Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích chuyên sâu về cổ phiếu PC1 của PC1 Group
“Ông trùm” xây lắp điện lấn sân sang lĩnh vực mới
Thông tin trên website pc1group.vn, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1 Group; HOSE: PC1) được thành lập vào ngày 02/03/1963. Nhiệm vụ trọng tâm ban đầu là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia, đến nay PC1 còn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ.
Hiện nay, mạng lưới phân phối của PC1 được phủ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Bên cạnh đó, PC1 còn xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như Úc, Nhật Bản, Lào, Myanmar…
Lĩnh vực xây lắp điện vẫn là thế mạnh của PC1. Doanh nghiệp này đã và đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án truyền tải điện quốc gia. PC1 là tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao (trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm…). Bên cạnh đó, PC1 cũng là tổng thầu các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các công trình có yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao (nhà máy điện gió, điện mặt trời).
PC1 Group liên tục thi công những dự án trọng điểm quan trọng với đội ngũ nhân sự trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề cứng, kết hợp với việc sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, điển hình là công nghệ Navifly.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, PC1 Group là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV – 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây truyền công nghệ hiện đại tích hợp hệ thống điều khiển CNC tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm.
PC1 đã tăng cường đầu tư và vận hành hiệu quả dự án khai thác và chế biến khoáng sản Niken – Đồng tập trung nâng cấp và phát triển nguồn tài nguyên lớn. Cụ thể, PC1 sở hữu 57,27% vốn Công ty Cổ phần Khoáng sản Tân Phát (Chủ đầu tư Dự án khai thác lộ thiên khoáng sản Niken ở Cao Bằng). Theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư là 1.502 tỷ đồng, công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm. Dự kiến dự án này sẽ bán sản phẩm từ Quý I/2023.
Lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, PC1 hiện đang sở hữu trên 100.000 m2 đất tại các khu vực Hà Nội, Ninh Bình và Hồ Chí Minh. PC1 đã và đang tích cực triển khai đầu tư và hợp tác đầu tư.
Đối với mảng tư vấn và dịch vụ, PC1 thực hiện tư vấn thiết kế và đã hoàn thành được kể đến gồm có: Nhà máy Thủy điện Tà Cọ-Sơn La; Đường dây 110kV từ Trạm 500kV Thường tín đến 110kV Thường Tín-Hà Nội: Nâng công suất trạm biến áp 110kV Nhật Tân – Hà Nội; Nâng công suất trạm biến áp 110kV Phúc Thọ – Hà Nội; Trạm biến áp 110kV Núi Pháo-Thái Nguyên; Nhà máy Nikel Bản Phúc-Sơn La; Đường dây 110kV Tằng Lỏng-Khe Lếch-Lào Cai; Mở rộng TBA 220kV Thái Bình.
Bên cạnh đó, PC1 cũng là đơn vị chuyên nghiệp nhiều năm trong công tác đo vẽ trích lục và bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình điện trên toàn quốc. Ngoài ra, PC1 còn cung cấp dịch vụ quản lý cho các tòa nhà hỗn hợp cao tầng, khu chung cư và kinh doanh sàn giao dịch bất động sản.
PC1 trả cổ tức thường xuyên qua các năm
Theo tìm hiểu, PC 1 đang có tham vọng đẩy mạnh phát triển bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.
Trong một báo cáo giải trình về việc chậm công bố thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ, PC 1 cho biết, Hội đồng quản trị PC1 thông qua quyết nghị về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ 2022, với tổng giá trị huy động là 1.200 tỷ đồng. Theo đó, công ty sẽ phát hành 12.000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng, được chia làm 2 đợt phát hành. Trong đó, đợt 1 dự kiến vào tháng 03-04/2022, với khối lượng 3.000 trái phiếu và đợt 2, dự kiến diễn ra trong 05-06/2022.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được PC1 sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực phát triển bất động sản khu công nghiệp, thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Western Pacific (khoảng hơn 1,1 ngàn tỷ đồng). Phần còn lại, 90 tỷ đồng dùng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty.
Được biết, năm 2016, cổ phiếu PC1 được niêm yết thành công trên sàn chứng khoán TP Hổ Chí Minh. Từ khi lên sàn, giá cổ phiếu PC1 biến động trồi sụt không rõ xu hướng. Tuy nhiên từ tháng 4/2020, giá cổ phiếu PC1 tăng rất mạnh cho đến tận hiện nay.
Cập nhật tại ngày 27/2, vốn hóa của PC1 là hơn 7.193 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu PC1 đang lưu hành là 270.433.002 cổ phiếu. Chỉ số P/E đang ở mức 14,61 lần (nhà đầu tư sẵn sàng bỏ hơn 14 đồng để mua 1 đồng lợi nhuận của PC1).
Đáng chú ý, PC1 cũng là doanh nghiệp trả cổ tức thường xuyên trong các năm gần đây. Cụ thể, PC1 trả cổ tức các năm bằng cổ phiếu với tỷ lệ tương ứng như 2018 (15%), 2019 (100:20), 2020 (100:20), 2021 (100:20), 2022 (100:15).
Định giá cổ phiếu PC1
Theo Vietcombank Securities (VCBS), PC1 là doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi từ chính sách Quy hoạch Điện VIII. Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt với xu hướng chuyển đổi ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió trong giai đoạn 2020-2035.
Theo quy hoạch, điện gió sẽ được ưu tiên phát triển mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng công suất hàng năm ở mức 29,1%/năm trong giai đoạn 2020-2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035-2050. Với những tín hiệu tích cực gần đây trong việc ban hành cơ chế giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp là cơ sở để PC1 tiếp tục mở rộng công suất mảng này lên đến 350 MW vào năm 2025.
PC1 hiện cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất thủy điện lên đến 250 MW vào năm 2025. Cụ thể, dự kiến tổng vốn đầu tư và sản lượng thiết kế tại một số dự án cụ thể như: Bảo Lạc A, Cao Bằng (1.080 tỷ đồng, 104 triệu kWh); Thượng Hà, Cao Bằng (481 tỷ đồng; 40 triệu kWh); Nậm Pô 5A, Điện Biên (760 tỷ đồng; 57 triệu kWh); Nậm Pô 5B, Điện Biên (648 tỷ đồng; 52 triệu kWh).
Hiện nay, các dự án Bảo Lạc A và Thượng Hà vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. VCBS chưa đưa các dự án trên vào dự phóng kết quả kinh doanh và mô hình định giá.
Hoạt động xây lắp của PC1 cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt
Bên cạnh đó, hoạt động xây lắp của PC1 cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Theo dự thảo mới nhất, vốn đầu tư phát triển nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030 ở mức 89 – 126,1 tỷ đồng, tương ứng với 8,9 – 12,6 tỷ USD vốn đầu tư bình quân mỗi năm. Tổng vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 15,2 – 15,6 tỷ USD, tương ứng với 1,5 – 1,6 tỷ USD mỗi năm. Tổng nguồn nguồn vốn đầu tư phát triển điện lực trong giai đoạn này lên đến 104,7 – 142,2 tỷ USD, được điều chỉnh cao hơn so với dự thảo lần trước.
VCBS cho rằng các dự án nguồn điện đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển mạnh và sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư vào nguồn điện. Ngoài ra, lưới điện cũng sẽ được phát triển đồng bộ để đáp ứng nhu cầu truyền tải và giải tỏa ở các khu vực dư thừa công suất. Với dư địa thị trường còn rất lớn, triển vọng mảng xây lắp của PC1 trong dài hạn vẫn rất tiềm năng nhờ vào vị thế đầu ngành, có kinh nghiệm và những lợi thế nhất định về công nghệ và nguồn lực. Giá trị hợp đồng ký mới của PC1 có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo.
Tiếp theo là mảng khai khoáng Niken dự kiến sẽ sản xuất thành phẩm trong năm 2023. Dự án khai thác Niken – Đồng vẫn đang đảm bảo tiến độ đề ra ban đầu, tổng giá trị đầu tư 9 tháng năm 2022 đạt 1.357 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá của VCBS, tổng công suất giai đoạn 1 sẽ ở mức 700.000 tấn và có thể nâng cấp dần lên 900.000 tấn. Giai đoạn 2 của dự án vẫn sẽ được thực hiện vào năm 2025 nhưng vốn đầu tư chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng (thấp hơn so với mức ước tính 1.500 tỷ đồng trước đây) do đã tận dụng được cơ sở hạ tầng từ giai đoạn 1.
VCBS cho rằng giá bán Niken phải duy trì ở mức cao thì doanh nghiệp mới có thể duy trì được biên lợi nhuận gộp tốt do mảng kinh doanh khai thác và chế biến ở Việt Nam hiện vẫn đang còn chịu nhiều loại chi phí và thuế khác nhau. Hiện nay, khi khai thác, chế biến và xuất khẩu tinh quặng khoáng sản, doanh nghiệp phải chịu các loại thuế như: Thuế xuất khẩu tài nguyên; thuế tài nguyên, khoáng sản; phí bảo vệ môi trường; phí cấp quyền khai thác khoáng sản.
VCBS cho rằng, giá Niken giao ngay trên sàn LME có mức tăng mạnh trong năm 2022 là do nhiều yếu tố: Indonesia (quốc gia có thị phần xuất khẩu quặng thô Niken lớn nhất toàn cầu) đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng thô và đang có kế hoạch áp thuế xuất khẩu Niken; xung đột giữa Nga và Ukraine; nhu cầu Niken tăng cao để phục vụ cho sản xuất pin xe điện. Tuy nhiên, giá Niken sẽ bắt đầu hạ nhiệt nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc.
Tuy nhiên, kỳ vọng nhu cầu của Niken sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hiện nay, khoảng hơn 69% Niken được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và 13% được dùng để sản xuất Pin xe điện. Nhu cầu Niken được IEA dự báo sẽ tăng gấp 12 lần trong giai đoạn từ năm 2022-2025.
Mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận vào năm 2023. Khu công nghiệp Yên Phong II-A (Chủ đầu tư là Công ty cổ phần hạ tầng Western Pacific, PC1 hợp tác đầu tư 30% vốn vào doanh nghiệp này): Các thủ tục pháp lý đã hoàn tất và tiến hành cho thuê vào năm 2023. Theo khảo sát, giá cho thuê ước tính khoảng 150 USD/m2/chu kỳ thuê, Western Pacific sẽ ghi nhận khoảng 1.142 tỷ đồng doanh thu từ cho thuê đất và cung cấp dịch vụ vào năm sau (tỷ lệ lắp đầy ước tính khoảng 30%). Ước tính, PC1 sẽ ghi nhận 122 tỷ đồng lợi nhuận liên kết trong năm 2023 từ khu công nghiệp này.
Ngoài ra, Western Pacific cũng đang triển khai nhiều dự án khác như khu công nghiệp tại cụm cảng Yên Lệnh (30 ha), dự kiến sẽ có thể ghi nhận doanh thu vào năm 2024. VCBS chưa đưa dự án này vào mô hình định giá vì chưa có nhiều thông tin cụ thể về tiến độ của dự án.
PC1 và Nomura Holdings Inc. đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 100% số vốn của Công ty Nomura Asia Vietnam (NAIV). Theo đó, PC1 đã mua toàn bộ cổ phần của NAIV – Công ty sở hữu 70% vốn tại Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng.
Khu công nghiệp Nomura do Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng (liên doanh giữa UBND thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Tài chính Nomura) làm chủ đầu tư. Với dự án này, PC1 sẽ có doanh thu chủ yếu đến từ bán điện (chiếm 60%), còn lại sẽ là doanh thu cung cấp dịch vụ. Ước tính PC1 sẽ thu khoảng 600 tỷ đồng/năm và biên lợi nhuận ròng mảng cung cấp dịch vụ khoảng 10%. Bên cạnh đó, PC1 dự kiến sẽ tiến hành lắp đặt điện mặt trời.
Các dự án PC1 Gia Lâm và PC1 Định Công có thể sẽ mở bán chậm hơn dự kiến ban đầu, cụ thể là mở bán vào năm 2025 và bắt đầu bàn giao trong năm 2026.
Dự án Thăng Long và Vĩnh Hưng: Chưa đưa 2 dự án này vào mô hình định giá vì chưa có nhiều thông tin về tiến độ triển khai.
Qua những phân tích từng mảng trên, VCBS ước mảng năng lượng ước tính đạt 4.113 tỷ đồng; mảng xây lắp ước đạt khoảng 1.856 tỷ đồng; mảng khai khoáng ước đạt 213 tỷ đồng; mảng bất động sản ước 720 tỷ đồng, bất động sản khu công nghiệp khoảng 505 tỷ. Do đó, VCBS định mức giá mục tiêu của PC1 là 29.000 đồng/cổ phiếu.
Cập nhật kết quả kinh doanh và dự phóng về giá cổ phiếu
Trong khi các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng nặng nề về suy thoái dẫn đến kết quả kinh doanh giảm sút, PC1 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng dương trong Quý IV/2022.
Quý IV/2022, doanh thu bán hàng của PC1 đạt gần 2.339 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ). Giá vốn chỉ tăng 4% lên 1.830 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp quý này của PC1 tăng 23% đạt gần 508 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính của PC1 tăng 48% lên 42 tỷ đồng song chi phí tài chính chỉ tăng 17% lên 163 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty không ghi nhận chi phí bán hàng (do hoàn nhập dự phòng bảo hành sản phẩm) đã dẫn tới lãi thuần đạt 301 tỷ đồng – tương đương tăng 37% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế trong Quý IV/2022 của PC1 đạt hơn 275 tỷ đồng, tăng gần 48% so với quý IV/2021. Luỹ kế cả năm 2022, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.333 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 527 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 31% so với năm 2021. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao đạt 21,7%.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của PC1 có 2 mảng tăng trưởng mạnh. Thứ nhất là mảng xây lắp và thiết bị ngành điện đang tăng trưởng mạnh lên 1.454 tỷ đồng (cùng kỳ 1.030 tỷ). Thứ hai là doanh thu bán điện Quý IV/2022 đạt 551 tỷ đồng (trong khi Quý IV/2021 là 426 tỷ đồng), lũy kế từ đầu năm đến cuối năm là 1.794 tỷ đồng (năm 2021 chỉ đạt 928 tỷ đồng).
Trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp đã giảm từ 68% (2021) xuống còn 58% (2022); mảng doanh thu về bán điện tăng trưởng mạnh từ 9% (2021) lên 22% (2022).
Mảng bán điện vẫn chiếm tỷ lệ biên lợi nhuận gộp cao nhất trong cơ cấu doanh thu của PC1
Đáng chú ý, trong biên lợi nhuận gộp, mảng bán điện cũng chiếm tỷ lệ biên lợi nhuận gộp cao nhất từ 57% (2021) và 54% (2022). Mảng xây lắp chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng biên lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt từ 7 (2021) và 11% (2022). Do đó, hai mảng này có ảnh hưởng lớn nhất đến lợi nhuận của PC1.
Một số chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, hai mảng này sẽ có thể tạo nên đột phá cho PC1.
Quy hoạch Điện VIII dự kiến được thông qua trong thời gian tới, PC1 sẽ được hưởng rất nhiều lợi thế từ các mảng xây lắp, tổng thầu, sản xuất công nghiệp, các dịch vụ hàng hóa.
Giá bán điện tăng cũng giúp cho PC1 hưởng lợi. Hiện tại PC1 có 144 MW điện gió và dự kiến tăng lên 305 MW vào 2025; Thủy điện cũng dự kiến cũng tăng lên 250 MW năm 2025. Theo thông báo tháng 2/2023, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh (trước đó là 1.606,19 đồng/kWh), tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (trước đó là 1.906,42 đồng/kWh). Do đó, PC1 có thể sẽ hưởng lợi rất lớn từ mảng bán điện.
Nhà máy sản xuất Niken đã tiến hành chạy thử vào Quý IV/2022 và dự kiến vào Quý I/2023 sẽ có sản phẩm thương mại và đóng góp doanh thu vào năm 2023. Đây là sản phẩm mới và góp phần đáng kể trong cơ cấu doanh thu của của PC1.
Dự án mỏ Niken tại Cao Bằng có trữ lượng từ 7,5-8 triệu tấn, thời lượng khai thác từ 15-20 năm. Tổng công suất khai thác từ 700.000 – 900.000 tấn. Giai đoạn 2 được thực hiện vào năm 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng. Dự kiến mảng này sẽ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho PC1. Ban lãnh đạo công ty dự kiến mảng này đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023. Nếu biên lợi nhuận gộp mảng này đạt 30-40% thì cũng mang về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận gộp đóng góp cho PC1.
Đối với lĩnh vực khu công nghiệp, PC1 sở hữu và cung cấp các dịch vụ hậu cần cho các khách hàng tại khu công nghiệp Nomura rộng 153ha tại Hải Phòng, dự kiến mang lại 600 tỷ đồng doanh thu cho PC1.
Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng)
PC1 đã trích lập 179 tỷ đồng khoản dự phòng ngoại tệ do chênh lệch tỷ giá USD/VND tăng 4,7% kể từ Quý IV/2022. Trong khi đó, đồng USD đã có sự sụt mạnh, khả năng PC1 sẽ hoàn nhập dự phòng trong thời gian tới. Đây là khoản cũng có thể góp phần làm tăng lợi nhuận cho PC1.
Theo chuyên gia, cổ phiếu PC1 có tiềm năng tăng trưởng về mức giá đỉnh cũ từ 35-40.000 đồng/cp. Thậm chí cổ phiếu này cũng có vượt đỉnh trong những năm tới.