Chuyện cô giáo dạy Vật lý “triệu view” và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội | Yo! News

Chuyện cô giáo dạy Vật lý “triệu view” và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

    YMCONLINE.COM – Nói về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đó không phải là đề tài mới, nhưng chắc chắn chưa bao giờ cũ. Chỉ bằng vài câu bình luận ngắn ngủi nhưng đã nói lên được phần nào suy nghĩ và lối sống của mỗi con người. Câu chuyện về nữ giáo viên dạy Vật lý “triệu view” bị quấy rối bởi những bình luận khiếm nhã đã đặt ra câu hỏi: Liệu rằng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có thực sự được coi trọng?

    Người học thì ít, người “ngắm” thì nhiều

    Những ngày gần đây, mạng xã hội “rần rần” truyền nhau livestream của một cô giáo dạy Vật lý lớp 12. Chỉ riêng livestream ngày 21/7 về bài giảng con lắc lò xo của nữ giáo viên đã thu về gần 1,4 triệu lượt xem, hơn 12.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận, chia sẻ. 

    “Chỉ là livestream dạy Vật lý thôi mà sao nhiều người xem đến thế?” Đó chắc hẳn cũng là suy nghĩ của những ai bên ngoài vùng phủ sóng buổi phát trực tiếp ấy, trong đó có cả tôi. Tuy nhiên, chỉ bằng một vài tấm ảnh cùng profile của cô giáo ấy, tôi đã tự cho mình câu trả lời rõ ràng. Với vẻ ngoài xinh đẹp cùng giọng nói trong trẻo như vậy, cô giáo trẻ không chỉ thu hút những em học sinh, mà ngay cả những người đã qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng phải kéo nhau vào để “chăm chú nghe cô giảng bài”.

    Từ sinh viên Đại học…
    …cho đến những người trưởng thành đã hết tuổi học.

    Suy cho cùng, đó cũng là điều dễ hiểu, bởi con người ai mà chẳng yêu cái đẹp. Nhưng mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như ở dưới phần bình luận là những câu hỏi, thắc mắc của học sinh thay vì những comment mang tính chất đùa cợt, thậm chí có phần vô duyên, thiếu suy nghĩ. Tôi tin rằng livestream của một trang web mang tính học tập không phải là nơi để những câu trêu đùa đầy khiếm nhã như vậy xuất hiện. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho hành vi “quấy rối tình dục” trên mạng xã hội, mà nạn nhân không ai khác chính là nữ giáo viên xinh đẹp đó.

    Vô tư hay thiếu suy nghĩ

    Catcalling (quấy rối đường phố) hay sexual harassment (quấy rối tình dục) có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, cả trên không gian mạng – nơi con người chủ yếu giao tiếp với nhau trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp lên.

    Catcalling – “Bạn không thể nhận một lời khen hay sao?”
    Sexual harassment cũng đang trở nên phổ biến hơn trên không gian mạng 

    Tôi còn nhớ câu chuyện về một thầy giáo dạy toán cũng thu hút sự chú ý của mạng xã hội bằng nhan sắc điển trai của mình vào năm 2020. Tuy nhiên trong quá trình livestream dạy học, vì gặp phải quá nhiều bình luận khiếm nhã, thầy giáo ấy đã phải hủy bỏ buổi phát trực tiếp của mình.

    Có người cho rằng những bình luận như vậy là mang tính khen ngợi, giải trí hay chỉ “bình luận cho vui” thôi, chứ chẳng có ý đồ xấu xa với ai cả. Thậm chí cũng có người cho rằng những người không đồng ý với câu trêu đùa như vậy là “nhạy cảm thái quá”, rồi đổ cho việc vì cô giáo xinh như thế nên xuất hiện những bình luận như vậy “là đúng thôi”. Nhiều hơn cả là những người lợi dụng quyền “tự do ngôn luận” để tiếp tục đăng những câu bình luận tương tự lên mạng với cái cớ tự do bày tỏ quan điểm cá nhân.

    Bình luận khiếm nhã ẩn sau câu từ

    Ranh giới giữa một câu đùa hài hước với một câu đùa vô duyên vô cùng mong manh. Mỗi người đều là một phần tử rất nhỏ trong cả một tập thể không gian mạng đầy rộng lớn, chính vì vậy mà ai cũng đều phải có trách nhiệm với từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình. Xuất hiện ở một buổi phát trực tiếp giúp các bạn học sinh tích lũy, ôn luyện kiến thức và để lại những lời bình luận đề nghị cô giáo “mặc đồ ngủ mỏng mỏng live cho mát”, “dạy thêm trên giường” không phải là hài hước, mà là thô thiển, kém duyên. Đem cơ thể của người khác ra làm chủ đề cho những câu bông đùa của mình không hề mang tính giải trí, mà là quấy rối có chủ đích.

    Những bình luận mang tính quấy rối rõ ràng lại nhận được lượt like, tim hưởng ứng
    Những comments vô cùng thô thiển và kém văn minh xuất hiện hàng loạt trong livestream và các bài đăng của cô giáo

    Một nơi vốn được tạo nên với mục đích tốt là truyền tải kiến thức và ôn tập Vật lý cho các em học sinh lớp 12, bỗng trở thành chỗ để những bình luận vô ý thức và tục tĩu như thế này xuất hiện. Không ai biết được liệu suy nghĩ và tinh thần của cô giáo có ổn hay không khi ngày ngày đọc được những câu quấy rối nhan nhản trên khắp trang cá nhân của mình. Câu chuyện càng hot, những bình luận như vậy sẽ tiếp cận đến nhiều người. Nó sẽ mang đến vô số những ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ đối với những bạn học sinh lớp 12 đang nghiêm túc, chú tâm ôn luyện mà còn với những bạn ở độ tuổi vị thành niên.

    Không phải bỗng nhiên mà nước ta lại nằm trong top 5 nước kém văn minh Internet nhất thế giới. Không phải tất cả, nhưng đâu đó vẫn còn những cá nhân thoải mái buông những lời nói tục tĩu, thiếu thiện cảm, khiến cho hình ảnh của cộng đồng mạng Việt Nam nói chung mất điểm trầm trọng trong mắt bạn bè quốc tế. Không ai cấm ai được vào livestream học tập để ngắm và khen ngợi giáo viên, nhưng hãy khen ngợi theo hướng tích cực, có suy nghĩ. Không ai bắt ai không được bày tỏ suy nghĩ của bản thân, nhưng hãy bày tỏ nó với thái độ văn minh, lịch sự. 

    Tạm kết

    Trình độ tri thức và mức độ nhận thức của con người được thể hiện từ cách ta nói chuyện, hành xử đến từng câu từ được đăng trên mạng xã hội, nơi mà sự công kích bằng ngôn từ và lời nói giữa con người với con người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng con người vẫn luôn có tinh thần cầu tiến, không ngừng cải thiện bản thân, cải thiện văn hóa ứng xử sao cho phù hợp. Vì một xã hội không catcalling và sexual harassment, vì một xã hội tôn trọng con người. 

      Raccoon – Vouu

    Nguồn ảnh: Internet, page Facebook “Cô giáo Minh Thu”