Có gì đặc biệt ở AMV?

Có gì đặc biệt ở AMV?

Tăng đến 76,47% tính trong 1 tháng giao dịch gần đây, AMV của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ có gì đặc biệt?

Tăng đến 76,47% tính trong 1 tháng giao dịch gần đây, AMV của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ có gì đặc biệt?

nhadautu - AMV co gi dac biet

 

Nếu nhìn đồ thị kỹ thuật, có thể nhận thấy đà tăng của AMV bắt đầu chủ yếu từ phiên giao dịch 16/7, phiên ghi nhận AMV tăng 2,07% đạt 14.800 đồng/cổ phiếu. Kể từ thời điểm này, thanh khoản của AMV cũng ghi nhận đạt mức tốt so với thời điểm trước đó.

nhadautu - dien bien gia co phieu AMV tu dau nam den nay

Diễn biến giao dịch giá cổ phiếu AMV từ đầu năm đến nay

Đó là chưa kể thanh khoản của AMV cũng có sự khởi sắc đáng kể. Tính từ thời điểm đầu năm, thanh khoản AMV luôn chỉ giao dịch ‘èo uột’ ở mức vài ngàn đơn vị, tuy vậy từ các phiên giao dịch tăng điểm sau đó (phiên 16/7), mã này đã được giao dịch ở mức hàng trăm ngàn đơn vị, tương đương tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.  

Giá cổ phiếu tăng, thanh khoản tăng, điều đó cho thấy dòng tiền đáng kể đang đổ vào AMV. Qua đó, đẩy thị giá AMV lên đến 27.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 76,47% trong 1 tháng giao dịch gần đây.

Được biết, AMV mới được HNX đưa ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 17/4/2018, vậy có gì đặc biệt ở mã cổ phiếu này?

Cơ cấu cổ đông cô đặc

Chủ yếu nắm giữ cổ phiếu AMV là các cổ đông lớn cá nhân. Thống kê Nhadautu.vn cho thấy, đó là những cái tên như Chủ tịch HĐQT Đặng Nhị Nương (1,37 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 5,05%), Ủy viên HĐQT Phạm Văn Tuy (1,080 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 3,98%), Bùi Văn Hải (2,49 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,18%), Nguyễn Hữu Điển (1,25 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 4,61%), Lê Anh Hồi (5 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 18,4%), Trần Văn Tuấn (hơn 5,1 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 18,82%) và Nguyễn Thị Nhung (Hồi (5 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 18,4%).

Tính ra, các cá nhân này nắm đến khoảng 21,29 triệu cổ phiếu, tương đương chiếm đến 78,53% cơ cấu cổ đông của AMV. Với cơ cấu cổ đông cô đặc như vậy, chỉ một lượng tiền nhỏ thôi cũng có thể ‘đẩy’ giá, ‘đè’ giá cổ phiếu này.

KQKD đột biến và dòng tiên liên quan tới ‘người cũ’ tại JVC

BCTC quý II/2018 của AMV ghi nhận mức lãi đột biến. Cụ thể, 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần AMV đạt đến hơn 50,5 tỷ đồng, tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt hơn 7,7 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của AMV cũng đạt hơn 28,1 tỷ đồng, tăng gấp 39 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

LNST tăng trưởng mạnh nhưng dòng tiền kinh doanh của AMV vẫn âm đến hơn 3,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương gần 12 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp phải tăng hàng tồn kho hơn 46,7 tỷ đồng và tăng các khoản phải trả gần 41 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của AMV là 402,3 tỷ đồng, giảm 3,12% so với số đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn hơn 353,5 tỷ đồng chiếm chủ yếu, trong đó chiếm đa số là khoản Trả trước cho người bán ngắn hạn hơn 288,4 tỷ đồng.

Trong đó, chiếm trọng yếu ở mục Trả trước cho người bán ngắn hạn là Công ty CP Đầu tư LOU hơn 184,4 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC giải thích đây là khoản Công ty trả trước cho Hợp đồng Kinh tế số 1511 ngày 11/11/2017 giữa Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ Công ty CP Đầu tư LOU về việc cung cấp máy móc, trang thiết bị cho 2 nhà nội trú của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê và Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Khoản thứ hai đáng kể ở mục này là của Công ty CP Sara Phú Thọ hơn 96,6 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC giải thích đây là khoản Công ty trả trước cho Hợp đồng Kinh tế số 0512 ngày 05/12/2017 giữa Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt MỹCông ty CP Đầu tư SARA Phú Thọ về việc cung cấp máy móc, trang thiết bị cho 2 nhà nội trú của Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn và thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Sự xuất hiện hai khoản tiền lớn này đến từ việc AMV đã sở hữu hơn 80% cổ phần Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ. Điều khá thú vị là ở thời điểm ký kết hợp đồng, các Công ty trên mới chỉ ra đời hơn 1 năm. Với Công ty CP Đầu tư LOU, Công ty được thành lập vào ngày 16/8/2016. Vào cuối năm 2016, họ đã tăng vốn khủng từ 3 tỷ đồng lên đến 200 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty CP Sara Phú Thọ cũng mới chỉ thành lập vào ngày 7/9/2016.

Đi sâu vào chi tiết có thể thấy nhiều thông tin thú vị.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư LOU từng có cái tên Công ty CP Vật liệu nội thất Nhật Bản LOU. Ở thời điểm đến tháng 9/2016, các cổ đông sáng lập nắm cổ phần LOU là: Công ty CP Kanpeki Nhật Bản nắm 65% vốn; hai cá nhân là Nguyễn Hải Ly và Nguyễn Hữu Hải Long nắm lần lượt 5% và 30% vốn cổ phần. Đáng chú ý, Công ty CP Kanpeki Nhật Bản – Công ty do bà Nguyễn Phương Hạnh là vợ ông Lê Văn Hướng – người từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của JVC, nắm đến 98% cổ phần. Thú vị hơn nữa khi chính Công ty CP Kanpeki Nhật Bản là một trong các cổ đông lớn (98%) sáng lập Công ty CP Đầu tư Việt Mỹ.

Như vậy, có thể hiểu Khoản phải trả người bán ngắn hạn của AMV đến từ công ty con Đầu tư Bệnh Viện Việt Mỹ và người nhận số tiền này là Công ty của bà Nguyễn Phương Hạnh từng sáng lập Đầu tư Bệnh Viện Việt Mỹ và Công ty do bà nắm giữ số cổ phần lớn.

Ngoài ra, cổ đông khác thành lập Công ty CP Đầu tư Việt Mỹ ông Lê Đức Khanh nắm 20% Công ty CP SARA Phú Thọ cũng là cổ đông sáng lập Đầu tư Việt Mỹ (nắm 1%). Người nắm giữ lớn nhất tại SARA Phú Thọ là bà Lê Thu Huyền nắm 60% cổ phần.

Trong Báo cáo tình hình quản trị 2014, cái tên Lê Thu Huyền được xuất hiện dưới danh nghĩa là em gái cựu Chủ tịch HĐQT JVC, ông Lê Văn Hướng.

Liệu chất lượng của các khoản tiền này có đáng bàn khi Công ty TNHH Kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam (AVA) nhấn mạnh, Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Viejt Mỹ (Công ty con) đã trả trước cho nhà cung cấp 80% giá trị hợp đồng ngay khi ký hợp đồng cung cấp với tổng giá trị trả trước là 281 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2018, các hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị nêu trên CHƯA được triển khai.

Số tiền Kiểm toán nhấn mạnh trên đây là 281.018.994.674 tỷ đồng, đó là con số chính xác liên quan tới hai Công ty mà bài viết đã nêu trên.