Có cần thiết phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên?
–
Thứ sáu, 11/06/2021 12:00 (GMT+7)
Cuối năm học, trong bộn bề công việc nhưng thầy cô lại mất thêm thời gian để thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.
Thông tư này quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Đánh giá về chuẩn nghề nghiệp giáo viên có bốn mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện mỗi năm một lần. Theo đó, để được đánh giá loại Tốt thì ít nhất có 2/3 tiêu chí loại Tốt (ít nhất 10 tiêu chí), trong đó tất cả tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 (tiêu chí 3, 4, 5, 6, 7) phải xếp loại tốt và không có tiêu chí nào xếp loại đạt. Mỗi tiêu chí đánh giá từ mức đạt trở lên bắt buộc phải có minh chứng.
Nhưng bộ tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên lại bất cập. Ở năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định là bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng các tiêu chí 14, 15 vẫn tồn tại ở Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD.
Rồi ở tiêu chí 3 “Phát triển chuyên môn bản thân”, nhiều thầy cô bị đánh giá Chưa đạt vì chưa có bằng cử nhân. Theo Luật Giáo dục 2019, Điều 72, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Nếu tiêu chí 3 chưa đạt thì xếp loại chung là: Chưa đạt, vì chưa đạt chuẩn về nghề nghiệp thì số những thầy cô chưa có bằng cử nhân này hiện đi học, còn số thầy cô lớn tuổi sắp nghỉ hưu nên không đi học, do vậy rất thiệt thòi.
Theo nhiều thầy cô, nếu thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp, chỉ nên đánh giá ở hai mức Đạt và Chưa đạt, không cần phải có mức Tốt, Khá là bảo đảm được sự khách quan, công bằng, chính xác, khoa học. Trên cơ sở đó, thầy cô phấn đấu học tập nâng cao năng lực trình độ để đạt chuẩn theo quy định là hợp lý.
Việc cập nhật và minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên lên phần mềm trực tuyến là một việc làm thừa, không cần thiết vì nhà trường đã đánh giá và lưu hồ sơ cho mỗi giáo viên.
Thiết nghĩ giáo viên đã được đào tạo chính quy, tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đã qua thi tuyển viên chức mới được đứng trên bục giảng, hàng năm được đánh giá rồi nên không cần phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp rất hình thức như hiện nay.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại có cần thiết phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên không? Giảm bớt thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, áp lực không đáng có cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thực chất.