Có nên đến “lò” luyện thi đánh giá năng lực?

Thời điểm này, khi mới bước sang học kỳ 2 được một thời gian ngắn, ngoài học kiến thức cốt lõi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Quang Hùng cùng nhiều bạn trong lớp cũng đang tìm “lò” luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. 

Trần Quang Hùng – học sinh lớp 12 (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết các lò luyện thi đánh giá năng lực được quảng cáo nhan nhản trên mạng xã hội nên em cũng “đau đầu” mới chọn được một lò để “đầu quân”.

“Ban đầu, em chỉ định thi tốt nghiệp THPT rồi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương nhưng khi biết đợt tới, trường này sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, em đã tìm một trung tâm để ôn luyện. Em mới học được 2 buổi nhưng thấy giáo viên hướng dẫn kiến thức khá đa dạng, từ kiến thức xã hội đến văn hóa…”, Quang Hùng nói.

Khi được hỏi kiến thức kỳ thi đánh giá năng lực rộng thế, luyện thi liệu có hiệu quả hay không thì Quang Hùng cho rằng “học nhầm còn hơn bỏ sót”.

 


Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU.

Thậm chí, nhiều học sinh cho rằng đến thời điểm này mới tìm nơi luyện thi đánh giá năng lực là hơi muộn vì nhiều bạn khác đã bắt đầu luyện thi từ 1-2 tháng trước.

Giống như Hùng, em Nguyễn Hương Hà – học sinh lớp 12 ở quận Hà Đông cũng muốn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường top đầu như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Ngoại thương… 

“Em đã nghiên cứu đề thi, kiến thức tổng hợp ở nhiều lĩnh vực và có độ bao phủ rất lớn.

Ngoài ra, đề thi cũng rất dài, yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng làm bài tốt và nắm chắc kiến thức mới có thể làm được. Vì thế, em rất lăn tăn việc đi luyện thi đánh giá năng lực vì sợ rằng luyện thi không những không trúng mà còn mất thời gian”, Hương Hà cho hay.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng thí sinh không nên tham gia các lớp luyện thi đánh giá năng lực.

“Tôi cho rằng nếu thí sinh nắm chắc kiến thức trên lớp và hiểu bản chất vấn đề thì đã đủ để vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực với kết quả tốt. 

Quan trọng là thí sinh phải cẩn thận, kỹ lưỡng trong quá trình ôn luyện cũng như làm bài thi. Những câu hỏi trong bài thi thường là những kiến thức các em đã được học hoặc trải nghiệm. Câu hỏi có thể không quá khó nhưng hơi dài nên thí sinh có tâm lý cho rằng đó là câu hỏi khó. 

Trong đề thi đánh giá năng lực, có vài câu hỏi phân loại thí sinh, đòi hỏi các em phải tư duy. Nếu các em chăm chỉ học tập thì cũng không cần quá lo lắng”, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng cho biết đề thi đánh giá năng lực sẽ có cả những câu hỏi về kiến thức về xã hội, công nghệ, kỹ thuật, Anh văn…

“Các kiến thức trong bài thi khá rộng và mở, các em không cần phải tham gia các lớp luyện thi cho vất vả, chỉ cần học tập nghiêm túc, quan tâm tới những điều đang diễn ra trong xã hội. Ngoài ra, các em nên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng phản biện, kỹ năng thích ứng, năng động và sáng tạo hơn nữa thì chẳng có gì phải ngại khi làm bài thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên.

Hoàng Thanh

Nhà báo