Chuyên gia VinaCapital: vụ việc SCB không làm ngành ngân hàng kém hấp dẫn – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
(KTSG Online) – Theo VinaCapital, sự kiện SCB là câu chuyện cá biệt trong hệ thống, dù trong ngắn hạn các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Trong báo cáo công bố ngày 20-10, nhận định về ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát, ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng, Công ty quản lý quỹ VinaCaptial đánh giá các sự kiện tuần trước không thay đổi đáng kể quan điểm của VinaCapital về lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, sự kiện của SCB gần đây sẽ không có bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào trong hệ thống ngân hàng, với minh chứng là các ngân hàng khác không bị rút tiền ồ ạt, thị trường liên ngân hàng tiếp tục hoạt động bình thường.
Đại diện VinaCapital cũng dẫn lại tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, đánh giá rủi ro từ sự kiện này chỉ giới hạn ở từng ngân hàng và “chúng tôi không kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của chúng tôi đối với Việt Nam”.
SCB được thành lập từ sự hợp nhất của ba ngân hàng yếu kém vào năm 2012. Năm 2020 NHNN đã chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu trong 10 năm nhằm mục đích xử lý tài sản xấu.
Theo VinaCapital, SCB là ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản. Tuy nhiên, tình trạng tài chính của SCB đã được thị trường hiểu rõ trong nhiều năm.
Theo đó, khả năng sinh lời về mặt tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 240 điểm cơ bản (thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 390 điểm cơ bản), còn tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 6% (trung bình ngành là 20%).
“Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống của các sự kiện tuần trước bởi vì các ngân hàng thương mại trong nước đã xem xét tình trạng yếu kém của SCB trong các giao dịch của họ với ngân hàng”, ông Michael Kokalari bình luận.
Dù vậy trong ngắn hạn, ngành ngân hàng Việt Nam hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là biên lợi nhuận mỏng do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay.
Ngoài ra, rủi ro quan ngại khác là chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn, đồng thời có thể làm dao động niềm tin vào các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai.
Chuyên gia VinaCapital cho rằng định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức “rẻ” với P/B trung bình 1,3 lần, cùng chỉ số ROE đạt 19,2%. Chỉ số P/E trong năm nay ước tính khoảng 9,1 lần, cùng với con số tăng trưởng thu nhập dự kiến lên đến 30% trong năm nay và 20% trong năm 2023.
“Trong dài hạn, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp, và thu nhập tăng”, đại diện VinaCapital bình luận.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng tuần trước, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng những thông tin bất lợi và biến động trong thời gian gần đây đang tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Hiện gần 20 ngân hàng thương mại, chiếm đa số trong hệ thống đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột.