùa trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mùa xuân về hoa nở người từ muôn nơi về đây ngắm hoa, vãn cảnh. Cô Giáng Tiên ở trên Ngọc Quán Thuyền Đô cũng giáng trần dự hội, chẳng may đánh gẫy một cành hoa, nên bị nhà chùa giữ lại.

Quan huyện Từ Thức thấy người con gái nhan sắc tuyệt trần bị nhà chùa giữ, bèn cởi áo khoác đang mặc chuộc cho. Chiếc áo bông trở thành vật tình, vật nghĩa mở đầu cho câu chuyện tình duyên thơ mộng “Từ Thức gặp Tiên”. Người đẹp đi rồi, Từ Thức ngày đêm tưởng nhớ, bỏ quan đi tìm sau chuyến ra chơi của bể Thần Phù đã thỏa mãn ước mong. Bằng câu chuyện lãng mạn ấy, đạo Lão muốn dẫn người ta về thế giới của tiên thánh, lãng quên thực tại và cũng là để ca ngợi cảnh đẹp của chùa Phật Tích.

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 5.

Chùa Phật Tích là một Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Nhìn từ xa, ngôi chùa gây ấn tượng mạnh với tòa bảo tháp cao vút vươn lên từ đỉnh núi. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, cách huyện Tiên Du bốn dặm về phía nam, trên núi có muông thú đá, ao rồng và nhà đá, đỉnh núi có bàn cờ bằng đá…”. Ảnh: Khương Lực.

Gắn với truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên, từ xa xưa, hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng Giêng, dân làng Phật Tích lại tổ chức lễ hội tại chùa Phật Tích, tục gọi là Hội khán hoa mẫu đơn. Lễ hội khai mạc vào ngày mùng 3 Tết, nhưng năm nào cũng vậy du khách thập phương đến dâng hương, cầu phúc tấp nập từ ngày mùng 1.

Theo lời kể của nhân dân địa phương, xưa kia, chùa Phật Tích có một cây hoa mẫu đơn rất to, cả năm cây chỉ nở được một đóa rất to vào dịp tết. Trong lễ hội bên cạnh việc người đến thắp hương, khấn phật cầu nguyện cho những điều tốt đẹp, họ còn tưởng nhớ về cuộc gặp gỡ thần kỳ giữa chàng Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương, qua đó muốn ngợi ca mối tình trong sáng giữa người và tiên.

Chùa Phật Tích – nơi đặt 8 vạn tháp và dấu tích nền móng tháp cổ

Từ xưa đến nay, tháp chùa được xem như một công trình kiến trúc không thể thiếu, nó góp phần tôn vinh giá trị cho các ngôi danh lam cổ tự và thu hút đông đảo khách thập phương đến du ngoạn cảnh chùa. 

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 7.

Sử cũ chép năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp. Vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên là núi Bát Vạn. Ngày nay còn tìm được ở khu vực này nhiều bãi tháp đất nung. Ảnh: Khương Lực.

Tương truyền, chùa Phật Tích xưa rộng rãi khang trang có tới 300 nhà (tam bách ốc). Chỉ riêng công việc don dẹp đã cần tới 70 người (tảo đái tháp thập phu). Đặc biệt, ngọn tháp của chùa cao vời vợi, nhòa lẫn trong mây, đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ.

Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho xây một ngọn tháp cao hơn 10 trượng ở chùa Phật Tích. Đó chính là tòa tháp để lại nền móng trong lòng đất ngày nay. Từ kích thước chân tháp, có thể ước tính tháp có chiều cao khoảng 40 mét, tương đương một tòa nhà 10 tầng. 

Sử cũ chép năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung. Số lượng tháp khổng lồ đó được đem đặt ở nhiều nơi trong nước. Nhưng trong nhiều truyện kể bảo rằng, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp. Vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên là núi Bát Vạn. Ngày nay còn tìm được ở khu vực này nhiều bãi tháp đất nung.

Chùa Phật Tích - cổ tự nghìn năm và những truyền thuyết ly kỳ (Bài 1) - Ảnh 8.

Hiện nay, trong vườn chùa nằm chen vào núi đá, nhấp nhô 35 ngọn tháp lớn nhỏ, cái được dựng bằng đá, cái được xây bằng gạch. Mỗi cây tháp, giữ xá lị của các hòa thượng đắc đạo. Ảnh: Khương Lực.

Hiện nay, trong vườn chùa nằm chen vào núi đá, nhấp nhô 35 ngọn tháp lớn nhỏ, cái được dựng bằng đá, cái được xây bằng gạch. Mỗi cây tháp, giữ xá lị của các hòa thượng đắc đạo. Hầu hết các tháp đều được xây dựng bằng chất liệu truyền thống như gạch chỉ nung già (27/35), miết mạch vôi vữa, không trát phía ngoài. Các tháp đá (8/35) gồm những viên đá lớn xếp chồng lên nhau, hầu như không thấy mạch ghép.

Đa số các ngôi tháp đều có tên, nhưng lâu năm nét chữ dần mờ phai nên không thống kê hết được. Một số tháp có bia đá hoặc bài vị và ghi thời gian sinh, hóa và hoạt động Phật sự của các nhà sư… Đây là nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sấu sắc hơn về Phật giáo nói chung, lịch sử chùa Phật Tích nói riêng.