Có thể trộn sữa mẹ và sữa công thức?

Các bà mẹ đang cho con bú có thể chọn bổ sung thêm sữa công thức cho trẻ bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định bổ sung sữa công thức cho con thì cần phải biết một số điều cần lưu ý trước khi pha sữa công thức với sữa mẹ.

Thực tế, bạn hoàn toàn có thể trộn lẫn 2 loại sữa này với nhau trong cũng một bình sữa, nhưng bạn cần phải làm theo các hướng dẫn pha trộn trước khi kết hợp sữa công thức với sữa mẹ. Việc pha không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng quá mức nồng độ các chất dinh dưỡng cần thiết và gây nguy hiểm cho bé.

1. Vì sao nên pha trộn sữa mẹ với sữa công thức?

Nhiều bà mẹ lựa chọn phương pháp trộn sữa mẹ với sữa công thức cho con bởi nhiều lý do khác nhau, bao gồm:

  • Có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn: Cho trẻ bú sữa mẹ và sữa công thức là một cách hữu ích để giúp các bà mẹ có thêm thời gian để ngủ. Bằng cách này, bố và mẹ có thể thay phiên nhau cho con bú đêm, giúp mẹ có cơ hội nghỉ ngơi.
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho con: Một số phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ nguồn sữa cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Do đó, bổ sung sữa công thức có thể giúp con nhận được nhiều chất dinh dưỡng cần thiết hơn trong khi vẫn bú sữa mẹ.
  • Đi làm trở lại: Nhiều bà mẹ chọn cách kết hợp giữa nuôi con bằng sữa mẹ và bú sữa công thức để thuận tiện khi đi làm trở lại.

Trẻ uống sữa công thức

Dù là lý do gì đi chăng nữa, nếu bạn quyết định cho con bú sữa mẹ và sữa công thức, bạn vẫn có thể pha trộn chúng trong cùng một bình để trẻ sử dụng.

Tuy nhiên, việc cho trẻ bú sữa công thức có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ tiết ra. Một số ít bằng chứng đã cho thấy, trẻ sơ sinh có thể không thích bú mẹ vì chúng muốn học cách sử dụng một kiểu bú khác với bình sữa hơn là bú mẹ.

Những điều này có thể khiến cho việc cho con bú trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên khi bạn và bé vẫn đang cảm thấy thoải mái với việc bú mẹ. Nguồn sữa mẹ sẽ không bị ảnh hưởng nếu bạn bắt đầu cho trẻ bú bình khi chúng lớn hơn một chút.

2. Nuôi con bằng sữa công thức

Trước khi chuyển sang nuôi con bằng sữa công thức, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Bạn nên bắt đầu phương pháp này dần dần để cơ thể có thời gian giảm lượng sữa được tiết ra. Điều này giúp làm giảm nguy cơ bị khó chịu, sưng vú hoặc viêm vú.
  • Nếu bạn muốn quay lại làm việc, bạn nên bắt đầu cho con bú bằng sữa công thức trước một vài tuần để cả hai có thời gian điều chỉnh và thích nghi.
  • Nếu con bạn đã từ 6 tháng tuổi trở lên và có thể uống sữa bằng cốc thì bạn không cần phải cho bé làm quen với sữa bình nữa.

3. Cách cho bé tập bú bình

Cho trẻ tập bú bình

Có thể mất nhiều thời gian để trẻ bú mẹ thích nghi được với việc bú bình vì lúc này trẻ cần phải sử dụng một động tác bú khác. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng khi cho trẻ tập bú bình, bao gồm:

  • Tập cho trẻ bú một vài bình đầu tiên khi trẻ đang cảm thấy vui vẻ và thoải mái, tuy nhiên không nên lựa chọn vào khoảng thời gian trẻ đang đói.
  • Bạn có thể nhờ người khác cho trẻ bú bình đầu tiên để trẻ không ở gần bạn và ngửi thấy mùi sữa mẹ.
  • Sử dụng một tư thế khác để cho trẻ bú bình.

4. Cân nhắc an toàn khi pha sữa mẹ với sữa công thức

Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh thường được sản xuất để cung cấp cho bé một lượng calo và chất dinh dưỡng nhất định trong một lượng sữa cụ thể. Ví dụ, công thức tiêu chuẩn là 20 calo mỗi ounce chất lỏng. Vì vậy, khi pha sữa công thức, các mẹ nên pha theo đúng sự chỉ dẫn để cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho con, tránh tình trạng thừa chất và vượt quá mức quy định.

Tuy nhiên, nếu bạn pha thêm sữa công thức dạng bột hoặc sữa công thức dạng lỏng đậm đặc trực tiếp vào sữa mẹ trước khi pha loãng với nước, nó có thể làm thay đổi sự cân bằng của các chất dinh dưỡng và nước trong cả sữa mẹ và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Thực tế, thận của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chưa phát triển toàn diện như ở người trưởng thành. Thận của trẻ sẽ cần đủ nước để có thể xử lý tất cả các chất dinh dưỡng trong thức ăn được tiêu thụ, đặc biệt là muối và protein. Khi bạn cho trẻ ăn quá đậm đặc có thể gây nguy hiểm và quá sức đối với cơ thể của bé vì chúng không thể xử lý được. Do đó, khi chuẩn bị sữa công thức cho con, bạn phải luôn luôn pha với lượng nước chính xác và làm theo tất cả các hướng dẫn từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã đề nghị.

5. Cách pha sữa công thức với sữa mẹ

Sữa công thức pha xong để được bao lâu?

Khi lựa chọn sữa công thức cho con, bạn thường nhận thấy có ba loại sữa công thức khác nhau, bao gồm: Sữa công thức dạng lỏng đậm đặc, dạng bột và dạng bột pha sẵn.

  • Sữa công thức dạng lỏng đậm đặc và dạng bột

Nếu bạn sử dụng sữa công thức dạng lỏng đậm đặc hoặc dạng bột dành cho trẻ sơ sinh thì hãy đảm bảo pha theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bất kỳ hướng dẫn thay thế nào từ bác sĩ.

Bạn nên pha sữa công thức trước và tách riêng với sữa mẹ. Sữa công thức dạng bột và cô đặc thường được pha loãng với nước vô trùng hoặc nước uống an toàn đã được đun sôi trong 5 phút và sau đó để nguội.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước máy nếu nước trong khu vực của bạn đảm bảo chất lượng và an toàn đối với sức khỏe của bé. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu xem liệu nước máy có thể là một giải pháp thay thế an toàn không.

Sau khi pha xong sữa công thức dạng lỏng đậm đặc hoặc sữa bột, bạn có thể cho thêm chúng vào bình sữa mẹ hoặc cho uống sau bình sữa mẹ.

  • Mẹo an toàn

Bạn tuyệt đối không được thêm trực tiếp sữa công thức dạng bột chưa pha loãng hoặc sữa công thức dạng lỏng đậm đặc vào sữa mẹ. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng sữa mẹ thay cho nước để pha sữa công thức dạng lỏng đậm đặc hoặc dạng bột.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về cách pha loãng / pha sữa công thức cho con bạn một cách chính xác, hãy trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa.

  • Sữa công thức dạng bột pha sẵn

Bạn hoàn toàn có thể thêm sữa mẹ vào bình sữa công thức dạng bột pha sẵn. Loại công thức này thường không đậm đặc (nó đã được pha loãng đúng cách), vì vậy nó không gây ra bất cứ mối lo ngại nào giống như những sản phẩm cần được pha chế trước.

6. Những lý do không nên pha sữa công thức với sữa mẹ

Mẹ nên cho con bú thường xuyên để kích thích tuyến sữa sản xuất ra nhiều sữa

Mặc dù bạn có thể trộn sữa mẹ với sữa công thức đã pha sẵn trong cũng một bình sữa, nhưng có một số lý do chính đáng mà bạn không nên pha trộn 2 loại sữa này với nhau, bao gồm:

  • Không làm lãng phí sữa mẹ: Nếu bạn cho con bú sữa mẹ trước sẽ làm giảm khả năng con bạn không bú hết sữa. Bạn nên để con uống hết sữa mẹ có sẵn trước khi bổ sung thêm sữa công thức.
  • Trẻ sẽ nhận được tất cả những lợi ích từ sữa mẹ: Vì sữa mẹ có chứa nhiều đặc tính dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn so với sữa công thức, do đó tốt hơn hết bạn vẫn nên ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ để bé có thể hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu nhất cho sự phát triển.

Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa…cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: verywellfamily.com, nhs.uk, babycenter.com