Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (Tập 38) – Tịnh Không Pháp Ngữ

Thứ sáu – 06/07/2018 07:09

Chúng ta sẽ tiếp tục bài học ở trên. Chúng ta đã học đến câu “Đối người ở, thân đoan chính. Tuy đoan chính, lòng độ lượng. Thế phục người, người không phục. Lý phục người, tâm mới phục”.

Hôm qua chúng ta cũng đã nói là phải có duyên thì người ta mới có thể gặp nhau, cùng nhau ở chung dưới một mái nhà, cùng làm việc với nhau, đều là những nhân duyên khó gặp. Cho nên đối với những nhân viên và người giúp việc, chúng ta nên có sự quan tâm, yêu thương. Chúng ta cũng phải dạy bảo con cái cung kính đối với những nhân viên và những người giúp việc, phải gọi họ là “chú Trần, cô Trần” chẳng hạn, để các con từ nhỏ đã có thái độ kính trọng đối với tất cả những người lớn tuổi hơn mình.

Vào thời nhà Hán ngày xưa, có một học trò tên là Lưu Khoan. Chúng ta nghe tên thì có thể biết được tính cách của ông, ông là một người khoan hồng, rộng lượng. Bởi vì khi ông còn nhỏ, cha ông đã mong đợi ông như vậy cho nên tính nết của ông tương đối tốt. Người nhà của ông muốn thử xem có thật là ông không biết tức giận không, cho nên đã dặn người làm bưng trà nóng cho ông uống, nhưng lại cố ý làm đổ. Lúc đó Lưu Khoan đang mặc triều phục, sắp vào chầu vua, kết quả là trà nóng đổ lên người của ông. Nhưng phản ứng đầu tiên của Lưu Khoan là hỏi người hầu: “Tay của anh có bị bỏng không?”. Khi một người có đức hạnh như vậy thì tôi tin là gia đình của ông sẽ vô cùng vui vẻ hòa thuận mà noi theo đức hạnh của ông. Hơn nữa, ông lại là quan lớn trong triều nên sẽ ảnh hưởng đến toàn thể triều đình, ảnh hưởng đến toàn thể nhân tâm.

5.11.2 “Tuy đoan chính, lòng độ lượng

Chúng ta phải hiểu được chữ “đoan chính” này tuyệt đối không chỉ có địa vị mà thôi, bởi ngoài địa vị còn có một thứ thực chất còn quan trọng hơn, đó là bổn phận. Khi chúng ta có địa vị càng cao thì trách nhiệm phải gánh vác đối với xã hội càng nặng hơn, chúng ta càng phải thận trọng, dè dặt, luôn luôn phải cảm nhận được nhu cầu của cấp dưới, nhu cầu của nhân dân thì chúng ta mới xứng đáng với địa vị này. Khi chúng ta luôn luôn có ý nghĩ như vậy thì mới thật sự khế nhập với ý nghĩa chân thực của sự phú quý. Trước đây chúng ta cũng đã nói đến như thế nào mới là quý, đó là “được người kính trọng mới gọi là quý”. Khi tất cả mọi người trong lòng đều kính trọng chúng ta thì chúng ta mới thật sự là người cao quý.

Có nhiều người đến nhà chúng ta để giúp việc có gia cảnh rất khó khăn, rất nghèo khổ. Khi họ đã đến nhà của chúng ta thì ngoài việc phải yêu thương họ ra, còn có một điều rất quan trọng là chúng ta cần phải chỉ bảo họ tận tình. Có nhiều em chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi không có cơ hội để đi học nhiều, chúng ta phải nhanh chóng đem những Kinh điển của Thánh Hiền này ra chỉ dạy cho các em, bởi vì sau này các em cũng phải làm cha, làm mẹ. Sau khi các em có được những quan niệm, tư tưởng đúng đắn như vậy, thì tôi tin là cuộc đời của các em nhất định sẽ có sự chuyển biến, gia đình sau này nhất định cũng sẽ có được sự phát triển rất tốt. Thực tế mà nói, chỉ cần chúng ta có lòng thì nhất định có thể làm cho cuộc sống của những người xung quanh chúng ta được tỏa sáng. Đợi đến khi họ hết duyên và rời khỏi gia đình chúng ta, thì tôi tin là họ sẽ luôn luôn quay đầu nhớ lại giai đoạn này, trong lòng họ sẽ cảm thấy vô cùng ấm áp, vô cùng biết ơn. Mở đầu tốt đẹp sẽ có kết thúc tốt đẹp, hãy để mỗi một nhân duyên khi kết thúc đều trở thành những kỷ niệm tốt đẹp. Đây là “đối người ở, thân đoan chính; tuy đoan chính, lòng độ lượng”.

Nếu như họ là khách thuê nhà chúng ta, khách thuê nhà thì có quan hệ gì với chủ nhà? Quan hệ tiền bạc, nhưng cũng là người sống chung dưới một mái nhà, cho nên chúng ta gặp mặt cũng phải có ba phần tình cảm với họ mới được. Nếu như chúng ta chỉ xây dựng quan hệ dựa trên tiền bạc mà thôi thì khi gặp mặt cũng không chào hỏi nhau thì có được hay không? Như vậy họ sẽ sinh bệnh mà chúng ta cũng sẽ sinh bệnh. Do vậy, chúng ta phải nên trân quý mối nhân duyên này. Ví dụ như có món gì ngon hoặc quần áo tốt, chúng ta hãy chủ động đem tặng cho họ một ít, tôi tin là họ sẽ cảm thấy rất ấm áp. Suy cho cùng, đa số họ là những người xa quê hương. Khi chúng ta tỏ ra quan tâm họ thì chúng ta đã thực hiện được lời dạy “tứ hải chi nội giai huynh đệ dã” (bốn biển đều là anh em một nhà) của Thánh Hiền. Các vị độ lượng như vậy thì khi đi đến nơi đâu, tôi tin là sẽ có rất nhiều người xem các vị như là anh em, như là người trong nhà.

“Thế phục nhân, tâm bất nhiên. Lý phục nhân, phương vô ngôn”.

Nếu như chúng ta dùng uy quyền, dùng địa vị của mình để chèn ép người khác thì trong lòng họ sẽ không nể phục. Tuy rằng ngoài mặt đối với chúng ta rất cung kính, nhưng sau khi cúi chào cung kính rồi, chúng ta vừa đi khỏi thì họ có thể sẽ trở mặt, có thể sẽ mắng chửi chúng ta. Nếu như chúng ta chỉ được người khác kính trọng ngoài mặt, thì chúng ta cũng nên kiểm điểm lại bản thân. Bởi vì sự tôn trọng như vậy rất là phù phiếm và giả dối, trong khi cái mà đời người truy cầu thì lại rất thực tế, phải là một cuộc đời chân thực. Có một em nhỏ nói là: “Trong quá trình trưởng thành, mẹ đánh em, em đều quên hết, nhưng em lại nhớ rất rõ mỗi lần cha đánh em”. Cũng đều là sự trừng phạt nhưng tại vì sao lại khác nhau đến vậy? Động cơ mẹ đánh em là gì? Là yêu thương em, là dạy dỗ em, cho nên sau khi bị mẹ đánh thì trong lòng em biết được là em đã sai và sẽ sửa sai. Nhưng động cơ của cha khi đánh em không phải là để dạy bảo, mà có thể khi cơn giận nổi lên thì cha đánh em một trận. Cho nên trong lòng em rất không phục cha của mình và mỗi lần ăn đòn em cũng đều nhớ rõ. Trẻ nhỏ cũng rất biết chúng ta dùng thái độ gì để đối xử với chúng. Chúng cảm nhận được rất rõ ràng. Cho nên chúng ta phải “lý phục người, tâm mới phục”.

Trong gia đình là như vậy, trong công việc, trong công ty của chúng ta cũng phải như vậy. Cho nên người làm lãnh đạo nhất định phải có quy củ. Không thể hôm nay thích người này thì trọng dụng họ, ngày mai không thích nữa thì cho dù họ có năng lực, các vị vẫn chèn ép họ. Dùng quyền lực để ép buộc người khác thì không thể nào có được lòng người ủng hộ. Nên tuân thủ đạo lý: “Lý phục người, tâm mới phục”, phải dùng sự bình đẳng thì mới có thể làm cho lòng người được bình hòa. Phải dùng sự quan tâm, dùng lòng thương yêu kính trọng thì chúng ta mới có thể làm cho không khí của cả tập thể càng ngày càng hòa thuận, càng ngày càng tốt lành. Chúng ta hãy xem tổng quan lịch sử trong mấy nghìn năm của dân tộc chúng ta, triều đại nào chỉ dùng quyền lực, dùng vũ lực để chiếm lấy thiên hạ thì thời gian tồn tại của triều đại đó không được lâu dài. Còn những triều đại nào lấy đạo đức, lấy “hiếu”, “đễ” giáo hóa nhân dân, lấy thân làm gương thì thời gian tồn tại của triều đại đó khá lâu dài, hơn nữa còn có sự ảnh hưởng rất sâu xa đến đời sau.

Chúng ta hãy xem, triều đại nào ở Trung Quốc duy trì lâu dài nhất? Là triều nhà Chu. Nhà Chu lấy đức để trị thiên hạ, dùng đạo lý để thu phục lòng người. Chúng ta hãy xem, dùng vũ lực để chiếm lấy thiên hạ như triều đại nhà Tần chỉ được mấy mươi năm thì bị lật đổ. Cho nên từ trong lịch sử chúng ta có thể học được rất nhiều tấm gương, đó là muốn quản lý gia đình, quản lý xí nghiệp lâu dài, an ổn thì chúng ta tuyệt đối phải dùng đạo đức, tuyệt đối phải dùng lý trí mới có thể cảm được lòng người. Nhờ lịch sử chúng ta có thể từ việc quá khứ mà đoán biết được tương lai, không nên dẫm lên vết xe đổ của người xưa. Như vậy mới không phụ lòng Tổ tiên chúng ta đã để lại bộ sách “Nhị Thập Ngũ Sử” (25 Bộ Sử Ký) của Trung Quốc để giúp đỡ cho cuộc đời của chúng ta.

Đây là câu Kinh văn cuối cùng trong chương “Yêu bình đẳng”. Cụm từ “Yêu bình đẳng” này, dùng danh từ thời nay mà nói thì chính là học vấn về mối quan hệ giao tế giữa người với người. Làm thế nào để người và người giao tế với nhau được tốt? Đó là phải thực hiện được những lời dạy trong chương “Yêu bình đẳng” của “Đệ Tử Quy”. Thật ra, để thương yêu tất cả mọi người thì trước tiên chúng ta phải bắt đầu từ cái gốc căn bản là “hiếu” và “đễ”. Có người nào mà ngay lập tức liền có thể thương yêu tất cả mọi người không? Nhất định chúng ta phải bắt đầu học quan tâm, cống hiến cho những người trong gia đình. Cho nên, Khổng Phu Tử mới nói trong “Luận Ngữ” là: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ” (Hiếu và đễ là cái gốc của việc làm người). Tất cả năng lực xây dựng mối quan hệ giữa người với người tất nhiên đều xuất phát từ trong gia đình. Việc xây dựng nhân cách của con người, mấu chốt vẫn là từ trong gia đình. Cho nên người làm cha mẹ nhất định phải rất cẩn thận, bởi vì sự giáo dục trong gia đình hàng ngày đều ảnh hưởng một cách âm thầm lên tính cách con trẻ. Chúng tôi đem mối quan hệ giữa người với người này biến thành một chữ “nhường”, chữ “nhường” trong từ “nhường nhịn”: “Nhượng tắc hữu dư, tranh tắc bất túc” (nhường nhịn ắt có dư, tranh giành ắt thiếu hụt). Vì vậy, con người chung sống với nhau phải biết nhường nhịn. Nhường nhịn là khoảng cách đẹp nhất giữa người với người. Khi gặp một người bạn rất lịch sự thì các vị có cảm giác như thế nào? Rất thoải mái, rất vui vẻ. Cho nên thái độ lịch sự này là khoảng cách đẹp nhất giữa người với người. Cho dù là thân thiết đến mấy, hoặc là vợ chồng hay cha con cũng phải dùng lễ mà đối xử với nhau, không thể vì quá thân mà không tôn trọng họ nữa. Ví dụ như chúng ta vào phòng người khác cũng không gõ cửa mà cứ đi vào, một lần, hai lần thì có thể họ còn chấp nhận, nhưng nhiều lần thì họ sẽ oán giận. Do vậy, người thân đến mấy cũng phải tôn trọng, cũng phải dùng lễ mà đối đãi, duy trì khoảng cách tốt đẹp nhất. Khi một đứa trẻ từ nhỏ đã biết dùng lễ để đối đãi với người khác thì chúng sẽ trở thành người hiểu được chừng mực, có chừng mực. Do đó, việc học lễ rất quan trọng.

Thật ra tất cả những lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy” đều có liên quan đến lễ nghĩa:

●             Cung kính đối với cha mẹ chính là chương “Ở nhà phải hiếu”, cũng là lễ.

●             Tiếp theo là chương “Biểu hiện của người em”: Anh em yêu thương lẫn nhau, tôn trọng trưởng bối cũng là lễ.

●             Trong chương về “Cẩn thận”:  Đối với đồ vật cũng phải quý trọng, để đồ vật phải có vị trí, đối với thực phẩm không được lãng phí, “với ăn uống, chớ kén chọn”. Đây là dùng lễ mà đối xử với thực phẩm.

●             Chương tiếp theo về “Tín”, “phàm nói ra, tín trước tiên” cũng là sự lễ phép trong lời nói của chúng ta đối với người khác. Những lời đã nói thì không thể không thực hiện, nếu không thì sẽ thất tín, sẽ thất lễ. Trong “Nhạc Kinh” có nhắc tới: “Lễ giả thiên địa chi tự dã (lễ là trật tự của trời đất), cho nên chữ “lễ” trong từ “lễ phép” có sự tương thông với đạo lý. Tục ngữ có câu: “Hữu lý tẩu biến thiên hạ” (có lý có lẽ đi đâu cũng thuận buồm xuôi gió), đó là quy luật rất tự nhiên giữa người với người. Chúng ta không thể vượt qua quy luật này, nếu không sẽ xảy ra xung đột.

●             Trong chương “Yêu bình đẳng” cũng nói về thái độ lễ phép.

●             Trong hai chương tiếp theo là “Gần người hiền” và “Có dư sức thì học văn”, đương nhiên là đối với người nhân đức, đối với thầy cô thì chúng ta nhất định phải lấy lễ để đối xử. Đối với việc cầu học vấn, chúng ta phải dùng đến tâm cung kính. Cho nên mới nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”.

Bản chất của lễ là tâm cung kính, mà tâm cung kính chính là bản chất thiện của chúng ta, là chân tâm của chúng ta. Cho nên chúng ta phải học lễ nghĩa, nhường nhịn. Con người chung sống với nhau cũng cần phải học cách nhẫn nhịn. Chúng ta hãy xem chữ “nhẫn” gồm một chữ “đao” và một chữ “tâm”. Đây là chữ hội ý, thể hiện bản lãnh của chữ “nhẫn” phải đạt đến cảnh giới là người ta cầm dao đâm vào ngực chúng ta, chúng ta cũng không vì thế mà lay động. Đây không phải là người ta thực sự cầm dao đâm vào ngực chúng ta, mà con dao này đại biểu cho những lời nói sắc nhọn của người khác phỉ báng, chế nhạo chúng ta. Những lúc này thì chúng ta cũng phải có thể nhẫn nhịn được. Bởi chúng ta phải hiểu là những phản ứng tình cảm này cũng chỉ là tạm thời, chúng ta không nên chấp nhất với họ mà phải có thái độ bao dung.

Có một câu châm ngôn là: “Đem cái tâm khoan thứ chính mình mà khoan thứ người khác, ắt sẽ kết giao nhiều bạn bè; Đem cái tâm trách người mà trách bản thân, ắt sẽ ít phạm sai lầm”. Thật ra có rất nhiều thái độ mà chỉ cần chúng ta thay đổi quan niệm thì có thể từ địa ngục lên đến thiên đường. Đạo lý này mọi người đều có thể cảm nhận được. Hàng ngày chúng ta tha thứ cho chính mình bao nhiêu lần? Rất nhiều lần. Vậy mà khi người khác phạm phải sai lầm thì chúng ta lại không kìm nén nổi. Cho nên chúng ta phải thay đổi cách nhìn, lấy lòng khoan thứ chính mình mà khoan thứ người khác, như vậy thì người khác sống với chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái, không có áp lực. Vì vậy, chúng ta mới có thể “toàn giao”, có thể kết giao với rất nhiều bạn bè.

“Dĩ trách nhân”, chúng ta hàng ngày đều nhìn thấy người khác có rất nhiều lỗi lầm. Vậy hãy dùng thái độ chỉ trích người khác để kiểm điểm lại bản thân, xét lại bản thân, yêu cầu bản thân. Như vậy thì đức hạnh của chúng ta sẽ tiến bộ nhanh chóng, chúng ta mới ít phạm sai lầm. Cho nên điều quan trọng nhất trong sự nhường nhịn đó là phải có tấm lòng khoan thứ. Tử Cống từng hỏi Khổng Tử là: “Thưa Phu Tử! Có chữ nào có thể phụng hành cả đời không?”. Khổng Phu Tử liền đưa ra chữ “thứ” trong “khoan thứ”. Thật ra ý nghĩa của chữ “thứ” với chữ “nhân” trong “nhân ái” hoàn toàn dung hòa với nhau. Người khoan thứ dùng tâm khoan thứ mình mà khoan thứ người khác (“thứ giả như kỳ tâm”). Chữ bên trên chữ “thứ” là chữ “như”, bên dưới là chữ “tâm”, đó là luôn luôn suy nghĩ từ góc độ của người khác thì tự nhiên rất nhiều xung đột sẽ được giải quyết. Cho nên biết “nhẫn nhịn” thì có thể hóa giải được sự nóng giận dẫn đến đấu tranh.

Tục ngữ có câu: “Nhẫn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Thật ra trong lúc nhẫn nhịn, chúng ta đã mở rộng tấm lòng, vậy là chúng ta đã thực hiện được câu “lý phục người, tâm mới phục”, và đồng thời sẽ thức tỉnh tâm hổ thẹn của họ. Bởi rốt cuộc khi một người đang nóng giận thì họ luôn luôn xử sự theo cảm tính, đến khi bình tĩnh trở lại thì họ sẽ cảm thấy mình đã sai. Cho nên sự nhẫn nhịn này đã nhẫn nhịn ra đức hạnh của mình, cũng nhẫn nhịn ra sự hổ thẹn của đối phương, hơn nữa còn duy trì được mối quan hệ giữa hai bên. Bất luận là nhân duyên đối với người thân hay bạn bè thì cũng rất khó mà có được, do đó đừng để cho tình bạn ấm áp trong nhiều năm chỉ vì một câu nói đau lòng mà mất đi. Như vậy thật không tốt. Cho nên lúc này chúng ta phải nghĩ đến “lời nhường nhịn, tức giận mất”, nhất định phải kìm nén tâm trạng, kìm nén sự tức giận.

Người với người sống chung với nhau, ngoài việc phải “lễ nhượng” ra thì còn phải “nhẫn nhịn”, tiếp đến còn phải “khiêm nhượng”. Khi chúng ta hiểu được “khiêm nhượng” thì người khác như được tắm trong gió xuân. Ngược lại, khi chúng ta có tiền của, có tài mà dương dương đắc ý thì thái độ kiêu ngạo này sẽ làm cho bạn bè, người thân xung quanh cảm thấy bị áp lực. Các vị xem, khi chúng ta còn nhỏ, một số bạn học khi thi có thành tích rất tốt. Họ nói với chúng ta là họ về nhà cũng không ôn bài mà thi được như vậy. Chúng ta về nhà ôn bài rất vất vả thế mà khi thi lại không bằng họ. Họ còn nói với chúng ta: “Tôi về nhà cũng chỉ chơi thôi, không ôn bài gì cả”. Thái độ như vậy là không tốt. Khi người khác đang không được như ý mà các vị lại kể những việc đắc ý của mình thì sẽ làm cho người ta không còn mặt mũi nào nữa. Thái độ kiêu ngạo này sẽ làm người khác bị áp lực, làm tổn thương ấn tượng tốt đẹp và mối quan hệ tốt giữa người với người. Cho nên, “khiêm nhượng” rất quan trọng. Khiêm nhượng có thể cho người khác một lối thoát. Không nên để cho người khác cảm thấy kém cỏi hơn mình, cảm thấy khó chịu.

Ngoài việc để cho người khác cảm thấy thoải mái, dễ chịu, khi chúng ta khiêm tốn thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi, có thể rất nhiều trưởng bối muốn dìu dắt, hướng dẫn chúng ta. Cho nên, chữ “khiêm” có rất nhiều lợi ích. Trong “Kinh Dịch” có nói: “Khiêm quái lục hào giai cát” (sáu hào trong quẻ khiêm đều tốt lành). Khi chúng ta luôn luôn khiêm tốn ẩn giấu tài năng của mình, luôn luôn cho người khác cơ hội thể hiện thì chúng ta dần dần sẽ trở thành một người luôn biết nghĩ cho người khác.        

Khi chúng ta:  

  • Dạy bảo con cái từ nhỏ đã biết lễ nhượng thì chúng sẽ trở thành người biết chừng mực.
  • Dạy bảo con cái nhẫn nhịn thì chúng có thể sống hòa thuận với người khác mà không xảy ra xung đột.
  • Dạy bảo con cái biết khiêm nhượng thì chúng sẽ luôn luôn khiêm tốn, biết nghĩ cho người khác, biết nhường đất diễn cho người khác.

Chúng ta không nên tranh giành, vì tranh giành thì nhất định sẽ bắt đầu từ cạnh tranh, cuối cùng sẽ trở thành đấu tranh, tiếp đến sẽ là chiến tranh. Nhường nhịn có thể có được tình bạn, tranh giành tất nhiên sẽ có thêm kẻ thù. Cuối cùng thì phần lớn sức lực của cuộc sống đều hao tốn vào việc làm sao để phòng chống người khác làm hại mình. Sống như vậy thì rất là mệt mỏi.

*******************

Chương thứ sáu là “Thân nhân – Gần người hiền”. Chữ “thân” trong từ “thân nhân” là thân cận, ý nghĩa là học tập, thân cận người nhân đức. Có hai yếu tố tiên quyết để thành tựu học vấn của một người: Một là có thầy giỏi, hai là có bạn học tốt. Thầy giỏi chỉ đường giúp chúng ta, đem những lời giáo huấn quan trọng chỉ dạy cho chúng ta. Bạn học tốt có thể dìu dắt, nhắc nhở lẫn nhau, có thể “cùng khuyên thiện, cùng lập đức” và có thể “nghe khen sợ, nghe lỗi vui”. Có thái độ như vậy thì nhất định sẽ được “người hiền lương, dần gần gũi”.

Các vị xem, có phải “Đệ Tử Quy” có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống không? Sau này khi có người hỏi chúng ta những vấn đề về cuộc sống thì chúng ta không cần phải căng thẳng nữa rồi. Chỉ cần một quyển “Đệ Tử Quy” là đảm bảo các vị không có gì phải lo lắng cả. Các vị có tin hay không vậy? Phải có đủ lòng tin như vậy.

Một hôm có người hỏi chúng ta là cuộc sống của vợ chồng họ không được tốt đẹp thì phải làm sao. Chúng ta phải giúp đỡ họ. Cuộc sống vợ chồng không được tốt đẹp thì phải làm sao? Các vị phải nói ra câu gì để giúp họ hóa giải? Vì họ không biết nên các vị phải dùng những quan niệm sau để chỉ dẫn họ hóa giải sự xung đột giữa vợ chồng:

  • “Ân phải báo, oán phải quên”. Bởi vì chúng ta chỉ nghĩ đến oán hận thì mới ở đó mà giận dỗi, nếu luôn luôn nghĩ đến sự cống hiến của đối phương thì sự giận dỗi đó có thể giảm đi phần lớn.
  • “Sắp cho người, trước hỏi mình”, không nên luôn luôn đòi hỏi người khác mà phải xem mình đã làm được bao nhiêu.
  • “Lời nhường nhịn, tức giận mất”; “vợ chồng lỗi, khuyên thay đổi, mặt ta vui, lời ta dịu”. Khi nói chuyện mà sắc mặt khó coi thì ai mà tiếp thu được, như vậy nhất định sẽ xảy ra xung đột rồi.

Khi bạn nói ra những câu Kinh văn này thì họ có thể tự kiểm điểm lại mình, vấn đề nan giải sẽ từ từ được hóa giải. Nếu như họ không tự kiểm điểm lại mình thì đảm bảo bài toán này sẽ không có cách giải. Cho nên cương lĩnh về đạo lý nhân sinh đã bao hàm trong “Đệ Tử Quy”. Chỉ cần bạn một môn thâm nhập “Đệ Tử Quy”, thực sự giải hành tương ưng thì sẽ khai mở trí tuệ.

Trong quan hệ giữa thầy và trò, quan hệ giữa bạn học với nhau, chúng ta cũng cần nắm được “cùng khuyên thiện, cùng lập đức”. Khi đối diện với thầy cô thì phải có thái độ ra sao để học tập thầy cô? “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Những bài học mà thầy cô dạy, chúng ta có được cắt giảm bớt không? Không được. Cho nên chỉ cần thầy cô sai bảo là chúng ta phải nhanh chóng thực hiện, không được trì hoãn. Thời nay làm giáo viên rất khó, giáo viên rất sợ gây thù, kết oán với học sinh. Thấy học sinh không mấy vừa lòng thì thầy giáo sẽ rất tôn trọng học sinh để tránh đắc tội với chúng. Nếu như học sinh làm theo lời chỉ bảo, thì thầy cô nhất định sẽ tận tâm, tận lực chỉ dạy. Cho nên chỉ cần chúng ta có thái độ “hiếu” trong chương “Ở nhà phải hiếu” để đối xử với thầy cô, thì tự tính lương thiện của chúng ta đã hiển lộ ra bên ngoài và chúng ta có thể nhanh chóng xây dựng được lý trí. Khi chúng ta dùng lòng chí thành, hiếu thảo, cung kính để đối xử với thầy cô thì tự tính lương thiện, trí tuệ của chúng ta sẽ nhanh chóng biểu lộ ra ngoài.

Dân tộc chúng ta có hai tinh thần quan trọng nhất đó là “hiếu đạo” và “sư đạo”. “Sư đạo” được xây dựng trên nền tảng của “hiếu đạo”. Cho nên mới nói: “Phù hiếu, đức chi bổn dã”, căn bản của “đạo đức” là ở chữ “hiếu”. Người biết hiếu thuận với cha mẹ thì họ nhất định sẽ mong muốn bản thân có thành tựu để lưu danh hậu thế, để cha mẹ được vinh hiển. Vì vậy đối với thầy cô, họ nhất định cũng sẽ vô cùng kính trọng.

Chúng ta cũng đã nói đến sự hợp tác giữa thầy cô và cha mẹ. Nếu giữa cha mẹ và thầy cô mà có sự hợp tác mật thiết thì có thể dạy bảo con trẻ được rất tốt. Tình hình hợp tác giữa thầy cô và cha mẹ thời nay có được tốt không? Một là phụ huynh không nhận thức được sự quan trọng của giáo dục trong gia đình, có phụ huynh lại cảm thấy việc giáo dục con cái là việc của thầy cô. Hơn nữa, cũng do cưng chiều con cái, nên khi ở trường xảy ra chuyện gì, ví dụ như thầy giáo có mắng đứa trẻ này nhiều quá, đứa trẻ về nhà cũng không biết đã truyền đạt lại như thế nào, phụ huynh nghe xong thì đùng đùng nổi giận. Rồi phụ huynh sẽ đi tìm ai? Đi tìm thầy giáo còn đỡ, thậm chí họ còn muốn trực tiếp đi gặp thầy hiệu trưởng để làm rõ sự tình, làm cho sự việc càng phức tạp hơn, bởi vì Hiệu trưởng cũng không có mặt tại hiện trường. Hơn nữa, ban đầu thầy giáo cũng chỉ là muốn răn dạy, hy vọng uốn nắn, muốn tốt cho con cái họ, nhưng họ làm ra hành động này thì có thể Hiệu trưởng sẽ phải đi gặp thầy giáo để nói chuyện. Thế là lòng nhiệt tình của người thầy đã bị dập tắt rồi. Như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm tình của thầy giáo, mà càng phiền phức hơn là làm ảnh hưởng đến thái độ của con cái đối với thầy cô giáo. Trong việc học thì “một phần thành kính được một phần lợi ích”. Khi con cái thấy hơi một tí là cha mẹ đi kiện thầy cô, thì chúng có tôn trọng thầy cô không? Không thể nào. Khi thầy cô không dám dạy bảo nữa thì bọn trẻ làm sao có được đạo đức, làm sao mà hiếu thảo cho được! Đây là một vòng tuần hoàn xấu rồi.

Đương nhiên chúng ta là thầy cô giáo thì cũng phải tự kiểm điểm lại mình, tuyệt đối không thể cầu xin học sinh hay phụ huynh tôn trọng chúng ta. Thời nay không thể cầu xin như vậy được, “sư đạo” cũng tương đối suy thoái rồi. Phải nói như thế nào nhỉ? Giống như sau khi tôi thi vào trường sư phạm làm giáo viên, tôi gặp rất nhiều bạn bè, câu đầu tiên họ hỏi tôi gì? “Tiền lương một tháng của anh là bao nhiêu?”. Như vậy có sư đạo không? Tại sao không có người nào gặp tôi và nói: “Anh đã thi vào trường sư phạm làm thầy giáo. Hàn Dũ có câu nói: Làm thầy chính là truyền đạo, truyền đạt kiến thức và giải đáp nghi hoặc đó”. Nếu nghe được như vậy thì tôi nhất định sẽ tràn đầy niềm vui. Họ lại không nói với tôi là: “Muốn giải đáp sự nghi hoặc của người khác thì trước tiên phải giải đáp được sự nghi hoặc của chính mình. Cho nên làm thầy giáo vẫn phải tiếp tục học tập, học làm thầy giáo thì phải khai mở trí tuệ mới được”. Nếu họ nói như vậy thì đối với nghề giáo tôi nhất định sẽ đầy ắp động lực, hơn nữa cũng không dám buông lơi. Cho nên “sư đạo” cũng cần những người làm thầy cô như chúng ta đi xây dựng lại, chứ không thể đi cầu xin sự tôn trọng.

Có rất nhiều thầy cô giáo ở Hải Khẩu cũng tận tâm, tận lực đi dạy “Đệ Tử Quy”, thực hiện “Đệ Tử Quy”. Có một bà mẹ đã ghi vào sổ liên lạc: “Vô cùng cảm tạ! Vô cùng cảm tạ! Vô cùng cảm tạ!”. Bà dùng liên tiếp ba câu “vô cùng cảm tạ!” để nói lời cảm ơn với thầy giáo. Có một vị phụ huynh quê ở nội địa, trước hôm ba mươi Tết, khi đang ở sân bay Hải Khẩu đợi để lên máy bay về quê ăn Tết đã gọi điện thoại cho thầy giáo của con ông và nói là: “Thưa thầy Lưu! Hiện nay cả gia đình chúng tôi chuẩn bị về nội địa để ăn Tết, tôi đặc biệt gọi điện cho thầy để cáo từ”. Điều này thể hiện rằng vị phụ huynh này đối với thầy giáo rất kính trọng. Sự vô cùng kính trọng này là kết quả, vậy nguyên nhân là ở đâu? Là do sự cống hiến chân thành của thầy giáo khiến cho phụ huynh cũng có thể cảm nhận được. Sự tôn nghiêm của “sư đạo” cần phải nhờ vào sự giáo dục con cái của phụ huynh và chính bản thân các thầy cô giáo làm ra tấm gương tốt cho người ta tôn trọng.

Người thầy vào thời xưa đều sống thanh bần vui với đạo, rất được đại chúng trong xã hội tôn trọng. Phụ huynh chân thật cũng rất biết nắm lấy cơ hội để dạy bảo con cái kính trọng thầy. Cho nên thời xưa có lễ bái sư. Người cha dẫn theo đứa con (đứa bé có thể mới lên năm, sáu tuổi hoặc bảy, tám tuổi) đến phòng dạy học của thầy giáo, cha đứng ở phía trước, con đứng ở phía sau, đầu tiên là hành đại lễ “tam quỳ, cửu khấu” (ba lần quỳ, chín lần khấu đầu) trước tượng của Khổng Phu Tử. Bởi vì những giáo huấn của tất cả các vị Thánh Hiền trong “Ngũ Kinh” đều được Khổng Phu Tử trích ra chỉnh lý vô cùng hoàn thiện, cho nên chúng ta tôn Khổng Phu Tử là “Chí Thánh Tiên Sư”. Khi hành lễ bái sư, đầu tiên, mọi người phải quỳ lạy ba lần, dập đầu chín lần để hành lễ với Khổng Phu Tử. Sau khi hành lễ xong thì thầy giáo ngồi lên trên ghế, người cha dắt theo con mình cũng hành lễ ba lần quỳ, chín lần khấu đầu đối với thầy giáo. Người mà đứa bé năm, sáu tuổi tôn trọng nhất là ai? Là cha mẹ, đặc biệt là người cha. Bởi vì “cha nghiêm, mẹ hiền”, đối với cha thì trẻ nhỏ rất kính sợ, nên khi người cha cung kính đối với thầy giáo như vậy thì trong tâm hồn non nớt của chúng, đối với thầy giáo chúng nhất định sẽ không dám lơ là chậm trễ, không dám khinh suất mà vô cùng kính trọng. Tuy chỉ là lễ nghi tam quỳ cửu khấu, nhưng đã làm cho cái gốc của sự học của con trẻ được cắm xuống. Đó là sự kính trọng.

Thời nay có còn lễ nghi hay không? Không còn nữa. Năm thứ nhất khi tôi làm thầy giáo, tôi dạy lớp 6. Có một bà cụ khoảng sáu – bảy mươi tuổi, vì cháu quên không đem vở bài tập đến lớp nên bà đã đem tới giúp cháu. Bà phải leo bốn tầng lầu, đến nỗi thở gấp. Việc bà cụ giúp cháu như vậy là đúng hay sai? Không đúng rồi. Cháu đã lớn như vậy thì phải tự mình chịu trách nhiệm lấy, nếu không thì cả đời cháu sẽ không học được tinh thần trách nhiệm. Khi vị trưởng bối này ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi thì liền lập tức gập người xuống tới chín mươi độ để cúi chào tôi. Bà nói: “Thầy Thái! Chào thầy!”. Cái cúi chào đó làm cho tâm cảnh của tôi cảm thấy khác hẳn: “Liệu hai chữ “thầy giáo” đó gánh vác có dễ không?”. Các vị có biết tại sao lưng của tôi hơi bị còng không? Trưởng bối cúi chào và nói “chào thầy!” như vậy, trách nhiệm của người làm thầy giáo thật nặng nề. Nếu như chúng ta không cố gắng dạy dỗ con cháu của họ thì làm sao mà xứng đáng với cái cúi chào chân thành này! Vì vậy tôi chợt hiểu ra rằng, thời xưa hành lễ bái sư, khi cha của học sinh hành lễ tam quỳ cửu khấu với thầy giáo, xin hỏi trong lòng của vị thầy đó có cảm nhận như thế nào? Cảm thấy có trách nhiệm. Người ta đối xử với mình như vậy, nếu như mình không dạy dỗ tốt con cái của người ta thì làm sao mà xứng đáng chứ! Trong lòng người thầy giáo như có đeo một khối đá lớn vậy. Đến khi con trẻ thực sự có thành tựu thì trong lòng người thầy mới có một chút an ủi. Bởi vậy, những vị thầy ngồi bên trên để cho người ta cúi lạy sẽ không có cảm giác thoải mái dễ chịu đâu, mà có cảm giác nơm nớp lo sợ, như đến gần vực sâu, như là đi trên băng mỏng vậy.

Thầy giáo không chỉ nghĩ đến trách nhiệm đối với con cái của người ta, đối với gia đình người ta mà còn vì không muốn sự truyền thừa văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên đến đời mình thì bị thất truyền. Đây cũng là bổn phận mà họ luôn luôn phải ghi nhớ. Cho nên Đạo Nho đặc biệt nhấn mạnh đến “kế nghiệp thầy”. Thế nào gọi là kế nghiệp thầy? Điều này đáng để chúng ta tìm hiểu.

Thầy của tôi là giáo sư Thích Tịnh Không. Ngài đến Đài Trung để thọ giáo với Ngài Lý Bỉnh Nam. Lần đầu tiên đến, Lý lão sư nói với Ngài là: “Nếu con theo thầy học thì thầy có ba điều kiện con nhất định phải tuân thủ. Con phải tuân thủ được thì thầy mới dạy con.

  • Điều thứ nhất là con chỉ được nghe theo lời của một mình ta.
  •  Điều thứ hai là những sách con muốn xem, những gì con muốn tiếp cận phải được sự đồng ý của ta thì mới được xem.
  • Điều thứ ba là những điều trước đây con đã học, ta không thừa nhận”.

Bởi vì lão sư của tôi lúc đó cũng đã đi giảng Kinh rồi, nhưng Lý lão sư lại nói là những gì Ngài học trước đây đều không thừa nhận. Chúng ta hãy xem xét kỹ càng ba quy định này. Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy mặt nghiêm khắc của quy định này, mà phải xem sự ảnh hưởng, lợi ích của quy định này về sau, như vậy chúng ta mới có thể yên tâm tuân thủ.

Tại vì sao điều kiện thứ nhất là chỉ được nghe một mình thầy giảng? Bởi vì khi chúng ta chưa khế nhập được học vấn chân thật thì rất có khả năng sẽ loay hoay ở trên phần ngọn. Các vị càng tiếp xúc với nhiều sự vật thì đến cuối cùng sẽ không tìm ra được đầu mối. Một vị thầy thì một con đường, hai vị thầy thì hai con đường, ba vị thầy thì chúng ta sẽ đứng ở ngã ba, bốn vị thầy thì chúng ta đứng ở ngã tư rồi. Các vị hãy bình lặng mà suy xét và quan sát, các vị có thấy rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều người thích đọc sách, nhưng khi họ đọc được ba năm, năm năm thì tư tưởng của họ càng ngày càng lộn xộn hay không? Ví dụ như họ thấy một tác giả nước ngoài nào đó đã viết như thế này, rồi lại đọc một cuốn sách khác viết như thế nọ, cứ như vậy thì tư tưởng quan niệm của họ sẽ không nắm vững được cương lĩnh đạo đức. Cho nên “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”. Dạy và học là một việc, nên đạo học phải quý ở chữ “chuyên nhất” mới được. Nếu như học bốn vị thầy giáo thì sẽ biến thành ở ngã tư đường rồi. Hơn nữa, khi chúng ta học đã loạn rồi, ví dụ như các vị học được ba năm, năm năm đã bị loạn rồi, phải học lại từ đầu thì có dễ hay không? Như vậy không dễ rồi, chúng ta phải mất rất nhiều năm để loại bỏ những tư tưởng sai lầm. Do đó, chọn thầy không thể không cẩn thận. Chọn thầy phải thật cẩn thận.

Từ bài giảng trong mấy ngày hôm nay của chúng ta, quý vị có cảm thấy sự quan trọng của việc “thận ư thủy” (cẩn thận từ lúc ban đầu) hay không? Các vị phải có trí tuệ thì mới giúp cho con cái có thể “cẩn thận ngay từ lúc ban đầu”. Các vị có trí tuệ thì mới không khiến cho quyết định của mình bị thiên lệch. Như vậy, vì sao thầy giáo đưa ra điều kiện thứ nhất là ngoài thầy ra thì học sinh không được nghe bất kỳ một người nào khác? Là để bảo vệ tri kiến của học trò mình.

Điều thứ hai là những sách vở muốn tiếp xúc phải được sự đồng ý của thầy, nếu không thì không được xem. Đây cũng là yêu thương bảo vệ học trò, để cho học trò chuyên tâm, không bị rối loạn. Bởi vì có chuyên tâm thì mới đạt được định, có định rồi thì mới khai mở trí tuệ. Do đó, điều kiện thứ hai này là tất cả các cuốn sách muốn xem phải được sự đồng ý của thầy thì mới được xem. Đây cũng là bảo vệ học trò của mình.

Điều thứ ba là tất cả những điều trước đây đã học đều không được thừa nhận. Điều này có dụng ý gì? Dụng ý ra sao? Có câu nói: “Bình rỗng thì kêu to, người biết nửa vời là người khó dạy nhất”. Cho nên Lý lão sư muốn Ngài Tịnh Không buông bỏ hết toàn bộ, buông bỏ hết mọi thứ để trong tâm được trống rỗng, dùng thái độ khiêm tốn, nhún nhường để thọ giáo, như vậy mới có thể học được tốt.

Ba điều kiện trên đây có ý nghĩa rất sâu xa. Thầy của tôi đã đồng ý. Kết quả khi tuân thủ được ba tháng thì trong lòng Ngài vô cùng hoan hỷ, Ngài liền chạy đến nói với Lý Lão sư là: “Thưa thầy! Trong ba tháng này con đã cảm nhận được, nhờ tuân thủ ba điều kiện này mà tâm của con càng ngày càng thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh mới có thể sinh trí tuệ, mới có sự giác chiếu, cho nên Ngài đã nói với Lý Lão sư là: “Con không chỉ tuân thủ trong năm năm, con xin tăng lên gấp đôi”, nghĩa là sẽ tuân thủ trong mười năm.

Khi chúng ta muốn học tập theo Thánh Hiền thời xưa thì nhất định chúng ta phải tuân thủ theo ba điều kiện trên, không được xem quá nhiều sách tạp nhạp! Nhất định phải đi theo con đường cũ, nếu không thì sẽ là “không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Chúng ta muốn tìm thầy, muốn theo thầy học cho tốt, điều cốt yếu nhất của chữ “theo” này không phải là theo bằng thân thể này mà là tâm phải theo. Thầy giáo dạy một câu, chúng ta phải thực hiện một câu. Giống như ngày xưa, Mạnh Phu Tử tuy không gặp được Khổng Phu Tử, nhưng Mạnh Phu Tử vô cùng kính trọng và thành kính bái Khổng Phu Tử làm thầy. Tấm lòng kính trọng và chân thành của ông đã vượt qua không gian và thời gian, cho nên ông đã học tập rất tốt và được tôn là “Á Thánh”, là Thánh nhân đứng sau Khổng Phu Tử. Tư Mã Thiên cũng bái Tả Khâu Minh làm thầy, vô cùng kính trọng khi đọc sách “Tả Truyện”. Sau đó Tư Mã Thiên cũng tiến sâu vào công phu nghiên cứu văn chương của Tả Khâu Minh, nhờ vậy ông đã viết ra một tác phẩm bất hủ và vĩ đại, đó là bộ “Sử Ký”. Như vậy, chúng ta có thể theo Thánh nhân học được tốt hay không, quan trọng nhất là phải nâng cao sự hiếu học và lòng thành kính của bản thân mình đối với Kinh điển, đối với thiện hữu, đối với thiện tri thức.

****************

Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 38)

Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không

Giảng ngày: 15/02/2005

Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ