Cổ phiếu MBB, những thông tin cơ bản và tiềm năng tăng trưởng năm 2022 – Finhay
Cổ phiếu MBB là một trong số cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự tin tưởng nhờ vị thế và hiệu quả hoạt động vượt trội của ngân hàng MBBank. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin cổ phiếu ngân hàng Quân Đội cũng như phân tích cổ phiếu MBB.
Mục lục bài viết
Thông tin cơ bản về ngân hàng MBBank và cổ phiếu MBB
Tổng quan ngân hàng MBBank
Cổ phiếu MBB được phát hành bởi ngân hàng Quân đội, là ngân hàng uy tín trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Dưới đây là thông tin chi tiết về ngân hàng MBBank và cổ phiếu MBB. Ngân hàng MBBank hay còn gọi Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (Military Commercial Joint Stock Bank), là ngân hàng trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam..
Ngân hàng MB được thành lập vào năm 1994 chỉ với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2018, MB Bank đã có tổng tài sản lên tới 362.325 tỷ đồng.
Hiện nay, MB Bank đã có mặt tại 48 tỉnh thành phố khắp cả nước với hơn 100 chi nhánh và hơn 190 phòng giao dịch. Bên cạnh đó ngân hàng MBBank còn xây dựng mạng lưới quốc tế với văn phòng đại diện tại Nga và hai chi nhánh khác tại Lào và Campuchia.
Lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của ngân hàng MBBank
MBB cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,… Cụ thể như sau:
- Sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng MB:
Các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm nổi bật của ngân hàng MBBank có thể kể đến như tiết kiệm lập nghiệp, tiết kiệm cho con, tiết kiệm dài hạn linh hoạt, tiết kiệm dân cư…
- Dịch vụ ngân hàng điện tử MBBank:
Đây là một trong những chiến lược trọng tâm của MBBank, đẩy mạnh số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi tối đa và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
- Dịch vụ ngân hàng số MB có các sản phẩm nổi bật như:
App MBBank, MB Bankplus, SMS Banking MB, Internet Banking MB.
- Sản phẩm cho vay:
Cũng hầu hết các ngân hàng khác, MBBank hỗ trợ các gói vay vốn đa dạng dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cùng với nhiều ưu điểm nổi bật như lãi suất thấp, giải ngân nhanh, hồ sơ đơn giản.
- Dịch vụ thẻ ngân hàng MB:
Ngân hàng MBBank cung cấp đa dạng nhiều loại thẻ khác nhau: Thẻ ATM ngân hàng MBBank, thẻ trả trước New Plus, thẻ quân nhân cho các cán bộ quân đội, thẻ trả trước MBBank Bankplus Mastercard, thẻ tín dụng MB JCB Sakura, thẻ ghi nợ nội địa/quốc tế, thẻ ghi nợ nội địa dành cho doanh nghiệp.
- Bảo hiểm nhân thọ ngân hàng MB:
Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas thuộc tập đoàn MB cung cấp các gói bảo hiểm đa dạng phục vụ nhu cầu khách hàng.
Kết quả kinh doanh ngân hàng MBBank
Kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng khi phân tích cổ phiếu MBB cũng như đưa ra định giá cổ phiếu MBB.
Quý 3 năm 2021, MBBank công bố kết quả kinh doanh, một số chỉ tiêu đáng chú ý như sau:
Tính đến hết quý 3 năm 2021, cho vay khách hàng của MBB đạt mức 329.431 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020 là 294.173 tỷ đồng. Trong đó, nợ chú ý là 3.709 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 2.421 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn là 1.220 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 889 tỷ đồng; nợ nghi ngờ là 1.112 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm là 973 tỷ đồng; tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn đã giảm còn 853 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021, so với đầu năm là 1.384 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của MB Bank tăng nhưng số dư nợ xấu của MB lại giảm 2% về 3.186 tỷ đồng, cho thấy kết quả khả quan của quá trình xử lý nợ xấu tại Ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của MB giảm từ 1,09% về 0,95%.
Đến tháng 9/2021, tiền gửi của khách hàng đạt 343.949 tỷ đồng tăng so với thời điểm cuối năm 2020 là 310.960 tỷ đồng. Trong đó, so sánh giữa cuối tháng 9/2021 với đầu năm cho thấy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 163.358 tỷ đồng giảm nhẹ so với 164.756 tỷ đồng, tuy nhiên, tiền gửi của cá nhân lại tăng với 180.591 tỷ đồng so với 146.203 tỷ đồng
Chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng trong quý III/2021 đã tăng lên 1.778 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước là 883 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, chi phí dự phòng rủi ro đạt 6.018 tỷ đồng, tăng mạnh so với 4.193 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của MB Bank trong quý III/2021 đạt 3.022 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2.357 tỷ đồng. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng đạt 9.171 tỷ đồng, tăng so với con số 6.331 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 21,6%, đạt 3.021 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng gần 77%, mang về 915 tỷ đồng (trong quý III là hơn 356 tỷ đồng). Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận tăng mạnh 95% với 2.346 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2021, vốn điều lệ của MB Bank là 37.783 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020 là 27.987 tỷ đồng.
Xem thêm:
Phân tích cổ phiếu MBB
Nhìn lại chặng đường phát triển dài hạn trong lịch sử của cổ phiếu MBB, nhà đầu tư có thể thấy được nội lực và tiềm năng tăng trưởng của mã chứng khoán này.
Lịch sử giá cổ phiếu MBB
Cổ phiếu ngân hàng quân Đội được niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 1/11/2011 với mã MBB. Mức giá chào sàn là 13.800 đồng/ cổ phiếu. Trước thời điểm niêm yết, theo báo cáo tài chính 2010, lợi nhuận trước thuế của MBB đạt mức 2.288 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2009.
Sau hơn 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, hiện tại giá cổ phiếu MBB đạt mức 28.000 đồng/ cổ phiếu. Trong năm 2021, cùng với sự biến động của ngành chứng khoán và các đợt sóng cổ phiếu ngành ngân hàng thì lịch sử giá cổ phiếu MBB cũng có nhiều biến động.
Cụ thể, đầu năm 2021, giá cổ phiếu MBB dao động ở mức 16.000 đồng/ cổ phiếu – 20.000 đồng/ cổ phiếu. Giai đoạn giữa năm 2021, cổ phiếu MBB đạt đỉnh với mức giá chạm mốc 33.000 đồng/ cổ phiếu. Hiện tại, giá cổ phiếu duy trì nhịp độ ổn định quanh vùng 28.000 đồng/ cổ phiếu – 30.000 đồng/ cổ phiếu.
Hoạt động chia cổ tức của MBB diễn ra khi nào?
Tháng 07/2021, MBB thông báo danh sách cổ đông nhận cổ tức theo chính sách chi trả cổ tức cho năm 2020 bằng hình thức cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng MBBank sẽ phát hành hơn 979,5 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2020.
Cổ tức được chi trả với tỷ lệ 35% (đồng nghĩa với việc cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 35 cổ phiếu mới). Hoạt động này giúp tăng vốn điều lệ của MBBank từ 27.987 tỷ đồng lên 38.675 tỷ đồng. Sau khi tiến hành chi trả cổ tức, MBB dự kiến sẽ tăng vốn thêm khoảng 700 tỷ đồng nữa thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược.
Danh sách các nhà đầu tư chiến lược bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông Quân đội Viettel (mức tối đa là 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (mức tối đa là 27 triệu cổ phiếu); và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, MBBank cũng sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm khoảng 192,4 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt và nhân viên tài năng (ESOP).
Với tổng nguồn vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, MBB dự kiến dành 4.783 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở tại khu vực Hồ Chí Minh và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng) và 5.905 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác.
Định giá cổ phiếu MBB năm 2022
Để định giá cổ phiếu MBB, trước hết cần dự phóng một số chỉ tiêu kinh doanh dựa vào hiệu quả hoạt động và chiến lược phát triển của ngân hàng, cụ thể như sau:
-
Thứ nhất, MBB sẽ tăng trưởng cho vay khách hàng, dự kiến đạt mức 18,5%.
-
Thứ hai, hiệu quả sinh lời của các tài sản sinh lãi đạt 7,4%.
-
Thứ ba, chi phí vốn giảm xuống còn 2,98%.
-
Thứ tư, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 146%.
-
Thứ năm, tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) giảm xuống 35,6%.
Như vậy, ước tính ngân hàng MBBank sẽ đạt 15.214 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2021 (+42,3% yoy), tương đương EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) đạt 3.130 đồng/cổ phiếu và BVPS (giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu) đạt mức 15,901 đồng/cổ phiếu.
Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và thu nhập thặng dư RI với tỷ trọng cân bằng, ước tính giá cổ phiếu MBB ở mức hợp lý là 39.484 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm:
Cổ phiếu MBB có tốt không?
Trong trung hạn và dài hạn, có thể phân tích tích cổ phiếu MBB để đánh giá tiềm năng đầu tư dựa trên một số triển vọng như sau:
Thứ nhất, tín dụng còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn
Đáp ứng lời kêu gọi của ngân hàng nhà nước, MBBank đã thực hiện sớm việc điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu.
Lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ giữa tháng 7 đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục. Cùng với việc MBBank có chất lượng tài sản tốt, nguồn vốn dồi dào đáp ứng tốt chuẩn Basel II sẽ là những điều kiện để MBB được giao chỉ tiêu tín dụng cao hơn trung bình ngành trong các giai đoạn sắp tới.
MBB đã được nâng “room” tăng trưởng tín dụng lên 15% và nhiều khả năng sẽ được cấp thêm khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu tín dụng khả quan hơn vào cuối năm 2021. MBB đã và đang đặt trọng tâm vào tăng trưởng tín dụng ở mảng bán lẻ, tiêu dùng cũng như các ngành nghề ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như điện, may mặc, y tế, logistics…
Thứ hai, số lượng khách hàng tăng nhanh nhờ chiến lược tiếp thị và bán hàng hiệu quả với sự hỗ trợ của ngân hàng số
Các chiến dịch quảng cáo, chương trình tài khoản số đẹp và ứng dụng số đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong việc thu hút khách hàng mới. Trong năm 2021, MBBank cũng thực hiện phát triển các kênh bán hàng mới (ngân hàng tự động smartbank, điểm bán hàng và đại lý hợp tác với Viettel, VNPost, Digiworld).
Những hoạt động này hướng tới việc mở rộng mạng lưới tiếp cận khách hàng, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Nhờ đó, tính đến Q2.2021, số lượng khách hàng của MBBank đã đạt mức 8,8 triệu (+60% yoy), trong đó lượng khách hàng giao dịch trên nền tảng số đạt 5,5 triệu.
Tập khách hàng cá nhân dồi dào, đa dạng sẽ củng cố năng lực cạnh tranh của MBB trong việc thu hút CASA và tiền gửi, tăng trưởng về tín dụng, tỷ suất sinh lời, cũng như tiềm năng để bán chéo các sản phẩm dịch vụ.
Thứ ba, duy trì lợi thế về chi phí vốn
Chiến lược hướng trọng tâm tới khách hàng của MBB được đánh giá cao, nhờ vậy sẽ giúp MBB ghi nhận tỷ trọng CASA từ khách hàng cá nhân cao hơn trước cũng như mức lãi suất huy động tốt hơn. Với cơ cấu huy động và cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn đa dạng, MBB có thể duy trì lợi thế là chi phí vốn thấp và biên lãi ròng NIM ở mức cao trong dài hạn.
Thứ tư, các công ty con hoạt động hiệu quả giúp thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ
Trong giai đoạn đầu 2021 các công ty con của MBBank tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận. Trong giai đoạn sắp tới, kỳ vọng hiệu quả hoạt động của các chi nhánh sẽ tăng cao giúp đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, tạo điều kiện cho MBBank mở rộng quy mô, thị phần trong nước và quốc tế.
Thứ năm, tiết giảm chi phí hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ và số hóa vào hoạt động:
Hoạt động chuyển đổi số được MBBank thực hiện thành công giúp giảm quy mô nhân sự và nâng năng suất lao động với tỷ lệ. Tiếp tục chiến lược số hóa, 5 năm tới MBB sẽ dành ra khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho hạ tầng công nghệ. Do đó, có thể kỳ vọng tốc độ tăng số lượng nhân sự của MBB sẽ chậm hơn tốc độ tăng trưởng khối lượng tài sản trong các năm tiếp theo giúp hạ tỷ lệ CIR của ngân hàng.
Trên đây là tổng quan thông tin về cổ phiếu MBB cũng như phân tích cổ phiếu MBB. Có thể thấy với chiến lược phát triển tập trung vào số hóa hoạt động ngân hàng, MBBank đã và đang chứng tỏ được tiềm năng tăng trưởng về dài hạn để thu hút các nhà đầu tư.