Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/12): GAS, PC1 và TCM
Mục lục bài viết
Tài chính
GAS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 128.000 đồng/cổ phiếu
Theo kết quả sơ bộ, doanh thu năm 2022 của Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 49% và 51% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 16,6 nghìn tỷ đồng và 13,3 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận ròng cũng lần lượt vượt 25% và 89% kế hoạch cả năm 2022. Sản lượng khí khô năm 2022 của GAS ước tính tăng 8% so với cùng kỳ lên 7,7 tỷ mét khối. Sản lượng LPG ổn định ở mức hơn 2 triệu tấn, chiếm gần 70% thị phần.
Tính riêng quý IV/2022, doanh thu của GAS có thể đạt mức tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận giảm 22% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá bán của công ty giảm trong bồi cảnh giá dầu nhiên liệu trung bình giảm 12% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, kết quả kinh doanh dự báo trong quý IV/2022 của GAS phù hợp với ước tính của công ty chứng khoán này, do đó SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 1 năm là 128.000 đồng/cổ phiếu.
SSI giả định lợi nhuận của công ty sẽ giảm 5% so với cùng kỳ do giá dầu giảm so với mức so sánh cao của năm 2022. Mặc dù doanh thu giảm – đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, lượng tiền mặt ròng dồi dào của GAS là 27 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9 sẽ giúp công ty hạn chế được ảnh hưởng của việc lãi suất tăng cao.
Toàn bộ phần xây dựng cơ khí của dự án LNG Thị Vải hiện đã hoàn tất và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI dự báo đóng góp của dự án này sẽ không đáng kể trong năm đầu tiên vận hành.
PC1: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.000 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý III/2022, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.008 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh còn 4 tỷ đồng (giảm 97,2% so với cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt 5.997 tỷ đồng (giảm 21,8% so với cùng kỳ), hoàn thành 61% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng (giảm 56,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 33% kế hoạch năm. Ảnh hưởng từ chi phí lãi vay và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau thuế.
Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) sẽ khả quan hơn do doanh thu mảng xây lắp cải thiện nhờ vào khối lượng lớn hợp đồng ký mới và tiến độ triển khai dự án tốt. Với khối lượng hợp đồng ký mới hiện ở mức hơn 10.000 tỷ đồng và backlog chuyển sang quý IV/2022 khoảng 3.500 tỷ đồng, VCBS kỳ vọng PC1 có thể ghi nhận khoảng 1.260 tỷ đồng doanh thu trong quý IV.
Theo VCBS, quý IV là thời điểm mùa gió tốt hỗ trợ kết quả kinh doanh mảng năng lượng. Công ty chứng khoán này kỳ vọng sản lượng điện gió trong quý IV đạt khoảng 200 triệu kWh và ghi nhận doanh thu hơn 420 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp ở mức khoảng 57%.
VCBS cho rằng tỷ giá hạ nhiệt giúp PC1 có thể hoàn nhập khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý III và không phải ghi nhận lỗ tỷ giá thêm trong quý IV.
Tại thời điểm 9 tháng năm 2022, tỷ giá USD/VND ghi nhận mức tăng 4,8% so với đầu năm. Với đà giảm giá mạnh của tỷ giá trong thời điểm gần đây (hiện tỷ giá USD/VND chỉ còn tăng khoảng 4%) do những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
VCBS kỳ vọng tỷ giá sẽ duy trì mức tăng này đến cuối năm và PC1 có thể hoàn nhập khoản hơn 30 tỷ đồng từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong 9 tháng năm 2022 và tránh khỏi việc ghi nhận lỗ khoản 170 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá trong quý IV.
VCBS cho rằng hoạt động xây lắp của PC1 sẽ được hưởng lợi khi QHĐ VIII được thông qua. PC1 với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong dài hạn nhờ nguồn vốn đầu tư lớn cho cả nguồn điện và lưới điện.
Công ty chứng khoán này cũng cho biết, mảng khai khoáng Niken của PC1 dự kiến sẽ sản xuất thành phẩm trong năm 2023. Mảng bất động sản khu công nghiệp bắt đầu ghi nhận lợi nhuận vào năm sau. Khu công nghiệp Yên Phong II-A sẽ bắt đầu cho thuê vào năm sau. PC1 đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và nắm bắt xu hướng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.
Theo VCBS, PC1 sẽ hưởng lợi khi QHĐ VIII được phê duyệt với xu hướng chuyển đổi ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió trong giai đoạn 2020 – 2035.
VCBS giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế xuống do trong quý III/2022, PC1 chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí lãi vay và khoản lỗ tỷ giá; và lợi nhuận mảng khai khoáng thấp hơn dự kiến trong năm 2023.
VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 8.611 tỷ đồng (giảm 12,4% so với cùng kỳ) và 12.503 tỷ đồng (tăng 45,2%), lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 dự phóng lần lượt đạt 429 tỷ đồng (giảm 43,8% so với cùng kỳ) và 865 tỷ đồng (tăng 101,4% so với cùng kỳ). EPS dự phóng năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 1.076 đồng/cổ phiếu và 2.471 đồng/cổ phiếu.
VCBS khuyến nghị mua đối với PC1 với mức giá mục tiêu trong vòng 1 năm là 29.000 đồng/cổ phiếu.
TCM: PHS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 55.200 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 10 tháng năm 2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đạt 156.4 triệu USD (tăng 25% so với cùng kỳ), tương đương gần 3.700 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu năm 2022, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh mẽ 99% so với cùng kỳ, đạt 9,8 triệu USD, tương đương gần 235 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch lợi nhuận năm 2022 nhờ nhu cầu dệt may thế giới tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp quý III/2022 của TCM được cải thiện lên mức 17,5% từ mức 9,7% vào quý III/2021.
Chuỗi cung ứng dệt – nhuộm – may tạo lợi thế giúp TCM ổn định nguồn cung nguyên liệu, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may. Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), TCM là một trong số ít những doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp TCM tự chủ nguồn cung vải, ổn định biên lợi nhuận.
Tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhằm khắc phục “điểm nghẽn” của ngành là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác. Vào tháng 3/2022, TCM đã hoàn thành xây dựng nhà máy may Vĩnh Long 2, dự kiến đóng góp vào khoảng 30% vào tổng công suất may.
Giai đoạn 2023 – 2025, TCM sẽ tiếp tục đầu tư tiếp các giai đoạn còn lại của dự án Vĩnh Long, gồm nhà máy nhuộm và đan kim với công suất lần lượt là 10.650 tấn/năm và 4.818 tấn/năm
TCM hiện đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&BD) nhằm nâng cao giá trị chuỗi cung ứng, đón đầu xu hướng thị trường. Nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong ngành dệt may, TCM đã và đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu hành động trong sản xuất kinh doanh dựa trên nguyên tắc 3R: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. TCM đã hợp tác với Viện nghiên cứu, kiểm định dệt may Hàn Quốc – KOTITI Global để gia tăng công tác R&BD, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm TCM.
PHS cho rằng TCM được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhu cầu dệt may toàn cầu bị ảnh hưởng, PHS ước tính doanh thu thuần của TCM năm 2023 đạt 4.101 tỷ đồng (giảm 2,6% so với cùng kỳ). PHS ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2023 sẽ giảm xuống mức 16,7% dựa trên tình hình chung của ngành là thiếu đơn hàng trong khi giá bán lại bị ép giảm. Qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 dự phóng đạt 253 tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ).
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu TCM là 55.200 đồng/cổ phiếu, đưa ra khuyến nghị giữ cho TCM.