Có nên theo đuổi công việc mình đam mê nhưng ít tiền? – BBC News Tiếng Việt

Có nên theo đuổi công việc mình đam mê nhưng ít tiền?

  • Tác giả,

    Leo Bear-McGuinness

  • Vai trò,

    BBC Worklife

  • 23 tháng 11 2022

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Ở tuổi 25, Andrew đã đạt được thành công đáng nể trong nghề với chức vụ bếp trưởng bộ phận làm bánh tại một nhà hàng đạt chuẩn sao Michelin ở Scotland. 

Mỗi món tráng miệng thơm ngon và chiếc bánh ngọt với hoa văn tinh xảo trong nhà bếp đều do anh sáng tạo nên. Anh được vào vị trí mà mình từng mơ ước và mong có được từ nhiều năm qua.    

Andrew đạt đến đỉnh cao thành tựu nghề nghiệp này chỉ sau sáu năm làm việc trong ngành nhà hàng – khách sạn; anh bắt đầu làm việc từ năm 19 tuổi ở chân phụ bếp tại một khách sạn địa phương nơi quê nhà ở phía tây Scotland, và nhanh chóng được thăng chức thành bếp trưởng. 

Năm 21 tuổi, anh trở thành đầu bếp của một khách sạn từng đoạt giải thưởng ở vùng Lake District, Anh, và say mê nghiên cứu các loại bánh, kẹo trong thời gian rảnh rỗi. 

Anh đã chuẩn bị dành ra nhiều năm tháng tiếp theo của cuộc đời để hoàn thiện tay nghề của mình, và nói rằng: “Đó là tất cả những gì tôi quan tâm.”

Vậy mà khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp với công việc trong mơ của mình tại một quán ăn Scotland nổi tiếng, anh đột ngột quyết định thôi việc. Ở tuổi 26, anh trở lại cuộc sống sinh viên, lần này là theo học chương trình 4 năm cho tấm bằng kỹ sư lập trình. Anh đã từ bỏ không chỉ công việc mà anh đã miệt mài gắn bó tuổi thanh xuân mà còn cả toàn bộ ngành nhà hàng – khách sạn. 

Đối với Andrew, giọt nước tràn ly dẫn đến sự thay đổi sau khi cuối cùng đã đạt được vị trí hào nhoáng mà anh từng không ngừng phấn đấu vươn tới, anh nhận ra rằng chẳng có công việc nào đáng đến mức phải vắt kiệt sức mình cả. 

“Trong suốt quãng thời gian của đời mình từ 19 đến 25 tuổi, tôi đã là vật hy sinh,” anh nói. “Mọi người khác đều đã có một thời thanh xuân tuyệt vời, còn tôi thì về cơ bản là một nô lệ trong bếp.”

Trong suốt quá trình đi làm của mình, anh nhận ra rằng mình đã cảm thấy bản thân luôn bị quá sức, bị coi thường và bị trả lương thấp. 

“Tôi làm việc từ 65 đến 70 giờ một tuần và chỉ được trả lương 20.000 bảng Anh (22.290 đô la) một năm,” anh nói. “Tôi điều hành bộ phận làm bánh. Tôi đã sáng tạo ra hầu hết các món tráng miệng… để được nhận 5,95 bảng một giờ. Với mức tiền công rẻ mạt ít ỏi đó, bạn nghĩ xem, tôi đang làm gì với cuộc sống của mình vậy? Tôi có điên rồ không?”    

Đa phần thì người lao động luôn hy vọng vào những vị trí phù hợp sở thích và đam mê của mình; sẵn sàng đánh đổi công việc văn phòng lấy chân làm bánh ở một tiệm bánh ngọt, hoặc một vị trí thú vị tại công ty trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, câu chuyện “được làm những gì mình thích” này lại kéo theo những hạn chế. Nhiều người nhận thấy công việc mơ ước của họ đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn trong những điều kiện tệ hơn. 

Một số người khác phát hiện ra rằng các ngành mà họ thần tượng thì kinh doanh dựa trên việc lợi dụng đam mê công việc của người lao động để ép trả lương thấp. 

Trước những áp lực đó, một số người lao động tự hỏi liệu rốt cuộc công việc trong mơ này có thực sự xứng đáng hay không.    

Chọn đam mê  hay chế độ đãi ngộ?

Ngày nay, hơn bao giờ hết, ý tưởng hạnh phúc và thành công được kết nối với việc có một công việc “ngầu” – đảm nhiệm một vị trí mà bạn đam mê ở một nơi làm việc thú vị và đáng ghen tị – hiện hữu khắp nơi.

“Chuyện theo đuổi đam mê và công việc mơ ước của bạn đã được bàn tán từ nhiều năm nay, nhưng nó đã trở nên thật sự rõ ràng trong thời gian phong tỏa,” Eleanor Tweddell, người chuyên tư vấn nghề nghiệp và là tác giả cuốn ‘Vì sao mất việc có thể lại là điều tuyệt vời nhất đối với bạn’. chia sẻ.

Theo một cuộc thăm dò cuối năm 2020 từ Fiverr, hãng chuyên cung cấp nhân sự làm việc tự do ở Hoa Kỳ, 59% trong số 2.000 người Mỹ được khảo sát tin rằng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người muốn theo đuổi công việc mơ ước của họ. 

Đa số những người được hỏi, 71%, cho rằng một ngày nào đó họ sẽ theo đuổi công việc mơ ước, và 45% nghĩ rằng có thể làm công việc đó toàn thời gian. 

Nhưng việc chuyển hướng nghề nghiệp để có được một công việc mơ ước có thể không phải lúc nào cũng diễn ra như mọi người hy vọng, đặc biệt nếu người sử dụng lao động biết thóp và lợi dụng niềm đam mê của người lao động. 

“Những nhân viên yêu thích hoặc thực sự coi trọng công việc của mình thường sẵn sàng chịu những điều kiện khắc nghiệt hơn những người khác, chẳng hạn như thời gian làm việc bất thường hoặc lương thấp,” Laura Giurge, trợ lý giáo sư khoa học hành vi tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nói. 

“Và ở một mức độ nào đó, người sử dụng lao động có thể biết điều này và do đó yêu cầu những nhân viên tận tâm và đam mê đó đảm nhận thêm việc hoặc làm với những điều kiện tồi tệ.” 

Thực tiễn lợi dụng sự đam mê này đặc biệt nổi bật trong các ngành sáng tạo. Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy lương của hầu hết những người làm công việc sáng tạo ở Anh – như nhà báo, tạo mẫu thời trang, nhạc sĩ và thiết kế trò chơi –  thường dưới mức lương trung bình. 

Làm việc không lương cũng khá phổ biến: theo một cuộc khảo sát năm 2020 đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực sáng tạo ở Vương quốc Anh, 47% người dưới 30 tuổi cho biết họ từng thực tập không lương để được làm công việc mơ ước. 

Cũng trong nghiên cứu này, 60% người dưới 30 tuổi cho biết họ đã không được trả lương cho toàn bộ số giờ công tháng trước đó. 

Một nghiên cứu năm 2019 giải thích lý do tại sao điều này xảy ra; nghiên cứu phát hiện ra rằng mọi người coi việc đối xử tệ với người lao động – chẳng hạn như yêu cầu nhân viên làm thêm việc hoặc làm thêm giờ mà không được trả thêm lương – là hợp pháp khi người lao động được cho là đang làm công việc đam mê của họ. 

Andrew nói rằng anh đã nhận ra cung cách này ngay từ đầu trong ngành nhà hàng – khách sạn. “Về cơ bản, họ đang xây dựng toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình dựa trên sự bóc lột những người khác,” anh nói. 

Mặc dù sớm nhận ra vấn đề, nhưng niềm đam mê nghề đã khiến anh không thể bỏ việc trong nhiều năm. “Khi tôi bắt đầu vào nghề với công việc ở một quán rượu, tham vọng của tôi là đạt được trình độ gắn sao Michelin,” anh nói. “Vì vậy, tôi quyết định rằng tiền không phải là vấn đề quan trọng, trong khi rõ ràng là tiền cực kỳ quan trọng.”

Sự coi thường ban đầu đối với an toàn tài chính là điều mà Tweddell thường thấy ở những khách hàng của bà, những người đang tìm kiếm một sự nghiệp đáp ứng nguyện vọng hơn. Bà thường tư vấn cho họ rằng đó là kiểu thái độ cần phải tránh. “Chúng ta thực sự làm việc là vì tiền,” bà nói. “Không có gì xấu hổ về điều đó. Hầu hết chúng ta làm việc vì chúng ta cần tiền để sống.” 

Vì vậy, thay vì khuyến khích khách hàng của mình mạo hiểm đổi hướng công việc để trở thành thợ làm bánh mì, Tweddell hỏi họ thực sự muốn gì, không phải là muốn từ công việc mà là từ cuộc sống. 

“Nhiều người nói, ‘Tôi muốn tự do, tự do thoát khỏi công việc làm theo giờ hành chính.’ Vì vậy, họ đã nhận được một công việc tuyệt vời và họ nhận ra, ‘Ôi Chúa ơi, làm gì có tự do ở đây. Tôi phải nai lưng làm việc nhiều hơn để kiếm được số tiền như trước đây đi làm giờ hành chính mà tôi cho là gò bó.’”

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các công việc trong lĩnh vực sáng tạo, như làm tại nhà hát, có xu hướng bị trả lương thấp hơn mức trung bình

Đối với một số người, bà nói, việc chuyển sang làm công việc truyền thống hơn và từ bỏ công việc mơ ước có thể là cách giải phóng cho họ – điều mà Josh Mansker đã trải qua tám năm trước.    

Mansker đã làm việc bốn năm ở các nhà hát Hoa Kỳ trong vị trí thiết kế âm thanh, ánh sáng, một công việc mà anh đã được truyền cảm hứng để theo đuổi sau khi tìm được cộng đồng các “nghệ sĩ nhí” ở trường trung học. 

Nhưng đến năm 23 tuổi, anh thấy thất vọng vì bản thân anh và những người khác như anh không được trả bao nhiêu. 

“Tôi nhìn những đồng nghiệp ở độ tuổi 30, 40, họ đều đang thực sự gặp khó khăn tài chính, chật vật trong việc trang trải cho cuộc sống gia đình, mà đó lại là điều quan trọng đối với tôi,” anh nói.

Mansker đã đưa ra quyết định khó khăn khi bỏ công việc mơ ước của mình và đi học lại để chuyển nghề. Nay, anh làm giáo viên dạy trường trung học ở Toronto với mức lương tốt hơn hẳn khi còn làm ở nhà hát. 

“Tôi được hưởng tất cả quyền lợi dành cho giáo viên và được trả lương cao,” anh nói. “Lương giáo viên nói chung thường khá là tệ, nhưng ở Ontario thì lại không hề thấp.” Thời gian làm việc của anh cũng khớp với lịch làm việc của vợ – cũng là giáo viên. Vậy nên hai vợ chồng anh có thể đi nghỉ hè cùng nhau. 

Tại sao việc được luật pháp bảo vệ và chế độ đãi ngộ của người lao động lại quan trọng

Mặc dù gọi một công việc làm theo giờ hành chính là sự giải phóng nghe có vẻ hơi thái quá, đối với một số người lao động, một công việc “bình thường” đảm bảo cho họ được hưởng các chế độ của người lao động và sự hỗ trợ mà công việc “tuyệt vời” không thể.

Đây là trường hợp của Adrian. Sau khi bị sa thải khỏi vị trí giao dịch viên ngân hàng từ lúc đại dịch mới bắt đầu, một người bạn đã giúp cô tìm việc làm tại một hiệu bán cần sa ở bang Maine, quê hương của cô, nơi cần sa dùng cho mục đích y tế và giải trí được coi là hợp pháp. 

Đó là một lĩnh vực cô quan tâm. Cô nói: “Bản thân tôi sử dụng cần sa. Rất nhiều bạn bè của tôi làm như vậy; nó rất quan trọng trong vùng của chúng tôi.” Và cô vui vẻ, say sưa nói chuyện với khách hàng về cần sa, giúp họ tìm ra những sản phẩm có thể giúp chữa bệnh trong một số trường hợp.

Nhưng một số khách hàng không mang lại cho cô cảm giác dễ chịu như vậy khi cô tiếp họ. “Tôi bỏ việc là vì bị một khách hàng liên tiếp quấy rối tình dục và ông ta cũng làm như vậy đối với những nhân viên nữ bán hàng khác,” cô nói. 

“Chủ lao động chẳng làm gì để giải quyết vấn đề. Họ chỉ muốn tiền của ông ta, vì vậy ông ta không bị ai nói gì.” 

Chán nản vì chuyện này và với tình trạng mệt mỏi tích tụ sau hai năm làm việc quần quật dài giờ mỗi ngày, thậm chí phải làm hầu hết các dịp cuối tuần, Adrian mất tinh thần, nên cô quay trở lại làm việc nhân viên ngân hàng, nơi cô cảm thấy được bảo vệ nhiều hơn khỏi những chuyện như vậy, và được hưởng chế độ đãi ngộ nhân viên tốt hơn. 

“Hiện giờ, trong lĩnh vực ngân hàng, tôi có một lịch làm việc cố định và giờ giấc nhàn nhã hơn. Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều và được nghỉ vào các ngày cuối tuần,” cô nói. 

“Thời gian nghỉ phép được hưởng nguyên lương cũng là một yếu tố quan trọng khác. Ở các hiệu bán cần sa không áp dụng chế độ nghỉ phép được trả lương. Nếu bạn nghỉ ốm ngày nào, bạn sẽ không được trả lương ngày đó. Không có đãi ngộ gì cả, không hề có quyền lợi nào hết. Thực ra nếu có thì rất ít ỏi, năm thì mười họa mới có.”

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chỉ bởi vì một công việc thuộc lĩnh vực bạn đam mê không nhất thiết có nghĩa là các điều kiện và quyền lợi sẽ tốt

Làm sao để buông bỏ giấc mơ phù phiếm

Adrian đã phải mất hai năm mới đủ dũng khí rời khỏi ngành mà cô đam mê. Mansker phải mất tới bốn năm. Còn Andrew tận sáu năm. 

Việc tạo ra một bước tiến trong nghề nghiệp mới có thể mất nhiều thời gian và khả năng phải đào tạo lại có thể gây sợ hãi. Và, ở mức độ cá nhân, người lao động có thể phải tự vật lộn mới có thể đoạn tuyệt công việc của họ. Nếu không có một sự nghiệp ổn thì họ sẽ là ai?

“Phần lớn thời gian của người lớn khi thức giấc là dành cho công việc, vì vậy đối với tôi không có gì là ngạc nhiên khi mọi người có thể đánh đồng những gì họ làm với con người của họ,” Laura Giurge nói. Và việc xóa bỏ định danh nghề nghiệp là điều đặc biệt khó khăn khi nó gắn liền với sở thích và đam mê của người lao động.

Nhưng nếu một người có thể thừa nhận bản thân cao hơn chức danh công việc của họ, thì sự nghiệp mới “kém thú vị” không nhất thiết phải là dấu chấm hết cho niềm đam mê của họ, như Mansker đã sung sướng phát hiện ra: “Tôi đã tiếp quản luôn mảng sân khấu nghệ thuật của trường học ở đây,” anh nói. “Có một số thiết bị nhà hát; tôi có rất nhiều máy ảnh… Tôi được dạy cho các em học sinh những thứ mà tôi yêu thích.”

Còn Andrew giờ hiếm khi làm bánh ngọt hoặc món tráng miệng trong thời gian riêng của mình – mùi của tiệm bánh vẫn làm anh thấy rợn – nghề mới của anh, làm lập trình viên, cho phép anh dành thời gian buổi tối và cuối tuần để theo đuổi những đam mê khác. 

“Năm ngoái tôi bắt đầu đá bóng trở lại, và vài tháng trước tôi đã gia nhập một đội bóng đá sân cỏ tiêu chuẩn 11 cầu thủ,” anh nói. “Cuối cùng tôi đã có một công việc cho phép tôi thực sự có thể làm những điều mà mình yêu thích.”

Hiện nay 31 tuổi, làm một nghề không liên quan gì đến ngành nhà hàng – khách sạn, với mức lương tăng liên tục và nhất là được nghỉ ngơi đầy đủ, Andrew muốn hướng dẫn những người khác thoát khỏi cái “bẫy đam mê” mà bản thân mình đã từng chật vật ở trong đó. 

“Nếu bạn đã chán công việc đang làm và muốn thay đổi, thì bạn hoàn toàn có thể… Nếu bạn muốn thay đổi công việc thì hãy thực hiện ngay đi, vì bạn sẽ không phải hối tiếc.”

Andrew và Adrian sử dụng tên đệm của mình để giữ kín danh tính.

Xổ số miền Bắc