Chuyển về Bến xe Miền Đông mới, nhà xe lo nhất điều gì?

Chiều 10/10, có mặt tại Bến xe Miền Đông mới, PV Tạp chí GTVT ghi nhận Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới) đang tất bật công tác dọn dẹp, bố trí thêm các quầy bán vé, bảng hướng dẫn, sắp xếp bãi đậu, nơi đón trả khách… sẵn sàng tiếp nhận hàng loạt tuyến xe mới từ 0h ngày 11/10.

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 1.

Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới) bố trí thêm các quầy bán vé

Nhiều nhà xe và hợp tác xã cũng có mặt tại Bến xe Miền Đông mới quan sát khu vực đậu đón trả khách và không khỏi lo lắng bởi trong thời gian tới khi chuyển địa điểm không biết có duy trì được hoạt động hay không.

Anh Trần Sỹ Thu, nhà xe chạy tuyến Bến xe Miền Đông – Giáp Bát (Hà Nội) chia sẻ: “Trước giờ, các nhà xe vẫn được đậu xe ở bến xe cũ đóng hàng và chờ tài khi hợp tác xã cấp lệnh thì mới trung chuyển khách ra Bến xe Miền Đông mới đóng lệnh nên vẫn có khách để duy trì hoạt động. Bây giờ nếu bắt buộc phải qua bến xe mới thì chắc khách đi xe giảm rất nhiều. Nếu không đủ chi phí có thể phải nghỉ chạy một thời gian xem xét tình hình thế nào rồi mới cân nhắc lại”.

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 2.

Anh Trần Sỹ Thu lo lắng khi chuyển về bến xe mới sẽ vắng khách

Theo anh Thu, tổng chi phí một chuyến xe ra Hà Nội, sau đó quay vào TP.HCM không dưới 45 triệu. Trong khi chuyển qua bến xe mới, xung quanh dân cư thưa vắng, giao thông chưa kết nối, đi lại rất bất tiện thì chắc chắn người dân sẽ lựa chọn đi bằng phương tiện khác.

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp vận tải lo lắng hạ tầng giao thông kết nối Bến xe Miền Đông mới chưa kết nối, hành khách đi xe sẽ giảm rất nhiều

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hạnh, nhà xe Hoàng Long (chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn) bức xúc: “Xung quanh khu vực bến xe mới còn vắng vẻ, chỗ ăn, chỗ ngủ của tài xế, phụ xe còn không có thì làm sao đảm bảo được sức khoẻ cho họ chạy xe. Chắc chắn nếu chuyển về đây sẽ không có khách đi xe”.

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, nhà xe Hoàng Long cho rằng xung quanh khu vực bến xe mới còn vắng vẻ, chỗ ăn, chỗ ngủ của tài xế, phụ xe không có.

“Nếu chỉ chuyển những tuyến xe tại Bến xe Miền Đông cũ mà các Bến xe An Sương, Ngã Tư Ga vẫn hoạt động bình thường thì hành khách sẽ lựa chọn đến những bến xe đó cho tiện chứ không ai đi ra tận bến xe mới cách mấy chục km, đường sá ùn tắc, phát sinh thêm nhiều chi phí”, bà Hạnh cho biết thêm.

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 5.

Nhiều tài xế cho biết, dốc lên xuống tại bến xe mới trơn trượt rất nguy hiểm khi xe ra vào bến mỗi khi trời mưa

Đại diện Hợp tác xã Du Lịch Sài Gòn nêu kiến nghị, các cơ quan chức năng phải làm triệt để, yêu cầu tất cả các bến xe trực thuộc trong thành phố đều chuyển các tuyến ra bến xe mới và phải tăng cường tuyến xe buýt kết nối với bến xe thì khi đó mới tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng như thu hút được hành khách đi xe tại bến xe mới. 

Bến xe Miền Đông mới "không có chỗ ăn, chỗ ngủ" nhà xe lo ế khách nghỉ chạy - Ảnh 6.

Hiện nay có 5 tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua Bến xe Miền Đông mới

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: “Thời gian qua, Sở GTVT cũng đã phân luồng giải quyết những vấn đề về hạ tầng giao thông xung quanh Bến xe Miền Đông mới. Về lâu dài, khi tuyến metro số 1 hoạt động, người dân đi lại thuận tiện hơn. Về việc nhà xe phản ánh không có chỗ ăn, chỗ ngủ khi chuyển về và bến xe mới không đáp ứng được thì Sở GTVT sẽ có ý kiến khắc phục vấn đề này”.

“Những ngày đầu chuyển ra bến xe mới chắc sẽ có những khó khăn và nhà xe lo lắng cũng có cơ sở, nhưng quy hoạch của thành phố là có 4 bến xe nên không thể ngừng hoạt động 2 bến xe An Sương và Ngã Tư Ga và dồn hết ra Bến xe Miền Đông mới (bởi 2 bến xe này vẫn chưa hoạt động hết công suất). Lộ trình tại khu vực nào sẽ phù hợp với nhu cầu của người dân, còn hiệu quả vận tải từng nhà xe phải tính toán để đăng ký hoạt động”, ông Hải lý giải.

Được biết, hiện nay có 5 tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua bến xe Miền Đông mới (trục Quốc lộ 1): tuyến xe buýt số 150 (Bến xe buýt Chợ Lớn – Ngã ba Tân Vạn). Các tuyến xe buýt không trợ giá gồm tuyến xe buýt số 60-1 (Bến xe Miền Tây – Bến xe Biên Hòa); tuyến xe buýt số 60-2 (Đại học Nông Lâm – Bến xe Phú Túc); tuyến xe buýt số 60-3: (Bến xe Miền Đông – KCN Nhơn Trạch); tuyến xe buýt số 60-4 (Bến xe Miền Đông – KCN Sông Mây).

Từ ngày 11/10, các tuyến cố định của 15 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ hoạt động tại bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM).