Cốc Cốc – ứng dụng thuần Việt đã cạnh tranh như thế nào với ‘gã khổng lồ’ công nghệ Google?

Tại thị trường Việt Nam, Cốc Cốc được coi là đối thủ nặng ký và cạnh tranh trực tiếp với Google. Nhận định về sức mạnh của Cốc Cốc, hãng tin Nikkei Asia còn cho rằng công cụ tìm kiếm trực tuyến thuần Việt này đang ngày càng lớn mạnh trong cuộc chiến với “gã khổng lồ” Google tại thị trường Việt Nam.

Sau 2 năm kể từ khi thành lập, trình duyệt Cốc Cốc đã vượt mặt trình duyệt của 2 tập đoàn công nghệ lớn thế giới là Microsoft và Mozilla để trở thành nền tảng duyệt web được sử dụng nhiều thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Chrome của Google.

Theo hãng nghiên cứu thị trường ComScore (Mỹ), Cốc Cốc là trình duyệt web mang thương hiệu Việt có tốc độ tăng trưởng rất mạnh chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Cốc Cốc cũng đã chứng minh được vị thế và vai trò của ứng dụng bằng những con số rất ấn tượng:

– Tính tới tháng 12/2020, tổng lượng người dùng của Cốc Cốc đã đạt 25 triệu, trong đó có 4 triệu thuộc nền tảng di động, nâng mức thị phần của nền tảng này lên 2,7%, tăng 1,5 lần so với 2019.

– Đặc biệt, đến năm 2020, với thành tích đạt được 13 triệu lượt tải trên di động, Cốc Cốc đã vươn lên vị trí top 4 trình duyệt di động phổ biến nhất tại Việt Nam và là trình duyệt đứng thứ nhất trong số các ứng dụng miễn phí trên App Store vào tháng 11/2020. Trong năm 2020, tổng doanh thu của ứng dụng thuần Việt này đạt đến 235 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với 2019, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế là 30 tỷ đồng.

Trước đà tăng trưởng mạnh như vậy, Cốc Cốc đặt kỳ vọng năm 2021 sẽ đạt 20% thị phần trình duyệt trên máy tính, 15% thị phần công cụ tìm kiếm, cán mốc 20 triệu lượt tải Cốc Cốc trên điện thoại di động.

Được thành lập vào tháng 5/2013, trong bối cảnh thị trường trình duyệt tìm kiếm ở Việt Nam chủ yếu là sân chơi của các “ông lớn” như Chrome, Safari, Firefox…tuy nhiên qua những con số trên, Cốc Cốc đã chứng tỏ được vị thế là trình duyệt web phổ biến thứ 2 tại Việt Nam và khiến ông lớn Google liên tục phải dùng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh.

Mới đây, Google đã “chơi xấu” Cốc Cốc khiến ứng dụng thuần Việt này buộc phải chuyển sang sử dụng chuỗi tác nhân người dùng (UA) của Google Chrome. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Anh – Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc, đây không phải lần đầu và chắc chắn sẽ không phải lần cuối Google có những động thái không lành mạnh như vậy.

“Google đã từng khóa tài khoản quảng cáo và không duyệt nhiều mẫu quảng cáo của Cốc Cốc dù không vi phạm quy định gì, nhưng với cùng 1 nội dung quảng cáo như vậy mà được chạy thông qua 1 agency khác thì sẽ được duyệt”.

“Hiện nay, Google hoàn toàn kiểm soát Android cũng như Play Store, Google cũng đang mạnh tay chi hàng tỷ USD mỗi năm cho Apple chỉ để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.

Ngoài việc lợi dụng chuỗi UA để ngăn chặn người dùng Cốc Cốc đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt, khi truy cập một số dịch vụ khác của Google như Google sheet…trên Cốc Cốc, người dùng sẽ bị chặn và nhận được cảnh báo cần nâng cấp hoặc chuyển sang dùng trình duyệt Chrome”.

Đây được coi là những hành động cạnh tranh không lành mạnh, nhằm triệt tiêu cạnh tranh để chiếm vị trí độc tôn ở Việt Nam của Google.

Song dù phải chuyển sang sử dụng chuỗi UA sẽ tác động tiêu cực đến Cốc Cốc, ứng dụng có thể bị sụt giảm về số liệu thống kê thị phần, người dùng… trong khi thực tế số liệu này không hề giảm.

Nhưng theo ông Nguyễn Vũ Anh, khi phải cân nhắc giữa lợi ích công ty và lợi ích của người dùng Việt Nam, Cốc Cốc đã, đang và sẽ luôn chọn người dùng. Việc thay đổi chuỗi này sẽ không tác động gì đến người dùng, thậm chí, người dùng còn được hưởng lợi do không còn bị Google chặn trên nhiều dịch vụ nữa, quá trình duyệt web sẽ diễn ra mượt và nhanh hơn.

Không ngừng tập trung phát triển những tính năng tiện lợi và trải nghiệm mới mẻ dành riêng cho thị trường Việt Nam với các đối tượng cụ thể, Cốc Cốc đang thành công trong việc định hướng trở thành một trong những ứng dụng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam, tạo ra nhiều giá trị cho người dùng Việt. 


Hồng Nhuận

Theo