Cơ chế “đột phá” giúp doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo
(PLVN) – Hiện nay, 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa – tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Vậy cơ chế “đột phá” nào giúp doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST)?
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về vấn đề này.
Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST
Mục lục bài viết
Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là một trong những đơn vị đã nhanh chóng, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, phát triển hoạt động Đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp – lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động ĐMST. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
– ĐMST trong DN tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm (bắt đầu từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới), đổi mới quy trình (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức (phương thức) tiếp cận và phát triển thị trường.
Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác. Đối với các DN nói chung, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ hằng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại lại ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do đổi mới sáng tạo đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp của họ là rất quan trọng.
Do vậy, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ là những hoạt động cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên có hệ thống và tính chuyên nghiệp. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là cơ quan thuộc Bộ KH&CN có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.
Theo ông hiện nay thực sự đã có đầy đủ các cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp ĐMST hay chưa?
– Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia… để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.
Gần đây, Cục đã chủ trì, tham mưu lãnh đạo Bộ KH&CN trình Quốc hội thông qua nội dung hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức KH&CN ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ…
Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy trực tiếp cho hoạt động ĐMST trong DN. Qua đó đã góp phần hoàn thiện hành lang, pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ DN ĐMST.
Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ
Vậy, đến nay hiệu quả đạt được của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua ra sao, thưa ông?
– Trong 7 năm triển khai (tính từ năm 2013 đến 2020), Chương trình đã đạt được kết quả nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần) sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước. Một số kết quả nổi bật của các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình có thể kể đến như:
Tập đoàn Sao Mai đã chuyển giao, hoàn thiện công nghệ tinh luyện dầu, công nghệ enzym thu nhận bột đạm từ phụ phẩm cá tra thành các loại dầu thực phẩm, shortening, margarine, bột nêm, bột cá chất lượng cao. Nhờ đó, nâng tầm giá trị của cá tra lên khoảng 28%. Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với qui mô công nghiệp. Hiện nay công ty đang tiếp tục hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất hệ sinh thái LED 4.0 ứng dụng trong đô thị thông minh, ngôi nhà thông minh và trang trại trồng trọt thông minh.
Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, điều hành nhằm hướng tới xây dựng nhà máy thông minh theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, giúp nhà máy sản xuất nhíp ôtô của Trường Hải nâng tỷ lệ tự động hóa sản xuất lên tới 70÷80%, sản phẩm xuất xưởng tăng thêm 15%/năm, chi phí sản xuất giảm 2,0%/sản phẩm…
Đối với hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, trong giai đoạn từ 2011 – 2020, hỗ trợ kết nối 142 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 41,5%.
Về hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Hỗ trợ hoàn thiện và ứng dụng thành công một số kết quả nghiên cứu trong sản xuất đem lại hiệu quả cao như: Robot tự động cấp phôi, công nghệ và thiết bị sấy, thiết bị xử lý khí thải, công nghệ định vị di động, một số công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược….
Xin ông cho biết về định hướng triển khai các Chương trình và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST do Cục quản lý, triển khai trong thời gian tới?
– Trong giai đoạn tới, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Cục sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các DN, đơn vị nghiên cứu, các tổ chức trung gian, Bộ. ngành, địa phương, tổ chức, mạng lưới chuyên gia quốc tế cùng tham gia, đẩy mạnh triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025…
Bên cạnh đó, từ hiệu quả đã đạt được của các hoạt động giai đoạn trước đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; tổ chức thường xuyên có hệ thống, chuyên nghiệp đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về các vấn đề đối với quản lý nhà nước về ĐMST hiện nay và một vài đề xuất, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về ĐMST trong thời gian tới?
– Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý ĐMST tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Bộ Khoa học và Công nghệ trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về ĐMST.
Nhiều chính sách hỗ trợ ĐMST mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu “sandbox” chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.
Hoạt động ĐMST và thực thi chính sách, hỗ trợ ĐMST còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực…
Do đó, để giải quyết được các vấn đề này, đề xuất nội hàm về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo ở nước ta trong thời gian tới phải được thể chế hóa vào các Luật về KH&CN; trong đó tập trung vào một số nội dung:
Một là, thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới. Hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia…
Hai là, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Trân trọng cảm ơn ông!