Chương trình Sách giáo khoa lớp 1 mới sau một năm triển khai: Lạc quan nhưng không chủ quan
GD&TĐ – SGK mới lớp 1 đã ghi nhận những thành công, hiệu quả trong dạy học dù có khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Đây sẽ là nền tảng để tiếp tục triển khai CT, SGK lớp 2, lớp 6 mới ở năm học 2021-2022.
“Trái ngọt” từ đổi mới
Đánh giá kết quả đạt được khi triển khai CT, SGK đối với HS lớp 1, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: HS lớp 1 đã đảm bảo yêu cầu cần đạt của CT, SGK lớp 1 theo CTGDPT 2018. Được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tích cực, mạnh dạn, tự tin.
Mặt khác, HS đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học; với các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi. Ngoài SGK, GV sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên HS tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập; giờ học sinh động, sôi nổi. Kênh hình trong SGK rất phong phú nên HS dễ học, dễ hiểu, đồng thời đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết.
Chất lượng môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 đạt được mục tiêu và yêu cầu của CT GDPT 2018 cụ thể: Ở môn Tiếng Việt, HS được đánh giá Hoàn thành trở lên đạt 97,25%; Môn Toán: HS được đánh giá Hoàn thành trở lên đạt 97,46%.
So với kết quả học tập các môn học và hoạt động giáo dục đối với HS lớp 1 năm trước, năm học 2020-2021 được đánh giá cao hơn, HS có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét, tự học, tự điều chỉnh cách học; biết giao tiếp và hợp tác… 98% trở lên HS đã đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình đối với các môn học, năng lực, phẩm chất.
HS đạt được yêu cầu cần đạt của CT, SGK lớp 1 mới. Ảnh: Đức Trí
Đánh giá hiệu quả của CT, SGK lớp 1 ở góc độ khác, Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: 100% các trường tiểu học, trường Tiểu học và THCS đã làm tốt công tác tuyên truyền tới cha mẹ HS về CTGDPT 2018, giúp cha mẹ HS hiểu đúng về CT, SGK lớp 1 và ủng hộ nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Các nhà trường cũng đã tổ chức hướng dẫn cha mẹ HS cách hỗ trợ con học ở nhà; tham gia cùng con các hoạt động giáo dục tại nhà trường. Tổ chức cho 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày; sắp xếp bố trí vị trí phòng học và công trình phụ trợ phù hợp HS lớp 1; tăng cường cơ sở vật chất; thiết bị giáo dục hiện đại; đảm bảo đủ tỉ lệ GV trên lớp; chủng loại GV.
100% GV dạy lớp 1 được tập huấn, bồi dưỡng về CTGDPT 2018, phương pháp dạy học các môn học đối với lớp 1; bước đầu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và điều chỉnh nội dung bài học phù hợp với HS.
Các trường đã thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học lớp 1. Do đó HS đã nắm vững kiến thức, kĩ năng: đọc, viết, nói, nghe; biết vận dụng kiến thức, kĩ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan…
GV và HS đã tự tin với CT, SGK lớp 1 mới. Ảnh: Đức Trí
GV chủ động với CT, SGK mới
Cô Chu Thị Uyên – dạy lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) bày tỏ: Những ngày đầu thực hiện CT, SGK mới không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn nhất định Mặt khác, phụ huynh cũng có tâm lí ngại tiếp cận cái mới, và bị ảnh hưởng từ dư luận.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy lớp 1 cô và các đồng nghiệp đã chủ động trong việc đón nhận cái mới và “dần cảm thấy CT, SGK mới khơi gợi được trong GV sự sáng tạo, chủ động trong từng tiết dạy.
Qua mỗi ngày, HS yêu thích học, chủ động học, say mê học, tự tin qua từng bài. Điều đó trở thành động lực để GV hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ tốt hơn cho hành trình dạy học trên lớp”- cô Uyên chia sẻ.
Đánh giá về SGK lớp 1 mới (Bộ Cánh diều) cô Uyên cho rằng: Sách điện tử trên Hành trang số rất tiện lợi (có học liệu điện tử , thư viện bài giảng trình chiếu, có video viết mẫu, video các tình huống truyện kể…) giúp HS chủ động, tham gia các hoạt động học tập; HS được chữa bài trực tiếp trên màn chiếu, rút kinh nghiệm ngay những thiếu sót.
Với CT, SGK lớp 1 mới đã giúp GV linh hoạt hơn trong dạy và học.
Ảnh: Đức Trí
Mặt khác, “Với ưu điểm nổi trội của CT, SGK lớp 1 mới, nên kết thúc năm học HS không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, linh hoạt làm chủ hoạt động học. Được tham gia vào hoạt động học nên HS sớm bắt nhịp với môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học…” – Cô Uyên khẳng định.
Cô Chu Thị Uyên lưu ý, trong triển khai CT, SGK mới: SGK hiện nay đưa ra nhiều hoạt động nên phụ huynh và GV nhìn vào sẽ thấy ngại. Song GV không nhất thiết phải dạy hết tất cả các hoạt động, miễn sao HS nắm được kiến thức…
Cô Nguyễn Lan Phương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) bày tỏ: Bước vào học kỳ 1 cả GV và HS khá vất vả trong dạy và học nhưng CT, SGK lớp 1 mới giúp HS đọc tốt, mạnh dạn tự tin, phát triển năng lực… toàn diện hơn so với dạy học theo CT, SGK năm trước. Kết thúc học kỳ II, 100% HS đã đọc thông viết thạo, tiếp thu nhanh hơn so với CT, SGK cũ.
Cô Phương cũng khẳng định: Một số SGK các môn được thiết kế hay. HS được học nhóm nhiều nên khá tự tin. “Lớp có 35 HS thì cơ bản đều học nhanh, còn 1 số ít chậm hơn nhưng hoàn toàn có thể tiến bộ khi có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía GV và đặc biệt phụ huynh trong quá trình các con ôn bài tại nhà…”.
Sự đồng hành của phụ huynh làm nên thành công của CT, SGK lớp 1 mới. Ảnh: Đức Trí
Kinh nghiệm sau cô Nguyễn Lan Phương đúc rút sau 1 năm triển khai CT, SGK mới đó là: Giữa GV và phụ huynh phải có sự đồng hành trong quá trình dạy học của HS. Thành công trong kết quả học tập, sự tiến bộ của HS lớp 1 thì vai trò của GV và phụ huynh như nhau (50/50). Chỉ cần GV nỗ lực trên lớp và phụ huynh sát sao nhắc nhở việc ôn bài tại nhà cho trẻ thì sẽ có được kết quả mong đợi.
Kinh nghiệm khi triển khai CT, SGK lớp 1 mới ở góc độ quản lý, được thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) rút ra: Vai trò của các nhà quản lý và GV là then chốt quyết định công cuộc đổi mới có thành công và thành công ở mức nào.
Do đó, cần thay đổi ngay từ bản thân CBQL từ đó lan tỏa tới GV; hướng dẫn các thầy cô thực hiện và biết lắng nghe, tạo động lực.
Mặt khác, thuyết phục phụ huynh, tuyên truyền để thấy được thay đổi chương trình là cần thiết và hướng tới con em họ. Từ việc giúp phụ huynh hiểu thì mới có thể thuyết phục đồng hành thông qua các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Có thể lạc quan nhưng không chủ quan và cần kiên trì khi triển khai CT, SGK lớp 1 mới. Cần có một mục tiêu chính và kiên trì theo đuổi, thuyết phục thầy cô, phụ huynh theo đuổi mục tiêu đổi mới. Cần có những tác động kịp thời nếu bánh xe đổi mới có xu hướng lệch làn ….
“Khó khăn trong triển khai CT, SGK lớp 1 mới là điều đương nhiên nên cần tiếp cận với nó như một sự hiển nhiên gặp trên đường đi. Và không vì thế mà quay đầu lại đường cũ …” – thầy Đào Chí Mạnh khẳng định.