Cổ phiếu khu công nghiệp nổi sóng, tâm điểm mua bán HNG

Trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận và bứt phá tốt là bất động sản khu công nghiệp với hàng loạt các mã tăng trần như KBC, ITA, SZC, BCG… Bên cạnh đó, nhóm nông nghiệp vẫn giữ được sức nóng với sự dẫn dắt của HNG (HAGL Agrico).

VN-Index giao dịch giằng co trong phiên sáng rồi bứt phá từ đầu phiên chiều, đóng cửa ở mốc 1.174,82, tương ứng mức tăng gần 20 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng 5 điểm còn UPCoM cũng tăng 0,5 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 12.546 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chỉ chiếm hơn 1.500 tỷ đồng. Họ thực hiện bán ròng gần 300 tỷ đồng. VHM bị “xả” mạnh nhất với giá trị gần 87 tỷ đồng, theo sau là VCB gần 43 tỷ đồng. CTG, VND, HPG, VIC, SSI, MWG, HSG, BCG… cũng là những mã bị bán ròng. Trong khi ở chiều ngược lại, STB dẫn đầu chiều được mua với hơn 25 tỷ đồng. Tiếp sau là VNM, KBC, DGC, DIG, HDG, GAS, BID, GEX…

Lực kéo hôm nay có sự đóng góp lớn từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Bởi chỉ số VN30 đại diện cho nhóm bluechip chỉ tăng hơn 10 điểm, lên mốc 1.219,44. Trong nhóm này, BID đóng góp tích cực nhất với mức tăng 5,5%. GAS, GVR, POW, ACB, HDB, TPB, TCB… cũng tăng giá đáng kể. Chiều ngược lại là MSN, MWG, SAB, VCB, VHM, VIC, VJC; tuy nhiên mức giảm nhẹ.

Với mức tăng điểm trên, không có nhóm ngành nào phải đóng cửa với sắc đỏ. Tăng mạnh nhất là nhóm thủy sản, khai khoáng, nông nghiệp, nhựa – hóa chất, tiện ích, xây dựng, chứng khoán. Như tại nhóm thủy sản, có 11 mã thì tới 5 mã tăng trần. Tại nhóm khai khoáng, các mã dầu khí có sự phục hồi mạnh sau nhiều phiên giảm.

Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu nông nghiệp với tâm điểm giao dịch là HNG của Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico. Mã này đóng cửa trong sắc tím với khối lượng giao dịch lớn nhất phiên, lên tới hơn 33 triệu đơn vị.

HNG vừa có đợt giảm sâu, lùi về mức giá thấp nhất kể từ khi lên sàn là 4.650 đồng/cp (phiên 20/6). Sự phục hồi gần đây đã giúp mã lên lại mức giá 5.600 đồng. Thời kỳ đỉnh cao, HNG từng giao dịch ở vùng 30.000 đồng. Tuy nhiên, kết quả làm ăn lao dốc của doanh nghiệp với số nợ lớn đã khiến giá cổ phiếu đi xuống theo.

Sau khi HAGL Agrico được chuyển sang cho Thaco, tình hình kinh doanh có phần khả quan hơn. Công ty cũng vạch ra những chiến lược mới mang lại kỳ vọng cho cổ đông. Ngoài ra, trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm có xu hướng tăng cùng áp lực lạm phát, HAGL Agrico với ngành nghề chủ lực là chăn nuôi và trồng trọt sẽ có lợi thế hơn.

Cổ phiếu khu công nghiệp nổi sóng, tâm điểm mua bán là HNG ảnh 1

Không chỉ HNG, cổ phiếu của các công ty nông nghiệp khác như HAG (Hoàng Anh Gia Lai), DBC (Tập đoàn Dabaco), BAF (CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam), ASM (Tập đoàn Sao Mai)… cũng tăng mạnh những phiên gần đây.

Ngoài nhóm nông nghiệp, nhóm bất động sản cũng có phiên “bùng nổ” sau một thời gian dài im ắng. Đặc biệt nhiều cổ phiếu khu công nghiệp tăng trần, tăng mạnh như KBC của Kinh Bắc, ITA của Tân Tạo, BCG của Bamboo Capital, SZC của Sonadezi Châu Đức, LHG của Long Hậu…

Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, doanh thu và lợi nhuận của nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp năm 2022 sẽ tăng trưởng cao, nhờ các yếu tố thuận lợi về quỹ đất sẵn sàng khai thác và giá thuê tăng. So với các nước trong khu vực như Indonesia và Thái Lan, giá cho thuê khu công nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp. Năm ngoái, giá thuê trung bình thấp hơn hai quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam này từ 20 – 30%.

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích 97.840 ha, bao gồm 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 76,1%.