Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng Tràng An
Sau hơn hai năm kể từ khi được UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị của di sản, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Được ví như “Hạ Long trên cạn” với gần 100 hang động tuyệt đẹp, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích 12.252 ha, nằm trên địa bàn 20 xã, phường của 5 huyện, thành phố với lịch sử văn hóa lâu đời bao gồm 45 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Đây là di sản của giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên mang tính nổi bật toàn cầu, ít nơi trên thế giới có được.
Di sản thế giới: Danh thắng Tràng An.
Ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Quần thể danh thắng Tràng An có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh cũng như của cả nước, bởi đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Di sản đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao ý thức, trách nhiệm để mọi người cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản, tiến tới xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch lớn của vùng và cả nước.
Năm 2015, Ninh Bình đón 6 triệu lượt khách du lịch, tăng 39,3% so với năm 2014, trong đó khách nội địa gần 5,4 triệu lượt, khách quốc tế trên 600 nghìn lượt. Doanh thu du lịch 1.421 tỷ đồng, tăng 50,7% so với năm 2014. Ngành du lịch đã vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình.
Từ những điểm du lịch nhỏ, lẻ, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ và dần trở thành điểm du lịch trọng điểm của quốc gia và mang tầm quốc tế. Thu nhập của người dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch cũng được nâng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung. Để đạt được điều đó có sự đóng góp không nhỏ của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An.
Đối với Ninh Bình, việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ góp phần thu hút du lịch, đầu tư, tạo việc làm, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh niềm vui, vinh dự, tự hào cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm cho những người làm công tác quản lý và người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới này.
Ông Giang Hồng Đức – Trưởng phòng Quản lý môi trường thuộc Ban quản lý danh thắng Tràng An cho biết: Quần thể danh thắng Tràng An nằm trong địa giới hành chính rộng, có dân số 4 vạn người, trong đó dân số trong vùng lõi di sản hơn 17.000 người. Vì vậy những yếu tố tác động đến cảnh quan, môi trường trong khu di sản chủ yếu do con người gây ra như hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ sản xuất, xây dựng và sinh hoạt của người dân địa phương, khách du lịch và các doanh nghiệp…
Việc bảo vệ cảnh quan môi trường của di sản có vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ hồ sơ, vì vậy các cán bộ Phòng Quản lý môi trường luôn chủ động tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện những yếu tố gây tác động đến cảnh quan môi trường.
Từ khi thành lập phòng đến nay, các cán bộ Phòng Quản lý môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết 12 vụ việc liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động du lịch, 21 vụ việc liên quan đến quản lý hoạt động xây dựng không đúng quy định trong vùng di sản, giải quyết 9 vụ việc liên quan đến bảo vệ rừng đặc dụng, đa dạng sinh học. Một số trường hợp người dân tự ý xây mộ trên núi, xây dựng cơ sở làm dịch vụ Homestay, nhà hàng có hành vi chặt cây, phá đá, xây bậc lên núi thuộc diện tích rừng đặc dụng. Những việc làm này được phát hiện kịp thời, sau khi được cán bộ tuyên truyền, người dân đã thực hiện theo đúng quy định.
Phó Giám đốc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An Bùi Văn Mạnh cho biết: Để tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Ban Chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An khuyến khích đầu tư xã hội, tranh thủ các nguồn vốn, đặc biệt là vốn xã hội hóa để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng di sản.
Từ nay đến năm 2018, tiến hành thăm dò, khoanh vùng, xác định tọa độ, tổ chức cắm mốc giới vùng lõi, vùng đệm của di sản; phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Cambridge, Trường Đại học Queens (Vương quốc Anh) tiến hành khảo cổ một số điểm đã được thám sát trong vùng di sản để làm phong phú hơn các căn cứ khoa học, bằng chứng về quá trình tương tác của người tiền sử với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm trước. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp tập trung khôi phục và phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, phục dựng làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của cư dân trong vùng di sản, góp phần làm phong phú sản phẩm và văn hóa phục vụ du khách…
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm tốt công tác bảo tồn ở 3 khu vực chính, trong đó có 2 khu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư…