Cơ hội vàng mở cửa du lịch
Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm đón khách quốc tế (từ giữa tháng 11/2021), thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên. Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội vàng khi từ ngày 15/3 tới đây sẽ mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”.
Hẳn nhiều người còn nhớ trong hai tuần cuối tháng 11/2021, khi những đoàn du khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại. Đó là những khởi động tích cực, chuẩn bị cho lộ trình mở cửa du lịch rất bài bản của Việt Nam. Cụ thể, ngày 17/11/2021, 29 du khách từ nhiều quốc gia đã đến Hội An, mở đầu cho chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, sau hơn 20 tháng đóng cửa vì COVID-19.
Những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến tham quan phố cổ Hội An sau 2 năm bị gián đoạn, mở đầu chương trình du lịch “Hộ chiếu vaccine”.
Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, hoạt động thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1 bắt đầu từ giữa tháng 11 cho đến hết tháng 12/2021, tại 5 địa phương: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngay khi đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Hội An vào ngày 17/11, thị trường du lịch inbound (đón khách quốc tế) đã dần khởi sắc.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chỉ trong nửa tháng thực hiện thí điểm (nửa cuối tháng 11/2021), Việt Nam đã đón gần 1.000 khách quốc tế. Đặc biệt, khách quốc tế đến Việt Nam khá đông vào dịp cuối năm. Tại Phú Quốc, trong hai ngày 25 và 26/12 đón gần 1.000 khách Nga, Uzbekistan… Trong hai tháng cuối năm 2021, tỉnh Khánh Hòa tổ chức đón trên 3.800 khách, nhiều nhất là khách Hàn Quốc, Nga; tỉnh Quảng Nam đón gần 250 khách, gồm nhiều quốc tịch: Nga, Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan…
Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến với Phú Quốc, nghỉ dưỡng và du lịch sau gần hai năm “đóng băng” dịch COVID-19.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, “giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế tại Việt Nam bước đầu đã thành công. Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách”.
Với thành công bước đầu này, Việt Nam triển khai giai đoạn 2 đón khách quốc tế ngay từ đầu năm 2022 với quy mô, địa bàn mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 10/2/2022, sau bốn tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.
Sáng 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế – xã hội. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin việc xây dựng phương án mở lại hoạt động du lịch. Trên tinh thần khẩn trương nhất, Bộ đã chủ trì 3 cuộc hội thảo để tổng hợp ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Việt Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn kết hợp với nới lỏng quy định nhập cảnh với du khách sẽ thu hút khách du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai từ tháng 11/2021 đến ngày 10/2 đã có những kết quả tích cực, đón được gần 9.000 khách du lịch quốc tế, đảm bảo điều kiện an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý để tất cả các địa phương đủ điều kiện, được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành đã tập trung thảo luận nội dung chi tiết, xây dựng phương án để có thể mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo tinh thần khẩn trương nhất, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, gắn với từng bước phục hồi kinh tế – xã hội. Theo đó, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay, sẽ được dỡ bỏ; cùng với đó là những giải pháp kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi.
Khách du lịch Nga có “hộ chiếu vaccine” làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trước đó, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất, báo cáo Chính phủ cho phép, đến thời điểm ngày 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch COVID-19, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Bên cạnh đó, thay vì đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm trước đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ: “Du khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19, vì Việt Nam chưa áp dụng tiêm cho đối tượng này. Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận”.
Đồng thời, khách quốc tế bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR). Với các nước có quy định khắt khe hơn sẽ áp dụng theo quy định của các nước này; đồng thời, cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam…
Du khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký, tự cách ly trong vòng 24 giờ và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục tự theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.
Các bộ, ngành thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình mức đóng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trường hợp khách quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn hai năm phòng, chống dịch COVID-19, ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.
Đoàn khách quốc tế “hộ chiếu vaccine” người Hàn Quốc tham quan du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Sau cuộc họp này, ngay ngày 16/2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 43/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” từ ngày 15/3/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa du lịch an toàn, nhiều địa phương trên cả nước đã có kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm khôi phục hoạt động du lịch. Tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đặt mục tiêu từng bước phục hồi ngành du lịch, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại trong năm 2022; phấn đấu trong năm nay đón và phục vụ từ 9 – 10 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 – 35,84 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội định hướng phát triển sản phẩm du lịch dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tập trung vào các khu vực trung tâm thành phố, ven đô và ngoại thành. Khu vực trung tâm thành phố ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di sản, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo) sản phẩm du lịch đêm. Khu vực các quận, huyện ven đô ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch MICE; du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khu vực ngoại thành ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh.
Theo định hướng trên, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy đó làm động lực để phục hồi; khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, theo lịch trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ. Cụ thể: Đối với thị trường khách nội địa, trong giai đoạn đầu, Hà Nội tập trung khai thác thị trường khách là người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm miền Trung, miền Nam, TP Hồ Chí Minh.
Đối với thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn đầu, thành phố tập trung khai thác thị trường khách đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á; sau đó, mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm (Bắc Mỹ, EU) và nghiên cứu, khai thác khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Úc.
Hà Nội phấn đấu trong năm 2022 đón và phục vụ từ 9 – 10 triệu lượt du khách.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ngay khi Cục Hàng không Việt Nam phát hành điện văn qua đường hàng không (NOTAM) để thông báo Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế vận chuyển khách bằng đường hàng không, một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cũng đưa ra thông báo chính thức khởi động tour quốc tế. Đồng thời, cùng với ngành du lịch thành phố, nhiều đơn vị hoạt động trong ngành này đã chuẩn bị và sẵn sàng điều kiện phục vụ khách quốc tế trong thời gian tới.
Trong đó, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist vừa chính thức mở lại định kỳ tour nước ngoài khởi hành đến Mỹ bay hàng không Việt Nam; Maldives bay hàng không 5 sao Singapore; Dubai – Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE) bay hàng không 5 sao Emirates; Thái Lan bay Vietnam Airlines. Dự kiến, trong tháng 3/2022, công ty tiếp tục đẩy mạnh khai thác những tuyến điểm đến châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á với nhiều hình thức tour trọn gói, tour Free & Easy… nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu du khách.
Công ty du lịch Vietravel dựa vào tình hình mở cửa đón khách du lịch trở lại của các nước cũng đang dần hoàn thiện bộ sản phẩm tour du lịch nước ngoài (outbound). Theo đó, ngay cuối tháng 2/2022, Vietravel sẽ có đoàn charter (bay thuê bao nguyên chuyến) 180 khách đi hành hương Ấn Độ và tháng 3/2022 có đoàn khoảng 45 khách đi Dubai. Đây là hai đoàn khách outbound khởi hành đầu tiên của công ty trong năm nay. Còn Công ty cổ phần Phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel), đã bán tour Dubai, Thái Lan hằng tuần và đang mở rộng thêm một số thị trường khác. Dự kiến, hệ thống tour Đông Nam Á sẽ được Golden Smile Travel mở cửa hầu hết trong tháng 3/2022 và tour đi Australia, Mỹ cũng mở bán từ cuối tháng 2/2022.
Tuyến xe buýt vòng quanh TP Hồ Chí Minh phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của du khách.
Các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch đánh giá, khách có nhu cầu đi tour quốc tế nhưng vì giá tour và chính sách đón khách của nhiều quốc gia chưa rõ ràng nên du khách còn dè dặt. Tuy vậy, đây là cơ hội đầu tiên sau hai năm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, nên hầu hết các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch đều nắm bắt cơ hội khai thác tour quốc tế trở lại.
Còn ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng quản lý Sở du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sở này đã và đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch hướng dẫn thí điểm đón khách quốc tế. Theo đó, đối với du khách trong nước và nước ngoài, ngành du lịch đều hướng đến sản phẩm du lịch gắn liền với vùng xanh và du lịch sinh thái. Cụ thể, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè… khai thác những điểm đến tiềm năng trên địa bàn. Song song đó, ngành du lịch thành phố sẽ tăng cường kết nối với nhiều tỉnh, thành để phát triển du lịch vùng, sản phẩm tour tuyến mới. Riêng ở lĩnh vực khách quốc tế, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách các khách sạn đủ điều kiện đón, phục vụ khách quốc tế đến thành phố trong thời gian tới. Danh sách này, gồm có các khách sạn: InterCotinental Saigon, Quận 1; Windsor Plaza Hotel, Quận 5; Liberty Central Saigon Center, Quận 1; Ramana Saigon, Quận 3; Silverland Sakyo, Quận 1.
Du khách thưởng thức chương trình “Sắc màu Venice” tại Thành phố lễ hội “không ngủ” Grand World (Phú Quốc United Center).
Ngoài ra, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh… cũng đã có kế hoạch cụ thể cho phục hồi du lịch. Trong đó, ngành du lịch Đà Nẵng xác định du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, nông nghiệp, nông thôn); du lịch qua thế giới ảo; du lịch tìm về chính mình (du lịch trải nghiệm) sẽ là những loại hình phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19. Năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt 3,32 triêu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).
Năm nay, Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt du khách, trong đó có 1,16 triệu lượt khách nội địa và 40.000 lượt khách quốc tế, đạt doanh thu du lịch 4.000 tỷ đồng. Quảng Ninh cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể, quý I đón từ 3 – 3,5 triệu lượt; quý II đón từ 2 – 2,5 triệu lượt; quý III đón 3 triệu lượt; quý IV đón 2 triệu lượt. Tổng doanh thu đạt khoảng 19.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 1.700 tỷ đồng từ hoạt động du lịch…
Như vậy, đến thời điểm này, cùng với việc tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 đạt tỷ lệ cao của Việt Nam, và với lộ trình mở cửa du lịch cụ thể, việc “chớp thời cơ”, “sẵn sàng thích ứng” và có biện pháp hợp lý, việc mở cửa du lịch sớm trở lại sẽ là “thời cơ vàng” cho du lịch Việt Nam.
Bài: Diệp Trương – Phương Phương – Văn Cảnh – Mỹ Phương
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn
20/02/2022 05:55