Cổ đông ROS đang ôm “giấy lộn”?
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 567,58 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros từ ngày 5-9. Đây là cổ phiếu thuộc nhóm có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch FLC.
Giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá là gần 5.676 tỉ đồng. Giá đóng cửa phiên gần nhất, ngày 11-8, của ROS là 2.510 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa hơn 1.400 tỉ đồng. Cổ phiếu này bị đình chỉ giao dịch từ ngày 12-8.
HoSE cho biết đến trước thời điểm bị hủy niêm yết, Công ty CP Xây dựng FLC Faros vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I và II. Đồng thời, công ty này còn chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên HĐQT tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật.
Nếu không sớm công bố thông tin liên quan đến các báo cáo tài chính theo quy định, có khả năng ROS vĩnh viễn không được giao dịch trở lại, kể cả trên sàn UpCOM.
Cổ phiếu ROS một thời “làm mưa làm gió” khi liên tục kéo sàn
Chị H., một nhà đầu tư ở quận Thủ Đức (TP HCM), đang lo lắng bởi ôm mấy ngàn cổ phiếu ROS lỡ mua từ trước và không biết cách nào “thoát hàng”. “Từ khi cổ phiếu này chưa bị đình chỉ giao dịch, tôi đã đặt bán nhưng không khớp lệnh. Nhìn tiền bay dần mà xót ruột” – chị H. than thở.
Dân môi giới chứng khoán cũng đang khá “rối” khi không biết tư vấn cho khách ra sao. Nhiều nhà đầu tư ban đầu chỉ định lướt sóng, không ngờ lại thành cổ đông “bất đắc dĩ” và có nguy cơ ôm “giấy lộn”.
ROS không phải là trường hợp đầu tiên bị huỷ niêm yết bắt buộc vì lãnh đạo vi phạm trên thị trường chứng khoán, nhưng đây là trường hợp đầu tiên áp dụng quy chế mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo quy định, ROS có thể được chuyển sang niêm yết ở sàn UpCom với điều kiện phải công bố thông tin theo quy định.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Tư vấn khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư chỉ còn hy vọng Công ty CP Xây dựng FLC Faros tái cấu trúc khi có chủ mới. Tuy vậy, khả năng tái cấu trúc là khó bởi ROS là doanh nghiệp “ảo” với nghi vấn tăng vốn “khủng” và không có tài sản thực.
TS Lê Đạt Chí, Phó Khoa Tài chính doanh nghiệp – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng câu chuyện cổ phiếu ROS được “phù phép” nâng khống vốn không phải cá biệt trên thị trường chứng khoán. Thực tế, vai trò của Ban kiểm soát trong công ty đại chúng rất mờ nhạt, không có thành viên độc lập nên không thể hiện rõ trách nhiệm. TS Chí góp ý cần có quy định ràng buộc rõ trách nhiệm của Ban kiểm soát, minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Chính thức niêm yết lên sàn vào ngày 1-9-2016, ROS “làm mưa làm gió” khi liên tục đẩy trần và kéo giá đỉnh lên hơn 200.000 đồng/cổ phiếu rồi lọt vào rổ VN30.
Sau đó, ROS lao dốc liên tục và đến nay chỉ còn hơn 2.300 đồng/cổ phiếu.
Điểm bất thường tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros là đây dù là công ty xây dựng nhưng hơn 56% cơ cấu tài sản là đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều khoản đã được kiểm toán loại trừ, trong đó có những khoản uỷ thác đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng.