Cổ phiếu HPG giảm 60% từ đỉnh và P/B về mức 1 lần
Cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) đã giảm về 17.600 đồng/cổ phiếu sau phiên 7/10, ghi nhận mức P/B chỉ xấp xỉ 1 lần. Tuy nhiên, dấu hiệu dòng tiền rút ra vẫn chưa ngừng, điển hình là khối ngoại và tự doanh đều xả mạnh cổ phiếu này trong tuần qua.
Cụ thể trong tuần qua, HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 33 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 640,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 6.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG, tương đương vốn hóa của một công ty tầm trung trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
HPG cũng là một trong những mã bị bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng mạnh nhất trong tuần qua, với giá trị 167 tỷ đồng.
HPG tạo đỉnh vào tháng 10/2021 ở mức giá 43.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức). Từ đó đến nay, giá cổ phiếu này trượt dài và kết phiên 7/10 chỉ còn 17.600 đồng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Tính ra, HPG đã “bốc hơi” gần 60% giá trị, nghĩa là nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này 1 tỷ đồng ở giá đỉnh thì giờ tài khoản chỉ còn 400 triệu đồng.
Việc thị giá giảm sâu đã khiến vốn hoá của Tập đoàn Hoà Phát trên sàn mất gần 150.000 tỷ đồng, hiện còn hơn 102.000 tỷ đồng.
Trên bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên thị trường, HPG đã lui về vị trí cuối bảng. Cổ phiếu của Hoà Phát cũng có giá thấp nhất trong nhóm này.
Với mức giá 17.600 thì chỉ số P/B của Hòa Phát hiện tại là 1,02. Đây là điều hiếm gặp bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu, thường có P/B lớn hơn 1.
P/B (Price-to-Book Value) là chỉ số được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có chỉ số P/B thấp cho thấy 2 khả năng. Một là doanh nghiệp đang bị thị trường định giá quá thấp, hai là khả năng có điều gì đó không ổn đang xảy ra với doanh nghiệp.
Trong phân tích tài chính, các nhà đầu tư theo trường phái giá trị thường đặt tiêu chuẩn cho chỉ số P/B quanh mức 3, tức là giá trị thị trường cao gấp 3 lần giá trị sổ sách của doanh nghiệp, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng công ty sẽ làm ra được nhiều hơn so với tài sản đang có.
Cổ phiếu chu kỳ
Như vậy, trong tình hình hiện tại, việc Hoà Phát là doanh nghiệp thép đầu ngành, tình hình kinh doanh vẫn ổn định nhưng P/B lại chỉ ở mức 1 cho thấy định giá doanh nghiệp đang quá thấp. Tuy nhiên, trước diễn biến rút ròng của nhóm tự doanh và khối ngoại cùng xu hướng giảm chưa dừng thì câu hỏi đặt ra là vì sao cổ phiếu của Hoà Phát vẫn chưa hấp dẫn để thu hút dòng tiền trở lại?
Trước hết phải nói về bối cảnh của thị trường chứng khoán hiện tại. Sau đợt sụt giảm mạnh từ đầu tháng 10 tới nay, VN-Index về mức thấp nhất trong 20 tháng. Định giá của chỉ số VN-Index rơi về mức P/E xấp xỉ 11 lần, gần tương đương với giai đoạn đáy Covid-19 hay giai đoạn cuối 2012 (giai đoạn lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao).
Thực tế không chỉ HPG mà nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn, ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần như CTG (VietinBank), MBB (MBBank), TCB (Techcombank), VPB (VPBank), STB (Sacombank), SSI (Chứng khoán SSI)… Vậy nên có rất nhiều cổ phiếu định giá thấp trong giai đoạn hiện tại để nhà đầu tư có thể lựa chọn, trong khi HPG vẫn chưa có nhiều triển vọng nổi bật.
Tiếp theo là việc HPG được xếp vào nhóm cổ phiếu chu kỳ (Cyclical stock) – nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô. Loại cổ phiếu này sẽ tuân theo 4 chu kỳ kinh tế bao gồm: Mở rộng, hưng thịnh, suy thoái và phục hồi.
Cổ phiếu chu kỳ thường thuộc về các doanh nghiệp bán sản phẩm có nhu cầu thay đổi thường xuyên, được mua nhiều khi kinh tế tăng trưởng nhưng lại ít được tiêu thụ nếu kinh tế suy thoái. Ngoài ra, các yếu tố khách quan như chiến tranh, dịch bệnh… ảnh hưởng đến nguồn cung cũng làm trầm trọng hơn dao động giá của những mặt hàng này.
Thép cũng như các vật liệu khác trong vật liệu xây dựng có tính chu kỳ rõ rệt, thể hiện ở việc biên dao động giá lớn, có đỉnh, đáy. Giá thép dao động lên xuống có tính chu kỳ, tức là cứ vài năm một lần dịch chuyển từ đỉnh sang đáy, rồi lại từ đáy lên đỉnh. Các đỉnh nổi bật gần nhất xảy ra vào các tháng 8/2011, tháng 4/2018 và tháng 9/2021; cùng với các đáy giá xảy ra vào tháng 5/2009, tháng 2/2016 và tháng 6/2020.
Kể từ tháng 5 đến tháng 8/2022, giá thép xây dựng đã giảm 15 lần và từ tháng 9 mới bắt đầu đảo chiều nhưng đến hiện tại vẫn chưa có nhiều bứt phá. Vậy điều quan trọng cần xác định là chu kỳ giảm của ngành thép đã kết thúc hay chưa?
Đây không phải là câu trả lời dễ với nhà đầu tư, bởi những sự kiện tương lai không thể đoán trước, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Tuy nhiên dựa trên phân tích vĩ mô và triển vọng ngành, nhiều công ty chứng khoán gần đây đã đưa ra đánh giá tích cực với nhóm cổ phiếu thép những tháng cuối năm 2022.
Rủi ro giá thép tiếp tục giảm sâu là thấp
Trong báo cáo phân tích về cổ phiếu HPG cập nhật hồi đầu tháng 9 vừa qua, Chứng khoán VNDirect nhận định, nhu cầu thép ở cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi từ quý 4/2022.
Với mức tăng trưởng GDP dưới 5% trong 4 quý liên tiếp (tính tới quý 2/2022) cũng như các đợt bùng phát của Covid-19 gần đây, Chính phủ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hành động mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, thường chiếm khoảng 20-25% tổng sản lượng tiêu thụ thép của quốc gia này.
VNDirect cho rằng giá thép đã được điều chỉnh về mức “phải chăng” hơn (giá thép xây dựng/HRC đã giảm lần lượt 19%/36% từ mức đỉnh), do đó rủi ro giá thép tiếp tục giảm sâu là thấp. Bên cạnh đó, quý cuối năm thường là cao điểm xây dựng tại thị trường nội địa.
Đồng quan điểm, trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong 7 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 34,47% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
VCBS cũng kỳ vọng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có dự định đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ Nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản.
VCBS cũng nhận thấy chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013 – 2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại, từ đó giá thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất.
Tuy nhiên vào năm 2016 khi chính phủ Trung Quốc triển khai hàng loạt chính sách kích thích thị trường bất động sản và thắt chặt nguồn cung thép thì giá thép đã cho mức tăng giá rất ấn tượng.
Việc HPG khó vực dậy còn đến từ việc dòng tiền trên thị trường chứng khoán không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi (freefloat, tự do chuyển nhượng) khổng lồ. Hòa Phát hiện là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn sàn chứng khoán với hơn 58.000 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành hơn 5,8 tỷ cổ phiếu, freefloat lên đến gần 3,2 tỷ đơn vị.