Cổ phiếu HUT trượt khỏi mệnh giá, lãnh đạo Tasco đăng ký “gom hàng”

Giao dịch được thực hiện từ ngày 18/11 đến ngày 16/12 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Hà chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Tasco. Nếu giao dịch thành công, ông Hà sẽ sở hữu 0,57% vốn tại Tasco.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HUT đã lao dốc từ cuối tháng 3, chốt phiên ngày 15/11, cổ phiếu HUT đang giảm sàn xuống 10.800 đồng/cp, tương ứng giảm 77% so với phiên 21/03 (51.300 đồng/cp). Thanh khoản bình quân trên 3,5 triệu đơn vị.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay (16/11), cổ phiếu HUT tiếp tục nằm sàn ngay khi mở cửa với khối lượng dư bán 511.000 đơn vị, qua đó cổ phiếu của Tasco chính thức trượt khỏi mệnh giá về mốc 9.800 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT. Nguồn TradingView Diễn biến giá cổ phiếu HUT. Nguồn TradingView

Gần đây, HĐQT Tasco đã thông qua chủ trương tái cấu trúc mảng BOT và thành lập Công ty BOT trực thuộc Tasco với mục tiêu tiếp nhận và quản lý vận hành các dự án BOT hiện có của Tasco để quản lý tập trung lĩnh vực BOT nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, hỗ trợ giải pháp tái cấu trúc tài chính tổng thể cho các dự án BOT.

Đây cũng là mảng đóng góp chính vào doanh thu thuần quý 3 của Tasco. Cụ thể, trong quý 3/2022 Tasco ghi nhận doanh thu đạt 303,6 tỷ đồng, tăng 87,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 9,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 72,8 tỷ đồng. Dù ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận quý 3 của Tasco lại giảm so với 3 quý lãi đậm trước đó.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 261,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 88 tỷ đồng lên 121,6 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 12,22 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 41,6 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng (cùng kỳ 3,4 tỷ đồng); chi phí tài chính tăng 17,4%, tương ứng tăng thêm 11,3 tỷ đồng lên 76,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 55,5%, tương ứng tăng thêm 25,2 tỷ đồng lên 70,7 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét hoạt động kinh doanh chính của HUT trong quý 3, Công ty tiếp tục lỗ 25,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 77,1 tỷ đồng. Như vậy, trong quý III HUT chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến lên 45 tỷ đồng.

Tasco (HUT): 9 tháng đầu năm 2022 thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm 2022, Tasco (HUT) thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính. Hình minh họa

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 303,6 tỷ đồng, tăng 87,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 111,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 146,4 tỷ đồng. Tuy nhiên xét về hoạt động kinh doanh chính, HUT vẫn ghi nhận lỗ đến 62 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 152,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến tổng lợi nhuận tăng trưởng vẫn đến từ doanh thu tài chính tăng đột biến. Con số này tăng thêm 185,5 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 194,2 tỷ đồng vào cuối quý 3.

Trong năm 2022, Tasco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Tasco mới hoàn thành 44,6% kế hoạch lợi nhuận năm và cách khá xa kế hoạch lãi 250 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Tasco tăng 7,2% so với đầu năm lên 11.598,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 5.901,5 tỷ đồng, chiếm 50,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.326,7 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt 1.065 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 64,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 915,3 tỷ đồng lên 2.326,7 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh phải thu khác từ bên thứ ba đã tăng 886,12 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.781,1 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Công ty không thuyết minh chi tiết từng khoản mục.

Tính tới cuối quý 3, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 7,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 372,1 tỷ đồng về 4.866,4 tỷ đồng và chiếm 42% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, về danh sách các công ty liên doanh, liên kết với Tasco cũng có sự thay đổi. Trong tháng 7/2022 Tasco đã thực hiện thoái 100% vốn góp tại Tổng Công ty Thăng Long với giá trị đầu tư gốc là 239,57 tỷ đồng.

Tasco được biết đến là “ông trùm BOT” khi đầu tư và vận hành hàng loạt các dự án hạ tầng trong cả nước. Việc Tasco không có bứt phá gì, thậm chí còn liên tục suy giảm so với các quý trước đó khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi lớn về tình hình kinh doanh của công ty khi đang được hưởng lợi lớn từ việc các cao tốc cả nước chỉ thu phí không dừng (ETC) từ ngày 1/8.

Theo thông tin từ Đại hội cổ đông năm 2022 diễn ra ngày 29/4/2022 bắt đầu có sự thay đổi lớn về chiến lược, định hướng phát triển giai đoạn 2022-2027 với 3 lĩnh vực trọng tâm gồm hạ tầng giao thông – dịch vụ ô tô; bất động sản; tài chính – bảo hiểm.

Với lĩnh vực bất động sản, HUT gián tiếp sở hữu Công ty CP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay thông qua Tasco Land. Ninh Vân Bay là doanh nghiệp bất động sản sở hữu khu resort Six Senses Ninh Van Bay, khu Biệt thự pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt tại khu vực trung tâm Đà Lạt…

Đối với mảng dịch vụ ô tô, công ty dự kiến sẽ đóng góp 60-70% trong kế hoạch kinh doanh của mình. Về mảng bảo hiểm, Tasco đang muốn mua lại 100% vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles ( Pháp).

Tasco công bố tới năm 2024 doanh thu sẽ là 48.600 tỷ đồng và lãi ròng là 1.350 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận năm 2024 sẽ tăng gấp 30 lần so với năm 2021.