Chương Trình, Đề Tài Khoa Học – Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa…

 

 

MỤC TIÊU

–     Phân loại, đánh giá kho tàng văn hóa truyền thống các dân tộc ít người đã được sưu tầm qua các tư liệu.

–     Đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

–     Sưu tầm các dạng thức văn hóa truyền thống hiện đang tồn tại, lưu giữ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh. Tìm hiểu một số vấn đề lịch sử của nhóm Tàmun.

–     Phân loại và hệ thống các di sản văn hóa truyền thống.

–     Thẩm định giá trị các tư liệu văn hóa đã sưu tầm được (có so sánh giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh).

–     Dựng lại bức tranh toàn cảnh của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh.

–     Đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

–     Trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc ở Tây Ninh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm, trong đó có truyền thống văn hóa là di sản quý báu của mọi dân tộc và của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy. Văn hóa là động lực phát triển đất nước hôm nay và mai sau, xây dựng đất nước phát triển, hiện đại nhưng cần có bản sắc, có giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ.

–     Truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh hết sức đa dạng và phong phú. Đó là những văn hóa thuộc nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện qua nhiều lĩnh vực: văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa đảm bảo đời sống, văn hóa tổ chức – xã hội, văn hóa ứng xử.

–     Từ những di sản nổi trội của người Việt qua chùa miếu và lễ hội Bà Linh Sơn Thánh Mẫu; của người Chăm qua các lễ hội liên quan đến tôn giáo; của người Khmer qua các lễ lớn diễn ra quanh năm trong ngôi chùa Khmer… đến di sản đặc sắc của người Hoa, nổi trội nhất chính là những nét đẹp trong phong tục tập quán, qua ẩm thực, những điệu múa lân, sư, rồng trong những lễ hội ở chùa miếu Hoa.

–     Người Tàmun là tộc danh của một cộng đồng dân cư có tên “Kamuon” là những nhóm thân thuộc của người Chơ ro tách ra hơn một thế kỷ qua; trong quá trình chung sống với người Stieng và Khmer, họ có ảnh hưởng qua lại với hai dân tộc này và cũng có quan hệ hôn nhân diễn ra ngày càng mạnh hơn.

+ Họ theo đạo Cao Đài, tôn giáo này trở thành tôn giáo chính của cộng đồng; một số người cũng đã tham gia chính quyền tại ấp, xã. Xu hướng của họ mong muốn trở thành một tộc người độc lập với tộc danh riêng cũng đã ảnh hưởng và hình thành trong người Tàmun ở Bình Long, Bình Phước. Thông qua đạo Cao Đài cộng đồng người Tàmun đã được thừa nhận công lao không nhỏ trong việc xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh và điều đó đã khiến cho những người trong đạo phải tôn trọng.

–     Truyền thống văn hóa là một thực thể động có sự kế thừa chọn lọc đáp ứng phù hợp thực tế; là kết quả của một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với cộng đồng các dân tộc cộng cư đến đất Tây Ninh. Họ đã kiến tạo nên đời sống văn hóa, ngược lại văn hóa đã giúp họ trụ vững trước những thử thách để vươn lên và chiến thắng.

–     Văn hóa của các dân tộc thiểu số vừa có nét khác biệt, vừa có sự thống nhất với những nét tương đồng gần gũi nhau từ nếp sinh hoạt đến phong tục tập quán, tín ngưỡng… nhờ vào quá trình cộng cư trãi qua nhiều thế kỷ đoàn kết giúp đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển; đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh.

+ Nâng cao ý thức cho người dân, trước hết là bà con dân tộc thiểu số về việc gìn giữ các truyền thống văn hóa của dân tộc mình: do tình trạng nghèo đói khiến không ít bà con chỉ lo cuộc sống vật chất, bươn chải với việc mưu sinh, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị truyền thống văn hóa như một tài sản quý báu của dân tộc, nên họ đã bán những ngôi nhà sàn cổ xưa rất có giá trị văn hóa của mình.

+ Tiếp tục tổ chức các đợt khảo sát, điều tra, sưu tầm các địa phương có đông đồng bào dân tộc để có thể kiểm kê vốn truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Từ đó có chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị.

+ Gắn các hoạt động xây dựng văn hóa cơ sở ở địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Ninh với các hoạt động du lịch: tùy theo đặc điểm đời sống các vùng dân tộc mà kết hợp gắn các hoạt động sao cho hợp lý; các tuyến du lịch của tỉnh cần có sự kết hợp hướng đến các vùng đồng bào dân tộc, sẽ đem lại lợi ích thu nhập và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 2634/QĐ-UBND ngày 16/12/2009. Kết quả của đề tài được chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; Ban Dân tộc; Ban Tôn Giáo làm tư liệu tham khảo có giá trị về việc nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh và xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Xổ số miền Bắc