Có một “đường đua” Kpop…

Đường đua Kpop tháng 8 chứng kiến sự trở lại dồn dập của các nhóm nhạc đình đám như Blackpink, BTS, SNSD… sau thời gian vắng bóng. Sau 2 năm vượt khó khỏi dịch COVID-19, nền công nghiệp âm nhạc lớn nhất châu Á lại tiếp tục tham vọng viết lại bản đồ âm nhạc toàn cầu.

Nhạc Hàn trên đất Mỹ, không còn là mơ!

Đã xa rồi thời điểm ca khúc “Nobody” lần đầu bước chân vào Billboard Hot 100 khiến cho cả Hàn Quốc bàng hoàng kinh ngạc. Giờ đây, các idol Kpop xuất hiện trên các bảng xếp hạng (BXH) Billboard có lẽ không còn là chuyện hiếm hoi. Không chỉ những nhóm nhạc dẫn đầu như EXO, BTS làm nên thành tích cao, các nghệ sĩ solo hay tân binh mới ra mắt cũng xuất hiện thường xuyên trên các BXH chính lẫn phụ của Billboard.

Có một “đường đua” Kpop… -0
Nhóm nhạc BTS.

Một thập kỷ gần đây, Kpop cho thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kpop đến nay đã không còn là “nhạc pop của Hàn Quốc” hay “thứ âm nhạc kỳ lạ” mà đã trở thành hiện tượng toàn cầu, nổi bật trên trường quốc tế như một tiêu chuẩn, thể loại mới của ngành công nghiệp âm nhạc.

Sự trở lại và càn quét khắp các bảng xếp hạng thế giới của Blackpink với album “Pink Venom” vào ngày 19-8 vừa qua đã chứng minh cho điều đó. Cụ thể, chỉ sau 29 tiếng ra mắt, “Pink Venom” đoạt 100 triệu view trên nền tảng YouTube, đây là bài hát đạt thành tích này nhanh nhất trong năm 2022. Trên Spotify, “Pink Venom” thu về gần 8 triệu lượt stream chỉ trong ngày đầu tiên phát hành. Bản hit mới của Blackpink vượt qua “Break my soul” của Beyoncé (5,1 triệu lượt stream), lập kỷ lục mới về lượt stream trong một ngày cao nhất mà không một ca khúc nào đạt được vào năm 2022. Đáng nói, “Pink Venom” chỉ là ca khúc mở đường cho album mới của BlackPink. Trong thời gian tới, nhóm liên tục phát hành bài hát mới.

Không chỉ phát hành mới, Blackpink còn thể hiện sức ảnh hưởng khi thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới vào tháng 10. Chuyến lưu diễn sẽ bắt đầu tại Seoul vào ngày 15,16-10 và tiếp tục ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương cho đến tháng 6 năm sau. Nhóm sẽ tổ chức tổng cộng 36 buổi hòa nhạc tại 26 thành phố trên khắp thế giới trong chuyến lưu diễn, dự kiến sẽ thu hút khoảng 1,5 triệu người hâm mộ nếu tất cả các buổi diễn đều cháy vé.

Trong khi đó, nhóm nhạc nữ huyền thoại SNSD (Girl’s Generation) cũng tạo cơn “địa chấn” với album “Forever 1”, đánh dấu sự trở lại sau 5 năm vắng bóng. Album ra mắt đúng dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động của nhóm. Đây cũng sản phẩm âm nhạc quy tụ đầy đủ 8 thành viên kể từ album “Holiday night” được phát hành vào năm 2017. Chỉ sau 20 giờ công chiếu, MV đã cán mốc 8,1 triệu lượt xem, vượt qua MV Lil Touch (38 giờ) để trở thành MV đạt được 1 triệu lượt thích nhanh nhất của nhóm.

Trên nền tảng nhạc số, SNSD cũng đã lập loạt thành tích đáng nể khi dành được vị trí cao ở các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến trong nước như:  #1 Bugs, #5 Genie, #13 FLO, #19 MelOn TOP 100. Ngoài ra, SNSD còn đứng đầu bảng xếp hạng album iTunes ở nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan… “Forever 1” cũng leo thẳng lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Worldwide iTunes Album. Ở thị trường Nhật Bản và Trung quốc, album này đã ra mắt ở vị trí đứng đầu bảng xếp hạng album hàng ngày của Recochoku và bảng xếp hạng doanh số album kỹ thuật số của QQ Music.

Các nhóm tân binh của Kpop cũng tự tin gia nhập đường đua âm nhạc trong mùa hè này, thậm chí còn “vượt mặt” đàn chị. Ngày 22-8, IVE trở lại với sản phẩm mới mang tên “After Like”. Bài hát lập tức leo lên hạng 4 trên bảng xếp hạng Melon cùng top đầu nhiều trang nghe nhạc khác. Top 10 bảng xếp hạng Melon đang do các nhóm nhạc nữ nắm giữ. Hiện tại, nhóm nhạc nữ thống trị mảng nhạc số của Hàn Quốc.

Tin vui mới nhất đến với Kpop có lẽ là sự càn quét tại lễ trao giải VMAs 2022 (MTV Video Music Awards 2022) diễn ra vào tối 29-8 (giờ Mỹ). Cụ thể, Lisa (Blackpink) làm nên lịch sử khi trở thành nghệ sĩ Kpop solo đầu tiên giành chiến thắng tại hạng mục Best Kpop. Seventeen cũng lần đầu tiên chiến thắng tại VMAs tại hạng mục Push Performance of the Year với Rock With You. Trong khi đó, dù đã thông báo tạm dừng hoạt động , BTS cũng mang đến tin vui khi tạo kỷ lục vô tiền khoáng hậu, 4 năm liên tiếp chiến thắng cùng 1 hạng mục Nhóm nhạc của năm tại VMAs.

Ngoài ra trong năm nay, BTS và Black Pink cũng nhận được đề cử của lễ trao giải “E! Peoples Choice Awards 2019” với hai hạng mục đối chọi với các “cây đa cây đề” như Imagine Dragons, Panic! At The Disco, The Chainsmokers hay những nghệ sĩ solo điển hình là Ariana Grande, Lady Gaga, Justin Timberlake,…Kpop đã thực sự vượt qua những bức tường dường như không thể phá vỡ của ngành công nghiệp âm nhạc chính thống Mỹ và mở đường cho các nghệ sĩ Kpop ở xứ cờ hoa.

Cỗ máy kiếm tiền

Không phải ngẫu nhiên Kpop được coi là “mặt hàng” xuất khẩu lớn nhất và là một trong những ngành công nghiệp sinh lợi hàng đầu của Hàn Quốc. Theo CNN, tính riêng BTS – nhóm nhạc nam có số lượng fan đông đảo hàng đầu thế giới, đã đóng góp giá trị hơn 4,5 USD tỷ cho nền kinh tế Hàn Quốc, 0,3% tổng GDP.

Có một “đường đua” Kpop… -0
Nhóm nhạc Blackpink tại lễ trao giải VMAs 2022.

Theo kết quả của Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI), đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương với Hãng hàng không quốc gia Korean Air. Báo cáo năm 2019 cho thấy, hiệu quả kinh tế tổng của BTS là 5.560 tỉ won (khoảng 4,5 tỉ USD). Với “Gangnam Style”, PSY từng mang lại giá trị kinh tế 1.000 tỉ won, Blackpink cũng đang mang về những giá trị khủng với loạt sản phẩm mới. BTS thậm chí còn được ước tính có giá trị kinh tế sánh ngang với các tập đoàn tài phiệt hàng đầu như Samsung, Hyundai, SK và LG – 4 tập đoàn hàng đầu chiếm một nửa doanh số bán hàng của 71 tập đoàn kinh doanh lớn tại Hàn Quốc. Theo lời hạ nghị sĩ Seong Il Jong, việc các vận động viên giành huy chương vàng Olympic giúp kinh tế Hàn Quốc thu về 259 tỉ won, trong khi đó, việc giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard có tác dụng thúc đẩy kinh tế 600 tỉ won/giây. “BTS đứng đầu 17 tuần và mang lại lợi ích quốc gia 56.000 tỉ won (khoảng 45,5 tỉ USD)”, Mydaily trích lời của ông Seong Il Jong.

Dữ liệu iPrice công bố vào cuối năm 2020 cho thấy, người hâm mộ các nhóm nhạc đang hoạt động sôi nổi nhất Kpop hiện nay chi trên 1.000 USD mỗi năm cho thần tượng. Trong đó người hâm mộ nhóm nhạc nam hàng đầu hiện tại BTS trung bình tốn 1.422 USD mỗi năm để mua album, vé concert và các vật phẩm liên quan.

Theo Gaon Chart của Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, doanh số của 400 album Kpop phổ biến nhất trên toàn thế giới đã ghi nhận một bước nhảy vọt chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2015, khoảng 8,4 triệu album K-pop được bán ra. Đến năm 2019, con số trên tăng gần gấp 3 lần, lên 24,6 triệu bản. Tính đến tháng 11 năm ngoái, hơn 54,6 triệu đĩa nhạc đã được bán, tăng gần hai lần so với năm 2019. Trong đó, 60% doanh số bán đĩa là từ thị trường nước ngoài.

Cùng với kinh doanh đĩa nhạc, concert cũng là nguồn thu quan trọng của các công ty giải trí. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn thường đón trên dưới 10.000 khán giả, có buổi ghi nhận sức chứa lên đến 40.000-75.000 người. Giá vé trung bình mỗi concert khoảng 2-5 triệu đồng (tiền Việt) tùy nơi tổ chức và danh tiếng của thần tượng. Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc mới đây đưa ra báo cáo mỗi buổi concert do BTS – nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop hiện tại, tổ chức có thể mang về hơn 1.000 tỷ won (hơn 800 triệu USD). Theo khảo sát của Hyundai Motor Securities, khoảng 2,85 triệu người dự kiến tham dự các buổi concert Kpop tại nước ngoài trong năm nay.

Hiện tại, các công ty SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment và mới đây là Hybe, thường được gọi là “Big 4” trong ngành giải trí Hàn Quốc, chiếm hơn 60% thị phần đĩa nhạc vào năm 2021. Năm ngoái, tổng doanh thu của “Big 4” đạt 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Chỉ xét riêng doanh thu, các thần tượng đến từ 4 công ty kể trên đã mang về số tiền tương đương một nửa quy mô kinh tế của các “thiên đường du lịch” như Maldives, Fiji, Barbados…

Hiện, nhiều nước châu Á như Nhật, Hong Kong (Trung Quốc) đã đào tạo nhiều nhóm nhạc theo mô hình, công thức của Kpop – khi nhìn thấy doanh thu khổng lồ của đế chế này mang về cho GDP Hàn Quốc. Điển hình, từ năm 2018 đến nay được cho là giai đoạn nở rộ của “kỷ nguyên thần tượng”, theo Sixth Tone. Produce 101 – thương hiệu truyền hình Hàn Quốc trong đó 101 thí sinh tranh tài để giành một vị trí trong nhóm nhạc sắp debut – trở thành cơn sốt sau khi Tencent mua bản quyền và sản xuất ở Trung Quốc. Nếu như trước đây gần 2 thập kỷ, cuộc thi hoa hậu là “con gà đẻ trứng vàng”, thì nay, mô hình thần tượng như Kpop còn là bệ phóng cho nhiều ngôi sao, bao gồm Thái Từ Khôn – người Trung Quốc đầu tiên trở thành gương mặt đại diện cho NBA hay những “nữ thần thế hệ mới” như Dương Siêu Việt, Ngu Thư Hân…

Kpop đang tham vọng điều gì?

Cho đến bây giờ, câu chuyện về sự phát triển thần kỳ của nền công nghiệp văn hóa, giải trí Hàn Quốc vẫn được lưu truyền như một “cú nhảy” mang tính lịch sử. Nó góp phần biến Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói bậc nhất châu Á thập niên 1960 trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á, thứ 10 thế giới về GDP (theo số liệu năm 2020). Mỗi năm, hàng trăm nhóm nhạc được đào tạo chuẩn mực, chuyên nghiệp, chuẩn bị tung ra thị trường khiến nền công nghiệp Kpop ngày càng khốc liệt cạnh tranh.

Truyền thông thế giới nhắc nhiều đến công thức thành công của Kpop, nhưng có một yếu tố quan trọng hàng đầu đó là chiến lược bài bản và sự hậu thuẫn của chính phủ Hàn Quốc. Trong suốt cả thập kỷ, người Hàn để thể hiện tham vọng và sự quyết tâm trong hành trình xây dựng đế chế “công nghiệp không khói” hàng đầu châu Á.

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên môn, nhà phê bình nhạc pop Kim Do Heon cho rằng, sự thân thiện với phương tiện truyền thông là yếu tố đã đưa thể loại này trở nên toàn cầu. “Kpop đã nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và tích cực quảng bá âm nhạc với nhiều nội dung video tự sản xuất, từ đó mở rộng cơ sở người hâm mộ trên thị trường toàn cầu. Dần dần, Kpop đã được thế giới công nhận như một thể loại của riêng mình”, Kim Do Heon nhận định.

Kịch bản nào cho Kpop trong tương lai? – vẫn là một câu hỏi quá sớm. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra bước tiếp theo của Kpop trong quá trình toàn cầu hóa là tìm kiếm sự bền vững. Và, mấu chốt của vấn đề này là Kpop sẽ đánh mất “tính Hàn Quốc”. Nhà phê bình Kim Do Hyeon cho rằng các công ty và hệ thống đào tạo phải thay đổi để có được sự tiến bộ cơ bản. Để tạo thêm chỗ cho sự sáng tạo của các nghệ sĩ, thì hệ thống đào tạo không nên chỉ tập trung vào việc rèn giũa tài năng trên sân khấu, mà là sự trưởng thành của họ với tư cách cá nhân.

Kim Do Hyeon lấy ví dụ như trường hợp của BTS, họ đã vượt qua ranh giới không chỉ với tư cách là nghệ sĩ mà còn là những cá nhân có ảnh hưởng, đặt ra những tiền lệ cho những nhóm nhạc sau này. “Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng tôi tin rằng các thành viên BTS đã thể hiện tấm gương cho các thần tượng thế hệ trẻ. Họ không chỉ dừng lại ở việc viết lời và sáng tác, mà đã phát triển thành những nghệ sĩ có thể truyền bá thông điệp”.

Còn Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc thừa nhận với Korea Joongang Daily rằng, dù hệ thống Kpop là một mô hình kinh doanh đã được thiết lập, nhưng vẫn còn cần cải thiện, với vấn đề là sự cởi mở đối với các nền văn hóa khác nhau. “Chìa khóa thành công của Kpop là khả năng kết hợp và hòa trộn để tạo thành một bản hòa âm mới. Tuy nhiên, các vấn đề về chiếm đoạt và độc quyền văn hóa vẫn còn tồn tại cho đến nay. Chúng ta đã chứng kiến tầm ảnh hưởng của Kpop như một dạng sức mạnh mềm có thể tập hợp những người thuộc các tầng lớp khác nhau lại với nhau”, Lee Gyu Tag nói thêm.